Nghe hát kể Sử thi

Uyên Thư |

“Hãy đánh những ching có tiếng âm vang. Những ching có tiếng đồng tiếng bạc, đánh nhè nhẹ cũng vang vọng khắp núi non. Hễ đánh lên là ở dưới rung lên các cây xà măng, là ở trên rung lên các cây xà ngang. Là khỉ vượn quên đu cây, ma quỷ quên hại người, sóc chuột quên đào hang, rắn hổ, rắn mai đều chui lên nằm dài trên mặt đất, là hoẵng đứng ngẩn, thỏ ngồi ngơ, hưu nai đứng sững sờ...” (Sử thi Dam San).

Cuộc sống giữa đại ngàn...

Trên cái không gian xanh ngát của núi rừng, cuộc sống của các tộc người bản địa Tây Nguyên là sự luân canh trên một phạm vi nhất định, cùng với việc tổ chức không gian buôn làng theo những quy định khắt khe của luật tục. Dần với thời gian, không gian Tây Nguyên trở thành miền đất màu mỡ cho những tìm hiểu về đời sống tộc người, về văn hóa truyền thống của những cộng đồng gắn chặt cuộc đời mình vào chu kỳ nông nghiệp hỏa canh. Và rồi, khi họ vừa đoạn tuyệt với những biểu hiện của đời sống nguyên thủy trong một quá khứ chưa xa, nơi này đã trở thành một bảo tàng sống dân tộc học thực thụ.

Nước có nguồn - người có buôn, câu nói hàm nghĩa ví von nhưng lại ẩn chứa bên trong rất nhiều ý nghĩa. Sinh tồn trên khu vực với hai mùa nắng, mưa phân chia rõ rệt, nước thực sự quý giá. Hình ảnh quả bầu khô đựng nước hay cất giữ hạt giống, có thể nói rằng, đấy là tất cả những gì có thể để nhận diện văn hóa Tây Nguyên. Con người cũng thế, bởi những chi phối của hình thái tổ chức, cuộc sống của họ luôn song hành cùng với những thịnh suy của buôn làng, một cuộc sống “cộng sinh - cộng cảm và cộng mệnh” trên rất nhiều phương diện.

Sinh hoạt bên trước ngôi nhà dài Ê Đê (ảnh chụp trước thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4).
Sinh hoạt bên trước ngôi nhà dài Ê Đê (ảnh chụp trước thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4).

Như với tộc người Ê Đê, một đứa trẻ, ngay từ khi mới sinh ra, nghi lễ thổi tai được tiến hành như một hình thức bắt buộc, phải sau khi thổi tai, đứa trẻ mới nghe được, hiểu được và có những cảm thông đối với cộng đồng, rồi một hạt muối mặn được nếm trải như cách để đứa trẻ ấy hiểu được sự quý giá của nguồn sống. Nhiều, rất nhiều những nghi lễ diễn ra sau đó khi đứa trẻ trưởng thành, lập gia đình, sinh đẻ con cái..., cho đến lúc mất đi - về lại với rừng, trong vòng quay của chu kỳ vòng đời. Hoặc những lễ tiết liên quan đến chu kỳ nông nghiệp hỏa canh như phát rẫy, gieo hạt..., mừng lúa mới, làm nhà mới... đều gắn với cộng đồng, vì sự phồn thịnh của cộng đồng. Và như một thực thể cộng sinh, loại hình diễn xướng sử thi trong những nghi lễ này luôn là phần không thể thiếu.

... với những con người hát kể sử thi

Khan của người Ê Đê, H’ri của người Ja rai, Ot N’trong của người M’nông, hay H’amon của người Ba Na... là những tên gọi khác nhau của mỗi cộng đồng dành cho kho tàng sử thi của họ. Những Dam San, Khinh Du, Dam Di..., những Dăm Phu, Gi Dông, Jing Chơ Ngă, Xinh Nhã..., những Xing chion, Xing Chơ Nhiếp... là những bản trường ca về cuộc sống, phong tục tập quán, về khát vọng tự do, về tình yêu đôi lứa..., về sự hùng mạnh và giàu có của buôn làng. Những tộc người bản địa Tây Nguyên, họ chính là những con người du ca trên miền đất đỏ. Người Tây Nguyên, như tự bao đời vốn thế, cuộc sống của họ là tất cả những gì lấy ra từ rừng, không dư thừa và cũng không thiếu thốn.

Có thể nói rằng, nhiều buôn làng trên khu vực Tây Nguyên đã thay đổi kết cấu lẫn tính chất trong bối cảnh xã hội hiện đại. Nhưng đây đó vẫn còn rất nhiều những bến nước tuyệt đẹp được duy trì theo kết cấu truyền thống. Ngoài việc là nơi kết tụ tri thức bản địa của cộng đồng trong vấn đề khai thác nguồn nước, nơi đây còn là không gian diễn xướng sử thi trong nghi lễ cúng bến nước - một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống của người Tây Nguyên.

Và ngôi nhà dài cũng thế. Chiếc K'pan, bên bếp lửa, hay bên chiếc ché rượu cần... là những không gian sống ấn tượng của sử thi.

Tính chất của sử thi là những câu hát vần, là đối đáp, là ứng biến linh hoạt, bởi sự chi phối của không gian thể hiện, của bối cảnh..., và cả của trí nhớ người hát kể. Dưới một giác độ, sử thi chính là sự “bày ra” của người kể trên một cốt chuyện có sẵn, và sự “bày ra” một cách ấn tượng, vẫn tùy thuộc vào tài trí của người hát kể để cuốn hút người nghe.

Nghệ nhân hát kể sử thi với nhạc cụ Gol.
Nghệ nhân hát kể sử thi với nhạc cụ Gol.

Cũng chính vì thế, một trong những đặc điểm của loại hình diễn xướng này là sự lặp lại của nhiều trường đoạn. Lặp lại để người nghe cảm thụ, lặp lại để người nghe ghi nhớ..., lặp lại cũng chính là cách thức truyền dạy sử thi cho lớp trẻ theo lối tư duy của cộng đồng tộc người.

Nhiều người trẻ thích  thú với sử thi nói rằng, khó học, khó nhớ, bởi ngôn từ của sử thi là ngôn từ cổ, loại từ ngữ hiếm khi được sử dụng trong xã hội hiện đại. Nhưng chính bởi việc nghe lặp lại, dần dần họ nhìn thấy được cái hay trong ngôn từ, dần hiểu được nội dung và dần dần có thể hát kể. Họ, là những con người kế thừa và nuôi dưỡng vốn quý của cộng đồng hôm nay.

*** Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà dài, bên ánh lửa bập bùng, bên dãy ché Tuk, ché Tang... đầy rượu sẵn sàng cuộc say, tiếng Gol réo rắt, tiếng Đĭng năm, Đĭng vuốq, Đĭng tak ta... vút cao, đệm nhịp cho câu hát vần của người hát kể, những người trẻ háo hức lắng nghe, say đắm, mê mãi. Trong tâm trí họ, lấp đầy hình ảnh ngôi làng của một thời kiêu hãnh, ẩn nấp giữa đại ngàn ngát xanh, hình ảnh Dam San anh hùng của họ vẫy vùng, cố gắng chống lại tục cuê nuê (nối dây), đánh bại những M’tao thù địch gây hấn; hình ảnh kiêu hùng của chàng Dam Di trong các trận thủy chiến; hay chàng Xinh Nhã đánh bại kẻ thù giữ lấy sự bình yên cho buôn làng. Họ sống với những hồi tưởng, những hình ảnh dung dưỡng mạch tinh thần giữa nhộn nhịp phố thị của miền đất đỏ bazan thời hiện đại.

Tây Nguyên là thế, con người Tây Nguyên là thế, thâm trầm như như đất, dữ dội như dòng thác, thẳng như cây rừng.

Uyên Thư
TIN LIÊN QUAN

Người Nùng tung quả còn, kiếm tình duyên ngày đầu năm trên đất Tây Nguyên

THANH TUẤN |

Kon Tum - Đầu năm mới, làng đồng bào người Nùng (gốc tỉnh Cao Bằng) ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, lại tổ chức lễ hội ném còn, với ước mong một năm thuận lợi, nam nữ tìm được tình duyên mới.

Đắk Lắk sẽ phát triển tương xứng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trong năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và người dân các dân tộc ở tỉnh sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hướng đến việc phát triển kinh tế bền vững... xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ngắm bộ sưu tập cổ vật hiếm gặp của đồng bào Tây Nguyên xưa

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền của, anh Võ Minh Luân (SN 1985, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có cho mình một bộ sưu tập cổ vật gồm những vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Tây Nguyên xưa, cực kỳ hiếm.

Rượu cần - nét văn hóa của người Jrai ở Tây Nguyên

THANH TUẤN |

Gia Lai - Hàng năm, cứ đến dịp Tết đến xuân về, người đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai lại lên rừng hái lá cây về nấu rượu cần - một đặc sản mang hương vị núi rừng Tây Nguyên từ nghìn đời nay.

Cây đa di sản Việt Nam bên "Vịnh Hạ Long" ở Tây Nguyên

Phan Tuấn - Ngô Minh Phương |

Đắk Nông - Ở bon B'Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có một cây đa rất lớn, tỏa bóng mát ngay bên vườn rẫy của bà con dân tộc Mạ.  Già làng ở đây không biết cây đa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng qua mấy đời nay nó vẫn đứng đây sừng sững. Vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Giá lúa gạo, rau củ tăng gấp đôi nhờ AI

Anh Tuấn |

Thực tế cho thấy giá cả, năng suất của gạo, rau củ quả đều tăng khi ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hàng loạt thuốc huyết áp, tuần hoàn não bị Bộ Y tế tạm dừng sử dụng

Thu Trang |

Bộ Y tế vừa yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu, phân phối, lưu hành và sử dụng 15 loại thuốc do cơ sở Arena Group S.A. (Romania) sản xuất. Trong số này có nhiều loại thuốc huyết áp, tuần hoàn não.

Xe tải mất lái lao vào quán nước, 7 người bị thương

Phương Linh |

Xe tải mất lái lao vào quán nước ven Quốc lộ 1 đoạn qua xã Ninh Thọ, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khiến nhiều người bị thương.

Người Nùng tung quả còn, kiếm tình duyên ngày đầu năm trên đất Tây Nguyên

THANH TUẤN |

Kon Tum - Đầu năm mới, làng đồng bào người Nùng (gốc tỉnh Cao Bằng) ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, lại tổ chức lễ hội ném còn, với ước mong một năm thuận lợi, nam nữ tìm được tình duyên mới.

Đắk Lắk sẽ phát triển tương xứng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trong năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và người dân các dân tộc ở tỉnh sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hướng đến việc phát triển kinh tế bền vững... xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ngắm bộ sưu tập cổ vật hiếm gặp của đồng bào Tây Nguyên xưa

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền của, anh Võ Minh Luân (SN 1985, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có cho mình một bộ sưu tập cổ vật gồm những vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Tây Nguyên xưa, cực kỳ hiếm.

Rượu cần - nét văn hóa của người Jrai ở Tây Nguyên

THANH TUẤN |

Gia Lai - Hàng năm, cứ đến dịp Tết đến xuân về, người đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai lại lên rừng hái lá cây về nấu rượu cần - một đặc sản mang hương vị núi rừng Tây Nguyên từ nghìn đời nay.

Cây đa di sản Việt Nam bên "Vịnh Hạ Long" ở Tây Nguyên

Phan Tuấn - Ngô Minh Phương |

Đắk Nông - Ở bon B'Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có một cây đa rất lớn, tỏa bóng mát ngay bên vườn rẫy của bà con dân tộc Mạ.  Già làng ở đây không biết cây đa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng qua mấy đời nay nó vẫn đứng đây sừng sững. Vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.