Quảng bá hình ảnh đất nước bằng sức mạnh mềm - Việt Nam cần xây dựng hệ giá trị quốc gia

Việt văn - đăng huỳnh (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng, muốn sử dụng “sức mạnh mềm” để quảng bá hình ảnh đất nước, Việt Nam cần xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đó là nền tảng cốt lõi mà các quốc gia phát triển đã thành công.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Bà có thể khái quát lại, trong từng giai đoạn khác nhau, “sức mạnh mềm” đã được đề cập ra sao?

- Bộ chỉ số Top 30 quốc gia có sức mạnh mềm hàng đầu thế giới (SoftPower 30) thì đánh giá dựa trên các yếu tố như quản trị, văn hóa, giáo dục, doanh nghiệp, số, sự can dự... Trong đó, "sức mạnh mềm" văn hóa có thể được đánh giá qua hệ thống các di sản văn hóa, ẩm thực, xuất khẩu âm nhạc, điện ảnh, số lượng khách du lịch quốc tế, số lượng sinh viên quốc tế, thành tích thể thao tại các đấu trường quốc tế...

Tại Việt Nam, văn hóa luôn được đánh giá đúng vị trí. Bác Hồ đã nói “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Văn hóa có giá trị xuyên suốt, kể từ trước khi giành được chính quyền, chúng ta đã có “Đề cương Văn hóa” từ năm 1943. Nếu xem lại Đề cương, có thể thấy một thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạnh, tư duy rộng mở, không chỉ giới hạn trong những vấn đề dân tộc mà thấy được mối tương quan với các vấn đề về quốc tế, về chính sách văn hóa của Pháp, của Nhật, những tranh đấu về học thuyết tư tưởng của triết học Âu, Á...

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đề ra chủ trương “hội nhập”.

Đến giờ Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị với quan điểm chỉ đạo văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh xu thế của thế giới. Cùng với việc đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII và Nghị quyết Trung ương 5 xác định nhiệm vụ “mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa” là một trong những nhiệm vụ để xây dựng nền văn hóa Việt Nam thời kỳ mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, một trong những nhiệm vụ cụ thể là: Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều này để thấy rằng, Việt Nam chủ động tham gia sân chơi quốc tế, bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác song phương thì đẩy mạnh tham gia các diễn đàn đa phương.

Đến Đại hội XIII, chủ trương muốn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng về Việt Nam hùng cường, phát huy sức mạnh của nền văn hóa và con người Việt Nam như nguồn sức mạnh nội sinh, kết hợp với sức mạnh thời đại. Ở phần huy động sức mạnh thời đại chính là phần phát huy văn hóa đối ngoại, sức mạnh mềm, để làm sao lan toả những giá trị văn hóa và sức mạnh con người về Việt Nam ra thế giới, làm sao để hấp dẫn, thu hút, thu phục người ta để họ ủng hộ, hỗ trợ mình, tranh thủ ngoại lực để phát triển.

Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, những người làm văn hóa đối ngoại chúng tôi mong muốn gọi đó là “Hội nghị Diên hồng về văn hóa trong thời kỳ hội nhập”, nhấn mạnh không chỉ vai trò của văn hóa trong việc xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững mà đã đến lúc văn hóa Việt Nam lan toả sức mạnh mềm trên trường quốc tế.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra hồi tháng 11 năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra hồi tháng 11 năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được đánh giá có sự tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống chính trị, các Bộ ban ngành và đặc biệt sức lan toả, quán triệt đến từng địa phương. Ở đó chính quyền mỗi địa phương sẽ nhìn nhận lại, để đánh giá đúng vai trò của văn hóa, từ đó quyết định đầu tư đúng mức cho văn hóa. Giai đoạn đó cũng là thời điểm tổng kết của nhiều chiến lược để ban hành những văn bản mới, trong đó có Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ra đời đúng tháng 11.2021. Trước đó, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam cũng được ban hành.

Từ các Nghị quyết đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chương trình, hành động cụ thể nào để xây dựng “sức mạnh mềm”?

- Đầu năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa, phát triển nguồn nhân lực Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Có thể thấy được những sự chuyển biến rõ rệt ở các địa phương trong việc họ quan tâm, đầu tư hơn cho văn hóa. Từ khía cạnh của văn hóa đối ngoại, Cục Hợp tác quốc tế đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam tham gia vào hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Ngày 31.10 vừa qua, Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Những điều đó đã chứng tỏ được sự chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, khi chúng ta cùng kết nối vào mạng lưới của thế giới, cùng chia sẻ kinh nghiệm, huy động sức mạnh của những thành phố với nhau.

Quan trọng hơn là khiến chính quyền các thành phố quan tâm đầu tư cho văn hóa và sáng tạo, và triển khai nhiều hoạt động thực chất cho cộng đồng những người sáng tạo và cộng đồng dân cư nói chung, nâng cao mức thụ hưởng thụ văn hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thương hiệu thành phố sáng tạo sẽ góp phần thu hút du khách đến với nơi đây, là một điểm đến trên bản đồ quốc tế. Đấy là một khía cạnh về phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa.

Sau Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là trong 2 năm nay, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến văn hóa đối ngoại, thường giới thiệu những nét đẹp của văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong các chuyến thăm chính thức nước ngoài. Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 và Nghị quyết của Chính phủ trong tháng 7 năm nay nhấn mạnh việc tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín.

Ngay trong thời kỳ COVID-19 khó khăn (2021 - 2022), Việt Nam đã tham gia rất thành công EXPO Dubai 2020 (kỳ Triển lãm Thế giới này vẫn giữ là 2020 mặc dù trên thực tế được tổ chức lùi 1 năm). Nhà triển lãm Việt Nam trong 6 tháng vận hành đã đón hơn 700.000 lượt khách tham quan, trong đó có các đoàn Nguyên thủ Quốc gia. Điều đặc biệt là sau khi đến thăm Nhà Triển lãm Việt Nam, nhiều chính khách đã thực hiện các chuyến thăm chính thức tới Việt Nam phải kể đến như Tổng thống Sierra Leone - Julius Maada Bio; Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo... Đó chính là minh chứng về hiệu quả của "sức mạnh mềm" có thể thấy rõ nhất.

Thông qua sự kiện EXPO Dubai 2020, chúng tôi đã kể câu chuyện đầy tự hào về Việt Nam. Chúng ta đã vượt khó để tham gia vào sân chơi quốc tế. Có nhiều giai đoạn đáng tự hào khi thế giới đang bị phong toả thì Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Nhất là hình ảnh trận bóng đá giữa Dược Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai tại Cúp Quốc gia 2020 với hàng vạn cổ động viên ở sân Thiên Trường. Trong thời kỳ phong tỏa vì COVID-19, hình ảnh đó khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Hay cảm giác xúc động trào dâng khi cờ Tổ quốc tung bay trên mái vòm lớn nhất thế giới tại Quảng trường tại Dubai, UAE Al-Wasl trong Ngày Quốc gia Việt Nam năm 2021. Và câu chuyện Con rồng cháu Tiên được những nhà sáng tạo Việt Nam làm chủ công nghệ hiện đại đã trình chiếu cho bạn bè quốc tế. Điều đó thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, theo bà, "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam có thể thấy trên những phương diện nào?
- "Sức mạnh mềm" được tạo dựng trên nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cốt lõi như văn hóa dân tộc, hệ giá trị quốc gia và thể chế, chính sách của quốc gia đó.
Với hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, với hệ thống 8 Di sản thiên nhiên văn hóa thế giới và 15 Di sản phi vật thể được UNESCO công nhận và hệ thống những di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, bảo tàng, các thành phố sáng tạo... Con người Việt Nam cũng được biết đến là hồn hậu, thân thiện, ẩm thực Việt Nam đa dạng cũng là sức hấp dẫn.

Lịch sử vẫn là yếu tố nổi bật làm nên sức hút của Việt Nam đối với các đoàn làm phim và du khách quốc tế. Một quốc gia anh hùng với tình đoàn kết, “tự lực tự cường”, đã trải qua các giai đoạn kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó cũng chính là sức mạnh đã được tạo dựng qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc cũng như hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ làm nên khí phách, bản lĩnh Việt Nam. Một đất nước thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đang phát triển kinh tế năng động, vươn lên thành con hổ tại khu vực.

Tuy nhiên, chúng ta cần thừa nhận rằng, Việt Nam chưa có một sản phẩm hay thương hiệu về văn hóa có tầm cỡ thế giới. Tiềm năng rất nhiều nhưng để thế giới biết đến thì chưa có.

Về thời trang, chúng ta có các nhà tạo mẫu như Minh Hạnh, Công Trí... Đặc biệt Công Trí - là nhà thiết kế Việt có các sao hạng A Hollywood chọn mặc trang phục do anh thiết kế. Hay âm nhạc, thế hệ các ca sĩ như Sơn Tùng M-TP có lượng fan quốc tế. Khi chúng tôi tham gia EXPO Dubai đã chứng kiến có nhiều bạn trẻ nước ngoài tìm đến với Nhà Triển lãm Việt Nam và say sưa hát các bài của Sơn Tùng M-TP. Hay Hoàng Thùy Linh với hit “See tình” thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới. Rapper Pháo cũng là một ví dụ khác về nghệ sĩ Việt Nam có thể thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội.

Rõ ràng nền văn hóa đại chúng, văn hóa đương đại của Việt Nam có sức hấp dẫn, có tiềm năng. Điện ảnh cũng vậy, chúng ta có bề dày truyền thống ngành điện ảnh, có nhiều câu chuyện để kể với thế giới. Điều quan trọng là khai thác và quảng bá như thế nào.

Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Chúng ta cũng đã có hẳn một hội thảo quốc gia với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Vấn đề cốt lõi của “sức mạnh mềm” chính là phải xây dựng “hệ giá trị quốc gia”. Bà có đồng ý quan điểm này không? Việt Nam có thể xây dựng “hệ giá trị quốc gia” từ lĩnh vực cụ thể nào, thưa bà?

- Đúng vậy, “sức mạnh mềm” phải được xây dựng trên cơ sở “hệ giá trị quốc gia”. Nước Mỹ gắn với hình ảnh xứ sở tự do, Singapore xây dựng hình mẫu quốc gia xanh sạch. Vậy Việt Nam thì sao?

Thực tế, mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi địa phương, vùng miền lại có những giá trị văn hóa đặc trưng. Những giá trị đó vẫn có từ bao đời nay nhưng để kết tinh thành giá trị chung của cả dân tộc cần sự đồng thuận từ các học giả, các nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân...

Việt Nam là một đất nước hoà bình, đang phát triển kinh tế năng động, với những con người rất vị tha, nhân văn, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, có nền văn hóa giàu bản sắc. Chúng ta coi trọng những giá trị của gia đình, đồng thời gắn kết với cộng đồng, làng xã. Đó cũng là đặc trưng của con người Việt Nam, là đặc tính của người châu Á, khác với châu Âu là đề cao cái “tôi” chứ không phải “chúng ta”.

Phải chăng đó là những giá trị văn hóa thấm đẫm trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, và từng con người Việt Nam để trở thành hệ giá trị và sức mạnh nội sinh.

Nếu nói về khía cạnh là để đảm bảo an ninh, giữ gìn hoà bình, tăng cường ảnh hưởng thì sức mạnh mềm được coi là phương tiện hữu hiệu. Việt Nam cần phải phát huy những giá trị đó.

Trước đây, có thời kỳ rộ lên việc lựa chọn “quốc hoa”, “quốc phục” nhưng rồi cũng chưa đi đến kết quả nào. Thực tế, số đông vẫn ngầm công nhận hoa sen là bông hoa tiêu biểu cho Việt Nam, áo dài là đặc trưng của Việt Nam. Nhưng để giao một cơ quan quản lý đứng ra đề xuất thì sẽ có rất nhiều ý kiến tranh luận. Nhân dân vẫn là quan trọng nhất, là người quyết định. Vì vậy, phải có sự đồng thuận của nhân dân về những biểu tượng đó. Và Quốc hội cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân có thể ra các nghị quyết về vấn đề này.

Do đó, để xây dựng “hệ giá trị quốc gia” cần:

Thứ nhất là nhận thức, tạo sự đồng thuận, đồng lòng, khơi dậy khát vọng. Từ những nhận thức đó sẽ có những ứng xử và hành động đúng đắn.

Thứ hai là sự đầu tư xứng đáng cả trong nước và ngoài nước. Nếu trong nước không có sự đầu tư xứng đáng, có những sản phẩm độc đáo, có giá trị thì không có gì để xuất khẩu, giới thiệu ra nước ngoài. Không có thương hiệu mạnh thì không thể quảng bá hiệu quả. Nên hai khía cạnh đầu tư trong nước và khía cạnh quảng bá cần được làm song song.

Thứ ba, chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông, một chiến lược marketing để truyền tải thông điệp của mình. Trong thời đại này cần tận dụng sức mạnh của công nghệ số, nó làm biến đổi tất cả, tạo nên sự tương tác ngay lập tức và vươn tới, tiếp cận số lượng đối tượng đông đảo, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người trong một thế giới phẳng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn một cách tích cực, đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa góp phần phát triển bền vững của đất nước. Và đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng “sức mạnh mềm”. Trong vai trò là nhà quản lý, bà mong mỏi điều gì?

- Với những người làm văn hóa đối ngoại, chúng tôi rất mong mỏi có một chương trình mục tiêu quốc gia như vậy để đưa vào hợp phần đầu tư xứng đáng cho văn hóa đối ngoại, lan tỏa "sức mạnh mềm".

"Sức mạnh mềm" cũng cần phải có thiết chế văn hóa để tổ chức các hoạt động thường xuyên, liên tục ở địa bàn nước ngoài. Ví dụ, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc hay Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam rất chuyên nghiệp, tiếp cận công chúng, nhất là giới trẻ. Tôi mong muốn Việt Nam chúng ta khi đã có vị thế, uy tín khác rồi cách làm văn hóa đối ngoại cũng được nâng tầm. Hình thành các Trung tâm Văn hóa Việt Nam để quảng bá văn hóa thường xuyên, liên tục ở nước ngoài. Bạn bè quốc tế được tiếp xúc văn hóa Việt Nam, họ yêu mến và có nhu cầu được tìm hiểu sâu hơn thì phải có những thiết chế văn hóa như vậy. Đây đồng thời cũng là mái nhà chung cho kiều bào ta ở nước ngoài tìm về với cội nguồn dân tộc, thực hành các sinh hoạt văn hóa truyền thống và cập nhật về văn hóa trong nước.

Để vận hành được hiệu quả, cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực làm văn hóa chuyên nghiệp. Bởi chúng ta muốn chấn hưng phát triển văn hóa hay xây dựng “sức mạnh mềm”, cần có đội ngũ làm văn hóa chuyên nghiệp, am hiểu về văn hóa dân tộc và văn hóa nước sở tại, có trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, có 9 hợp phần thể hiện sự mong mỏi, khát khao của những người làm văn hóa ở Trung ương, địa phương đến các hiệp hội. Tôi rất mong mỏi trong chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ có nguồn lực để thực hiện mục tiêu chiến lược là xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để cân bằng hơn trong giao lưu, hợp tác văn hóa, để tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ các địa bàn trọng điểm này. Nếu không thực hiện sớm, rất có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội tốt để đầu tư, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Việt văn - đăng huỳnh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng, chấn hưng văn hóa

Vương Trần |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Văn hóa dưới góc nhìn từ lịch sử và biến động thời cuộc của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Mi Lan |

Cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” bày tỏ sự tri ân với lịch sử, từ đó đưa góc nhìn sâu sát của tác giả với tiến trình phát triển của văn hóa khi được khởi tạo và gìn giữ qua thăng trầm lịch sử.

Văn hóa - sức mạnh nội sinh của đất nước

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) |

Đầu tháng 2.1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, thảo luận và thông qua bản Đề cương Văn hóa - một văn kiện có tính lịch sử mang tầm chiến lược chỉ đạo cách mạng nước ta, không chỉ áp dụng cho thời điểm hiện tại đó, mà còn cho đến hôm nay, khi đất nước ta đang mạnh bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

Gần 1,2ha đất công bị phù phép thành đất tư giữa TP Hà Giang

Việt Bắc |

Từ một khu đất được giao cho cơ quan Nhà nước để thực hiện dự án trồng khảo nghiệm nhãn lồng, sau nhiều năm, gần 1,2ha đất công ngay giữa TP Hà Giang đã được phù phép để biến thành sở hữu tư nhân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của nhân viên trường học Bắc Ninh

LƯƠNG HẠNH |

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm, rà soát, tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp (trường hợp có phân hạng) cho đội ngũ viên chức gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học.

Du khách ấm ức không được nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long vì lý do thời tiết

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Trong khi đội tàu du lịch nghỉ đêm ở Cát Bà (Hải Phòng) tối 12 và đêm 13.11.2023 vẫn hoạt động bình thường thì hàng trăm tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long lại bị dừng hoạt động vì lý do… thời tiết. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu, khiến du khách bức xúc bởi có những người bay chặng đường dài nhưng đến nơi không được tham quan vịnh.

Giá dầu dự báo giảm 1.000 đồng/lít vào chiều nay

Nguyễn Thúy |

Phiên giao dịch ngày 13.11 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới trong sắc xanh sau khi Iraq tái khẳng định việc tuân thủ giảm sản lượng khai thác. Trong nước, giá xăng dầu được dự báo giảm tối đa 1.000 đồng/lít (kg) vào chiều nay.

Thúc đẩy các động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%

VƯƠNG TRẦN |

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đặt ra là 6-6,5%. Các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP như Nghị quyết đã đề ra.

Kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng, chấn hưng văn hóa

Vương Trần |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Văn hóa dưới góc nhìn từ lịch sử và biến động thời cuộc của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Mi Lan |

Cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” bày tỏ sự tri ân với lịch sử, từ đó đưa góc nhìn sâu sát của tác giả với tiến trình phát triển của văn hóa khi được khởi tạo và gìn giữ qua thăng trầm lịch sử.

Văn hóa - sức mạnh nội sinh của đất nước

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) |

Đầu tháng 2.1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, thảo luận và thông qua bản Đề cương Văn hóa - một văn kiện có tính lịch sử mang tầm chiến lược chỉ đạo cách mạng nước ta, không chỉ áp dụng cho thời điểm hiện tại đó, mà còn cho đến hôm nay, khi đất nước ta đang mạnh bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.