Truyện ngắn dự thi: Ngày mai là nắng ấm

Lê Minh Hải |

Chị đã tìm được việc làm sau mấy tháng thất nghiệp. Nơi làm việc là một xưởng sản xuất ván ép cách nhà gần hai mươi cây số. Xưởng nằm trên một quả đồi cách xa khu dân cư. Con đường bêtông dẫn đến xưởng chạy ngoằn ngoèo giữa hai hàng bạch đàn cao vút, khiến cho chị có cảm giác cô đơn, lạc lõng mỗi ngày đi làm.

Đang giữa mùa hè nên không khí thật oi bức. Xưởng chị làm việc đã chật hẹp lại thêm mái tôn thấp nên cái nóng như tăng lên gấp đôi. Chị đã chứng kiến cảnh hai chị công nhân cũ tranh nhau một chiếc quạt mà lấy làm ái ngại. Ở xưởng việc cãi vã, tranh giành nhau thường xảy ra như cơm bữa. Họ tranh giành nhau từng tấm ván để làm vì muốn kiếm thêm thu nhập đã đành, họ còn tranh nhau cả chỗ đứng làm, tranh nhau cả cốc nước đá lạnh...

Chị có thể cảm thông khi họ tranh nhau từng tấm ván vì hàng làm ra khan hiếm, có lúc không đủ phân phối đều cho các công nhân. Đôi khi có người còn phải đi rất sớm cốt để lấy được mẻ hàng đẹp, dễ làm đã không còn là chuyện lạ. Muốn được như thế thì phải quen thân và lấy lòng công nhân lái xe nâng, tổ trưởng chứ không hề đơn giản chút nào.

Những ngày đầu học việc thật là căng thẳng và ngột ngạt. Có lúc chị thấy nản, muốn bỏ việc nhưng lại tiếc công sức đã bỏ ra. Nếu như làm chưa đủ mười ngày thì sẽ không được thanh toán tiền công. Vì thế chị lại cố gắng, cố để nuôi con, cố vì muốn trả món nợ mà người chồng lêu lổng gây ra. Bây giờ đang thời buổi khó khăn do dịch COVID-19 mà lại kiếm được việc làm đã là một may mắn. Chị nghĩ, cho dù điều kiện làm việc ở đây thiếu thốn nhưng thà có còn hơn không.

Chị được tổ trưởng bố trí ở tổ sửa nguội. Tổ có chín người, cả chị là mười. Nói là tổ chứ mọi người làm việc theo cặp. Chị làm cùng với chị Nga cũng là công nhân mới, vào trước chị một tháng. Ở đây, công nhân được học việc mười ngày, sau đó sẽ tính lương theo sản phẩm. Vì chưa quen việc nên sau mỗi buổi làm về nhà, cổ tay hay những khớp ngón tay của chị rất mỏi và đau. Chị Nga nói, phải mất nửa tháng chị ấy mới dần quen và biết cách làm vì thế mà tay đỡ đau hơn, chứ những ngày đầu cũng chỉ muốn bỏ việc mà thôi.

Vừa làm vừa nghĩ nên chị để lưỡi dao cắt vào tay. Chị Nga lấy băng gạc cuốn quanh ngón tay cho chị, miệng không ngừng xuýt xoa: “Trời ơi! Chị đã bảo mới đầu làm chưa quen thì bình tĩnh thôi mà không nghe. Khổ chưa!”. Chị ngại ngùng: “Em không sao đâu. Chị yên tâm, máu em rất lành, vài hôm là khỏi ngay thôi”.

Chị Nga là mẹ đơn thân, nhà chỉ có hai mẹ con. Cảnh ngộ của chị Nga cũng thật buồn. Hai chị em có nhiều điểm chung về hoàn cảnh và tính cách nên dễ gần nhau. Những câu chuyện, những lời động viên lẫn nhau khiến cho công việc trở nên thuận lợi hơn. Hai chị em nhanh chóng thân thiết khiến cho chị thêm vững tâm để làm việc.

Chồng chị cứ thấy chị về là quẳng hai đứa con cho vợ. Chị thường vừa nấu cơm, giặt giũ lại vừa trông con. Có phải con là của một mình chị đâu? Nếu như chồng chị đi vì công việc đã đành, đằng này anh lại đi tụ tập rượu bia. Rồi say xỉn. Rồi lè nhè, quát mắng vợ con. Có lần anh đi hết ngày rồi hai, ba giờ sáng mới về. Chị có gọi điện thoại thì anh cũng tắt máy không nghe. Những lần đầu chị không ngủ được vì lo lắng, nhưng rồi cũng quen và chẳng còn mấy quan tâm nữa.

Anh đi tụ tập đánh bạc rồi ôm nợ núi về nhà chứ có lo gì đến gia đình đâu mà chị phải lo cho mệt xác? Đã có những nhẹ nhàng khuyên bảo. Đã có những gay gắt, hờn trách, khóc lóc, nhưng có lần anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị. Thế nên chị cũng đã quá chán nản, mặc anh muốn đi đâu thì đi.

Nói là không quan tâm đến anh nữa cũng chỉ là nói cho bõ tức chứ món nợ của chồng chị vẫn cố gắng trả, trả hết nợ cũ lại đến nợ mới, nợ chồng nợ. Có lúc cảm thấy bất lực chị đã nghĩ rằng, mình đi làm là để lo cho con, rồi ai làm người ấy hưởng, ai có nợ người ấy lo. Nhưng cuộc đời có đâu dễ thế, nợ của chồng nhưng người ta đến đòi thì vợ có ngồi yên đó được đâu? Thực tình đã có lúc chị muốn buông bỏ nhưng cứ nghĩ tới các con chị lại cố gắng gượng để đi làm.

***

Thấm thoắt chị đã đi làm lại được gần một năm. Tiền nợ đã vơi bớt được một phần, nhưng nếu không trả nhanh thì số nợ cũng đâu lại vào đấy. Người ta nói vay lãi ngày thì khác gì nuôi chủ nợ, càng chậm trả thì lãi mẹ đẻ lãi con. Chị không thể hiểu nổi chồng mình nữa, anh chỉ say mê chơi bời bài bạc, lô đề, công việc thì bỏ bê, con cái nheo nhóc cũng mặc kệ. Đợt này nghề nhôm kính ít việc. Đang trong kì đại dịch toàn cầu nên tất cả các ngành nghề đều khó khăn chung, cái nghề của chồng chị lại càng khó.

Ở làng này cứ có nghề gì kiếm ăn được một chút là người ta đua nhau làm. Đã có chuyện ở xóm nọ, có hai người bạn thân, lúc chưa làm nghề thì là bạn nhưng đến khi làm nghề lại thành ra trở mặt với nhau.

Chồng chị cứ rỗi việc lại tụ tập rượu bia. Mà cứ có men rồi không đi hát

karaoke thì lại ngồi sát phạt nhau. Anh bảo, cứ ngồi biết đâu vận đỏ là lại gỡ gạc được một ít trả nợ. Than ôi! Cờ bạc là bác thằng bần, những ai đã sa chân vào thì chỉ có nghèo, có nợ chứ hi vọng gì. Vậy mà anh đâu có nhận ra, vẫn lún sâu vào vũng bùn ấy, mãi u mê với những tính toan của một kẻ lầm đường.

- Này, còn tiền không đưa tôi ít tiêu vặt? - chồng chị vừa vò đầu vừa hỏi chị.

- Không! Thế ông vừa lắp xong mấy bộ cánh cổng, tiền đâu?

- Chẹp! Chẹp! Lại nợ, họ bảo cuối năm sẽ trả.

Đấy, làm nghề ở quê là thế! Chị cũng đã cảm thông với chồng, nhưng giá như anh tu chí thì đâu đến nỗi.

- Đây, còn có chừng này thôi - chị móc ví đưa cho chồng tờ hai trăm nghìn còn lại, số tiền ấy chị định chiều sẽ mua cho bọn trẻ thùng sữa. Vậy mà...

Chị vẫn tự nhủ lòng rằng, số mình khổ, đành chịu vậy. Nhưng nhiều lúc chị lại nghĩ, cứ vô tư kệ đời, buồn khổ mãi cũng chỉ héo mòn thân xác chứ ích gì. Và rồi chị cũng răn mình, là con người sống với nhau nào có thể hững hờ bạc bẽo, dù gì thì anh cũng là bố của bọn trẻ, một ngày ở với nhau cũng là nghĩa vợ chồng. Thế là lại lao vào làm hi vọng một ngày sẽ trả được nợ, chồng mình sẽ hồi tâm chuyển tính.

Xưởng gỗ đợt này nhiều việc, chị thường phải tăng ca đến tận khuya. Nhiều khi về nhà chân tay rời rã, nhưng mà cố một chút thì lúc lấy lương sẽ có thêm một khoản để chi dùng. Thế là chị không bỏ một buổi tăng ca nào. Người ta nói khổ rồi cũng quen và chị như bị cuốn vào công việc mà quên đi mệt mỏi.

Chị nhẩm tính, nếu như công việc cứ đều thế này thì làm hơn một năm nữa là trả gần hết nợ. Thật là nực cười, người ta đi cày cuốc để xây nhà xây cửa, còn chị đi làm tới khuya là để trả nợ cho chồng.

Về tới ngõ chị đã thấy ồn ào trong sân, vội vã đi vào đã thấy đông nghịt người.

- Có chuyện gì thế các bác? - chị hỏi vội mấy người hàng xóm.

- Bọn chủ nợ nó thuê người đến đòi tiền đấy! - một người nhanh nhảu trả lời.

Chị gạt đám đông đi vào nhà. Chồng chị đang bị hai tên đầu trọc, cánh tay nhằng nhịt những hình xăm ghì sát vào góc nhà.

- Bây giờ mày định thế nào? - một tên dùng tay bóp cằm chồng chị, trợn mắt hỏi.

- Các anh ơi, các anh cứ bình tĩnh đã! - chị hốt hoảng.

- Cô là vợ nó hả? Cứ đưa tiền lãi đây thì nó sẽ yên thân. Hai tháng nay chưa đưa một đồng nào. Lại còn vòng vo tam quốc, cứ lần khân là tao chặt tay, cắt tai...

- Em xin các anh! Con em vừa ốm, các anh châm chước cho nhà em.

Chị không còn biết nói gì hơn, nước mắt như mưa, ôm chân kẻ đòi nợ. Hai đứa nhỏ thấy chị như thế cũng ôm lấy mẹ. Tiếng khóc của phụ nữ và trẻ con hình như làm cho hai tên kia mủi lòng, chúng bỏ đi và dặn lại:

- Liệu mà lo trả nợ. Lần này tao bỏ qua, nếu cứ thế này một lần nữa là bọn tao không tha cho nữa đâu.

Trấn tĩnh trở lại chị mới có thể tìm hiểu rõ ngọn ngành. Thì ra gần đây tiền chị đưa cho chồng trả nợ anh đã đem vung vào chiếu bạc hết. Đã hai tháng nay anh không trả nợ một đồng nào. Thua bạc, hết tiền anh hứa hươu hứa vượn với người ta để rồi ra cơ sự này. Trời ơi! Có ai ngờ. Chỉ vì mải đi làm mà chị không cẩn thận, ai ngờ chồng chị càng ngày lại càng tồi tệ hơn. Đầu óc chị lúc này như muốn nổ tung, căng tức, choáng váng. Chị lịm đi.

Ngày hôm sau, đến nơi làm việc chị không muốn làm gì, đầu óc trống rỗng không còn tha thiết đến xung quanh. Chị có cố bao nhiêu thì cũng vô ích, chị biết làm gì bây giờ để thoát ra được sự túng quẫn này đây?

- Cố gắng lên em, rồi sẽ qua những lúc như thế này - chị Nga nhẹ nhàng vỗ vai chị, an ủi.

- Vâng! - chị đáp khẽ, đôi mắt đờ đẫn.

Chị lại bị cắt vào tay. Chị Nga cuống cuồng băng vết thương lại. Vết cắt rất sâu mà chị không thấy đau. Vết thương trên da thịt lúc này hình như chẳng thấm gì so với nỗi thất vọng, chán chường của chị. Không còn tâm trí làm việc, chị xin về sớm. Chị không muốn về nhà mà cũng chẳng biết về đâu. Bây giờ lòng chị rối bời bao nhiêu suy nghĩ.

Chị cứ đi, cứ đi, không nhận thấy mọi thứ xung quanh như thế nào nữa. Rồi xe chị bất ngờ bị một vật gì ngăn lại, đứng khựng. Cả người chị văng ra khỏi xe, rơi xuống đường. Tiếng động cơ ầm ầm. Tiếng người lao xao. Chị chỉ kịp nhận ra toàn thân tê dại, mọi thứ xung quanh mờ dần rồi tối đen. Chị thấy mình nhẹ bẫng, rồi bay lên lơ lửng, mọi thứ đều rất nhẹ nhàng và mát mẻ. Chị bay lên... bay lên...

***

Nghĩa trang một buổi chiều nhàn nhạt. Có người đàn ông ngồi gục đầu bên một ngôi mộ mới đắp, nén nhang đã tàn lạnh từ bao giờ mà anh ta vẫn còn ngồi đó. Bên cạnh là hai đứa trẻ, chắc chúng đợi bố chúng lâu quá nên đang ngồi ngắt mấy chùm hoa dại. Người nằm dưới ngôi mộ kia là mẹ chúng và là vợ của người đàn ông. Đôi mắt người đàn ông đỏ hoe nhìn vào khoảng không mênh mông. Rồi anh ta nhìn sang hai đứa trẻ, xong lại nhìn mộ vợ, nước mắt chảy dài.

Trong lòng người đàn ông ấy giờ đây đầy sự ăn năn nhưng đã quá muộn rồi. Trước mắt anh mọi thứ đều xám xịt và đầy bức bí. Anh ta không còn biết rồi đây mình sẽ phải làm như thế nào để trả nợ và nuôi con. Người đàn ông gục xuống, khóc nấc lên, những tiếng khóc ăn năn và bất lực.

Trên bầu trời, những đám mây đen cuộn nhanh về phía trời tây, một vùng trời trở nên tối sẫm. Gió ào ào cuốn đám lá khô bay lên. Trời sắp đổ một cơn mưa giông lớn.

***

Chị từ từ mở mắt sau thời gian bất tỉnh hơn một tiếng đồng hồ. Thực ra trước đó chị đã tỉnh lại được một lúc nhưng do cơ thể yếu nên chị lại thiếp đi. Bác sĩ nói chị chỉ bị chấn thương nhẹ ở đầu chứ không ảnh hưởng đến tính mạng. Có điều chân trái bị gãy nên phải nằm viện hơi lâu. Thì ra trong lúc thiếp đi chị đã mơ thấy mình chết. Đến lúc chết chị cũng không nguôi lo cho các con, chị lo khi không có chị chúng sẽ sống ra sao? Chị chưa bao giờ có thể an tâm, tin tưởng vào chồng của mình. Có lẽ vì thế mà chị đã tỉnh lại chăng?

Chị nhìn ra xung quanh. Kia là chồng chị, vẻ mặt thảng thốt rồi sau đó là nụ cười, nụ cười làm cho chị chợt thấy ấm lòng. Kia là chị Nga. Kia.. ai kia? Đó là bà chủ xưởng gỗ nơi chị làm việc.

- Em tỉnh thật rồi! Vợ tôi tỉnh lại thật rồi! - chồng chị reo lên, tiếng reo mừng vui ấy lọt vào tai khiến lòng chị rưng rưng.

- Em còn sống thật đúng không?

- Thật! - cả chồng chị, chị Nga và bà chủ cùng đồng thanh đáp.

- Bao giờ thì em lại có thể đi làm được?

Bà chủ xưởng gỗ nắm lấy tay chị rồi cười, nhìn chị một cách trìu mến:

- Còn lâu em mới đi làm lại được. Cố gắng ăn uống và điều trị cho khỏe và khỏi hẳn chân rồi hẵng nghĩ tới việc đi làm. Chị đã nghe Nga kể về hoàn cảnh của em rồi. Chị sẽ nhận chồng em vào làm việc, chồng em đã đồng ý rồi. Còn chi phí nằm viện em cứ để chị lo. Em yên tâm nhé!

- Đúng đấy, anh sẽ đi làm. Từ giờ anh sẽ chỉn chu làm việc để chuộc lại lỗi lầm.

Chị nghe những lời của bà chủ xưởng gỗ rồi nghe chồng nói mà muốn òa khóc.

Một điều gì mới mẻ, hân hoan tràn ngập trong lòng. Chị bảo chồng mở hé cánh cửa sổ phòng bệnh cho đỡ ngột ngạt. Cánh cửa sổ mở ra, những tia nắng bên ngoài ùa vào làm gian phòng sáng hơn lên. Chị nghe thấy trong tán lá bên ngoài ô cửa bệnh viện tiếng chim sâu lích rích, lòng chị chợt thấy nhẹ nhõm, bình yên đến lạ.

Chị nhận ra đã lâu lắm rồi lòng mình không có được cảm giác bình yên đến thế. Chị bắt đầu nghĩ về tương lai, đó sẽ là những ngày đẹp đẽ, chị và chồng sẽ cùng đi làm, nghề công nhân tuy vất vả nhưng không phải đội mưa, đội nắng, dù không giàu có nhưng nếu chăm chỉ, khéo chi tiêu thì cũng có cuộc sống ổn. Rồi vợ chồng chị sẽ trả hết nợ, rồi sẽ xây được ngôi nhà nho nhỏ đẹp đẽ thay cho căn nhà xập xệ bây giờ.

Ngày mai, chắc chắn sẽ là những ngày hạnh phúc và đầy nắng ấm. Chị nhìn chồng rồi khẽ mỉm cười...

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Lê Minh Hải
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Tâm sự loài cỏ dại

Vũ Trường Anh |

Lần thứ năm, Khải ngồi dậy trong một đêm khó ngủ. Vợ cằn nhằn, không ngủ thì ra ngoài cho người ta chợp mắt. Anh lẳng lặng ra bàn, bật ngọn đèn bàn nhỏ soi lên bàn phím.

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Tuyển nữ Việt Nam thu được giá trị gì từ World Cup 2023?

NHÓM PV |

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đề cao việc thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Góc nhìn thể theo số 119 sẽ cùng trò chuyện với bình luận viên Quang Huy, nhận định về những giá trị mà tuyển nữ Việt Nam sẽ có được ở giải đấu sắp tới.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

KHÁNH AN |

Dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga

Ngọc Vân |

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga để cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Đông Anh lên quận, giao dịch đất nền vẫn ảm đạm, môi giới chán nản

Tuyết Lan |

Huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa được HĐND thành phố thông qua đề án thành lập quận. Trái ngược với kỳ vọng của nhiều người, thị trường đất nền tại đây vẫn trầm lắng, chưa khởi sắc rõ rệt.

Truyện ngắn dự thi: Tâm sự loài cỏ dại

Vũ Trường Anh |

Lần thứ năm, Khải ngồi dậy trong một đêm khó ngủ. Vợ cằn nhằn, không ngủ thì ra ngoài cho người ta chợp mắt. Anh lẳng lặng ra bàn, bật ngọn đèn bàn nhỏ soi lên bàn phím.

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.