Truyện ngắn dự thi: Cái nút cống

Lao động |

Ở tổ sửa chữa đường mỏ này, chỉ có tôi với Hoài là lính mới. Hoài trẻ nhất tổ, vừa học xong phổ thông trung học đã đi làm theo chế độ “đổi” - Bố mẹ về hưu, con vào thế. Trong lúc công việc khó khăn, kiếm được một chỗ làm có thu nhập ổn định đối với nhiều người như vậy là hạnh phúc lắm.

Nhà tôi cũng có một suất như Hoài. Song tôi lại đang trong thời gian chờ lấy bằng Kỹ sư khai thác. Thấy mẹ băn khoăn nuối tiếc vì thời cơ lỡ dở, tôi bàn:

- Để con vào mỏ làm đường trong thời gian này cũng được. Bởi công việc ở đó chỉ cần sức khỏe, không đòi hỏi chứng chỉ nghề nghiệp. Đợi đến lúc có bằng Đại học, chắc chắn con sẽ được cử vào chổ làm phù hợp.

Mẹ nhìn tôi ái ngại:

- Vậy thì tội cho con quá! Nếu có mảnh bằng tốt nghiệp, vừa được tuyển chính thức, vừa được làm đúng với những gì đã học vẫn hay hơn.

Tôi thủ thỉ:

- Đàng nào con cũng đang trong thời gian nghỉ chờ, ở nhà buồn lắm.

Thấy mẹ tần ngần, tôi cố gắng thuyết phục:

- Mẹ xem, thời gian thử việc chỉ có hai tháng. Sau đó, Công ty sẽ cân nhắc bố trí vào đúng ngành nghề đã được đào tạo. Chứ mẹ cầm sổ hưu rồi, bỏ lỡ mất dịp này, sau ai người ta còn nhận con vào làm. Vả lại con cũng muốn biết thế nào là làm đường mỏ. Dịp may này không có lần thứ hai đâu mẹ ơi! Con học xong mà thất nghiệp thì tội lắm.

Thực tình ngoài lý do trên tôi còn muốn biết vị mặn của những đồng tiền bố mẹ nuôi tôi ăn học.

Thế là tôi trở thành cô gái rải đường mỏ từ đấy. Hàng ngày đi làm, mẹ bắt tôi buộc khăn che kín mặt, lại còn đeo cặp kính râm to tướng.

Ở đội tôi làm, toàn bộ số lao động là nữ, văn hoá thấp, không nghề nghiệp. Thấy tôi nhanh nhẹn, các bác trong đội giao cho tôi nhiệm vụ: Viết báo công, đi lấy tiêu chuẩn công nghiệp về nấu bữa ăn trưa cho mọi người. Đây là công việc nhẹ nhàng nhất. Vậy mà không hiểu tại sao chẳng ai muốn làm? Đến kỳ chia lương tôi mới biết: Người làm việc này chỉ được bình thành tích chia lương loại C - Tiêu chuẩn thấp nhất có hệ số là 0,8. Có bác rỉ tai tôi: “Trực tiếp làm vất vả, nhưng cuối tháng mức thu nhập cao hơn hẳn. Đàng nào cũng một công đi làm. Cháu còn thanh niên, có một mình, bác còn phải nuôi các em ăn học, được đồng nào hay đồng ấy. Ngày cháu chưa về đội, mọi người phải thay phiên nhau làm.”

Ở trên mỏ lộ thiên có lẽ vất vả nhất là nghề sửa đường. Những ngày đầu tôi tưởng mình phải bỏ cuộc. Tháng bảy mưa nắng thất thường, trời đang rần rật đổ lửa, nhìn đâu cũng thấy bụi. Bỗng sấm gầm, chớp giật liên hồi, mây đen phủ kín bầu trời. Mưa xối xả, tầng lở, đá rơi. Con đường đi hào chỉ trong chốc lát biến thành dòng sông cuồn cuộn chảy. Các thiết bị dưới moong sâu phải nhanh chóng di chuyển lên vị trí cao hơn. Vậy mà nhiều lúc vẫn bị ngập chìm trong nước. Lũ ống cuốn trôi tất cả những gì mà nó gặp trên đường ra biển. Có lần đã xảy ra tai nạn đáng tiếc, một cỗ máy xúc khổng lồ cũng bị đổ nhào vì trời mưa làm tầng lở, đá rơi.

Lúc trời nắng, mặt đường nóng bỏng như chảo cát rang. Xe tưới đường đi qua, hơi nước bốc ngùn ngụt. Cảnh vật hai bên đường mờ mờ bụi phủ. Khi có gió, bụi từ tầng trên tràn xuống quặn xoáy như bão cát trên sa mạc.

Đi làm được một thời gian, thấy tôi viết chữ đẹp, số má rõ ràng lại thành thạo về tin học. Mặc dù tôi chưa có tấm bằng tốt nghiệp Đại học, phòng thống kê mỏ vẫn lấy về. Tôi chia tay đội rải đường trong niềm vui mừng. Thế là, một lần nữa vận may lại mỉm cười với tính toán của tôi.

***

Hôm đó, không ngờ cơn mưa dông lại to và kéo dài đến như vậy. Mưa như trút, nước chảy trắng mặt tầng, bầu trời đen kịt từ lúc ăn cơm giữa ca cho mãi đến lúc hết giờ làm mới hửng. Mọi người bàn giao ca rồi vội vã ra về. Phía chân trời một cơn mưa mới đang xuất hiện.

Hoài đang bước hối hả đột nhiên đi chậm, rồi dừng hẳn lại. Cô ngó nghiêng, rẽ về phía cửa cống thoát nước bên đường. Nơi đó, rác rưởi bám quanh một cành cây xum xuê, tạo thành một cái nút bịt kín miệng cống. Nước ứ lại, chảy tràn qua mặt đường xối đi lớp đất bề mặt. Đợi mọi người đi qua, Hoài nhìn quanh rồi túm cành cây kéo ngược, cái nút không suy chuyển. Cô lần lựơt bẻ lôi từng nhánh một, nước ùa qua các kẽ hở. Bất chợt Hoài giật mạnh, cái nút cống bung ra, cô ngã ngồi bệt xuống đất, dòng nước ùa xuống réo ầm ầm như thác. Đúng lúc tôi đi ngang, thấy thế tôi vội túm lấy Hoài, rồi dùng hết sức lôi ngược trở lại. Toàn thân Hoài ướt đẫm, bùn đất bám đầy người.

Thấy tôi chăm chú nhìn mình, Hoài ngượng nghịu đưa tay chùi mặt phân bua:

- Để nguyên, nước chảy một lúc hỏng đường mất.

- Em không sợ nước lũ cuốn trôi hay sao? Mà tại sao lại phải làm một mình công việc này?

Hoài thanh minh:

- Việc thường ngày ấy mà, mình em làm cũng được. Vả lại đã hết ca, rủ người khác ngại lắm.

Thấy tôi nhún vai tỏ vẻ không hiểu, cô giải thích tiếp:

- Công việc đột xuất không có trong nhật lệnh. Đến giờ tan tầm mọi người đều vội về cho kịp giờ xe giao ca chạy. Trời sắp mưa to mà nhiều người lại không mang theo nilông.

Tôi cố gặng:

- Việc ấy có gì xấu, sao phải đợi mọi người về hết mới làm?

Hoài nhẹ nhàng:

- Chị giữ kín hộ em, việc đơn giản nhưng mỗi người có cách nghĩ khác nhau. Đầu tiên em cũng định gọi người cùng kéo, song chưa kịp ngỏ lời đã nghe mọi người bàn tán: "Nước chảy như thế này hỏng đường mất - Đường lở mai lại có việc làm, càng đỡ phải đi ghè than - Con đường này thuộc đơn vị khác quản lý - Không đi mau xe giao ca chạy mất, lại phải cuốc bộ về nhà...”.  Lúc nãy cũng có bác cán bộ trực ca đi qua thấy, dừng xe xem một lúc rồi bỏ đi luôn. Cũng tại nước to quá, bác ấy lội xuống ngập ủng mất. Em ướt sẵn rồi, công sức bỏ ra đáng là bao. Hàng ngày ngồi trên ca bin xe đất lọc áp tải cho đội, gặp quãng đường xấu xóc mệt lắm, đến bữa chẳng muốn ăn. Mình ngồi một tý đã vậy, huống hồ tài xế họ phải ngồi cả ca, hết ngày này sang ngày khác. Con đường này mà hỏng, sửa tạm xe chạy không đảm bảo định mức năng suất là cái chắc.

- Nhưng mình là công nhân hợp đồng có thời hạn, khác hẳn họ. Lương mình thấp, bổng lộc họ cao, thưởng đâu có phần em, thành tích bao giờ họ cũng cầm chắc trong tay. Em có cố gắng đến mấy cũng có ai thèm để ý. Nhưng nếu mọi người biết, em nhận danh hiệu “hâm" viết hoa  là cái chắc. Liệu hợp đồng lao động vô thời hạn em có được ưu tiên ký trước?

- Đã đành, trách nhiệm không thuộc về em! Nhưng em nghĩ giản đơn: Mình không làm thì rồi đây nhiều người phải mó tay vào. Vì nước mưa sẽ tập trung dồn vào chỗ khác. Lũ lụt cục bộ chắc chắn sẽ xảy ra. Bởi cái cống này nằm trong hệ thống phân lũ ngay ở đầu nguồn.

- Sao em biết sơ đồ phân lũ của mỏ?

- Thì những ngày đầu tiên đi làm, chúng mình đã tham gia thi công cái rãnh thoát nước này. Bữa đó khi thấy em hỏi - Không có nước chảy sao vẫn phải làm cống? Bác đội trưởng đã giải thích cặn kẽ về hệ thống thoát nước ở mỏ lộ thiên.

Tôi cười trừ:

- Hôm đó tớ được cử tới nhà ăn lấy tiêu chuẩn công nghiệp về cho đội. Nên chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao. Mà quãng thời gian ở đội hầu như tớ chỉ làm công việc này. Hàng ngày đâu có tham gia trực tiếp cùng với mọi người được nhiều.

- Thì mình làm theo sự phân công mà! Em chẳng được học hành đầy đủ như chị, đâu hiểu nổi những vấn đề sâu xa. Nhưng em nghĩ: Việc làm chẳng ảnh hưởng đến ai, mình cố một tý. Giống như việc nhà ấy. Thấy bừa bộn mà không dọn em chẳng chịu được. Ai nghĩ sao tuỳ!

Tôi thật bất ngờ trước ý nghĩ và việc làm của Hoài, mình đâu làm được như cô ấy. Tại cái máy xúc tôi khảo sát nằm ở tận đầu hào bên kia. Mưa to quá, con đường đi hào nước chảy băng băng, không lội qua được tôi đành đi vòng và vô tình trở thành người chứng kiến việc làm của Hoài.

Tôi và Hoài dò dẫm di chuyển trong mưa. Đang đi Hoài qụy xuống, nhăn nhó kêu toáng lên. Tôi vội dìu Hoài nên mô đất cao. Một sợi cáp thép đâm thủng chiếc giày cô đang đi. Tôi cúi rút mẩu cáp gẫy ra khỏi chân Hoài. Dòng máu đỏ tươi loang ra bàn chân trắng nhợt nhạt của cô. Tôi túm lấy bàn chân Hoài, nặn mạnh vào vết thương, một tia máu đỏ tươi phọt ra. Tôi vội lấy chiếc khăn mùi xoa cột tóc, buộc chặt vết thương cho Hoài.

Nhìn Hoài tái mặt cố giấu vẻ đau đớn, tôi an ủi.

- Không sao đâu, mất có tẹo máu.

Đất trời trắng xóa, sấm gầm chớp giật liên hồi. Con đường chúng tôi đang đứng lại cuồn cuộn nước chảy. Tôi quan sát địa hình, rồi nói với Hoài:

- Bọn mình phải đi thôi, không thể ở đây được. Trời còn mưa to, nước sẽ dâng rất nhanh.

Hoài nhăn nhó:

- Chân em bị đau không đi được - Hoài chỉ về phía ngã ba đường trước mặt - Chỗ kia hai dòng nước gặp nhau tạo thành lũ ống mất rồi. Em sợ chúng mình không đi qua nơi đó được!

- Thế ôm cổ để tớ cõng theo lối này.

- Liệu chị có mang nổi em leo tắt tầng?

- Đoạn này là bãi đất đã nổ mìn, đang chờ bốc xúc, thoai thoải dễ đi.

Hoài băn khoăn nêu ý kiến:

- Hay cứ để em ở tạm đây, chị chạy về phòng điều khiển gọi người đến giúp.

Tôi động viên:

- Chúng mình chỉ cố gắng đi một quãng ngắn nữa, là lên tới đường liên lạc của mỏ. Ở trên đấy an toàn hơn!

Thấy Hoài ngần ngừ, tôi cúi xuống quay lưng lại giục:

- Nào leo lên đây mau! Phụ nữ với nhau ngại cái quái gì. Mà không gượm đã, tớ cởi áo mưa cho đỡ vướng. Hai đứa mình khoắc chung một miếng nilon càng dễ đi.

Khi tôi cõng Hoài đến cửa phòng Điều khiển sản xuất, mọi người tránh mưa trong nhà ồ lên, dồn dập hỏi:

- Sao thế?

- Tai nạn à?

Tôi lắc đầu sang trái.

- Chắc bị ngã?

- Hay bị gió?

Tôi lại quay đầu qua phải.

- Có nặng không?

- Để tôi gọi xe cấp cứu.

Tôi cởi áo mưa, đặt Hoài ngồi xuống ghế:

- Bị gai mùng tơi đâm.

Hoài gượng cười:

- Em dẫm phải cáp thép phế loại.

- Thế thì khác nào đạp phải đinh.

- Cẩn thận không nhiễm trùng thì khốn.

- Không thể chủ quan được! Phải về ngay trạm xá mỏ, tiêm một mũi vắc xin phòng uốn ván...

***

Sau này lúc đọc báo tôi mới biết:

Trận mưa bất thường hôm ấy lớn nhất trong hơn nửa thập kỷ vừa qua đã gây cho vùng than nhiều thiệt hại nặng nề. Những cơn mưa xối xả liên tiếp xảy ra. Con người đã không lường được lưu lượng mưa tới cả 1.000mm mà ông trời đã trút xuống vùng than. Chỉ trong chốc lát, nhiều dòng thác lũ hung hăng được hình thành, nó cuốn trôi tất cả những gì bắt gặp trên đường ra biển. Nước chảy đến đâu, đất đá tràn đến đó, lấp kín mọi chỗ trũng. Nước từ mọi nơi đổ về, các moong đập chứa đều nằm trên mức báo động đỏ. Hệ thống mương rãnh không thoát nước kịp, cộng với triều cường dâng cao. Nhiều khu dân cư bị cô lập trong biển nước mênh mông. Cả vùng than không kịp trở tay trước cơn giận dữ của thiên nhiên. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho toàn khu vực, nhiều người chết và mất tích, thiệt hại tới hàng nghìn tỉ đồng...

***

Khi nước rút, các đơn vị trong Công ty thống kê lại những tổn thất phải hứng chịu. Giống như nhiều người khác, tôi cũng không khỏi xót xa trước những con số thiệt hại của mỏ. Song lại có dư luận cho rằng: “Mỏ của ta còn may chán, vì bị thiệt hại có đôi chút. Không giống như Công ty sản xuất than liền kề bị nước lũ ngập tràn, phải đóng cửa mỏ. Việc phục hồi sản xuất gặp muôn vàn khó khăn v.v...”.

Để có kết luận chính xác, rút kinh nghiệm phòng chống thiên tai, lãnh đạo Công ty ra công văn yêu cầu: “Tất cả các bộ phận liên quan phải xem xét lại toàn bộ phương án phòng chống thiên tai. Riêng hệ thống thoát nước của mỏ phải kiểm tra lại từ chi tiết nhỏ nhất. Trên cơ sở đó các đơn vị kiểm điểm nghiêm túc, đề ra các biện pháp khắc phục, báo cáo lãnh đạo bằng văn bản.”

Nhận được thông báo, nhiều cán bộ công nhân trong các đơn vị lo lắng ra mặt. Là nhân viên phòng thống kê, tôi có nhiệm vụ tổng hợp toàn bộ các số liệu có liên quan đến trận mưa lịch sử. Khi tiếp xúc với các tài liệu, tôi không khỏi suy nghĩ. Tiên lượng về thiệt hại do trận mưa mang lại quá lớn! Nhưng tại sao phần lớn lỗi lầm không thuộc về các đơn vị, mà do nguyên nhân khách quan mang lại?

Mấy ngày sau, tôi được cử vào phòng Điều khiển sản xuất xem sổ nhật lệnh để bố trí người khảo sát bấm giờ hoạt động của các máy xúc vẫn thấy ghi: "Miệng cống anfa bị cành cây do nước lũ mang từ nơi khác đến làm tắc, ca sau cho người thông."

Ca tiếp theo viết: "Chưa thông được cống, do điều kiện ánh sáng không đủ làm việc... Chuyển ca sau giải quyết."

Ca sau lại ghi: “Hậu quả sau cơn mưa quá lớn, việc cần phải làm còn nhiều, chưa có đủ nhân lực giải quyết sự cố tắc cửa mương Anfa... Chuyển..."

...Chuyển...

TRẦN NGỌC DƯƠNG

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
Lao động
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Công nhân thời vụ

Lao động |

Lãnh mang mấy bộ quần áo công nhân đi giặt, phơi ra trước sân nhà. Ngồi nhìn những giọt nước rỏ tong tỏng trên dây phơi xuống nền sân xi măng bỏng đốt, Lãnh khẽ thở dài.

Truyện ngắn dự thi: Dưới vòm xanh thành phố

Lao động |

Lúc Huân thu dọn xong những cành cây vừa bị tỉa bỏ nằm vương vãi thì thành phố cũng chuẩn bị lên đèn.

Truyện ngắn dự thi: Ông Thạc

LAO ĐỘNG |

Vợ chồng nhà Thạc chỉ là công nhân lao động phổ thông thuộc Công ty than nằm sát thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông bà chỉ có một mụn con gái. Thuở đất nước đang chiến tranh, con Nhuần vẫn lớn ù ù bằng miếng cơm độn mì mạch. Ông bà lần lượt về hưu thì nó lấy chồng. Thôi thì chịu đủ mọi vất vả, bà chết khi mới thấy mặt cháu ngoại vài tháng. Hai vợ chồng nó ở một gian nhà cấp bốn lụp xụp. Từ ngày vợ chết, ông Thạc một mình lui cui nấu nướng, nuôi sống mình bằng tiền lương hưu.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Truyện ngắn dự thi: Công nhân thời vụ

Lao động |

Lãnh mang mấy bộ quần áo công nhân đi giặt, phơi ra trước sân nhà. Ngồi nhìn những giọt nước rỏ tong tỏng trên dây phơi xuống nền sân xi măng bỏng đốt, Lãnh khẽ thở dài.

Truyện ngắn dự thi: Dưới vòm xanh thành phố

Lao động |

Lúc Huân thu dọn xong những cành cây vừa bị tỉa bỏ nằm vương vãi thì thành phố cũng chuẩn bị lên đèn.

Truyện ngắn dự thi: Ông Thạc

LAO ĐỘNG |

Vợ chồng nhà Thạc chỉ là công nhân lao động phổ thông thuộc Công ty than nằm sát thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông bà chỉ có một mụn con gái. Thuở đất nước đang chiến tranh, con Nhuần vẫn lớn ù ù bằng miếng cơm độn mì mạch. Ông bà lần lượt về hưu thì nó lấy chồng. Thôi thì chịu đủ mọi vất vả, bà chết khi mới thấy mặt cháu ngoại vài tháng. Hai vợ chồng nó ở một gian nhà cấp bốn lụp xụp. Từ ngày vợ chết, ông Thạc một mình lui cui nấu nướng, nuôi sống mình bằng tiền lương hưu.