Những cái chợ xanh ở chốn Kẻ Chợ

Tùy bút của HẢI AN |

Nếu bạn sống ở Hà Nội đủ lâu, bạn sẽ biết được rằng, ngoài những cái tên kiêu hãnh như Long Đỗ, Đại La, Thăng Long, Đông Đô thì Hà Nội còn có một cái tên dân dã và lâu bền nhất: Kẻ Chợ. Nếu lăn lộn ở chốn Kẻ Chợ đủ lâu, bạn sẽ biết rằng, ở đây có rất nhiều cái chợ, có chung một tên: Chợ Xanh.

*

Hà Nội là một đô thị có nhịp thở sâu của lịch sử 1.014 năm hình thành và phát triển. Ở mảnh đất này, chồng lấp biết bao vương triều để định hình mình là Thủ đô của lương tri và phẩm giá của những con người vừa hào hoa, vừa anh hùng “tay mềm mại bút gươm” những cũng giàu nét văn hiến Kẻ Chợ.

Định danh này sẽ kể một câu chuyện chủ đạo về Hà Nội, mảnh đất nằm giữa hai con sông, là trung tâm hợp lưu của tứ trấn Nam - Bắc - Đông - Đoài. Đây là những yếu tố thuận lợi về mặt địa lý để tạo nên trung tâm giao thương, hội họp chợ búa để buôn bán sầm uất.

36 phố phường là 36 ngành nghề sản xuất, buôn bán khác nhau, cộng thêm những làng nghề truyền thống ở vùng ven đô thị đã tạo nên một cái chợ khổng lồ và một nền tảng mậu dịch đa dạng, phong phú, rộng khắp được tiếp biến qua hơn một thiên niên kỷ.

Có thể nói, nhịp thở của Hà Nội là nhịp thở của chợ, mang căn tính của những người tham gia hoặc sống nhờ hoạt động chợ búa. Căn tính đó có sự tần tảo, cần mẫn, nhanh nhẹn, tháo vát, sành sỏi, tinh tế nhưng cũng không thiếu nét láu lỉnh, chao chát. Nó là tiền đề cho phẩm chất hào hoa, tinh tế sành sỏi của những cư dân sinh sống nơi đây.

Do đó, điểm làm nên sự hấp dẫn của đô thị này, từ khi mới hình thành cho đến bây giờ chính là hơi thở của chợ, của hoạt động bán mua và cao hơn là giai tầng văn hóa của những lớp người quen sống đời Kẻ Chợ được truyền thừa qua hàng thế hệ một cách lớp lang.

Ở chốn Kẻ Chợ tất nhiên sẽ có những cái chợ lừng danh. Kẻ Chợ có tứ trấn, nghĩa là 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc thì đương nhiên sẽ có 4 cái chợ lớn tương xứng. Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Hàng Da cũng là chợ cho tứ trấn kinh kỳ.

Ngoài ra, Hà Nội còn có những cái chợ nổi tiếng khác như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Hàng Bè, và nổi tiếng nhất phải là cái Chợ Giời hay Chợ Trời . Song đa dạng nhất chính là chợ xanh. Xanh không phải tên gọi của chợ mà là chỉ định tính chất của loại chợ này: Tự phát, không có kiến trúc kiên cố, ở ngoài trời, nay còn mai mất.

Thế nhưng, chợ xanh mang hơi thở thường nhật của Hà Nội hay Kẻ Chợ bởi nó phản ánh và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong vùng không gian, đồng thời nó xuất phát từ thói quen sinh hoạt của thị dân Hà Nội từ khi thành lập cho đến nay: Mọi hoạt động sinh hoạt đều diễn ra ở không gian mở, có khí trời, có cây xanh... Vỉa hè, đường xá, những khoảnh đất trống đã đáp ứng được nhu cầu tụ họp đó.

**

Từ sớm tinh mơ, trên đường phố đã ríu rít tiếng rao hàng, thứ thanh âm đánh thức những kẻ thị dân khỏi cơn ngái ngủ. Hà Nội đẹp một cách quyến rũ vào những thời khắc tảng sáng này. Những con phố dài khi thì cong cong như lồng ngực thiếu nữ, khi lại thẳng tắp “hành đại lộ” rợp bóng cây xanh, ẩn hiện những mảnh ngói nâu, những bức tường vàng loang lổ rêu phong.

Trên vỉa hè mảnh hẹp nhưng sạch sẽ, những quầng khói hư ảo bất chợt bay ra, bất chợt tan biến. Đó là khói của những thúng xôi, của thùng nước phở, của nồi tráng bánh cuốn, và hàng chục thức điểm tâm nóng hổi khác chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khách hàng của mình, bất kể quen thuộc hay vãng lai.

Người Việt có câu “dân dĩ thực vi tiên”, có nghĩa, người dân lấy chuyện miếng ăn là ưu tiên số một. Vậy nên, nhịp thở đô thị khởi đi bằng một bát phở nóng hổi, một đĩa bánh cuốn mượt mà hay chiếc bánh mỳ kẹp pa-tê giòn rụm kể ra cũng chẳng có gì khó hiểu.

Theo dịch chuyển của bóng nắng, mỗi thời khắc cái chợ lộ thiên Hà Nội lại bán những món ăn uống ngon lành khác nhau. Hàng trăm món ăn được bán trên vỉa hè Hà Nội đã tạo thành một hệ thống ẩm thực đường phố có sức quyến rũ không chỉ với thị dân chốn này mà còn với khách lãng du.

Còn gì tuyệt vời khi được ngồi duỗi chân trên vỉa hè phố cổ, khoái trá ngắm ánh hoàng hôn đang chìm dần trong cốc bia hơi sủi bọt hay thưởng thức ly cà phê trứng, mặc cho sự đời náo nhiệt. Hoặc chỉ cần ngồi không ngắm cảnh mua bán trên phố phường diễn ra ngay trước mắt mình cũng đủ cảm thấy Hà Nội có nét thi vị.

Tuy nhiên, những làn khói ban sớm mới là sự báo hiệu. Nó khơi mở cho rất nhiều hoạt động chợ búa khác. Trên đường, bắt đầu xuất hiện những chiếc đạp lỉnh kỉnh thúng sọt, chất đầy hoa tươi, trái cây, thực phẩm sống chín, cần mẫn len lỏi từng ngõ nhỏ, phố nhỏ để bán hàng từ mờ sáng đến xẩm tối.

Đó chính là những cái chợ di động, cung cấp hàng hóa đến tận cửa nhà người mua, tạo nên những mối quan hệ chợ búa rất mật thiết. Nó hình thành ra nếp sinh hoạt, mua bán, trao đổi, giao lưu... của người dân trong môi trường không gian mở, có nhiều màu xanh hơn là giữa một kiến trúc vuông vắn, được che chở bằng tường và mái, được phân chia thành những lô, những ô nhỏ đều...

Dù đô thị Hà Nội ở giai đoạn lịch sử nào, những gánh gánh gồng gồng đó vẫn nhấp nhô trên vai những người phụ nữ chạy chợ đất này, thoăn thoắt dạo qua từng con phố, đôi khi dừng lại ở một đầu ngõ quen để gọi khách ra mua rươi, mua cốm mùa nào thức ấy, một năm chỉ nghỉ đôi ba ngày.

“Hà Nội là một cái chợ lớn”, nhiều người thường đùa như vậy. Cũng chả sai, bởi mỗi vỉa hè, mỗi căn nhà mặt phố đều có công năng mua bán của chợ búa. Thậm chí, chợ còn len lỏi theo những cái ngõ nhỏ xíu chảy vào đến tận cùng. Chúng tạo thành một hệ thống chằng chịt nhưng vô cùng uyển chuyển và tiện dụng.

***

Tại sao chợ xanh vẫn giữ được vai trò quan trọng của mình trong bối cảnh hiện nay, khi mà những cái chợ nổi tiếng đã biến thành trung tâm thương mại và chết yểu như chợ Mơ, chợ Hàng Da và vẫn sống tốt bất chấp làn sóng xâm lăng của siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện dụng.

Đó là bởi vì sự tiện dụng của chợ xanh với nhịp sống vẫn đậm màu tiểu nông, làng xã của người dân. Đạp xe, đi bộ, cưỡi xe máy hay phóng ôtô vẫn cứ dừng lại và tạt vào vỉa hè mua bán là tiện lợi nhất, cho dù nó có thể hơi úi xùi, lem nhem. Người bán cũng thế, ngồi giữa trời đất, đường xá mà bán là khoái trí nhất, hiệu suất nhất trong khi lại tiết kiệm nhất.

Có những cái chợ xanh rất sang chảnh và “de luxe” ở Thủ đô, ví dụ như chợ Hàng Bè xơi gọn con phố Hàng Bè và Gia Ngư, chợ Thanh Hà ăn hết cả con phố/ ngõ Thanh Hà. Ở đây, mọi thứ của ngon vật lạ, sơn hào hải vị đều được mua bán dễ dàng, bình thường như cân đường hộp sữa.

Thậm chí, những mặt hàng mà các chợ chính danh hay siêu thị không có, hãy ra đây tìm. Đấy chính là những lợi thế của chợ xanh đem lại, ngoài ý nghĩa nó thực sự “xanh vì môi trường” bởi hầu như không có các phương tiện gây ô nhiễm, làm trái đất nóng lên như điều hòa, hệ thống điện, hệ thống bảo ôn...

Thêm vào đó, nhịp điệu và đời sống của chợ xanh mới thực sự đúng nghĩa với phong cách Kẻ Chợ, vốn biến chợ thành nơi giao lưu cộng đồng, kết nối ký ức cộng đồng, thoả mãn nhu cầu về tinh thần hơn là bán mua thuần túy. Đi chợ xe là để gặp gỡ, nói chuyện thông qua các kiểu cách mặc cả, cò kè hoặc đơn giản là được đầm mình trong không gian xô bồ, náo nhiệt đó.

Do vậy, dù chợ xanh bị đánh đồng với chợ tự phát, chợ cóc nhưng nó đã làm nên vẻ hấp dẫn cho Hà Nội, chứ không phải bởi viện bảo tàng, nhà hát, danh lam thắng cảnh. Bản thân nhịp thở của Kẻ Chợ cùng văn hóa chợ búa nơi đây đã là viện bảo tàng dân sinh phong phú nhất, là sân khấu trình diễn văn hóa đô thị sinh động nhất.

Cho dẫu thế nào, chợ xanh và định danh Kẻ Chợ vẫn cứ làm nên tính cách của Hà Nội. Khéo léo, tháo vát, đảm đang nhưng cốt cách cũng hết mực phong nhã, hào hoa và lịch thiệp.

Tùy bút của HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Chợ bình dân đặc sắc

Bài và ảnh Việt Văn |

Một cái chợ đặc sắc ở chỗ nó phục vụ chủ yếu cho những người dân sống ở các dãy nhà tập thể thời bao cấp, trong đó có một số dãy đã xuống cấp trầm trọng đang chờ di dời. Chợ kéo dài đi vào từng ngõ nhỏ, và bán đủ thứ hàng hóa từ thực phẩm, hàng gia dụng đến quần áo, giày dép... tóm lại là gần như cái gì cũng có.

Nhớ hương vị chợ Tết xưa

Tuyết Lan |

Tháng Chạp, những khu chợ truyền thống bắt đầu sặc sỡ sắc màu của những món đồ trang trí để chuẩn bị đón năm mới. Chỉ tiếc, tại nhiều nơi người mua đã không còn tấp nập như xưa bởi ảnh hưởng của xu hướng mua sắm thời công nghệ.

Trải nghiệm chợ Đà Lạt ngày và đêm

Bài và ảnh Việt Văn |

Đến với Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, du khách không thể bỏ qua chợ Đà Lạt, một địa chỉ đỏ trong các sách, tạp chí, cẩm nang du lịch, bởi đây không chỉ là nơi mua bán nhộn nhịp mà hơn thế còn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo với sự đa dạng về ẩm thực và các mặt hàng hấp dẫn khác.

Địa chỉ tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhanh nhất

Vân Trang |

Báo Lao Động giới thiệu trang tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhanh chóng, chính xác nhất.

Doanh nghiệp trần tình sau khi thắng kiện UBND tỉnh Bạc Liêu

NHẬT HỒ |

Liên quan đến vụ UBND tỉnh Bạc Liêu thua kiện doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp cho rằng chẳng vui gì khi kiện UBND tỉnh, cho dù đã thắng kiện.

Tòa tháp Vicem nghìn tỉ bỏ hoang trước lúc hồi sinh

CAO NGUYÊN |

Hà Nội - Sau 9 năm bỏ hoang, tòa tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem sẽ được hồi sinh.

Cháy căn hộ chung cư ở Vũng Tàu, nghi do nổ bình gas

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngọn lửa nhanh chóng bùng phát tạo khói đen phả ra ngoài và lan qua các căn hộ gần đó. Nguyên nhân vụ cháy có thể là do nổ bình gas.

Bộ trưởng Lương Tam Quang: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Bảo Tuấn |

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang yêu cầu triển khai hiệu quả, toàn diện các mặt công tác tổ chức cán bộ với tinh thần “trong sáng, gương mẫu, tinh thông”.