Truyện ngắn dự thi: Nơi tình người ở lại

TRẦN ĐÌNH HIẾU |

Trong màn đêm tĩnh lặng, đang miên man với những dự định cho công tác phối hợp thăm tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số đang trong khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hoài chợt giật mình bởi tiếng chuông điện thoại, với tay cầm điện thoại lên thấy số lạ, Hoài tính không nhấc máy bởi bình thường vào giờ này cô đã để điện thoại ở chế độ máy bay và ít khi nhắn tin hay gọi điện vào ban đêm. Thế nhưng như có gì thúc giục cô bấm nút trả lời và đưa lên nghe, đầu dây bên kia thấy tín hiệu trả lời liền hỏi ngay:

- Xin lỗi có phải số chị Hoài, cán bộ Công đoàn công ty không ạ?

- Vâng, xin lỗi ai đầu dây vậy ạ?

- Dạ, em là Lan ở xưởng may... chị ơi...

Vừa nói đến đó, Lan đã òa lên khóc nức nở, Hoài cảm thấy chột dạ, lồng ngực mình dường như bị ai đó bóp nghẹt, mặc dù cũng rất sốt ruột vì không biết chuyện gì xảy ra nhưng Hoài vẫn lặng yên cho Lan qua cơn xúc động. Khi xúc động qua đi, cuộc trò chuyện giữa Hoài với Lan câu được, câu mất bởi những tiếng nấc nghẹn ngào của Lan. Qua câu chuyện không đầu không cuối, Hoài được biết ở quê mẹ Lan vừa mất do bị nhiễm COVID-19 mà không rõ nguồn lây, bà ngoại lại đang cấp cứu ở bệnh viện do nhồi máu cơ tim, gia đình Lan không còn ai là người thân để lo hậu sự cho mẹ và chăm sóc cho bà tại bệnh viện. Số tiền tiết kiệm được cô cũng mới gửi về cũng chẳng thấm tháp vào đâu nên mẹ cô đành dứt ruột bán đi mấy công đất trồng hành để trang trải viện phí và lo thuốc thang cho bà ... Giờ nghe tin mẹ đã mãi mãi ra đi, cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng đến cùng cực mà không biết phải như thế nào và không biết nói với ai nơi đất khách quê người, sực nhớ tới Hoài, cán bộ Công đoàn công ty nên cô đã gọi điện cho Hoài để tâm sự và xin cô một lời khuyên.

***

Là cán bộ Công đoàn nên Hoài nắm rõ quy định của các địa phương về công tác phòng, chống dịch, trường hợp Lan xin nghỉ việc trong giai đoạn này là coi như kết thúc hợp đồng lao động bởi khi quay lại công ty, ngoài phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định, không biết công ty có tiếp nhận lao động nữa hay không bởi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, các tỉnh miền Tây đang siết chặt quản lý người di chuyển từ các tỉnh thành khác về địa phương, khi công dân về đến địa phương cũng bắt buộc phải áp dụng biện pháp cách li 14 ngày, nếu như vậy thì Lan cũng không thể về đến nhà lo hậu sự cho mẹ hoặc vào viện chăm cho bà được. Đem sự hiểu biết của mình phân tích cho Lan hiểu, động viên Lan nén đau thương tiếp tục ở lại làm việc, đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì Lan có thể xin nghỉ phép năm về thắp nén nhang tạ tội với mẹ, thăm bà và gia đình. Còn về chi phí an táng thì Hoài động viên cô an tâm bởi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người chết do mắc COVID-19.

Khi nghe những lời giải thích của Hoài, Lan cũng hiểu ra nhiều điều, nói thì dễ nhưng bổn phận làm con trước cái chết của mẹ mình thì việc quyết định giữa ở lại hay đi về quê lo hậu sự cho tròn đạo hiếu như đang giằng xé tâm can của Lan, những tiếng khóc nấc nghẹn ngào cứ vang lên trong đêm tối mịt mù...

Tắt điện thoại, Hoài lan man với những suy nghĩ không đầu không cuối, thương cho hoàn cảnh của người công nhân xa quê trong thời điểm khó khăn nhất mà mình thì cũng không có khả năng về tài chính để giúp đỡ họ, ngày mai lên công ty cô sẽ vận động mọi người quyên góp hỗ trợ phần nào cho Lan vượt qua những khó khăn trước mắt. Mải mê với những suy nghĩ, Hoài thiếp đi trong mệt mỏi của một ngày bận rộn...

***

Trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh những ngày đầu khi chưa xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ tư như một thước phim quay chậm ẩn hiện trong hồi tưởng của Hoài. Những ngày ấy, các tỉnh giáp ranh với Bình Phước bắt đầu bùng dịch, là cán bộ Công đoàn nên Hoài đã cùng Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn về dịch bệnh COVID-19 thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong doanh nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho người lao động, thường xuyên làm vệ sinh môi trường nơi làm việc...

Cùng với nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận trong công nhân, viên chức, lao động, nhất là tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, để dự báo tình hình, xây dựng phương án, kịch bản nhằm xử lý tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong trường hợp xảy ra “điểm nóng”. Sử dụng fanpage của Công đoàn cơ sở để lan tỏa, thông tin, định hướng tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và có thể kích động công nhân, người lao động đình công, lãn công tại công ty.... Mà những ngày ấy, Hoài như con thoi, làm việc không ngơi nghỉ, có lúc tưởng chừng như cô đã gục ngã, nhưng với lòng yêu nghề, chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh của công nhân, người lao động, Hoài lại gắng gượng để cùng với 4000 công nhân, người lao động của công ty sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất...

Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, công ty của Hoài xuất hiện chùm ca F0 không rõ nguồn lây, số lượng F1, F2 cứ phát triển thành cấp số nhân, không đủ nhân lực, Hoài cùng Ban chấp hành công đoàn công ty tình nguyện tham gia đội hình lấy mẫu, truy vết nguồn lây... Đội ngũ y, bác sĩ tham gia truy vết cộng đồng họ có đồ bảo hộ, còn lực lượng tình nguyện như Hoài hầu như không có, nên ngày đầu Hoài tỏ ra lo lắng, bởi là mẹ đơn thân của 02 đứa con gái nhỏ, Hoài chỉ sợ mình cũng bị nhiễm rồi về lây cho con khi chúng chưa được chích ngừa vaccine mà có chích thì cũng chưa đủ tuổi, nên Hoài đành phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Những ngày đầu về nhà sau một ngày mệt mỏi, trong căn nhà chỉ có một mình, vắng tiếng nô đùa của con, Hoài cảm thấy cực kỳ bí bách và như muốn điên lên. Nhưng nghĩ tới hoàn cảnh của những công nhân, người lao động khi họ đã phải xa quê, ở trong những căn nhà trọ cũ mèm, sờn rách để lo cho cuộc sống, Hoài lại nén cảm xúc của mình bởi dẫu sao mình không giàu nhưng cũng có điều kiện hơn họ, nên Hoài cố nuốt sự cô đơn, trống trải để tiếp tục những công việc còn dang dở.

***

Bình Phước, sau những ngày kiên cường chống dịch nhưng số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh tăng cao, tỉnh áp dụng việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công ty của Hoài phải áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, Ban chấp hành Công đoàn cùng lãnh đạo công ty đã họp bàn với công nhân, cho họ phương án lựa chọn: một là khi nào hết dịch bệnh mới được về hoặc là khi có nguyện vọng trở về, công nhân phải báo lãnh đạo doanh nghiệp sắp xếp. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản ấy, nhưng đối với Hoài là những tháng ngày bận rộn, điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn của công nhân, người lao động đại loại như: chị ơi, em vào đây rồi có được về thăm con không?; chị ơi, nhu yếu phẩm cần thiết thì được đưa vào như thế nào?; chị ơi, cơm nhà bếp nấu dở quá, đồ ăn bị thiu... hàng ngàn câu hỏi khiến cho Hoài phải làm việc và nói, nhắn tin hết công suất...

Mà đâu chỉ lo cho công nhân, người lao động ở khu lưu trú, những công nhân, người lao động đang bị nhiễm COVID-19 hoặc bị kẹt lại ở những khu vực cách li, phong tỏa họ cũng đang cần sự giúp đỡ khi không có tiền ăn hay mua được nhu yếu phẩm... nên có chuyện gì họ cũng có thể gọi điện, nhắn tin qua Zalo, Messenger cho Hoài dù đó là nửa đêm hay 01, 02 giờ sáng. Giữa những áp lực công việc ấy, Hoài dường như muốn buông xuôi bởi như ngay bản thân mình không chồng phụ lo công việc gia đình, chăm sóc con cái khi chúng cũng không được ở cùng với mẹ mà phải ở với ông bà ngoại, trong khi Hoài lại phải tất bật chăm lo cho hàng ngàn hoàn cảnh khác. Nhưng bản tính lương thiện và trách nhiệm của một cán bộ Công đoàn, nên Hoài lại gắng sức để có thể cùng với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đi vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân hỗ trợ, gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm cần thiết. Số tiền, hàng nhu yếu phẩm mà Ban chấp hành công đoàn nhận được trị giá lên đến cả tỉ đồng...

***

Trong giấc ngủ chập chờn, mệt mỏi, hình ảnh của Ngân và Hà hiện lên trong tâm trí Hoài rõ mồn một. Đó là những ngày Ngân bị nhiễm COVID-19, đây là người công nhân mà Hoài thương và yêu quý nhất, hoàn cảnh của Ngân cũng rất đỗi thương tâm, khi còn nhỏ do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố bị tai nạn lao động nằm liệt giường nên mẹ cô đành đứt ruột gửi cô vào nhà chùa nương nhờ nơi cửa Phật, khi vừa đủ tuổi lao động Ngân xin phép rời chùa xin vô nơi công ty Hoài làm việc để có thêm điều kiện giúp đỡ mẹ lo cho bố và đàn em nheo nhóc; còn Hà là sĩ quan trong quân đội, cũng là một người từng đứt gánh giữa đường mà cô đã làm quen khi bắt đầu mùa dịch, với Hoài anh là điểm tựa, là nơi Hoài có thể tâm sự thâu đêm, suốt sáng về chuyện đời, chuyện người và những câu chuyện riêng tư, thầm kín nhất. Anh rất hiền và trầm tính cộng với bản lĩnh của người lính đã trải qua hơn 20 năm quân ngũ, cùng với đó là vốn kiến thức phong phú, mối quan hệ, giao thiệp rộng nên anh vừa là chỗ dựa tinh thần vững chắc và có thể giúp đỡ Hoài rất nhiều trong công tác chuyên môn, cũng là nơi để Hoài trút bầu tâm sự của mình mỗi khi mỏi mệt.

Khi ấy Hoài đang ở công ty thì nhận được tin nhắn: “Chị ơi, em sắp chết rồi, em không thở được...” ... đọc tin nhắn mà Hoài bàng hoàng, tay cầm điện thoại rung lên, xém chút nữa thì rớt luôn cả điện thoại. Đôi bàn tay luống cuống, bấm số điện thoại của Ngân, đầu dây bên kia chỉ là những tiếng chuông dồn dập, rồi những tiếng tút tút trong vô vọng mà không có tiếng người trả lời. Hoài cuống cuồng lên vì không biết xử trí ra sao khi Ngân đang ở trong khu cách li, phong tỏa mà cô thì không quen biết ai ở trong khu vực ấy để có thể nhờ họ giúp đỡ. Nhớ đến Hà, cô vội bấm số của anh, vừa nghe tiếng anh alo, Hoài xổ luôn một tràng thông báo tình hình và nhờ anh giúp đỡ cho Ngân. Ở đầu dây bên kia, Hoài cảm nhận được anh cũng rất lo lắng nhưng vẫn không quên động viên cô bình tĩnh, mọi việc để anh xử lý. Năm phút sau, điện thoại đổ chuông, Hoài lật đật cầm máy, vẫn chất giọng ấm áp, đều đều anh thông báo cho cô biết anh đã liên hệ với địa phương, cơ quan y tế, hiện bên đó đã cử người và lực lượng y tế xuống xem xét tình hình. Từng phút giây trôi qua, lòng Hoài như lửa đốt không biết tình hình Ngân ra sao? Tiếng chuông điện thoại lại đổ dồn, Hoài vui mừng khi thấy số điện thoại của Ngân và càng sung sướng hơn khi Ngân cho biết vừa có mấy anh, chị đến giúp đỡ, hướng dẫn Ngân tập thở, tiếng của Ngân cười giòn tan cho biết, có lẽ em đói quá khi hơn 01 ngày nay chưa ăn gì và không có gì để ăn nên khi được 01 chị trong đoàn nấu cho 01 tô cháo gói cho ăn để uống thuốc nên cô đã dần tỉnh lại. Trong lòng Hoài, cảm giác ấm áp lạ thường khi biết Ngân đã qua cơn nguy hiểm và thầm cảm ơn Hà đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho Hoài và Ngân trong thời điểm khó khăn nhất....

***

Trong cơn mê ngủ, hình ảnh và nụ cười trìu mến của Hà cứ bám lấy tâm trí Hoài thật ấm áp, lạ thường. Có lẽ trong trái tim Hoài đã rung động trước những tình cảm của Hà và sẵn sàng đón nhận những tình cảm ấy mà bao nhiêu năm Hoài đã cố tình đóng chặt nó để lo cho các con. Và giờ đây, nó là một cơ hội tốt để Hoài nắm lấy, để đón nhận những tình cảm yêu thương từ Hà giành cho mẹ con cô, mà Hoài không thể bỏ lỡ được.

Sáng hôm sau, Hoài đến công ty thật sớm soạn thư ngỏ đăng lên fanpage Công đoàn công ty để kêu gọi mọi người quyên góp hỗ trợ cho Lan. Thông tin vừa đăng tải đã có hàng loạt bình luận nhất trí quyên góp và còn vận động mọi người cùng tham gia.

Đang ngồi tổng hợp danh sách người lao động quyên góp hỗ trợ cho Lan, Hoài ngước mắt nhìn lên khi thấy thấp thoáng phía ngoài cửa văn phòng có một bạn công nhân nữ dường như nửa muốn bước vào nửa lại thôi. Hoài đứng dậy tiến nhanh ra cửa tính hỏi xem bạn công nhân đó cần gì, vừa mở cửa văn phòng thì bạn công nhân ấy lên tiếng trước:

- Dạ, chào chị! Em là Lan, là người tối hôm qua mới gọi điện cho chị.

Lan ngần ngại bước vào văn phòng, không dám ngồi xuống ghế, mặt cứ cúi gằm, hai gò má ửng đỏ, hai bàn tay cứ mân mê lấy tà áo của mình.

- Ngồi xuống đi em, em uống nước đi, em đã quyết định chưa hay có chuyện gì em cứ nói, đừng ngại.

- Chị ơi, chị gỡ bài đăng sáng nay trên fanpage Công đoàn được không ạ? Hoài chợt giật mình, vì là cán bộ Công đoàn quản lý trang Fanpage nên Hoài đã chủ động đăng tin theo suy nghĩ và cảm tính có mình, phải chăng đã chạm đến lòng tự trọng của Lan, nên cô mới có phản ứng như vậy? Trấn tĩnh lại, cô nhẹ nhàng nói với Lan:

- Xin lỗi em, chị cũng tự ý khi đăng Thư ngỏ mà chưa được sự đồng ý của em, nhưng chị nghĩ rằng đó là hoạt động thường xuyên của Ban Chấp hành Công đoàn và trên trang Công đoàn mình em ạ, em thấy có vấn đề gì sao?

- Đúng là hoàn cảnh của em hiện tại rất khó khăn, và em cũng không biết xoay xở ra sao. Nhưng em ngại lắm chị ạ, vừa phiền mọi người, mà em sợ mọi người lại nói em lợi dụng lòng tốt của họ vì sáng nay em liên hệ được dưới quê thì được bác hàng xóm bảo em đừng lo, ở dưới đó chính quyền và bà con lối xóm đang chung tay lo hậu sự cho mẹ em được chu tất, còn cử người vào viện chăm sóc cho bà ngoại, bác ấy còn bảo em đừng về vì về sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, nên em cũng không thể về nhà để lo đám tang cho mẹ hay vào viện chăm cho bà được. Thế nên em quyết định sẽ ở lại tiếp tục làm việc chị ạ, khi nào dịch ổn em sẽ về.

Nhìn đôi vai cô công nhân đang rung lên vì đang cố kìm nén cơn khóc, Hoài nhẹ nhàng ôm lấy bờ vai cô gái, cất giọng nhẹ nhàng:

- Chị hy vọng em sẽ vượt qua được giai đoạn này và cố gắng lên em nhé, chị đã báo với chủ quản xin cho em nghỉ ít ngày để ổn định tinh thần, sau đó em có thể đến công ty làm việc.

- Dạ, em không nghỉ đâu chị ạ, em vẫn sẽ làm việc để bớt suy nghĩ, chứ em nghỉ làm, ở một mình tại phòng trọ chắc em không chịu nổi. Chị cho em gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã quan tâm em, còn giờ em xin phép chị em về xưởng.

Tiễn cô công nhân ra khỏi văn phòng, quay lại bàn làm việc Hoài thấy khâm phục khả năng chịu đựng và lòng tự trọng của cô công nhân khi sợ mọi người nghĩ xấu về mình. Hoài quay lại thống kê số tiền mà mọi người quyên góp để hỗ trợ cho Lan dù không nhiều nhưng trong lòng cô cảm thấy có điều gì đó thật ấm áp khi....

***

Phía ngoài cửa, từng ánh nắng ban mai đang len lỏi qua từng kẽ lá in hình lên tấm cửa kiếng những hình thù kì lạ, nhưng thật vui mắt. Hoài quay trở lại công việc của mình, trong lòng có cảm giác lâng lâng khó tả. Cô cảm thấy hạnh phúc bởi tình người trên mảnh đất này luôn ấm áp, sẵn sàng sẻ chia với nhau dù hoàn cảnh của mình cũng còn những khó khăn nhất định. Hy vọng bằng những sự sẻ chia cộng với sự quyết tâm và khát vọng vươn lên của người lao động đại dịch COVID-19 sẽ bị đánh bay, cuộc sống sẽ bình thường trở lại, nụ cười lại nở thắm trên môi người công nhân để cùng đoàn kết nhất trí tăng năng suất lao động, góp công sức của mình để phát triển doanh nghiệp, ổn định sản xuất, đưa kinh tế của tỉnh nhà phát triển lên một tầm cao mới, góp phần nhỏ bé đưa Việt Nam trở nên hùng cường, vững mạnh.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo. Hoặc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh.

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
TRẦN ĐÌNH HIẾU
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Sáu Hoa

Đinh Thành Trung |

Bóng trùm nhà tạm. Gọi là lều cũng được. Bóng trăng ra khi có thêm một ánh đèn chiếu tới. Đèn tỏa sáng, đánh thức mấy cái đầu ngái ngủ uể oải bước ra sân. Nhìn từ trên xuống, dãy lều xanh lơ như biến thành quần thể di tích nào đó. Nhiều con người lặng lẽ bước ra.

Truyện ngắn dự thi: Đêm đô thị

Hoàng Anh Linh |

Thanh vừa tan ca về. Anh mệt nhoài trườn chiếc xe Wave đã cũ vào một con hẻm. Con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người ngồi trên xe máy ra vào. Ngày mưa, nước đọng thành từng vũng nhỏ. Thanh lặng lẽ len chiếc xe qua lối hẹp thật khéo nhưng một vài tia nước bẩn vẫn bắn lên gấu quần. Hai bên vách tường xám xịt đều dán chi chít những tờ quảng cáo. Hôm nay có một tờ giấy mới vừa được dán. Thanh nhìn lướt qua thấy dòng chữ “cho vay”. Qua khỏi đoạn hẻm là một dãy nhà trọ thấp lè tè, tối tăm ẩn nép ở phía sau một chiếc cổng sắt đã rỉ lúc nào cũng khép. Trên cổng có vài dây tigon vắt qua, đong đưa từng chùm hoa gầy nhẳng, nhạt màu

Truyện ngắn dự thi: Cái nút cống

Lao động |

Ở tổ sửa chữa đường mỏ này, chỉ có tôi với Hoài là lính mới. Hoài trẻ nhất tổ, vừa học xong phổ thông trung học đã đi làm theo chế độ “đổi” - Bố mẹ về hưu, con vào thế. Trong lúc công việc khó khăn, kiếm được một chỗ làm có thu nhập ổn định đối với nhiều người như vậy là hạnh phúc lắm.

Giám đốc trung tâm dạy lái xe ở Hải Phòng chiếm đoạt 22 tỉ đồng của học viên

Mai Chi |

Chiều tối 13.7, Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ việc bắt giám đốc và nhân viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Tin 20h: Thời điểm người dân được nhận mức lương truy lĩnh tháng 7 và 8

Linh Trang - Vũ Linh |

Tin 20h: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu xử lý vụ việc của Công ty Hưng Thịnh; Lương thấp, nhiều công nhân tằn tiện sống qua ngày; Lương hưu tháng 9 sẽ truy lĩnh tháng 7 và tháng 8; Vụ sạt lở biệt thự làm 2 người chết ở Đà Lạt: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can;...

Nợ vay vượt 18 tỉ USD, EVN ngốn hơn 39 tỉ đồng/ngày để trả lãi

Đức Mạnh |

Năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD. Điều đáng chú ý là trong số 324.265 tỉ đồng nợ vay tài chính, tập đoàn này hoàn toàn không vay từ ngân hàng.

Tài chính thông minh: Cơ hội để mắc ung thư vẫn có thể mua bảo hiểm

Nhóm PV |

Khi đã mắc các căn bệnh hiểm nghèo thì 99% sẽ không thể tham gia được bảo hiểm. Tuy nhiên trong số Tài chính thông minh hôm nay, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ một số trường hợp mà công ty bảo hiểm có thể xem xét đánh giá quyết định thực hiện việc bảo vệ.

COFICO đến xin lỗi và hỗ trợ công nhân bị tai nạn lao động mà Báo Lao Động phản ánh

Tạ Quang |

15 triệu đồng là tổng số tiền mà nữ công nhân Trần Thị Ngọc Tuyền được hỗ trợ sau hơn 1 tháng bị tai nạn lao động mà Báo Lao Động phản ánh.

Truyện ngắn dự thi: Sáu Hoa

Đinh Thành Trung |

Bóng trùm nhà tạm. Gọi là lều cũng được. Bóng trăng ra khi có thêm một ánh đèn chiếu tới. Đèn tỏa sáng, đánh thức mấy cái đầu ngái ngủ uể oải bước ra sân. Nhìn từ trên xuống, dãy lều xanh lơ như biến thành quần thể di tích nào đó. Nhiều con người lặng lẽ bước ra.

Truyện ngắn dự thi: Đêm đô thị

Hoàng Anh Linh |

Thanh vừa tan ca về. Anh mệt nhoài trườn chiếc xe Wave đã cũ vào một con hẻm. Con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho một người ngồi trên xe máy ra vào. Ngày mưa, nước đọng thành từng vũng nhỏ. Thanh lặng lẽ len chiếc xe qua lối hẹp thật khéo nhưng một vài tia nước bẩn vẫn bắn lên gấu quần. Hai bên vách tường xám xịt đều dán chi chít những tờ quảng cáo. Hôm nay có một tờ giấy mới vừa được dán. Thanh nhìn lướt qua thấy dòng chữ “cho vay”. Qua khỏi đoạn hẻm là một dãy nhà trọ thấp lè tè, tối tăm ẩn nép ở phía sau một chiếc cổng sắt đã rỉ lúc nào cũng khép. Trên cổng có vài dây tigon vắt qua, đong đưa từng chùm hoa gầy nhẳng, nhạt màu

Truyện ngắn dự thi: Cái nút cống

Lao động |

Ở tổ sửa chữa đường mỏ này, chỉ có tôi với Hoài là lính mới. Hoài trẻ nhất tổ, vừa học xong phổ thông trung học đã đi làm theo chế độ “đổi” - Bố mẹ về hưu, con vào thế. Trong lúc công việc khó khăn, kiếm được một chỗ làm có thu nhập ổn định đối với nhiều người như vậy là hạnh phúc lắm.