Truyện ngắn dự thi: Mai làm lại

Ny An |

“Tình tính tinh tinh...” - tiếng chuông kéo từng hồi vang lên khắp xưởng, mọi người tắt máy, dẹp hàng qua một bên, rục rịch nối chân nhau xuống căn tin. Nhà ăn của xưởng khá rộng, nhưng chưa đầy sáu mươi giây đã chật ních người.

Mai nhỏ bé lọt thỏm giữa đám đông, chen không lại. Đi trễ sẽ mất cơ hội chọn đồ ăn. Nhưng ngó qua nhìn lại, cơm ở nhà máy nuốt trầy cổ họng chớ có chi ngon mà tranh nhau. Cơm nấu từ gạo dỏm, bữa khê bữa nhão. Thịt gà bở rệt, cá kho nhạt thếch, thịt xào toàn mỡ, chén canh lõng bõng vài cọng rau, thêm trái chuối hơi thâm vỏ hoặc lát dưa hấu bé xíu.

Bơ phờ cầm khay cơm tiến đến một góc bàn trống, Mai đặt mông ngồi xuống cái phịch. Người cắm cúi ăn, kẻ rôm rả nói cười. Chừng Mai xúc được muỗng cơm thứ ba đưa vào miệng, đã có hàng chục người ngừng ăn, xếp đũa muỗng, khay cơm vào xe đẩy.

Nhịp sống ở đây quá nhanh, làm nhanh, ăn lẹ, ngủ mau. Mọi thứ phớt qua như cơn gió không kịp chạy theo. Mấy chị nằm xếp bằng như cá mòi trên những tấm chiếu bạc trải bên cạnh tủ locker đựng đồ dùng cá nhân, tranh thủ chợp mắt trước khi vào giờ làm buổi chiều. Bọn đàn ông ra phía nhà xe của xưởng ngồi hút thuốc, tám chuyện.

Mai rê thân mình về tủ locker, mở khoá lôi ra từ trong balô hai miếng salonpas lớn, dán từ gót chân dính qua mắt cá. Nhưng miếng giảm đau vô dụng với vùng da gót chân chai sần. Sau tuần đầu làm ca hành chính học việc, xui rủi sao từ tuần thứ hai Mai phải tăng ca xuyên suốt mười hai tiếng. Là mười hai giờ đồng hồ đứng máy trẹo chân, chạy qua xoay lại như con lăng quăng. Mai chỉ có hơn ba chục phút ngồi tự xoa bóp cho đỡ đau nhức.

Vừa đi vừa dụi mắt ngáp ngủ, Mai đụng trúng người đằng trước. Là một chàng trai mắt mí lận nụ cười toả nắng. Cậu ta dứt lời xin lỗi, cặp mắt Mai đã sáng rỡ lên như bắt được ánh sao.

Trời bơi, giọng Quảng! Dễ chi tìm được đồng hương ở chỗ xa lạ ni. Mừng hết lớn, xém chút nữa Mai đã túm lấy cổ tay cậu trai tên Lụm đó và luyên thuyên đủ thứ. Những ngày ni, Mai thèm giọng quê tới điên người. Có bữa phải gọi điện thoại cho đứa bạn cách gần ngàn cây số, hỏi lum la chuyện trên trời dưới đất, chỉ để nghe đã đời thứ giọng quê trớt. Người ở đây nói với nhau bằng chất giọng mềm mại ngọt ngào nhưng xa lạ quá!

***
Mai phụ trách máy F48, vừa vận hành máy làm ra sản phẩm, vừa kiểm hàng, đóng hàng. Cái máy to đùng, từ đầu tới đuôi dài chừng ba mét. F48 khá đa năng, nhiều nút bấm và hầm bà lằng các loại lỗi phải chỉnh sửa trong quá trình chạy máy.

Lúc còn đi học, Mai được coi là đứa có chút thông minh, học nhanh hiểu lẹ. Vậy chớ đối mặt với máy móc là tự dưng Mai ngu ngang. Hàng chục lỗi dính nhựa phần răng dây kéo và chốt dưới, kẹt đầu khoá kéo, thiếu chốt chặn, rách lõi, băng vải có đoạn nối nên đứng máy... Mỗi lỗi có cách chỉnh sửa và những lệnh bấm khác nhau, Mai nghe hướng dẫn mà cảm giác như có con cào cào nhảy trong đầu.

F48 chuyên chạy dây khoá kéo VSC, là loại có bụi duy nhất của hàng khoá kéo Vislon. Bởi thế, khắp người Mai lúc nào cũng bị bao phủ bởi bụi vải. Bụi đủ màu bám vào bộ đồ công nhân xanh lam, tấp vào mặt gây ngứa ngáy, chui vào hốc mũi nhạy cảm khiến Mai hắt xì tứ tung.

Xưởng có hàng chục loại máy khác nhau, mỗi chiếc phát ra âm thanh riêng. Mai nhìn xung quanh, đã mấy ngày rồi, vẫn thấy xa lạ lạc lõng tột cùng. Đây đâu phải nơi dành cho Mai. Vị trí của Mai phải là ở giảng đường, bên dưới hàng ghế sinh viên, trong căn phòng sạch bong với máy điều hoà mát mẻ. Âm thanh Mai nên nghe là lời dạy êm tai từ các giảng viên, lời cười nói vui vẻ của bạn bè đồng trang lứa. Tại sao Mai ở nơi này, giữa không gian ồn ã máy móc, hàng hoá rối rắm bụi bặm và con người mặt nặng mày nhẹ?

***
Tháng lương đầu tiên nhận được, Mai gửi gần hết về nhà, chỉ giữ lại một triệu năm trăm ngàn đồng đóng tiền trọ và ăn một bữa mỗi ngày. Phòng Mai ở đơn điệu chiếc chiếu lát, cái mền mỏng dé, ba lô quần áo và vài đồ vệ sinh cá nhân.

Phần lớn thời gian Mai lết về phòng đều lăn ra ngủ. Tuần làm ca ngày, buổi sáng Mai mò dậy lụi cụi đi bộ tới công ty lúc mặt trời chưa mọc, bước ra khỏi xưởng khi ánh chiều đã tắt. Tuần làm ca đêm, Mai ngủ lặt lờ suốt ngày. Đợi đồng hồ báo thức xua hoàng hôn, Mai thức dậy với tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi, gặm vội ổ bánh mì trước khi vào xưởng. Sau đêm thức trắng cùng máy móc, dây khoá kéo các thứ, Mai rời nhà máy về trọ lúc bình minh vừa lên.

Mai cố gắng tới thế, cốt yếu để em trai có tiền đóng học phí. Tới chừ, cảm giác tủi thân năm lớp mười hai như còn chèn ngang ngực Mai. Trước giờ thi học kỳ, chiếc loa phát thanh của trường oang oang gọi họ tên Mai đòi học phí. Mai dị đỏ mặt băng qua hàng chục cặp mắt chằm chằm của bạn bè, chạy thiệt nhanh về phía phòng giám thị xin xỏ. Thi tốt nghiệp xong, Mai đã xác định xếp giấy bút sách vở, nhường cơ hội cho em trai viết tiếp ước mơ đại học.

Mới cách đây vài ba năm, chị em Mai còn đang ăn ngon mặc đẹp trong vòng ôm bảo bọc của ba má. Gia đình khá giả, từ nhỏ cả hai sống vô lo vô âu, tập trung học hành, vui chơi cùng bè bạn. Nào ai biết được cuộc đời này có bao nhiêu chuyện bất trắc. Đùng một cái, đại dịch siêu hô hấp cấp ập tới, nào giãn cách, cách ly. Ba má Mai đóng cửa nhà hàng vì thua lỗ. Có vẻ như ông trời thích thử thách con người, nên mọi tai hoạ luôn xảy ra cùng lúc. Chưa kịp xoay ra cách trả nợ, con virus dí sát bên hông cướp mất ba khỏi tay má con Mai. Má ráng nắm níu ở lại, nhưng bị biến chứng, đau cơ khó thở liên tục, làm việc quá sức ngất xỉu mấy bận. Mai đành chọn bước trên con đường gập ghềnh để trải sẵn hoa cho em trai cô.

Mấy đêm nhớ nhà quá, Mai thút thít một mình trong căn phòng chưa đầy mười mét vuông. Tiếng khóc vang tới bốn bức tường, dội ngược vô lòng Mai, chơ vơ ngắt quãng giữa trống hoác thanh âm.

***
Qua dăm câu rặt Quảng, Mai đã thân với Lụm. Bữa nào làm chung ca, cả hai tranh thủ giờ nghỉ trưa nói bá láp bá xàm. Lụm rất khác với Mai, cả về cách sống lẫn suy nghĩ. Hơn Mai ba tuổi nhưng Lụm xưng mi - ta ngang phè. Lụm mê game Liên Quân, khoái cà phê chém gió, bỏ học đi làm sớm. Kiếm được bao nhiêu, Lụm đốt hết vào quán xá với mấy trò tiêu khiển “giết” thời gian. Nếu ngày trước chưa bị đẩy vô bước đường này, có lẽ Mai chẳng bao giờ chơi với một đứa lất cất như Lụm.

Cầm đồng tiền do chính mình làm ra, tiêu rất sướng tay. Chẳng phải lo nghĩ được mất, tính toán dè sẻn như khi ngửa tay xin người khác. Lụm cười híp mắt luyên thuyên với Mai. Nhưng dường như, đằng sau vẻ ngoài tươi tắn bất cần đời của Lụm, có chút gì đó lạc lõng khó diễn tả thành lời.

Đang giữa buổi, một tiếng thét vang lên ran xưởng. Những chiếc camera đang chấu xuống từ bốn phía nhưng mọi người vẫn xúm tụm ở máy F48 nơi Lụm phụ trách. Tiếng ồn của máy móc không át được những âm thanh xì xào. Ai nấy đều thảng thốt, kẻ tặc lưỡi, người chau mày, nhăn mặt, bụm miệng.

Mai vừa chen chân bước tới, họ đã giãn ra hai bên. Anh bảo trì cõng Lụm trên vai, chạy thiệt nhanh về phía phòng y tế. Máu từ bàn tay trái của Lụm nhỏ dọc đường đi, thấm đỏ vạt áo trước của người đàn ông đang run run từng bước chân. Mai thoáng thấy mặt Lụm xanh mét, môi bặm chặt. Mọi thứ trôi qua trước mắt, Mai đơ người trong giây lát. Mùi thịt cháy khét thoảng qua đã kéo Mai trở về với thực tại.

Mai nhìn cái máy dập răng và chốt dây khoá kéo. Trục sắt của F48 đã dập xuống bàn tay Lụm trong khi anh loay hoay sửa máy. Trời ơi cái máy nặng thế mà dập xuống tay thì còn gì xương cốt. Đến sắt còn gãy nữa là tay người. Phải làm sao đây, phải làm sao đây... Mai rùng mình, một luồng lạnh toát chạy dọc từ mang tai xuống cổ. Mai đưa tay lau giọt nước mắt đang rớt vội từ khoé, muốn vùng chạy theo, nhưng chợt nhớ vẫn đang trong ca làm việc.

***
Mai lê chân khỏi công ty, ngoái đầu nhìn cánh cổng sắt to đùng khép lại rồi thở dài ráng bước nhanh dưới ánh nắng sớm. Ông xe thồ thả Mai xuống trước bệnh viện. Lụm đang ở phòng hồi sức cấp cứu. Phẫu thuật vừa xong, Mai chỉ có thể hỏi thăm tình hình qua y tá và ngồi tựa vào tường ở hành lang bệnh viện. Cơn buồn ngủ ập về trong vô thức. Tới khi Mai té đập đầu xuống hàng ghế nhựa, giật mình cái đụi mở mắt ra, trời đã quá trưa. Bụng liền cào lên ột ột vì đói.

Thời gian sau đó, ngày nào đi làm về Mai cũng đi chợ nấu cơm đem vào viện, lờ đờ trò chuyện với Lụm, nốc thêm một ly cà phê, ngủ được chừng ba tiếng rồi đi làm lại. Cặp mắt Mai thâm quầng và sâu hoắm vì thiếu ngủ. Mai cứ quanh quẩn bên cạnh cái kẻ vừa mất đi một bàn tay.

Mấy chị làm ở văn phòng ghé đến thăm Lụm. Giỏ trái cây đủ loại đầy ắp nặng trịch mà câu hỏi han nhẹ bẫng. Chị kia biểu, còn sống là may mắn rồi. Cứ sống trước cái đã, mọi thứ đều có thể giải quyết. Thuyền tới đầu cầu ắt sẽ thẳng. Mai ngồi trong góc ngó qua bọn họ và nghĩ: “Rồi nhỡ không có thuyền thì làm sao tới đầu cầu?”. Một chị dúi vào tay Lụm chiếc phong bì mỏng dé. Đó là tiền hỗ trợ tai nạn lao động của công ty và trợ cấp nghỉ việc cho Lụm. May quá, Mai đang chưa biết lấy gì đóng nốt số viện phí còn lại sau khi bảo hiểm chi trả một phần. Thôi thì, đỡ được chừng nào hay chừng nấy, cứ từ từ tính lần tới.

Nắng tắt sau lưng bệnh viện, trời chiều ngập gió thổi vào hành lang, lùa vào lòng người. Lụm nửa nằm nửa ngồi trên giường, ngó hoài ra phía bụi cỏ dại ngoài cửa sổ. Cuộc đời đôi khi quá bạc bẽo, mới vừa trượt té một cái, đã bị người ta đẩy đi luôn. Chưa kịp xin nghỉ, công ty đã từ chối nhận vào làm tiếp. Nhưng nói đi phải nghĩ lại, Lụm đâu thể làm được chi chỉ với một bàn tay. Sự cố xảy ra hoàn toàn do Lụm bất cẩn. Công ty đã hỗ trợ đúng thủ tục, có tình nghĩa lắm rồi.

Mai cố đoán ý Lụm, tò mò lén quan sát anh. Nhưng gương mặt phờ phạc vì cơn đau cứ trầm lặng không thay đổi dù chỉ cái nhướn mày. Ai đó từng nói, con người ta sẽ trưởng thành rất nhanh chỉ sau một biến cố. Liệu sau này Lụm có thể chín chắn hơn chưa? Cũng giống như Mai, bỗng dưng trở thành trụ cột của gia đình khi mới tròn mười tám tuổi.

***
Mai dọn về ở chung với Lụm để tiết kiệm tiền trọ. Căn phòng rộng gấp đôi trọ cũ của Mai, cô ở trên gác, Lụm trải chiếu ngủ phía dưới. Hai con người chưa kịp lớn dính lấy nhau giữa phố xá rối bời. Quyết định này đúng hay sai, chắc đợi thời gian trả lời. Dù sao, có sai lầm thì mới là tuổi trẻ.

Những ngày yên ắng bên cạnh, Mai nhận ra, không có cuộc gọi nào cho Lụm đến từ gia đình. Chuyện cũ bị lôi ra như xát thêm muối vào vết thương trên da thịt. Từ nhỏ tới lớn Lụm chưa từng gặp mặt ba ruột. Lụm chê má anh làm công việc dơ nhớp, bu bám từ thằng đàn ông này qua thằng đàn ông khác như con rận bấu chặt chó mèo để hút máu. Cãi nhau mấy bận, Lụm bỏ nhà đi hơn bốn năm chưa về. Cũng là chừng đó thời gian hai má con cắt đứt liên lạc, chẳng tin tức gì.

Cái tay cụt đã lành sẹo của Lụm nhưng nhức ngứa ran miết, tiếng thở dài chảy trôi ngày đêm. Bác sĩ bảo đó là đau chi ma, ngoài điều trị bằng thuốc thì Lụm cần phải chấp nhận thực tế rằng, mình đã không còn bàn tay đó nữa. Cơn đau ảo trên tay xoắn vặn lặp đi tái lại, hệt như nỗi hoang hoải trong lòng Lụm, dù đã qua rất lâu vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Mai thở dài, đời Lụm sao chua chát quá! Những năm tháng mình còn ngu dại, còn trẻ con chưa nhìn thấu cuộc đời, còn nông nổi làm khùng làm điên, lại chẳng có gia đình ở cạnh bên khuyên răn, dìu dắt, dẫn đường. Lúc này, Mai là người duy nhất đưa tay ra với Lụm. Dù biết bản thân đã đeo mang thêm gánh nặng, nhưng nếu Mai không níu lấy, sợ rằng Lụm sẽ bị cơn sóng lớn nhấn chìm xuống sâu dưới đáy biển, chẳng thể quay về bờ.

So với Lụm, đời Mai còn nhiều phước lành lắm! Mai lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Tuy đã vắng bóng ba, nhưng có lẽ ba luôn dõi theo phù hộ cho Mai. Bây chừ may còn công việc này giúp Mai lo cho má và em trai. Tự dưng Mai phấn khởi hẳn lên trong mỗi ca làm. Việc vận hành sửa lỗi cho F48 trở nên đơn giản dễ thở hơn. Thỉnh thoảng Mai lén ngồi xuống bệ sắt bên cạnh lô hàng dây khoá kéo cho đỡ đau chân. Bữa cơm của xưởng bỗng nhiên dễ ăn hơn.

Để bắt nhịp với những cỗ máy xung quanh, Mai tập luồn lách giữa dòng người tới căn tin thiệt nhanh, nhai vội nuốt lẹ rồi kiếm khoảng trống đặt lưng chợp mắt. Rốt cục, khi đối diện với khó khăn trong đời, tâm thế của con người là điều quan trọng nhất, quyết định ta sẽ chìm sâu trong bóng tối hay bước ra khỏi cơn mê.

***
Mai lôi Lụm ra khỏi phòng, ép tới quán cơm xin làm bưng bê chạy bàn. Ông chủ xiêu lòng trước vẻ khẩn thiết của Mai, đành cho Lụm thử việc dù lo ngay ngáy. Được hai bữa, Lụm làm bể nửa mâm chén và tạt canh nóng phỏng da khách, ông chủ đuổi thẳng cổ. Lụm về nằm bẹp dí ở trọ lướt điện thoại. Cả ngày bỏ ngủ cãi nhau rân trời, Mai càng nói Lụm càng nằm lỳ. Nghỉ làm nữa thì hít không khí sống qua ngày ha gì? Mai tức quá oà khóc, dỗ mãi mới nín.

“Làm, suốt ngày đi làm. Để đó ta đổi tên cho mi vừa lòng, không phải Lụm nữa mà là Làm”. Lụm giả đò quạu rồi bấm chọn vào một tin tuyển dụng trên trang tìm việc online. Mai quay mặt đi mím môi cười, nén tiếng “hức” đang cố thoát ra từ cổ họng.
Hoàng hôn vừa buông, những tia nắng cuối cùng của ngày nhuộm đỏ chân trời, Mai lại chuẩn bị bước vào ca đêm. Lụm nhìn theo bóng lưng người con gái bé nhỏ đi ra khỏi cổng trọ, nói với theo. Mai đi làm lại nha...

Ny An
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Khốn khó đã qua

TRẦN tâm |

- Còn hai hôm nữa đến ngày giỗ mẹ cháu! Chỗ hàng xóm thân cận, cháu mời bác! Chúng cháu cũng không bày vẽ nhiều đâu! Làm có dăm mâm thôi! Toàn thân cận cả! 17 giờ, bác nhớ sang nhé!

Truyện ngắn dự thi: Ngọn đèn thức trong sương (phần 2)

TRẦN MAI LAN |

(... tiếp theo và hết)

Bức ảnh cô gái mơ màng dưới những chùm hoa mận trắng như tuyết, nở bung xao xác trong mưa bay, như bức tranh thuỷ mặc được Quân phóng to lồng vào khung tặng cho Phương. Cô thích lắm, đặt khung ảnh ngay bàn làm việc. Ở bàn học của Quân cũng có một bức sao y bản chính. Quân đã cảm mến cô gái trong ảnh ngay từ khoảng khắc đầu tiên, như hút hồn và ám ảnh chàng trai trẻ trong một lần phượt săn ảnh cho đề tài của mình.

Truyện ngắn dự thi: Ngọn đèn thức trong sương (phần 1)

TRẦN MAI LAN |

Tiếng chuông đồng hồ báo thức tút tút... tút tút... đổ từng hồi ngắn, nhưng rõ ràng và dứt khoát. Phương giơ tay ấn vào nút tắt trên đỉnh chiếc đồng hồ. Ánh sáng phát quang chiếu lên chiếc kim chỉ phút đúng 1 giờ kém 15 phút. Phương dụi mắt dậy chuẩn bị đi làm “ốp” 1 giờ đêm.

Việt Nam và Liên bang Nga còn nhiều tiềm năng phát triển quan hệ

Ngọc Vân |

Trên mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn, sự giúp đỡ chân thành của các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Tiềm năng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga còn rất lớn, hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện trạng đại lộ hơn 2.300 tỉ đồng ở TPHCM sắp được chỉnh trang, trồng sen

HỮU CHÁNH - NHƯ QUỲNH |

TPHCM - Huyện Bình Chánh dự kiến trồng sen ở giữa đại lộ Nguyễn Văn Linh, tạo cảnh quan để người dân đến tham quan, chụp ảnh.

Gia đình xuyên Việt một tháng trên ngôi nhà di động vẻn vẹn 6m2

Tuyết Lại |

Về đến nhà, gia đình anh Sơn vẫn không ngừng nhớ về hành trình xuyên Việt 31 ngày từ Hà Nội đến mũi Cà Mau trên ngôi nhà di động.

Cường độ dị thường và quỹ đạo khó lường của cơn bão tăng 4 cấp trong 24 giờ

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Lee - cơn bão từng tăng từ cấp 1 lên cấp 5 trong 24 giờ - đã trở lại là bão cấp 3 với sức gió tối đa là 193 km/h.

Không lương hưu, người già phải sống dựa vào con cái

Quế Chi |

Theo thống kê, hiện nay, hàng triệu người từ 60-79 tuổi không được nhận bất kỳ chế độ nào. Cuộc sống của họ rất khó khăn. Nhiều người phải theo các con (đi làm xa quê) để vừa trông nom, giúp đỡ, vừa sống dựa vào các con.

Truyện ngắn dự thi: Khốn khó đã qua

TRẦN tâm |

- Còn hai hôm nữa đến ngày giỗ mẹ cháu! Chỗ hàng xóm thân cận, cháu mời bác! Chúng cháu cũng không bày vẽ nhiều đâu! Làm có dăm mâm thôi! Toàn thân cận cả! 17 giờ, bác nhớ sang nhé!

Truyện ngắn dự thi: Ngọn đèn thức trong sương (phần 2)

TRẦN MAI LAN |

(... tiếp theo và hết)

Bức ảnh cô gái mơ màng dưới những chùm hoa mận trắng như tuyết, nở bung xao xác trong mưa bay, như bức tranh thuỷ mặc được Quân phóng to lồng vào khung tặng cho Phương. Cô thích lắm, đặt khung ảnh ngay bàn làm việc. Ở bàn học của Quân cũng có một bức sao y bản chính. Quân đã cảm mến cô gái trong ảnh ngay từ khoảng khắc đầu tiên, như hút hồn và ám ảnh chàng trai trẻ trong một lần phượt săn ảnh cho đề tài của mình.

Truyện ngắn dự thi: Ngọn đèn thức trong sương (phần 1)

TRẦN MAI LAN |

Tiếng chuông đồng hồ báo thức tút tút... tút tút... đổ từng hồi ngắn, nhưng rõ ràng và dứt khoát. Phương giơ tay ấn vào nút tắt trên đỉnh chiếc đồng hồ. Ánh sáng phát quang chiếu lên chiếc kim chỉ phút đúng 1 giờ kém 15 phút. Phương dụi mắt dậy chuẩn bị đi làm “ốp” 1 giờ đêm.