Quê hương của loài người

Trần Thế Vinh (tổng hợp) |

Một hiện tượng mới nảy sinh ở Châu Phi trong thế kỷ XXI: Trung Quốc. Trong lúc phương Tây giảm dần quan tâm tới Châu Phi, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lớn nảy sinh từ khu vực trước đây được coi là sân sau của Châu Âu này.

(Tiếp theo và hết)

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi xuất phát chủ yếu từ nhu cầu về nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp đang phát triển củaTrung Quốc như dầu mỏ, đồng, nhôm, quặng sắt, cobalt, kim cương, uranium hay gỗ. Tuy nhiên, đây cũng là một phần trong kế hoạch dài hạn để biến Trung Quốc thành quốc gia bên ngoài có ảnh hưởng nhất tại Châu Phi.

1. Các quan chức Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập quan hệ thân thiết với các lãnh đạo Châu Phi. Để đổi lấy các giao dịch dầu mỏ và các khoáng sản khác, Trung Quốc tiến hành xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, nhà máy lọc dầu, trường học và sân vận động bóng đá. Hai bên cũng tiến hành liên doanh trong lĩnh vực dầu mỏ, sản xuất điện, công nghiệp chế tạo và viễn thông. Hàng nghìn doanh nhân Trung Quốc tham gia vào các dự án lớn, xây dựng nhà máy, mua tài sản, đầu tư vào các trang trại, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng. Thương nhân và sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc trở nên phổ biến ở các thành phố, vùng thị trấn nông thôn Châu Phi. Trong suốt một thập niên, khoảng một triệu người Trung Quốc đã đến Châu Phi. Họ gồm các doanh nhân, chuyên gia kỹ thuật, nhân viên y tế, người thăm dò và nông dân. Từ năm 2000 đến năm 2010, thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng gấp 10 lần, đạt mức 115 tỉ đô la.

Các chính phủ Châu Phi hài lòng với mức tăng trưởng có được khi Trung Quốc có mặt ở châu lục này. Ngoài nguồn đầu tư của Trung Quốc, các nước này cũng kiếm thêm lời vì nền kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc khiến giá hàng hóa gia tăng. Hơn nữa, cách Trung Quốc tiếp cận với Châu Phi - thực dụng và ưu tiên cho doanh nghiệp - rất phù hợp với hệ thống chính phủ thân hữu mà các lãnh đạo Châu Phi áp dụng. Vai trò ngày càng nổi bật của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều lời phê phán cả ở phương Tây lẫn Châu Phi. Phương Tây chỉ trích Trung Quốc làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy quản trị tốt và khiến tham nhũng thêm trầm trọng. Những người chỉ trích ở Châu Phi cảnh báo về một hình thức chủ nghĩa đế quốc mới. Các doanh nhân Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm luật lao động, phá hoại môi trường và hủy hoại các ngành công nghiệp địa phương với các sản phẩm giá rẻ tràn ngập thị trường. Trạch Tuyển, một bộ trưởng cấp cao Trung Quốc, cảnh báo vào năm 2013 rằng: “Kiếm được một mối lời lớn chỉ trong một lần là thiển cận. Xả hết nước trong hồ để bắt sạch cá là việc làm còn vô đạo đức hơn”. Ông khuyên các doanh nhân Trung Quốc nên nâng cao tính tự giác và từ bỏ các giao dịch một kèo - các giao dịch không mang tính bền vững. Theo ông, các công ty cần hậu đãi nhân viên hơn, tuân thủ luật pháp và phong tục địa phương cũng như chú trọng hơn đến môi trường.

Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì dính líu đến việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp, đe dọa đến lượng voi còn sót lại của Châu Phi. Trung Quốc vốn thèm khát ngà voi từ nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, cơn thèm khát ngà voi của tầng lớp trung lưu đông đảo đã khiến giá ngà voi ở Bắc Kinh tăng gấp năm lần trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2013, khiến nạn buôn lậu gia tăng đáng kể. Các doanh nhân, công nhân và quan chức Trung Quốc trú tại Châu Phi đều đóng vai trò lớn trong các thương vụ này. Có tới 70% lượng ngà voi buôn bán bất hợp pháp được chuyển đến Trung Quốc. Trước sự báo động của cộng đồng quốc tế về số lượng voi còn sót lại, Trung Quốc đã đồng ý đưa ra hình phạt cứng rắn hơn đối với nạn buôn bán ngà voi vào năm 2013.

2. Bùng nổ giá cả hàng hóa đã thu hút một loạt các nhà đầu tư nước ngoài - giống như một cuộc “tranh giành” Châu Phi mới. Khi giá dầu tăng từ 20 đô la lên hơn 100 đô la một thùng, các công ty nước ngoài đổ xô mở rộng sản xuất tại các mỏ hiện có và phát triển thêm các mỏ mới. Giá trị xuất khẩu dầu từ ba nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn là Nigeria, Angola và Algeria tăng từ 300 tỉ đô la trong những năm 1990 lên hơn một nghìn tỉ đô la vào những năm 2000. Các mỏ dầu mới được khai thác ở Ghana, Uganda, Mozambique, Tanzania và Kenya.

Các công ty nước ngoài cũng nhanh chóng tìm đến Châu Phi để đạt được các thỏa thuận mới trong ngành khai thác. Tương tự, thế giới cũng đột ngột quan tâm tới những vùng đất hoang rộng lớn ở Châu Phi. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu lương thực trên thế giới vào năm 2008, dẫn đến giá cả tăng vọt và bạo loạn ở một số quốc gia, từ Ai Cập đến Mexico. Lương thực bỗng nhiên trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Các tập đoàn nước ngoài bắt đầu lùng sục khắp Châu Phi để mua hoặc cho thuê đất canh tác. Các công ty nông nghiệp quốc tế, ngân hàng đầu tư, quỹ phòng hộ, thương nhân hàng hóa và quỹ đầu tư quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua này. Ethiopia, Sudan, Congo-Kinshasa, Tanzania và Mozambique là một trong những điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính phủ tại đây hoan nghênh xu hướng này, đảm bảo đất đai sẵn có với giá rẻ và bỏ ngoài tai sự phản đối của những nhà nông tự cung tự cấp.

Một động lực nữa khiến Châu Phi thêm màu mỡ là sự xuất hiện của công nghệ điện thoại di động. Việc sử dụng điện thoại di động và mạng Internet ngày càng nhiều khiến kinh tế ở nhiều địa phương thay đổi. Năm 2000, Nigeria sở hữu 400.000 chiếc điện thoại cố định với số dân 160 triệu người. Đến năm 2012, số lượng thuê bao điện thoại di động ở Nigeria đạt mức 60 triệu. Trên khắp Châu Phi, nhiều nhóm doanh nhân mới nổi lên.

Do đó, sự kết hợp của các yếu tố - giá cả hàng hóa cao hơn, đầu tư nước ngoài, phát triển nông nghiệp và công nghệ điện thoại di động - đã giúp kinh tế Châu Phi tăng trưởng bền vững trong nửa đầu thế kỷ XIX. Một yếu tố giúp Châu Phi tăng trưởng nữa là các chương trình xóa nợ của phương Tây và những khoản viện trợ nước ngoài khổng lồ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của Châu Phi đạt 5% mỗi năm. Ước tính, trong một tỉ dân Châu Phi, có khoảng 90 triệu người - gần một phần mười dân số - có thu nhập đạt từ 5.000 đô la trở lên. Đây là tầng lớp tiêu dùng có triển vọng và có sức mua nhất định.

Tuy nhiên, dù tình hình kinh tế được cải thiện, Châu Phi vẫn xếp cuối cùng thế giới về nhiều lĩnh vực. Đây vẫn là khu vực nghèo nhất thế giới, với tỉ lệ nghèo đói cao và tuổi thọ thấp nhất thế giới. Chất lượng giáo dục yếu kém và tình trạng thất nghiệp bủa vây các nước Châu Phi. Các lĩnh vực khai khoáng hay dầu khí, dù góp phần rất lớn vào doanh thu, tạo ra rất ít việc làm - ít hơn 1% lực lượng lao động. Chỉ một phần tư lao động Châu Phi có việc làm ổn định và được trả lương. Gần hai phần ba dân số kiếm sống bằng các hoạt động tự cung tự cấp và tự kinh doanh với mức lương thấp. Dù có tiềm năng về nông nghiệp, tình trạng sản xuất lương thực của Châu Phi cũng rất ảm đạm. Nhiều nước Châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Một báo cáo năm 2010 chỉ ra rằng, trong khi sản lượng lương thực toàn cầu tăng gần 150% trong 40 năm qua, sản lượng lương thực của Châu Phi kể từ năm 1960 lại giảm xuống 10% và số người suy dinh dưỡng ở Châu Phi tăng từ 100 triệu năm 1990 lên 250 triệu.

Thị phần của Châu Phi trong tổng sản lượng kinh tế thế giới vẫn giữ nguyên nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ: Khoảng 2,7%. Tổng sản phẩm quốc nội của toàn châu lục chỉ đạt 1,7 nghìn tỉ đô la, tương đương với sản lượng đầu ra của riêng nước Nga. Doanh thu Châu Phi tạo ra có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ nhưng phần lớn của cải thu được lại vào tay các nơi khác trên thế giới. Các tập đoàn nước ngoài kỳ vọng lợi nhuận cao nên sẵn sàng đổi lấy rủi ro và rắc rối khi đầu tư vào Châu Phi. Các chính phủ Châu Phi lại nóng lòng tạo điều kiện cho các tập đoàn này bằng các thỏa thuận bí mật, giảm thuế và các ưu đãi khác.

3. Là người bảo vệ hoạt động kinh tế, giới tinh hoa cầm quyền Châu Phi trở thành phe hưởng lợi chính từ bùng nổ kinh tế thế kỷ XXI. Tầng lớp này nắm bắt mọi cơ hội làm giàu cho bản thân, tích trữ các khoản tiền cướp được trong tài khoản ngân hàng nước ngoài, mua tài sản ở ngoài Châu Phi và tận hưởng “đời sống bạch kim”. Những ví dụ nổi bật nhất đến từ các nước sản xuất dầu.

Theo báo cáo chính thức năm 2005, trong bốn mươi năm đầu sau khi Nigeria giành độc lập, các nhà lãnh đạo Châu Phi đã ăn chặn khoảng 220 tỉ bảng Anh. Trong thế kỷ XXI, mạng lưới tinh hoa ở Nigeria tiếp tục trục lợi từ các hành vi gian lận và phi pháp tương tự.

Năm 2010, các nhà điều tra tiết lộ rằng một khoản tiền trị giá 22 tỉ đô la đã biến mất khỏi quỹ chính phủ thành lập năm 2004 để giữ nguồn doanh thu tăng thêm do giá dầu mỏ tăng. Năm 2014, Lamido Sanusi, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, nói trước Ủy an thượng viện rằng từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 7 năm 2013, một khoản 20 tỉ đô la cũng “biến mất”.

Năm 2013, Chatham House - một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại London - báo cáo rằng dầu mỏ của Nigeria đang bị cướp ở “quy mô công nghiệp”. Báo cáo của Chatham House nêu rõ: “Các quan chức cấp cao của Nigeria đã quá quen với các phi vụ ăn chặn dầu mỏ trong thời gian quân đội cai trị. Dần dần, bằng chứng cho thấy các thành viên tham nhũng của các lực lượng an ninh chủ động dính líu đến các phi vụ này. Việc đất nước quay trở lại nền dân chủ năm 1999 đã giúp các quan chức và ‘bố già’ chính trị tiếp cận được nguồn dầu bị đánh cắp nhiều hơn”. Các quan chức an ninh nhận tiền bảo kê từ các băng nhóm có tổ chức cao. Các nhóm này đã tiếp cận được mạng lưới đường ống xuyên qua các mỏ dầu vùng Đồng bằng Niger, đồng thời trộm dầu từ các khu chứa dầu, các bể chứa lọc dầu, các cầu cảng và cảng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100.000 thùng dầu bị đánh cắp, trị giá khoảng 3,5 tỉ đô la mỗi năm hoặc nhiều nhất là 35 tỉ đô la trong khoảng mười năm. Theo ước tính của chính phủ, số lượng thùng dầu bị đánh cắp một ngày có thể lên đến 300.000 - 400.000. Các quan chức ngụy tạo hành vi trộm cắp dầu bằng cách chỉnh sửa công tơ mét và giả mạo chứng từ vận chuyển.

Chatham House cho biết: “Lợi nhuận được chuyển đển các trung tâm tài chính thế giới để hợp pháp hóa và dùng để mua tài sản trong và ngoài Nigeria. Ở Nigeria, các chính trị gia, sĩ quan quân đội, dân quân, nhân viên ngành dầu mỏ, thương lái dầu mỏ, các cộng đồng cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức đều hưởng lợi”.

Trong khi đó, Đồng bằng Niger lại là khu vực bị bỏ quên. Các sự cố tràn dầu và các hoạt động thải khí đốt đã khiến tiềm năng đánh bắt cá và nông nghiệp nơi này giảm sút. Môi trường sinh thái tại nhiều đầm lầy và vùng đất ngập nước trở nên điêu tàn, không có lấy một tiếng chim. Phần lớn dân số ở những vùng khác của Nigeria cũng không khá khẩm hơn. Tỉ lệ thất nghiệp tại thành thị trong độ tuổi từ mười lăm đến hai mươi bốn tuổi chiếm gần 50%. Năm 2003, Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) đã xác định được 39 người Angola với tài sản trị giá ít nhất 50 triệu đô la và 20 người khác có tài sản trị giá ít nhất 100 triệu đô la. Sáu trong số bảy người trong danh sách là các quan chức chính phủ lâu năm. Người thứ bảy là một quan chức mới nghỉ hưu. Tổng tài sản của 59 người này được cho là vào khoảng bốn tỉ đô la.

Sự tương phản hoàn toàn giữa lối sống xa hoa của giới thượng lưu giàu có và cái nghèo đói mà người dân phải chịu đựng không ở đâu rõ hơn ở Luanda. Các đường phố Luanda đầy ắp những tòa nhà chọc trời, những khu chung cư sang trọng và những trung tâm mua sắm hiện đại. Nhưng đằng sau mặt tiền ven sông là các khu ổ chuột và các thị trấn tồi tàn, kéo dài hàng dặm theo mọi hướng. Tại đó, người dân sống với chưa đầy hai đô la mỗi ngày. Nhiều người không có nước sạch và điện để dùng. Có tới hai phần ba dân số Angola sống trong cảnh nghèo đói cực khổ hoặc dưới mức nghèo.

Với nguồn doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ, vào thế kỷ XXI, nhà nước Guinea Xích đạo nhỏ bé ở bờ biển phía tây đã vươn lên với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Châu Phi. Theo thống kê, có khoảng 670.000 người nước này có mức thu nhập trung bình hơn 35.000 đô la năm 2012. Tuy nhiên, Tổng thống Teodoro Obiang của Guinea Xích đạo - cựu đại tá quân đội, giành chính quyền từ người chú mất trí trong cuộc đảo chính năm 1979 - coi ngành dầu mỏ là tài sản riêng và giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối với ngành này. Obiang khẳng định việc sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ là “bí mật nhà nước”. Vì vậy, hầu hết số tiền này đã đi về đâu vẫn còn chưa rõ. Năm 2012, các quan chức tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã ra tòa yêu cầu tịch thu tài sản của Teodorin, người con trai sa đọa của Obiang, do cho rằng các tài sản này có được bằng những cách đáng ngờ. Năm 1998, Obiang đã bổ nhiệm Teodorin làm Bộ trưởng Lâm nghiệp với mức lương chính thức 6.000 đô la một tháng. Từ năm 2004 đến năm 2011, Teodorin chi khoảng 315 triệu đô la vào bất động sản và các hàng hóa xa xỉ ở Mỹ. Giao dịch mua bán của Teodorin gồm một biệt thự ở Malibu, California trị giá 30 triệu đô la, máy bay phản lực riêng trị giá 38 triệu đô la, một đội xe hơi sang trọng và bộ sưu tập các kỷ vật của Michael Jackson. Quan tòa Pháp cũng hé lộ đời sống hào nhoáng tương tự của Teodorin tại Paris. Teodorin mua một biệt thự năm tầng ở Đại lộ Foch trị giá 100 triệu đô la; một kho trang sức, nghệ thuật, đồ nội thất cổ và rượu vang cổ; một đội xe hơi sang trọng khác. Năm 2012, giới chức trách Pháp phát lệnh truy nã quốc tế đối với Teodorin với tội danh lạm dụng tiền công và rửa tiền.

Nạn tham nhũng cũng ảnh hưởng tới nhiều nước khác ở Châu Phi. Một báo cáo của Liên minh Châu Phi năm 2003 ước tính rằng tham nhũng đã tiêu tốn của Châu Phi 148 tỉ đô la mỗi năm - nhiều hơn một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của toàn lục địa. Một số quốc gia với nguồn tài nguyên hạn chế phải chịu cảnh thảm thương vì bị các lãnh đạo bòn rút.

Năm 2002, khi Tổng thống Kenya Daniel arap Moi bị buộc phải từ chức sau hai mươi bốn năm cầm quyền, các nhà điều tra ước tính ông và đồng bọn trong băng đảng “mama Kalenjin” đã chiếm giữ khoảng 3 tỉ đô la. Ở Zimbabwe, người dân lâm vào tình trạng thiếu lương thực, phải sống trong tình cảnh bị cắt điện, các dịch vụ y tế và giáo dục xuống cấp, lạm phát tăng cao năm con số, giá cả tăng gấp đôi mỗi ngày. Vào năm 2008, Robert Mugabe đã lợi dụng cơ hội này để củng cố chế độ độc tài mục nát của mình bằng cách chiếm quyền kiểm soát các mỏ kim cương mới được phát hiện ở vùng cao nguyên phía đông. Thừa lệnh của Mugabe, các đơn vị quân đội dùng bạo lực để trục xuất hàng trăm thợ đào kim cương độc lập và đảm bảo nguồn lợi kim cương được trao cho những người thân hữu. Trong tuyên bố thắng cử năm 2008, Mugabe nói: “Zimbabwe là của tôi, tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đầu hàng”.

4. Khắp Châu Phi, khoảng cách giữa giới tinh hoa giàu có, sống “đời sống bạch kim”, với đa số người dân mà họ cai trị càng trở nên rõ nét khi các thị trấn và thành phố Châu Phi nhanh chóng biến thành các tập đoàn đô thị khổng lồ với đầy rẫy các khu ổ chuột. Dân số thành thị Châu Phi tăng nhanh hơn các châu lục khác. Vào năm 1945, Châu Phi chỉ có 49 thị trấn với dân số hơn 100.000 người. Hơn một nửa số thị trấn đó nằm ở Bắc Phi: Mười thị trấn ở Ai Cập; chín thị trấn ở Morocco; bốn thị trấn ở Algeria; một thị trấn ở Tunisia và một thị trấn ở Libya.  Mười một thị trấn khác ở Nam Phi. Giữa Sahara và Limpopo, chỉ có 13 thị trấn có dân số 100.000 người, bốn thị trấn trong số đó ở Nigeria.

Năm 1955, dân số Lagos là 312.000 người; ở Leopoldville (Kinshasa) là 300.000 người; dân Addis Ababa là 510.000 người; dân Abidjian là 128.000 người; Accra là 165.000 người. Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2010, khi tổng dân số của Châu Phi tăng gấp bốn lần từ 225 triệu người lên 1 tỉ người, số người sống trong các khu thành thị đã lên tới 40% tổng dân số. Đến năm 2010, dân số Cairo đã lên tới 11 triệu người; Lagos là 10,5 triệu người; Kinshasa là 8,5 triệu người; Abidjan là 4,1 triệu người; Nairobi là 3,5 triệu người; Dar es Salaam là 3,3 triệu người; Addis Ababa là 3 triệu người và Accra là 2,3 triệu người. Hầu hết người dân thành thị đều thiếu các tiện nghi cơ bản như nước sạch, hệ thống vệ sinh, đường nhựa và điện lực. Nhiều người sống và làm việc trong các túp lều làm bằng thùng nhựa, thùng đóng gói, hộp các-tông hay mảnh thiếc. Tầng lớp dưới đáy xã hội vẫn sục sôi nỗi bất bình.

Tổng dân số Châu Phi tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong khi phải mất hai mươi bảy năm để dân số này tăng gấp đôi từ 500 triệu người, báo cáo của Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) năm 2010 đã dự báo rằng Châu Phi chỉ cần mười bảy năm để có thêm 500 triệu người tiếp theo. Theo tính toán của báo cáo này, từ năm 2010 đến năm 2050, tổng dân số Châu Phi sẽ tăng 60%. Trong đó, số dân đô thị sẽ tăng gấp ba lên 1,2 tỉ người.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các chính phủ Châu Phi đều thiếu ý chí và công cụ giải quyết khủng hoảng. “Xu hướng đang diễn ra là các đô thị Châu Phi trở thành những khu vực địa lý rời rạc, hoạt động kém hiệu quả và không bền vững, nơi người dân phải chịu bất bình đẳng và khổ cực, với các làn sóng nghèo đói ẩn chứa các đảo châu báu bên trong”. Báo cáo kết luận rằng, khủng hoảng đô thị đe dọa sự ổn định không chỉ của các thành phố ở Châu Phi, mà của toàn bộ các quốc gia.

Trần Thế Vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Khai phá dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông - Châu Phi

Ngọc Vân |

Trung Đông - Châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực còn rất lớn.

Quê hương của loài người

Huy Minh (tổng hợp) |

Châu Phi - cái nôi của loài người - mặc dù khí hậu khắc nghiệt và đầy biến động nhưng lại được bù đắp bởi lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú: Vàng, ngà voi, dầu mỏ, các loại khoáng sản quý... Chính nguồn tài nguyên dồi dào đã định hình nên sự giầu có của châu lục này suốt hàng nghìn năm qua và cũng là lý do của những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, những xung đột nội bộ từ cổ chí kim.

Canada dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từ các quốc gia Châu Phi

Anh Vũ |

Canada thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với du khách từ 10 quốc gia Châu Phi, đồng thời đặt ra các yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

Australia áp dụng lệnh cách ly với du khách về từ Châu Phi

Anh Vũ |

Trước nguy cơ lây lan mới từ biến thể hiện đang bùng phát tại Châu Phi, Australia liền áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng vệ.

"Vắt óc" lý giải bí ẩn vì sao Châu Phi tránh được thảm họa COVID-19

Khánh Minh |

Kịch bản thảm họa COVID-19 không xảy ra ở phần lớn Châu Phi cho đến thời điểm này khiến các nhà khoa học "vắt óc" tìm lời giải.

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.

Cú bẻ lái khiến tài xế xe khách tử vong, 44 hành khách thoát chết thần kì

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Để cứu tính mạng 44 hành khách trên xe và người đi đường, tài xế xe khách Đoàn Thanh Hương (37 tuổi, ngụ Quảng Bình) nỗ lực đánh tay lái nhằm tránh va chạm với xe máy và nhiều xe ôtô khác đang chạy đối diện, khiến xe bay xuống ruộng lúa. 44 hành khách thoát chết trong gang tấc, riêng tài xế Hương tử vong tại chỗ.

Điều chỉnh gói thầu nhà ga hành khách, sân bay Long Thành lỡ hẹn mốc năm 2025

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Tối ngày 27.3, ông Đỗ Tất Bình - Phó Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV vừa chính thức gia hạn thời gian mời thầu gói thầu 5.10 – thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành thêm 1 tháng và kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này từ 33 tháng lên 39 tháng, đẩy tiến độ đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2025 sang năm 2026.

Khai phá dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông - Châu Phi

Ngọc Vân |

Trung Đông - Châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực còn rất lớn.

Quê hương của loài người

Huy Minh (tổng hợp) |

Châu Phi - cái nôi của loài người - mặc dù khí hậu khắc nghiệt và đầy biến động nhưng lại được bù đắp bởi lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú: Vàng, ngà voi, dầu mỏ, các loại khoáng sản quý... Chính nguồn tài nguyên dồi dào đã định hình nên sự giầu có của châu lục này suốt hàng nghìn năm qua và cũng là lý do của những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, những xung đột nội bộ từ cổ chí kim.

Canada dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từ các quốc gia Châu Phi

Anh Vũ |

Canada thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với du khách từ 10 quốc gia Châu Phi, đồng thời đặt ra các yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

Australia áp dụng lệnh cách ly với du khách về từ Châu Phi

Anh Vũ |

Trước nguy cơ lây lan mới từ biến thể hiện đang bùng phát tại Châu Phi, Australia liền áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng vệ.

"Vắt óc" lý giải bí ẩn vì sao Châu Phi tránh được thảm họa COVID-19

Khánh Minh |

Kịch bản thảm họa COVID-19 không xảy ra ở phần lớn Châu Phi cho đến thời điểm này khiến các nhà khoa học "vắt óc" tìm lời giải.

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.