Ngoài vườn, tiếng côn trùng rỉ rả gọi bạn tình văng vẳng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi như tiếc nuối một điều chi.
Chỉ còn ngày mai nữa thôi là Khải rời khỏi chiếc ghế chủ tịch công đoàn. Khải nghỉ vì đã đến tuổi về hưu. Địa vị công quyền bổng lộc gì cái chức ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng ấy. Với Khải, đã làm công đoàn thì phải thật sự tâm huyết với nghề, với danh dự người thầy. Chính vì lẽ đó Khải luôn day dứt sau gần hai nhiệm kì giữ cương vị chủ tịch, anh còn vương nợ với đồng nghiệp nhiều quá. Khải chưa toại nguyện được những gì mình mong muốn.
Ngược lại...
Hôm nào cũng vậy, Khải vẫn thấy Thanh ngồi lù lù ở góc quán, đối diện cổng trường. Thanh chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười cùng anh em. Rồi gật đầu, rồi nhâm nhi li cà phê đắng. Những người ngồi cùng Thanh không phải là thầy cô đồng nghiệp mà là mấy người hàng xóm của chủ quán cà phê. Họ là khách quen. Người chủ doanh nghiệp, người cán bộ về hưu, người thợ xây... Họ gặp nhau tán gẫu vài câu chuyện vui cho quên tuổi mình đã qua lục tuần, thất thập. Họ gọi Thanh bằng thầy. Họ bảo Thanh là người thầy đáng kính!
Biết vậy, mà sao Khải cứ mãi ăn năn.
Thanh là một thầy giáo có tài và tâm huyết. Dù đã đi rất nhiều trường nhưng Thanh vẫn khẳng khái giữ vững quan điểm lập trường, không nhụt chí, yểm thân. Thanh nói vui, cây cỏ tuy nhỏ mà sống lâu. Cây xà cừ to nhưng dễ dàng bật gốc. Quả thật, sau cơn bão vừa rồi hàng xà cừ nhiều cây ngã đổ, cỏ vẫn mọc vẫn lan xa.
Thanh đọc sách xưa, thấy Lưu Bị cuốc đất trồng rau, thấy Gia Cát Lượng lên rừng câu cá, Tuyết Giang Phu Tử về mở trường làng dạy trẻ triết luận hai chữ dại khôn. Thanh không sánh nổi với các bậc thánh nhân, anh muốn làm một lão nông tri điền chấp nhận cảnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, yên bề gia thất. Thanh nghĩ, thà làm kẻ chân giẫm bùn mà đầu đội chữ thanh cao.
Khải nể Thanh. Nghe mọi người bàn tán xôn xao, bảo Thanh trọng đại nhân hơn là đại hiệp. Thanh nể uy lực hơn quyền lực. Khải không tin. Khải tìm cách dò la hư thực thế nào vẫn không lần ra manh mối, Thanh là người khó hiểu.
Thanh ít nói, mà khi đã nói câu nào thì như đinh ghim vào óc. Đau nhói, khó chịu. Nhất là trên trang Facebook của anh ta, từ những câu chuyện kể đến những tấm hình tưởng như ngộ nghĩnh nhưng đọc kĩ, xem kĩ có gì đó nhồn nhột rát buốt tâm can. Toàn những chuyện thật cả thôi, được gọt giũa ít nhiều nhằm tăng sức gợi hình soi ý. Nhà văn mà lị. Chẳng hại ai. Nhưng những người có cương vị, có học, biết đọc, biết viết như Khải thấy bâng khuâng.
Chiều qua, trên bờ biển Tam Thanh, lúc Khải vừa bước chân lên bờ thì thấy cô giáo Mai lù lù đi xuống. Cái cô mà ông hiệu trưởng mấy lần đòi đuổi việc, đuổi ra khỏi ngành. Cô đi cùng hai đứa con thơ. Đứa cầm ổ bánh mì vừa đi vừa ăn, đứa mặt mũi kèm nhem, tay dính đầy cát bẩn. Nhớ cái lần ông hiệu trưởng mời công an vào đưa cô ra khỏi lớp, Thanh lên Facebook nói rằng, kẻ bất tài thường dụng thế lực hơn dụng tâm.
Rồi cái chuyện của thầy giáo Lộc và cô giáo Tâm. Cô Tâm ra đi khi tuổi chưa tròn tứ tuyệt, thầy Lộc bốn chín giữa chừng bỗng bỏ lại con thơ. Ông hiệu trưởng đọc điếu văn cho thầy và cô mọi người nghe như sấm truyền định mệnh. Lửa cứ âm ỉ cháy hoài, Khải dập mãi không xong.
Người làm công đoàn như Khải phải biết thuật tâm công. Tuổi Khải đã cao, các thầy cô trong trường đa phần đều trẻ. Họ gọi Khải bằng thầy, có người thân tình gọi chú, Khải cảm thấy băn khoăn.
Giá như hôm ấy, Khải biết sớm thì hơn, đâu đến nỗi sự tình lún sâu đến vậy. Thanh nín câm, Khải làm lành, Thanh bảo, làm lãnh đạo phải biết thuật dùng người, không bè phái, không cầu chức lợi danh. Chỉ nói có chừng ấy thôi, Thanh bỏ đi. Đêm nằm, Khải thao thức.
Thanh dạy cũng đã ba mươi năm, Khải còn năm nữa đủ ba lăm năm. Thanh gọi Khải bằng thầy, Khải gọi Thanh là đồng nghiệp. Chả hiểu sao, Khải thấy mình khao khát có được chút uy lực trước Thanh.
Thanh đã chuyển trường. Khải cứ mãi lo âu. Ông hiệu trưởng hoan hỉ cười, Khải trầm ngâm lưỡng lự. Anh em đồng sự đứa hí hửng, đứa xót xa cho việc làm của ông Hiệu. Xứng hay không xứng cần gì phải bàn. Đời nó vậy!
Khải lên sở, mời cho bằng được ông Phó kiêm Chủ tịch công đoàn ngành về dự. Hi vọng ông sẽ dàn hòa làm nguội lạnh ngọn lửa âm ỉ bấy lâu nay. Ai dè ông chỉ nói một câu, ba năm qua, chất lượng có tăng... dưới đã xầm xì, đuôi dài kẻ leo người nắm.
Công việc của người làm chủ tịch công đoàn nghe dễ nhưng khó.
Khải lặng lẽ ra bờ ao, vớt cọng rau muống vào cho gà ăn, ngó xuống ao thấy bóng của hàng mai chiếu thủy. Loài hoa mà Khải thích nhất. Bông nhỏ, nhưng màu tinh khiết. Lá nhỏ song rất xanh. Khải nhớ lại câu nói của Thanh, cây cỏ nhỏ nhưng sống lâu... Khải đâu phải là cây xà cừ mà sao Khải sợ?
Khải nhớ lại, năm ấy Khải vượt suối băng rừng, những ngọn lau già ngã ra bên đường phất phơ ngọn bạc. Giữa mùa mưa bão, cây xà cừ đổ ngang. Khải cố trèo qua, vượt lên trên. Lúc ấy, Khải còn trẻ mà. Sức trai còn xông xáo. Đằng sau Khải, mấy đứa trẻ thơ, những phụ nữ mang thai. Họ không thể trèo qua. Khải vẫn đi. Mặc ở đằng sau. Ông Hiệu nói với Khải nguyên tắc là nguyên tắc.
Thanh thì khác, anh rất nguyên tắc trong chuyên môn. Nhưng ngoài đời anh luôn đi phía sau, nhặt những hòn đá rơi, nhổ những cây gai chích vào bàn chân con trẻ. Đồng nghiệp tin yêu anh. Ông Hiệu xem Thanh là cái gai trong mắt. Ông Hiệu sợ, quần chúng tín nhiệm Thanh, bầu Thanh giữ chức vụ gì gì đó, bóng ông Hiệu lu mờ. Ông bèn chuyển Thanh đi trường khác. Thanh cứ đi, chẳng nói chẳng rằng. Không một lời từ biệt. Đi đâu Thanh vẫn dạy. Vẫn sống và vẫn vui. Khải bị anh em chỉ trích, không biết đấu tranh bảo vệ đoàn viên công đoàn. Khải trằn trọc sau nhiều đêm không ngủ.
Chiều qua, có ông giáo về hưu, Thanh nghe tin, Thanh về nhưng không vào trường, anh mời ông giáo ra góc quán. Sau lời chúc tụng lúc trà dư tửu hậu, bạn tửu hỏi Thanh, có điều gì trăn trở? Thanh cười, nếu đời bằng phẳng đâu biết thật giả đâu em. Quà tặng ông giáo về hưu, có điếu xì gà, có vài đôi xấp vải. Thanh cầm lấy một nhánh hoa tặng thầy. Đó là nhành mai chiếu thủy. Loài hoa tinh khiết soi bóng nước trong.
Khải vội vã vớt cọng bèo non chạy ào vào tưởng là cọng rau muống. Khải vứt vào chuồng gà, con gà trống nhảy ra, đạp lên cành bèo, dẫm nát, bươi hất qua bên. Chúng không ăn. Chúng biết chủ của chúng hôm nay lẫn nhầm bèo với rau muống. Ở đời, đôi khi cũng có người nhầm lẫn giữa cái nọ cái kia. Bèo và rau muống giống nhau, cùng sống dưới nước, cùng nổi trên mặt ao. Nhưng bèo trôi dạt theo dòng chảy chẳng biết về đâu, rau muống thì đan níu lẫn nhau bám bu vào bờ, thủy chung khát vọng.
Gà còn biết phân biệt huống chi ta. Khải nghĩ thế, rồi đi vào nhà. Tiếng điện thoại reo.
- Alo! Ở đầu dây bên kia tiếng ông Hiệu, mời thầy xuống trường họp xử lí vụ cô Mai!
- Vâng! Tôi xuống ngay!
Lại chuyện cô Mai. Chuyện cô dâu nhiều tập. Biết xử kiểu gì. Khải bứt tóc vò tai.
Nhớ lại, lần ấy trong cuộc họp hội đồng, Khải nói oang oang: Các thầy cô lên Facebook nói sao cho nhẹ nhàng. Không được dùng chữ cạn lời, còn chi nói nữa. Lúc ấy, Khải nói theo lời ông Hiệu chỉ bảo. Khải ngậm ngùi khi đọc truyện cực ngắn của Thanh. Truyện đại loại kể về cô giáo My, nhân vật phỏng tác về cô giáo Mai, Khải nghĩ thế! My sinh ra trong gia đình có bố là cán bộ tập kết. Bố My nghiêm khắc từ cách nói đến cách đi. Với ông cuộc sống là đường kẻ thẳng băng, không quỵnh, không cong, không thể thế này thế nọ. My học được ở bố cách giăng dây dóng mực cho đường đời. Với cô, bất cứ việc gì cũng là nguyên tắc, là luật định, là chỉ thị, thông tư.
Thời học phổ thông My học cũng thường thôi, được điểm cộng của gia đình có công, My đỗ vào đại học. Ra trường My dạy học trò theo kiểu đọc sách chép theo. Thời trước, học trò ngậm nghe. Thời nay học trò hay phản ứng. Hết học trò rồi đến phụ huynh. Ông Hiệu lấy cớ đó đình chỉ việc giảng dạy của My. Ông đổi lớp dạy của My, gọi cả công an vào trường đưa My ra khỏi lớp.
Năm bố My mất, gã chồng của My, cái gã trai tân thấy chẳng nhờ đỡ được gì cũng vội vàng cuốn gói. My ở vậy nuôi con. Cuộc sống nhờ vào đồng lương giáo nghèo thiếu đầu hụt đuôi, đôi lúc làm My bẩn tính. Phụ nữ thích làm đẹp cho mình nhiều khi cũng khó. Thiên hạ bàn tán xôn xao về My. Họ đẩy My mỗi lúc một xa hơn, My ngồi ở góc tường nhìn mọi người bằng đôi mắt đa nghi ngờ vực.
Ông Hiệu tìm cách đuổi My, nhưng chưa lần nào đuổi được. Cái lí không có, ông cố tạo ra. Cái tình thì ông đã cạn tàu ráo máng, quyết dập cho bằng được con cọp cái lẫn cọp cha. Chuyện được rất nhiều bạn trẻ “comment”. Song, càng comment bao nhiêu bí ẩn càng nhiều, chuyện không đi vào hồi kết.
Đêm nay cũng vậy! Sau một ngày ròng rã, mệt lả cả người, hội đồng thi đua đã bao lần họp. Ông Hiệu cứ oang oang, tôi đã nhân từ, ai cũng hiểu cái nhân từ của ông, vậy mà ông cứ hoài nhắc lại. Chuyện còn dài, lí chẳng có lí, tình lại càng không. Khải nghỉ chức vụ ông chủ tịch từ đây. Vợ bảo, anh đã nhẹ được bờ vai. Nhưng với anh, cái nợ nhân nghĩa ở đời khó bề nhẹ nổi.
Lúc chiều Khải thấy Thanh đạp xe ngang qua trường. Thanh ngày nào cũng vậy. Chiếc xe đạp, cái mũ nồi, đôi dép rọ, cặp xách khoác ngang vai. Mọi người ở quán cà phê gọi vọng ra, chiều mời thầy lên điểm hẹn cây xanh làm vài cốc bia lạnh với anh em, có mồi heo rừng ngon lắm!
Thanh cười, cảm ơn mọi người. Chiều đúng hẹn Thanh lên.
Ngoài vườn tiếng côn trùng lại kêu. Thạch sùng tặc lưỡi. Khải ngồi dậy, pha trà, chế cà phê. Hương cà phê tỏa lên, vị trà ngon ngọt. Khải nhớ lời Thanh nói trước hội đồng: Đã làm Thầy thì phải có chữ Tâm. Khải nghĩ, làm công đoàn còn có thêm chữ Tín.
Chương trình đại hội sắp xong. Giờ đã bước qua phần chọn bầu nhân sự. Thanh đã chuyển trường, Khải bần thần, cỏ thấp mà lại cao...
Tam Kỳ, ngày 5.5.2023