“Hoa xương rồng”, “Con đường của Hạ” đoạt giải cao nhất cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn

Nhóm PV |

Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động tổ chức, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam, diễn ra tối nay (26.11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

21h12: Những tác giả đoạt giải cao nhất

Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên trao giải Nhất cho các tác phẩm ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.

 
Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên trao giải Nhất cho các tác giả. Ảnh: Hải Nguyễn

Đoạt giải Nhất ở thể loại truyện ngắn là tác phẩm “Con đường của Hạ” - tác giả Trịnh Thị Phương Trà.

Giành giải Nhất thể loại tiểu thuyết là tác phẩm “Hoa xương rồng” của tác giả Nguyễn Trí.

“Con đường của Hạ” tái hiện cuộc sống trong khu trọ nghèo của những phụ nữ đã đi qua thăng trầm, biến cố cuộc đời. Họ tìm về đây nương tựa vào nhau. Ở đó, Hạ - nhân vật chính đã phải vật lộn với muôn vàn gian khó để giữ trái tim ấm áp của mình. Hạ nhận được sự giúp đỡ của nhân vật “chị”, “chị” ẩn danh, ít xuất hiện, nhưng rõ nét dần qua những hành động, sự nỗ lực giúp đỡ những mảnh đời vất vả tìm lại được hạnh phúc.

Tiểu thuyết “Hoa xương rồng” xoay quanh cuộc sống đầy biến động, thăng trầm với những biến cố, va đập vì mưu sinh của các thành viên trong một gia đình lao động. Tác giả Nguyễn Trí chia sẻ, ông đã viết về chính gia đình mình.

20h50: Dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn tiểu phẩm “Điểm cực hạn”.

Tiểu phẩm “Điểm cực hạn” đem đến cả tiếng cười lẫn những phút suy ngẫm cho khán giả. Ảnh: Hải Nguyễn
Tiểu phẩm “Điểm cực hạn” đem đến cả tiếng cười lẫn những phút suy ngẫm cho khán giả. Ảnh: Hải Nguyễn
Tiểu phẩm “Điểm cực hạn” đem đến cả tiếng cười lẫn những phút suy ngẫm cho khán giả. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiểu phẩm “Điểm cực hạn” lấy cảm hứng từ một số tác phẩm tham gia dự thi cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023.

Tiểu phẩm xoay quanh cuộc sống của 2 vợ chồng Như - Tuấn. Họ đều là công nhân gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19. Do công ty khó khăn, Như phải nghỉ việc, xin đi làm thu ngân cho ngành điện. Tuấn - chồng Như cũng đang vất vả khi công ty cắt giảm nhân sự hàng loạt. Giữa muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, họ sẽ phải vật lộn thế nào để mưu sinh, phải đấu tranh như thế nào với các cấp lãnh đạo công ty về 6 tháng lương đang bị nợ, phải giằng xé thế nào trước những cám dỗ mua chuộc...

Tiểu phẩm có sự tham gia diễn xuất của NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, diễn viên Thu Quỳnh...

20h47: Các tác giả nhận giải Nhì

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.

Các tác giả nhận giải Nhì. Ảnh: Hải Nguyễn
Các tác giả nhận giải Nhì. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, đoạt giải Nhì ở thể loại truyện ngắn là: “Hệ sinh thái và cánh diều của cha” của tác giả Nguyễn Thị Oanh và “Nước mắt Mặc nưa” của Tống Phước Bảo.

Hai tiểu thuyết đoạt giải Nhì xướng tên tác phẩm “Phía sau tiếng sóng” tác giả Trương Anh Quốc và “Nhân quả” tác giả Đoàn Hữu Nam.

20h40: Các tác giả nhận giải Ba

Giải Ba thể loại truyện ngắn lần lượt trao cho 3 tác phẩm: "Chim di" (tác giả Nguyễn Thị Tường Linh), "Thu ngân viên ngành điện" (tác giả Bùi Thị Anh Thơ), "Tiếng chổi tre" (tác giả Đặng Đình Liêm).

Ba tác phẩm đồng giải Ba thể loại tiểu thuyết lần lượt trao cho: "Thời gian trong cõi tạm" (tác giả Hoàng Việt Hằng), "Giá nông trường" (tác giả Phạm Văn Long), "Bể than Đông Bắc" (tác giả Đặng Huỳnh Thái).

Các tác giả nhận giải Ba. Ảnh: Tùng Giang
Các tác giả nhận giải Ba. Ảnh: Tùng Giang

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn trao giải Ba cho các tác giả.

20h35: 12 tác giả nhận giải Khuyến khích

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân, Công đoàn đã thu hút đông đảo các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên, cán bộ công đoàn, người lao động trong và ngoài nước tham dự, sáng tạo những tác phẩm văn học tham gia và gửi về cho Ban tổ chức ở 2 thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.

Các tác phẩm đoạt giải đã trải qua 2 vòng lựa chọn của Hội đồng giám khảo, gồm các nhà văn tên tuổi từ Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện lãnh đạo Báo Lao động.

Ở thể loại truyện ngắn, giải khuyến khích có trị giá 20 triệu đồng, ở thể loại tiểu thuyết, giải khuyến khích có trị giá 30 triệu đồng.

Có 7 giải Khuyến khích cho thể loại Truyện ngắn và 5 giải khuyến khích cho thể loại Tiểu thuyết.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao giải khuyến khích cho 7 tác phẩm truyện ngắn và 5 tiểu thuyết.

Giải khuyến khích thể loại tiểu thuyết trao cho các tác phẩm: Chiếc yếm ngực màu đỏ (tác giả Đinh Ngọc Hùng), Linh khí (tác giả Phan Thái), Đôi bờ sông Mã (tác giả Viên Thị Lan Anh), Nước mắt làng quê (tác giả Hoàng Dự) và Người Đông Hải (tác giả Cao Nguyệt Nguyên).

7 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích thể loại truyện ngắn gồm: Bán mặt trong lòng đất (tác giả Nguyễn Phương Thúy), Thợ móc cống (tác giả Vũ Đảm), Điểm cực hạn (tác giả Nguyễn Văn Hiệp), Kim chỉ và hoa (tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền), Một gia đình thợ mỏ (tác giả Nguyễn Thanh Bình), Số tiền chia (tác giả Đào Văn Hợp), Thợ học việc (tác giả Nguyễn Hạnh Nhung).

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả. Ảnh: Hải Nguyễn

20h20: Cuộc thi khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân, người lao động, công đoàn

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tác Văn học về đề tài công nhân, công đoàn khẳng định, hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng được các thành viên Ban giám khảo qua hai vòng đều đánh giá cao.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tác Văn học về Đề tài Công nhân, công đoàn - phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tác Văn học về đề tài công nhân, công đoàn - phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: Hải Nguyễn

“Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn.

Nhiều tác phẩm đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản, mà ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cho rằng, cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân - người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật nước nhà.

“Thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay”, ông nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, năm 2023 là dịp kỷ niệm 80 ra đời Đề cương văn hoá, trong đó nhấn mạnh: Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Theo đó, mảng đề tài về công nhân, người lao động và công đoàn đã từng đóng vai trò là một trong những dòng chảy chính trong nền văn học nước nhà sau Cách mạng tháng Tám và hòa bình lập lại ở miền Bắc với những tên tuổi lớn như các nhà văn Võ Huy Tâm, Xuân Cang, Huy Phương, Lê Phương, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hiểu Trường, Võ Khắc Nghiêm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến…

“Chúng tôi kỳ vọng Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021 -2023 sẽ khơi nguồn mạnh mẽ sáng tác văn học về đề tài này trên văn đàn Việt Nam, thúc đẩy và tạo thành phong trào sáng tác văn học và văn hoá đọc rộng khắp hơn nữa trong công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn”, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam bày tỏ.

20h05: Tham dự Lễ trao giải có: Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông.

Về phía Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam có ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam: ông Ngọ Duy Hiểu, bà Thái Thu Xương, ông Huỳnh Thanh Xuân.

Lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn, đại diện các tập thể, cá nhân tại Lễ trao giải.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện các tập thể, cá nhân tại Lễ trao giải.

Cùng dự có các lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn, đại diện các tập thể, cá nhân được vinh danh.

Chương trình mở đầu với màn sử thi dùng tư liệu từ tác phẩm dự thi mang tên “Bể than Đông Bắc”. Tác phẩm phác họa khá đầy đủ quá trình hình thành ngành khai thác than ở Việt Nam, đời sống của những người thợ mỏ dưới thời Pháp thuộc cũng như những giai đoạn hào hùng ở thời kỳ chống lại chiến tranh phá hoại, khôi phục và xây dựng Vùng mỏ đẹp giàu.

19h50: Nhà văn trẻ tự hào góp tiếng nói văn chương về người lao động

Tống Phước Bảo - tác giả tham gia cuộc thi với tác phẩm “Nước mắt Mặc Nưa”, cho rằng được xuất hiện tại buổi lễ trao giải ngày hôm nay là một điều vinh dự.

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo. Ảnh: Hải Nguyễn

“Tôi đọc rất nhiều tác phẩm đăng tải trên Báo Lao Động. Xuất thân từ một người công nhân lao động trong thời gian đầu, tôi bị thu hút bởi đề tài công nhân. Rất may, tôi viết về công nhân và được xuất hiện ở đây trong Lễ trao giải, ở thời khắc Hà Nội rất đẹp”.

“Giải thưởng sẽ là cột mốc ghi nhận công sức lao động của các tác giả, là niềm khích lệ cho các tác giả, tạo nên dấu ấn khó quên trong ký ức về hành trình sáng tác văn học của mình”, anh khẳng định.

19h45: Những ngòi bút còn tiếp tục khắc họa phận đời, phận người trong xã hội

Nhà thơ, nhà văn Hoàng Việt Hằng tham dự cuộc thi với tác phẩm “Thời gian trong cõi tạm”. Bà từng 3 lần tham gia Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ, nhà văn Hoàng Việt Hằng (ngoài cùng, phải) trò chuyện trước thềm lễ trao giải. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhà thơ, nhà văn Hoàng Việt Hằng (ngoài cùng, phải) trò chuyện trước thềm lễ trao giải. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước thềm trao giải, bà Việt Hằng tâm sự: “Tôi đang lo viết một cuốn tiểu thuyết để hay hơn tác phẩm “Thời gian trong cõi tạm”. Tôi luôn tạo áp lực cho mình. Vượt qua chính mình mới là khó nhất.

Sau khi viết về công nhân, tôi viết tiếp về người mẹ nuôi con tù. Tôi đi những trại tù để viết về thân phận những người mẹ nuôi con tù khổ như thế nào. Thế nên, khi tôi đang viết từ cuốn này chuyển sang cuốn kia, đang nghĩ ngợi điều này lại chuyển sang một nghĩ ngợi khác. Tôi đi vào những thân phận khác, suy nghĩ của người già sẽ khác người trẻ. Những bạn trẻ vướng vào vòng lao lý dù ở trường hợp nào sẽ có suy nghĩ gì, trải qua những bước trượt dài sẽ có trải nghiệm ra sao”.

19h30: Một cuộc thi gây bất ngờ với cả những “cây đa, cây đề” của làng văn học

Nhà văn Đặng Huỳnh Thái - tác giả của tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc”, cho biết: “Tôi rất vui mừng, phấn khởi. Ở tuổi 84, tôi không biết mình có một lần nữa được vinh danh ở lễ trao giải văn học hay không.

Cảm ơn Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Báo Lao Động và Hội nhà văn đã tạo ra một sân chơi trí tuệ như vậy cho mọi người, nhất là những người công nhân, lao động có nơi bày tỏ hết lòng mình, những niềm vui, nỗi khổ, cực nhọc trong cuộc đời lao động”.

Tác giả Đặng Huỳnh Thái tại sự kiện. Ảnh: Thùy Trang
Tác giả Đặng Huỳnh Thái tại sự kiện. Ảnh: Thùy Trang

Nhà văn đánh giá quy mô cuộc thi rất lớn và đặc biệt. “Tôi từng tham dự một số giải thưởng văn học nhưng số lượng tác giả rất ít, quy mô cuộc thi nhỏ. Nhưng ở cuộc thi này, tôi thấy tổ chức như một liên hoan phim, rất chỉn chu và hoành tráng. Còn giải thưởng, có thì rất quý, nhưng không có cũng không quá quan trọng nữa”, ông nói.

19h15: Lộ diện những tác phẩm xuất sắc

Trước thềm đêm trao giải, công chúng đã có cơ hội tìm hiểu về các tác giả, tác phẩm gây chú ý tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Khách mời của đêm trao giải vui mừng cầm trên tay cuốn sách Tuyển tập truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn
Khách mời của đêm trao giải vui mừng cầm trên tay cuốn sách Tuyển tập truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Ví như, tác phẩm truyện ngắn “Thợ móc cống” của nhà văn Vũ Đảm. Truyện ngắn mở ra ngày thường của một thợ móc cống bỗng đảo lộn khi vớt được một cái bọc nilon nặng trịch từ dòng nước thải.

Thợ Cai - nhân vật chính - bàng hoàng nhận ra đó là một xác thai nhi. Nhưng quyết định làm gì với hình hài nhỏ bé tội nghiệp ấy của thợ Cai quả thực khiến người đọc phải chậm lại để ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình.

Nhà văn Y Ban và nhà văn Lê Minh Khuê, thành viên Hội đồng Chung khảo, cho biết bản thân sốc với tình tiết này. Câu chuyện thực sự khiến các nhà văn ám ảnh.

19h: Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn chương tụ hội tại Lễ trao giải

Không khí đêm trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn nóng lên từng phút khi các tác giả xuất sắc tề tựu về Nhà hát Lớn Hà Nội. Hàng trăm người yêu văn chương cũng có mặt để theo dõi sự kiện, mong chờ phút trao giải thưởng cao quý cho những tác giả có các tác phẩm ấn tượng nhất của cuộc thi.

Tác giả Đặng Huỳnh Thái có mặt tại Lễ trao giải. Nhà văn 84 tuổi này tham gia cuộc thi với tiểu thuyết đồ sộ “Bể than Đông Bắc“ được xem như tư liệu lịch sử của ngành than. Ảnh: Hải Nguyễn
Tác giả Đặng Huỳnh Thái có mặt tại Lễ trao giải. Nhà văn 84 tuổi tham gia cuộc thi với tiểu thuyết đồ sộ “Bể than Đông Bắc“ được xem như tư liệu lịch sử của ngành than. Ảnh: Hải Nguyễn

Cuộc thi có quy mô lớn, vượt ngoài sức tưởng tượng

Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn và người lao động được tổ chức trọng thể với sự tham gia của các tổ chức công đoàn, các nhà văn, các tác giả, tác phẩm tham gia dự thi.

Khởi động và nhận tác phẩm dự thi từ tháng 11.2021 đến ngày 31.8.2023, cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn thu hút gần 300 tác giả tham gia. Họ là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và có cả Việt kiều.

Trong gần 2 năm kể từ khi khởi động, ban tổ chức và ban giám khảo đã nhận được 498 tác phẩm dự thi, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết.

Nhà văn Y Ban - thành viên ban giám khảo Hội đồng chung khảo, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo - nhận định, cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn có quy mô lớn, vượt ngoài sức tưởng tượng, khiến các nhà văn ở cả 2 hội đồng giám khảo bất ngờ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên giám khảo Hội đồng chung khảo - cho rằng, cuộc thi mang ý nghĩa lớn, khi đề tài về công nhân, người lao động đang thiếu vắng trên văn đàn Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Cuộc thi đóng vai trò như “đòn bẩy” thúc đẩy mảng đề tài về công nhân, người lao động giữa biến động thời cuộc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 sẽ được tiếp thêm sức mạnh để cho ra đời những tác phẩm lớn.

 
 
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Thành quả của cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn vượt xa tưởng tượng

Hào Hoa |

Sau 2 năm kể từ khi khởi động, lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn và người lao động sẽ chính thức diễn ra vào 19h30 tối nay, ngày 26.11, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Vì người lao động - góc nhìn từ một cuộc thi sáng tác văn học

linh anh |

Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Đó là điều mà nhiều người hay nhắc đến. Nhưng làm thế nào để tài sản ấy phát huy hết giá trị, dành tâm huyết để lao động mang lại thu nhập chính đáng cho gia đình, làm giàu cho doanh nghiệp, đóng góp từng công sức vào sự phát triển của đất nước là một vấn đề không hề đơn giản.

85 tác phẩm đạt giải cuộc thi sáng tác về 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Ngày 24.10, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức tổng kết và trao giải cho tác giả nhóm tác giả của 85 tác phẩm trong cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Tường thuật phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Nhóm PV |

Sáng 1.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội, diễn ra phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Cuộc đời đơm hoa khi Công đoàn hết lòng vì người lao động

Ý Yên (thực hiện) |

Nguyễn Thị Thu Huyền, cây bút tự do sáng tác truyện ngắn “Kim chỉ và hoa”, đem đến làn gió mới vào “Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn

HẠNH AN |

Chiều 30.11, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) tổ chức Diễn đàn số 6 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn”.

"Hoa khôi" bóng chuyền Thu Hoài: Tôi tiếc vì lỡ chuyến du học Anh

Nhóm PV |

Góc nhìn thể thao số 139 có buổi trò chuyện với vận động viên bóng chuyền Nguyễn Thu Hoài, hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ nữ Vietinbank về cơ duyên cô đến với bóng chuyền như những dự định trong tương lai.

Chuyển tải yêu thương đến người lao động

Xuân Hùng |

Những ngày vừa qua, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa liên tiếp có các chuyến công tác xuống cơ sở gặp gỡ, động viên đoàn viên, người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống và hỗ trợ số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Đây là hoạt động thường xuyên và là một trong chuỗi hoạt động tiến tới Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Thành quả của cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn vượt xa tưởng tượng

Hào Hoa |

Sau 2 năm kể từ khi khởi động, lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn và người lao động sẽ chính thức diễn ra vào 19h30 tối nay, ngày 26.11, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Vì người lao động - góc nhìn từ một cuộc thi sáng tác văn học

linh anh |

Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Đó là điều mà nhiều người hay nhắc đến. Nhưng làm thế nào để tài sản ấy phát huy hết giá trị, dành tâm huyết để lao động mang lại thu nhập chính đáng cho gia đình, làm giàu cho doanh nghiệp, đóng góp từng công sức vào sự phát triển của đất nước là một vấn đề không hề đơn giản.

85 tác phẩm đạt giải cuộc thi sáng tác về 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Ngày 24.10, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức tổng kết và trao giải cho tác giả nhóm tác giả của 85 tác phẩm trong cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.