Truyện ngắn dự thi: Con đường của tôi (phần 1)

Vương Huyền Cơ |

- Đêm tĩnh lặng nên tiếng khóc dù cố kìm nén vẫn vang lên những âm thanh nấc nghẹn đứt quãng. Tiếng khóc của người đàn bà bị chồng bỏ. Minh thở dài.

Ba bỏ nhà ra đi gần hai năm rồi, từ đó đêm nào má cũng khóc. Khóc ban đêm bởi ban ngày bận bịu bao nhiêu thứ không có thời gian để khóc. Từ một người đàn bà chỉ biết từ góc bếp ra tới sân vườn giờ phải lo đủ thứ - những việc mà lúc trước là nhiệm vụ của ba. Trồng thứ gì, liên hệ với thương lái ra sao. Ba dứt áo ra đi nhẹ nhàng cứ như thay chiếc áo đẫm mồ hôi bằng chiếc áo mới khô ráo thơm tho.

Lúa chín vàng đồng nhưng giá lúa thấp - má khóc.

Rẫy dưa trái xanh mướt nhưng thương lái không ghé mắt tới - má khóc.

Giờ má mới biết thế nào là “được mùa mất giá”. Giá nông sản rẻ mạt thu không đủ bù chi, má cứ cuống lên, Minh nói:

- Nhà còn hai mẹ con, ăn uống bao nhiêu đâu. Má buông hết đi cho khỏe.

- Không được, nghèo người ta khinh. Phải có tiền trong túi mới được.

Má chỉ sợ thiên hạ cười là mới bị chồng bỏ mà đã “thân tàn ma dại”. Sĩ diện là thứ làm nhiều người phải ráng gồng lên. Cũng nhờ ba bỏ đi mà Minh không còn vô tư nữa, cô biết nghĩ về tương lai, phải chứng tỏ cho mọi người thấy con gái không phải thứ vô dụng, con gái cũng tạo dựng được sự nghiệp cho mình. Cô ngồi dậy vờ hắt hơi vài tiếng, tiếng khóc ngưng lại...

Minh đi xuống bếp, lửa trong lò sáng ấm áp, má cho thêm vài vỏ dừa khô cho nồi cám heo sôi nhanh.

- Bữa nay thức sớm vậy?

- Dạ, má ra ruộng sớm cho mát, để con cho heo ăn.

- Làm được không đó?

- Thôi má, con là con gái nhà nông chớ có phải tiểu thư đài các.

- Vậy má đi. Lúa trổ đòng rồi mà ruộng khô quá. Phải chi có cơn mưa thì khỏi tốn tiền mua dầu chạy máy bơm nước vô ruộng.

Bà vừa đi vừa nói.

- Thứ gì cũng cần đến tiền, phải chi tiền nhiều như lá mít rụng trong vườn cũng đỡ.

Minh nghĩ bâng quơ, nghề gì có thể làm ra tiền nhiều nhỉ? Có mấy cô ở xóm trên lên Sài Gòn bán cà phê thôi nhưng ăn bận sang trọng, vàng đeo đầy người. Mấy cô khác thì lấy chồng Hàn, chồng Đài cũng đổi đời được cho cha, mẹ nhưng cô không muốn như vậy, cô có con đường của cô, đường như thế nào thì chưa rõ nhưng sợ chi. Cô đã có bài hát “My Way” làm kim chỉ nam: “Tôi đã lập kế hoạch cho mỗi bước đi... Tôi đã làm mọi việc theo cách của mình...”.

Minh ngồi bệt xuống đất thở dốc, không ngờ quét lá trong vườn lại mệt như vậy. Minh lại càng thấy thương má. Mới đây thôi, ngoài giờ đi học về cô chỉ ngồi vô bàn máy may sửa đồ cho khách, dù chỉ học lỏm trên mạng nhưng Minh có năng khiếu may vá. Quần áo cũ qua tay cô cắt sửa lại trở thành mới. Vậy đó mà có đồng ra đồng vô chi tiêu cho việc học.

Rồi không biết ba có nhân tình từ hồi nào, nay cô ta sinh con trai nên ông gom hết tiền dành dụm, bán luôn máy may kiếm cơm của con để đi xây tổ ấm mới. Giờ cô mới thấm nỗi cực nhọc của lao động chân tay. Má nói để đi mượn tiền mua lại máy may cho Minh nhưng cô cản, kiếm không đủ trả nợ lại càng khổ.

Thảo đi vô mặt mày tươi rói:

- Siêng ghê!

- Có ai làm cho đâu mà hổng siêng!

Minh nhìn Thảo:

- Lượm được tiền hay sao mà thấy vui quá vậy?

- Còn hơn lượm được tiền, lượm được việc làm.

- Làm gì, ở đâu, cho tao làm với!

- Làm công nhân may ở Sài Gòn.

- Hả... tới Sài Gòn lận?

- Thì chị tao mần ở trển hai năm rồi, chỉ gọi về nói xưởng đang tuyển công nhân, lương thử việc cũng 5 triệu một tháng. Làm trong mát, trắng da dài tóc lại có tiền. Ở quê làm nông hành xác thấy mồ. Mày đi với tao nghen?

- Đi xa quá... để má tao ở nhà một mình hổng yên tâm.

- Xời ơi... má mày chưa tới 50 đâu phải bà già lụm khụm mà hổng yên tâm. Đi làm kiếm tiền đem về bác còn mừng, lại khỏi tốn cơm gạo nuôi mày.

- Cũng phải!

- Vậy chốt luôn. Sắp xếp chuyện nhà rồi hai bữa nữa đi.

- Nhanh vậy sao?

- Hổng nhanh thì mất việc.

Cứ tưởng má sẽ cản không cho cô đi nhưng má lại dễ dàng gật đầu cho nên Minh lên đường cũng nhẹ lòng. Cô mang một trách nhiệm không hề nhẹ là có tiền đem về cho má.

Chiếc xe Da-su của chú Năm trong xóm chở sáu cô gái quê lên đường đến nơi phố thị, ở đó tương lai chưa biết thế nào nhưng có hy vọng làm hành trang. Không ai ngoái lại đằng sau, chỉ có Minh vẫn ngoái nhìn theo dáng hình của má. Đồng ruộng bát ngát xanh tươi là thế sao không níu giữ được chân người.

- Xưởng may rộng hàng ngàn mét vuông chia ra thành nhiều khu. Khu may, ủi, đóng gói sản phẩm... Minh làm ở chuyền ráp tay áo. Chỉ một công đoạn tưởng như đơn giản nhưng không hề, nhiều loại tay áo có bèo, có dún, có xếp ly, chỉ sơ sẩy là sản phẩm bị lỗi nên khi làm lúc nào cũng tập trung cao độ. Sau 8 tiếng là 2 vai, cổ mỏi nhừ, đầu óc muốn mụ mị.

Đèn khắp nơi sáng choang, máy hút, quạt mở hết công suất nhưng vẫn nóng bởi hơi người, sức nóng của đèn tỏa ra.

Nông nghiệp hay công nghiệp đều có cái khổ khác nhau.

Công ty Fashion Global là công ty tư nhân có vốn nước ngoài. Chuyên xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường châu Âu, Mỹ. Được vào làm ở một công ty phát triển mạnh mẽ như thế là một may mắn. Công việc ổn định, lương cao, đãi ngộ tốt. Cô không có thời gian để mà buồn. Tan ca về chỉ còn sức tắm rửa, giặt giũ, ăn đại thứ gì rồi lăn ra ngủ.

Vài tháng trôi qua, khi cơ thể đã quen với nhịp điệu của công việc thì Minh không còn mệt mỏi nữa, cô quan sát môi trường sống chung quanh nhiều hơn. Đây là xóm nhà trọ dành cho công nhân tại khu công nghiệp gần đó nên đông đúc chật chội, kém vệ sinh. Thực phẩm, nhu yếu phẩm giá rẻ chất lượng kém. Những con cá, miếng thịt đổi màu chảy nhớt nhưng vẫn được mua về tẩm ướp nhiều gia vị rồi nấu lên cũng bớt mùi hôi. Dù không ngon nhưng vẫn có chất đạm, cuộc sống khó khăn nên ăn uống sạch sẽ cũng là sự xa xỉ.

Dù gia cảnh Minh không khá giả nhưng cô cũng được sưng sướng từ nhỏ, nhờ là con một, sau khi sanh Minh ra má bị tai biến sản khoa nên không sanh nở được nữa.

Sống ở căn nhà nhỏ nhưng sân vườn thoáng mát, nên khi bị tù túng trong căn phòng trọ chật chội, chung đụng với nhiều người, thức ăn kém chất thì dù không bệnh Minh vẫn sụt cân khá nhanh làm Thảo lo ngại, Minh nói cô vẫn khỏe chỉ tại chưa thích nghi. Có thời gian, cô đi dạo quanh những con đường gần đó tìm kiếm một nơi học thêm. Để có một công việc tốt hơn thì bằng tốt nghiệp Trung học chẳng có ý nghĩa gì hết.

Ngoại ngữ, công nghệ thông tin mới là nấc thang đi vào tương lai. Minh tìm được một trường dạy luôn cả hai môn đó nhưng học phí lại mắc, tốn gần phân nửa lương tháng. Minh suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định chỉ đăng ký học công nghệ thông tin, còn ngoại ngữ cô sẽ tự học trên mạng.

Cô bấm bụng lấy một tháng lương mua laptop cũ để phục vụ cho việc học. Thảo nói Minh khùng, giờ mọi thứ giải trí đều có trong điện thoại thông minh, mua điện thoại có phải lợi nhiều hơn không, cô chỉ cười chớ không giải thích, vì có giải thích thì không chỉ Thảo mà nhiều bạn khác cũng không hiểu tại sao phải học cho mệt đầu. Thân xác mệt mỏi cần phải nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi. Nếu không ngủ họ sẽ lướt mạng nghe nhạc hay coi mấy clip hài hoặc chát chít qua hàng giờ đồng hồ mà không chán.

Cả tháng nay đơn hàng nhiều nên cả nhà máy tăng ca. Lan ngồi cạnh Minh gục trên bàn máy may ngủ ngon lành. Mọi người cắm cúi vào công việc nên không để ý, Minh chưa kịp đánh thức chị thì quản lý đã phát hiện đánh mạnh vào lưng, chị quát:

- Dậy! Cho nghỉ việc rồi về nhà tha hồ ngủ.

Lan giật nảy mình thức giấc, hai mắt mở ra đỏ quạch, ngượng ngùng lúng túng nói:

- Xin lỗi... tại tui mệt quá!

- Lúc chìa tay nhận lương có mệt không?

- Tui làm nhanh bù lại.

Lan vội vàng ráp tay áo, quản lý vẫn cằn nhằn:

- Đâu phải heo mà cứ lăn ra là ngủ.

Mọi người vờ như không nghe, không thấy nhưng Minh rất tức giận, cô đứng lên nhìn quản lý.

- Chị có quyền đem nội quy ra phạt nhưng không có quyền xúc phạm. Chúng tôi cũng bỏ công sức làm việc thì mới được nhận lương chứ. Đừng tăng ca nữa thì sẽ không ngủ gục đâu.

Quản lý trừng mắt nhìn Minh:

- Không phải chuyện của cô, ý kiến cái gì.

- Sẽ là chuyện của tôi nếu tôi ngủ gục. Chị quát tháo mọi người có thấy oai hơn không? Tôi nghĩ là không.

- Không oai, nhưng tao cho mày nghỉ việc được!

- Tùy chị!

- Mai mày khỏi đi làm!

- Cho tôi nghỉ cũng được nhưng phải có lý do thích đáng.

Quân đứng cách đó không xa đã nghe được cuộc tranh cãi, thấy tình hình căng thẳng ngày càng leo thang, Quân đi nhanh tới.

- Xin chào!

Quản lý thấy Quân vội cúi đầu chào:

- Chào giám đốc!

Minh cũng chào Quân.

- Chuyện gì mà ồn ào vậy?

Quản lý chỉ Minh:

- Cô ta chống đối việc tôi nhắc nhở người ngủ gục.

- Tôi chỉ góp ý để chị đừng xúc phạm người khác.

- Vô kỷ luật thì có!

Quân nhìn quản lý:

- Cô tiếp tục công việc của mình, chuyện ở đây để tôi!

- Dạ!

Quản lý liếc Minh vẻ hằn học rồi đi.

Quân nói với Minh:

- Cô cũng làm tiếp đi!

- Vâng!

Minh ngồi xuống. Quân nhìn quanh nói lớn:

- Thật vất vả cho các bạn nhưng hết tuần này sẽ ngưng tăng ca. Xin cám ơn vì cả tháng qua các bạn đã cố gắng vì công ty.

Mọi người vỗ tay.

Quân cúi gập người chào rồi đi.

Một chị có thâm niên ở công ty nói lớn:

- Cậu chủ nhỏ có khác, nói năng lễ phép biết điều.

Mấy cô trẻ cười nói xôn xao:

- Cậu chủ đẹp trai quá!

- Ước gì mình thành cô chủ.

- Tan ca về ngủ rồi hãy mơ.

- Cậu Quân có bồ rồi, đẹp gái lắm nha!

- Thế là tiêu tan niềm hy vọng.

Lan nói nhỏ với Minh:

- Cám ơn nghen!

- Có gì mà cám ơn?

- Đã bênh vực cho tui!

- Đây là chuyện của chúng ta. Họ xúc phạm được một người rồi sẽ xúc phạm nhiều người.

Sau việc đó quản lý cũng e dè hơn khi muốn quát mắng ai, cô ta đặc biệt chú ý, soi mói tới Minh, tìm ra lỗi lầm của cô để phạt. Nhiều người nói cô tự chuốc lấy phiền phức khi ra mặt đối đầu với kẻ có quyền hành nhưng khi ta cố cam chịu để tránh phiền phức thì đã cho đối phương cái quyền được xúc phạm mình.

Nếu má đừng im lặng chịu đựng sự chì chiết của ba mỗi khi rượu vào là má có lỗi khi không đẻ được nữa. Khi điều đó khiến cho má cảm thấy mình có lỗi thì ba đã tạo cho mình cái quyền được ngoại tình với lý do kiếm con trai. Thỉnh thoảng gọi điện má hay dặn đừng để ai coi thường, phải chi má biết nghĩ như thế từ sớm thì đâu xảy ra nông nỗi.

Điều trước tiên phải biết khi ra đời là phải tự tôn trọng bản thân và làm được những việc khiến người khác tôn trọng.

Thảo có bồ, một anh chàng làm ở công ty khác. Cô nàng có vẻ rất đắm đuối, tan ca là hẹn hò đến khuya mới về nhà ngủ. Một hôm Thảo nói với Minh:

- Tao sẽ chuyển chỗ làm!

Minh ngạc nhiên:

- Sao vậy? Ở đây tốt quá mà, nhảy cóc làm chi?

- Chuyển qua chỗ mới để làm chung với ảnh!

- Gặp nhau hoài không chán sao?

- Mày có yêu đâu mà biết. Bên nhau bao lâu cũng không đủ.

Hát ư ử: “Làm sao em nhớ anh thế này”...

- Tùy mày thôi nhưng qua chỗ mới chừng tháng hai đứa chia tay rồi mày tính sao, lúc đó muốn quay về cũng khó à!

Thảo nhăn nhó:

- Ăn nói xui xẻo, phun nước miếng nói lại đi!

- Tao nói chuyện thực tế, làm gì cũng phải tính đường dài chớ không phải “vui đâu chúc đó”.

- Bà cụ non nên chẳng có chàng nào thích.

- Tao không thích cặp bồ thì có, để thời gian làm chuyện có ích.

- Sống như mày hổng vui gì hết trơn.

- Vui cho lắm rồi xảy ra hậu quả nghiêm trọng có gánh nổi không?

- Nói chuyện với mày mất hứng quá!

Thảo bỏ đi, Minh nói với theo:

- Rồi có chuyển chỗ làm không?

Thảo lắc đầu:

- Tính sau!

Minh thở dài, cô lo cho Thảo. Chỉ trong sáu tháng Minh chứng kiến bốn cô công nhân lẳng lặng đi phá thai, hậu quả của những phút giây bồng bột. Lúc yêu đương mặn nồng không biết sung sướng hạnh phúc thế nào, chớ giờ nhìn các cô co ro đau đớn trong phòng trọ thật đáng thương.

Dù được bạn bè chăm sóc nhưng vẫn tủi thân uất hận. Cũng bởi đời sống tinh thần của công nhân nghèo nàn quá. Đi làm về ăn xong rồi ngủ, không ngủ thì coi tivi hoặc lên mạng tìm vui. Khi hẹn hò trai gái thì các cô cậu mới thấy hứng khởi, hưng phấn. Họ không thích đọc sách, học hỏi để mở mang kiến thức. Mua một cuốn sách hay tờ báo tốn kém hơn là vào YouTube coi. Có thể coi miễn phí mọi thứ từ đánh ghen cho tới nặn mụn...

(Còn tiếp)

Vương Huyền Cơ
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Tuổi trẻ đi tìm

Vũ Minh Phúc |

Tôi là một chàng sinh viên quê mùa luôn bị công việc đồng áng đày ải đến làm cho ngu độn. Vừa rời quê hương không có lấy một đồng xu két bạc trong tay cũng không cha không mẹ không quê hương không bạn bè thân thích và cũng chẳng có lấy một chốn trú ngụ cuối cùng.

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Xác minh việc nguyên Bí thư Ninh Thuận tố việc dàn xếp đấu giá đất 4 năm trước

Hữu Long |

Địa phương đang tiếp tục xác minh vụ việc nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận có đơn tố cáo hành vi dàn xếp trong đấu giá đất công, gây thất thoát tiền nhà nước.

Trực tiếp U23 Nhật Bản 0-0 U23 Uzbekistan: Hiệp 2

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa U23 Nhật Bản và U23 Uzbekistan tại chung kết U23 châu Á 2024 diễn ra lúc 22h30 ngày 3.5.

Ngộ độc thực phẩm gia tăng, Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo xử lý

PHẠM ĐÔNG |

Ngày 3.5, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thực hư hình ảnh thanh niên cởi trần cầm dao đuổi khách ở bãi biển Cồn Vành

TRUNG DU |

Thái Bình - Ban Quản lý khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã tiến hành làm việc với 1 nam thanh niên bị tố cầm dao đuổi khách đến hỏi thuê dịch vụ trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua.

Một hộ dân tự dựng barie thu phí ra Cồn Tiên ở Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Những ngày qua, người dân, du khách đến bãi biển Cồn Tiên (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải) dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 bức xúc phản ánh việc phải trả tiền phí xe cộ cho một hộ dân địa phương.

Truyện ngắn dự thi: Tuổi trẻ đi tìm

Vũ Minh Phúc |

Tôi là một chàng sinh viên quê mùa luôn bị công việc đồng áng đày ải đến làm cho ngu độn. Vừa rời quê hương không có lấy một đồng xu két bạc trong tay cũng không cha không mẹ không quê hương không bạn bè thân thích và cũng chẳng có lấy một chốn trú ngụ cuối cùng.

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...