Tác giả Nguyễn Trí: "Tôi còn nhiều điều muốn viết về công nhân, người lao động"

Hiền Hương (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động, tác giả Nguyễn Trí của tiểu thuyết “Hoa xương rồng” nhiều lần nghẹn lại. Ông kể, chính vốn sống, chính cuộc đời nhiều đau khổ, thăng trầm đã bắt ông viết. Viết văn là một cách để tác giả Nguyễn Trí được xoa dịu, an ủi, và vươn lên.

Hơn 5 năm là công nhân ở các nhà máy, quãng thời gian là ủy viên Ban chấp hành Công đoàn công ty khi còn đi làm đã giúp tác giả Nguyễn Trí hoàn thiện “Hoa xương rồng” - tác phẩm đoạt giải Nhất và gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi "Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn" giai đoạn 2021 - 2023.

Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của giải thưởng này với cá nhân ông?

- Với tôi, đây là cuộc thi lớn, lớn về giá trị giải thưởng, lớn cả về quy mô và sức ảnh hưởng. Tôi vinh dự và tự hào khi đoạt được giải Nhất lần này.

Cá nhân tôi đến giờ đã có 20 đầu sách, từng nhiều lần đoạt giải về văn học, nhưng lần này cảm giác rất khác.

Đất nước chúng ta trải qua hàng nghìn năm văn hóa lúa nước, từ nông nghiệp đến công nghiệp hóa, vai trò của người nông dân, công nhân, lao động có ý nghĩa lịch sử trên tiến trình dựng nước, giữ nước.

Tôi tin rằng, giải thưởng văn học này sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đến đông đảo những người lao động vẫn đang hăng say sản xuất ngoài kia.

Để viết được tác phẩm, tôi đã trải ra hết cuộc đời, cảm xúc, kinh nghiệm và trải nghiệm.

Tôi đã có 2 năm là công nhân cho một công ty trách nhiệm hữu hạn có chủ là người Việt. Sau đó, lại có 3 năm 6 tháng làm công nhân trong một công ty về dệt và nhuộm vải có chủ là người Đài Loan (Trung Quốc).

Trước khi là công nhân, tôi từng làm đủ nghề để mưu sinh, trang trải cuộc sống, từ phụ hồ, buôn bán đến giáo viên.

Ngay khi đọc được thông tin về cuộc thi, tôi lập tức lao vào viết, mọi thứ đã hiển hiện trong đầu, đã sẵn có trong vốn sống, tôi chỉ cần trải ra bằng con chữ. Cảm giác lúc ấy, tôi không thể không viết. Chữ nghĩa cứ chảy tràn ra giấy.

Thú thật, tôi gửi đến 4 tác phẩm tham gia dự thi cuộc thi, gồm 2 tiểu thuyết, 2 truyện ngắn. Nhưng chỉ có “Hoa xương rồng” đoạt giải.

Tác phẩm “Hoa xương rồng” kể lại những biến cố, va đập, sóng gió trong một gia đình lao động. Họ có phải là người thân quen, hay có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Đó chính là gia đình tôi. Mọi biến cố thăng trầm ấy, chính là những gì gia đình tôi đã trải qua. Nhân vật Năm Thao là tôi, bà Năm Thao là vợ tôi, Hương - là con gái tôi... Tôi còn là nhân vật Minh “Lựu Đạn”. Tôi lấy chất liệu từ cuộc đời mình để phân thân trong nhiều nhân vật ở tiểu thuyết “Hoa xương rồng”.

Khi tôi bắt đầu đặt bút viết đã viết không thể dừng lại, trơn tru, trôi chảy trong suốt 35 ngày cho đến khi hoàn tất tác phẩm. Mỗi ngày tôi viết 2.000 chữ, sau 35 ngày, tôi viết được 70.000 chữ. Tôi đọc lại đến 10 lần, trau chuốt, cắt xén, cô đọng lại, cuối cùng “Hoa xương rồng” còn 69.450 chữ.

Mỗi chữ viết ra đều phải trả giá bằng máu, bằng nước mắt từ chính cuộc đời.

Khi viết một tác phẩm lấy chất liệu từ chính cuộc đời mình, ông sẽ phải trải qua hành trình hồi tưởng, đối diện với những ký ức đã đi qua. Có ký ức, câu chuyện nào vẫn khiến ông day dứt, đau đớn...?

- Điều khiến tôi đau đớn nhất trong suốt cuộc đời mình đó là, các con tôi đều thất học.

Đọc tiểu thuyết chị sẽ thấy rất nhiều tình tiết, rất nhiều sóng gió, rất nhiều biến cố diễn ra với Năm Thao, nhưng thực tế, tôi còn chưa viết đủ, chưa viết hết về cuộc đời mình. Tôi đã sống một cuộc đời nhiều biến động.

Tình tiết Năm Thao bị ngã từ cây xuống, phải nằm bệnh viện thời gian dài. Con gái Năm Thao là Hương phải bỏ học, phụ giúp bố mẹ làm thêm, kiếm tiền. Con gái yêu một người đàn ông nghiện ngập... Rồi khi chữa bệnh cho Năm Thao ở Sài Gòn, vợ phải vay tiền xã hội đen, sau đó không thể trả nổi... Đó chính là những biến động gia đình tôi đã trải qua.

Điều tôi đau khổ và hối hận nhất, là sự nghèo khổ cùng cực của gia đình đã khiến các con tôi thất học. Bởi tôi thấm thía rằng, phải có chữ nghĩa mới sống được.

Nỗi đau đã bắt tôi cầm bút và viết về những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mình.

Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải cho tác giả Nguyễn Trí. Ảnh: Hải Nguyễn
Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải cho tác giả Nguyễn Trí. Ảnh: Hải Nguyễn

Có nỗi đau nào khi đối diện khiến ông cảm thấy khó khăn trong việc viết lại?

- Nói thật là có! Thời trẻ, tôi cũng hư lắm, cũng bài bạc, rượu chè, hoang đàng. Trước khi lấy vợ, tôi theo đoàn Sơn Đông mãi võ phiêu bạt, làm ăn khắp chốn. Sau khi lấy vợ, tôi làm khổ cô ấy rất nhiều.

Cuộc sống nghèo khó, vợ tôi phải “lăn” ra chợ, làm đủ nghề, buôn đủ thứ, cô ấy bán cả bún riêu, tàu hũ non, chè... kiếm mỗi ngày cân gạo nuôi chồng con.

Ở giai đoạn nghèo nhất, vợ tôi chơi hụi. Cô ấy xung phong lấy hụi đầu tiên, dùng tiền đó mua xe đạp, và gom được thêm chút vốn cho tôi làm ăn. Tôi vẫn nhớ, hồi đó bà ấy lấy hụi và góp được 3.000 đồng mua xe đạp cho tôi. Cách đây 40 năm, nhà nào mua được xe đạp là sang lắm. Vợ còn đưa tôi thêm khoảng 100 đồng để làm ăn. Tôi lên núi mua than về bán. Cứ bán được 100kg than, sẽ lời tầm 10 đồng. Hôm đó, run rủi thế nào, tôi để hết tiền cả vốn lẫn lời vào túi áo, khi đi qua suối, cúi xuống rửa mặt, tôi làm rơi hết sạch tiền xuống suối. Nước to, cuốn trôi tất cả. Tôi không còn đồng nào trong người.

Ngay sau đó, bố tôi bệnh nặng, tôi lại phải bán cả xe đạp để lo cho ông. Giữa cùng cực túng thiếu, vợ tôi lại đến hạn nộp tiền hụi, nhưng nhà không còn đồng nào.

Chúng tôi đã có những năm tháng lăn ra làm việc quên ngày quên tháng, cả hai vợ chồng, chặt củi, đốt than, buôn bán, ai gọi gì làm nấy, kiếm từng đồng qua ngày.

Trong những năm tháng cùng cực ấy, ông đã từng nghĩ đến việc, một ngày nào đó sẽ ngồi viết lại như hôm nay...?

- Lúc ấy chỉ biết kiếm sống, lăn lộn với đời. Biến cố vẫn liên tục xảy đến. Con gái tôi bị giết hại thương tâm khi mới 18 - 20 tuổi. Vợ chồng tôi như chết đi sống lại trong nỗi đau đớn mất con.

Nhưng khi dự tòa, vợ chồng tôi đã xin giảm án cho bị cáo, bởi hoàn cảnh của họ cũng quá bi kịch.

Trước thời điểm con gái bị giết hại, chúng tôi phát hiện con trai nghiện ma túy. Nhìn cảnh nó bị ma túy vật, tôi như rơi vào tuyệt vọng.

Rồi, con dâu bỏ đi. Hai vợ chồng tôi phải nuôi thêm 2 cháu nội.

Biến cố xảy đến dồn dập, 2 đứa con còn lại phải bỏ học kiếm tiền, lúc ấy tôi nhận ra rằng, nếu tôi không cai rượu, không phụ giúp gia đình, vợ con tôi sẽ chìm trong bi kịch, khổ hạnh.

Đi qua giông bão cuộc đời, lúc này ngồi nhìn lại, suy nghĩ của ông...?

- Tôi cùng từng than thở, sao số phận đau khổ đến vậy, sao tôi cứ khổ mãi, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình có vốn sống dày dặn, có sự mạnh mẽ được hun đúc từ tình yêu gia đình.

Sau này, tôi sống được bằng ngòi bút. Mỗi chữ tôi viết ra đều phải đánh đổi quá nhiều. Nhưng cũng để thấy rằng, nếu không có sự gian khổ, tôi sẽ chẳng có gì.

Cũng vì sóng gió, giông bão, vợ chồng tôi mới đo được giá trị của câu “thuận vợ thuận chồng”. Chúng tôi nương tựa vào nhau, dìu nhau đi qua, đỡ nhau đứng dậy, để từng chút, từng chút một vượt qua những vết thương đau đớn và sự vất vả đời thường.

Tình yêu thương, dìu đỡ lẫn nhau từ gia đình cũng là may mắn lớn nhất trong đời tôi. Những ai không có tình yêu, người đó thất bại.
Các con tôi bây giờ cũng đều đã trưởng thành, có cuộc sống tốt, dù không bằng người ta, nhưng các cháu chăm chỉ, chịu khó, biết làm ăn, và tích cóp.

Ông còn có điều gì muốn viết về cuộc đời mình?

- Tôi thực sự tâm huyết và thích đề tài về cuộc sống của công nhân, công đoàn mà Báo Lao Động và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tổ chức.

Khi còn làm việc ở các công ty, tôi cũng từng là Ủy viên ban chấp hành Công đoàn, tôi đi thi viết về vai trò của tổ chức Công đoàn, từng đoạt giải cấp huyện.

Cá nhân tôi đánh giá cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong đời sống của công nhân. Khi làm ở công ty, tôi đã chứng kiến cán bộ Công đoàn nỗ lực, đấu tranh cho lợi ích của công nhân như thế nào, vào các dịp lễ Tết, kỷ niệm, phía Công đoàn luôn có quà cho công nhân.

Ở những công ty, xí nghiệp có nhiều lao động hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, tổ chức Công đoàn cũng luôn bên cạnh hỗ trợ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.

Nhưng tôi cũng nghĩ, Công đoàn trong hành trình phát huy vai trò của mình cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cám dỗ, tiêu cực. Nếu vượt qua tất cả, Công đoàn sẽ phát huy được sức mạnh rất lớn.

Tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn viết về đời sống công nhân, công đoàn và người lao động. Vì tôi chính là một ủy viên Công đoàn, một người lao động, công nhân đúng nghĩa, đã vật lộn mưu sinh, vượt qua giông bão, để giữ nhân phẩm của mình.

Hiền Hương (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Sáng tác văn học - nghệ thuật nhân 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Cuộc thi nhằm khích lệ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trên các thể loại: Thơ, văn xuôi, văn hóa-văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Cuộc thi sáng tác văn học mang lại lợi ích thiết thực

Mỹ Linh thực hiện |

Thực hiện kế hoạch số 152/KH-TLĐ, ngày 23.11.2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai tuyên truyền, khích lệ đoàn viên, người lao động tham gia. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa.

“Hoa xương rồng”, “Con đường của Hạ” đoạt giải cao nhất cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn

Nhóm PV |

Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động tổ chức, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam, diễn ra tối nay (26.11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Linh vật rồng từ độc lạ đến hài hước ở các nước trên thế giới

Đan Thanh |

2024 là năm Giáp Thìn, ngoài Việt Nam, hình tượng linh vật rồng cũng được chú ý ở các nước như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Mỹ...

Người dân rủ nhau sắm Tết, phố thời trang nổi tiếng ở TPHCM kẹt kín người

Nguyên Chân |

Còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, thời điểm này, tại các tuyến phố thời trang ở TPHCM như: Nguyễn Trãi (Quận 5), Trần Quang Diệu (Quận 3),... trở nên nhộn nhịp khi hàng đêm rất đông người dân đổ về mua sắm.

Mỹ mất 3 quân nhân, nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Joe Biden trả đũa Iran

Thanh Hà |

3 quân nhân Mỹ thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ ở Jordan, gần Syria.

2 khu nhà tập thể tồi tàn có giá bán đắt đỏ bậc nhất Hà Nội

Thu Giang |

Dù hiện trạng tồi tàn nhưng khu nhà tập thể 23 phố Hàng Bài, tập thể Vọng Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gần đây đang được rao bán với giá ngang ngửa căn hộ chung cư cao cấp 6-8 tỉ đồng/căn.

Làn sóng du khách Trung Quốc đi nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Song Minh |

Nhiều du khách Trung Quốc dự kiến ra nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhưng số lượng du khách vẫn sẽ ở dưới mức trước đại dịch.

Sáng tác văn học - nghệ thuật nhân 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Cuộc thi nhằm khích lệ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trên các thể loại: Thơ, văn xuôi, văn hóa-văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Cuộc thi sáng tác văn học mang lại lợi ích thiết thực

Mỹ Linh thực hiện |

Thực hiện kế hoạch số 152/KH-TLĐ, ngày 23.11.2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai tuyên truyền, khích lệ đoàn viên, người lao động tham gia. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa.

“Hoa xương rồng”, “Con đường của Hạ” đoạt giải cao nhất cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn

Nhóm PV |

Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động tổ chức, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam, diễn ra tối nay (26.11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.