Một mảnh đời bất hạnh

Lê Tuyết |

Nữ công nhân Lâm Thị Diễm, làm việc tại Cty TNHH Domex Việt Nam (KCX Linh Trung I, Thủ Đức, TPHCM) chết vì bị một cành cây gãy đè lên người trong khi đang ăn dở miếng bánh mì, chuẩn bị quẹt thẻ vào ca làm. 

10 ngày sau cái chết tức tưởi của vợ, anh Nguyễn Văn Khanh, chồng chị Diễm, dường như chưa chấp nhận nổi sự thật “vợ anh đã vĩnh viễn không còn trên đời nữa”.

“Sáng hôm đó (ngày 7.8 - PV), hai vợ chồng em ngồi ở chỗ này nè. Vợ em ngồi nhìn em ăn xong bữa sáng rồi mới sang công ty. Rồi em đi chạy xe rác. Chưa đầy 20 phút sau thì mấy chị em làm cùng vợ em gọi thông báo, vợ em bị cây gãy đè, nặng lắm. Em bỏ xe rác, chạy lên bệnh viện quận, các bác sĩ nói bó tay rồi. Em không tin được, cành cây đè làm sao đến nỗi, em xin chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ bảo chỉ còn 1% sống thôi. Tối đó vợ em mất. Vợ em khổ cả một đời các chị ạ” - anh Khanh ngồi bệt ở hiên nhà trọ, mắt đờ đẫn, khuôn mặt thất thần.

Thương nhau vì cùng hoàn cảnh éo le

Chúng tôi gặp anh Khanh tại nhà trọ, nơi cả gia đình tá túc trước khi vợ anh mất. Anh bảo, cúng mở cửa mả cho vợ xong, từ Bạc Liêu, anh tất tả lên Sài Gòn ngay để trả tiền viện phí vì bệnh viện gọi điện nhắc. Anh bảo: “Em trả phòng trọ rồi, giờ đang ở nhờ phòng trọ của ông anh làm rác cùng. Em chưa biết tính sao cả, vợ em mất đột ngột thế này...” - anh bỏ lửng câu chuyện.

Cách đây 15 năm, anh chị quen biết nhau khi cả hai làm thuê ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ngày ấy, anh 19 còn chị 17. Yêu nhau vì cả hai đều nghèo, hoàn cảnh éo le như nhau. Anh kể, giọng đứt quãng, những ký ức chắp nối. Diễm là con út trong gia đình có năm anh chị em. Diễm vừa chào đời, đã được ba má phó mặc cho bà ngoại bởi nhà nghèo quá, không có miếng đất cắm dùi, nên bỏ xứ đi làm ăn ở bên Miên rồi dạt về U Minh (Cà Mau).

Bà ngoại nuôi cháu nhưng quên làm giấy khai sanh. Hơn 10 năm sau, mới sực nhớ là Diễm chưa biết chữ, cần phải cho đi học thì không có tờ giấy khai sinh, mới tất tả đi làm. Vì quá hạn, không muốn bị phạt nên thay vì “Lâm Thị Diễm sinh năm 1986 thì được khai sinh thành sinh năm 1992”. Mà khai sinh xong cũng chẳng học hành được nhiều, mới hết lớp 3 phổ cập, Diễm đã lên Đồng Nai làm thuê kiếm tiền phụ gia đình.

Không chỉ vợ mà bản thân anh Khanh cũng bị “mất tuổi”. Anh bảo: “Ba má em cũng nghèo, đi làm ăn xa vậy đó, nên năm nay em 38 tuổi mà trên giấy tờ mới có 32”.

Anh đưa tay lau nước mắt, rằng vợ chồng anh có nhiều điểm giống nhau, vì thế mà yêu nhau: “Hồi quen nhau, ba má hai bên không đồng ý cưới vì cả hai đều nghèo, ưng nhau thì sống sao. Các anh chị của vợ em càng phản đối dữ vì em không chỉ nghèo mà còn xấu chứ không như vợ em.

Vợ em cao hơn một mét bảy, người trắng trẻo, khuôn mặt thì dễ coi. Tụi em năn nỉ hoài, lên xuống quê nhiều lần vẫn không được đồng ý, bèn tự đi đăng ký kết hôn rồi lên Đồng Nai sống chung. Năm 2006, vợ em mang bầu bé Nguyễn Thị Kiều Duyên, gia đình hai bên mới đồng ý, tụi em mới làm mâm cơm nho nhỏ, mời hàng xóm, được họ hàng công nhận vợ chồng”.

Năm 2011, vợ chồng anh đón đứa con gái thứ hai, đặt tên con là Nguyễn Thị Kiều Dáng nhưng không may con lại mắc bệnh tim, yếu ớt, ra vào bệnh viện như cơm bữa. Đến 5 tuổi, Kiều Dáng khỏe hơn, cả gia đình lại đưa nhau lên TPHCM tìm việc, dành dụm tiền mổ tim cho con. Chị Diễm xin đi làm công nhân, anh Khanh ngoài chạy xe rác cho một hộ thu gom rác, buổi tối bán thêm bánh mì.

Anh bảo: “Hôm nào không tăng ca, Diễm lại ra phụ em. Bữa nào gặp khách cũng kiếm được 200 ngàn đồng, bữa ế thì cả nhà ăn bánh mì trừ cơm. Vất vả nhưng mà vui bởi sướng khổ gì vợ chồng cũng có nhau. Nghĩ mình khổ nhiều rồi, chứ khổ hơn thì cũng ráng chịu được nhưng không ngờ ông Trời bắt cái khổ này lớn quá. Vợ em chết vì bị cành cây gãy đè”.

Tìm tương lai cho hai con

Hôm cùng đại diện Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động xuống nhà trọ trao tiền hỗ trợ của Quỹ cho anh Khanh, ông Nguyễn Văn Phê - Chủ tịch công đoàn Cty TNHH Domex VN, kể lại đám ma chị Diễm khiến những người đi cùng không thể cầm lòng.

Căn nhà hay đúng hơn là một túp lều được dựng vách lá, mái cũng lợp lá, rách tả tơi, vá không biết bao nhiêu chỗ nằm giữa vuông tôm, lội bộ gần hai cây số và đi qua mấy cây cầu khỉ, vắt vẻo giữa các con rạch. Miếng đất để vợ chồng anh Khanh dựng nhà được ông cậu đằng vợ viết giấy tay cho với lời hứa “Vì gia đình bây là hộ nghèo, khi nào được xã cho nhà tình thương thì cậu ra xã làm giấy cho luôn, sau này khỏi tranh chấp”.

Buổi trưa trời đang nắng thì đổ mưa, căn nhà dột tứ bề. Anh Khanh chịu mưa lấy thân mình che quan tài của vợ. Trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Một chiếc giường đôi trên trải chiếc chiếu cói. Ngay cả chiếc bàn để đặt ảnh thờ của chị Diễm, hôm đưa chị Diễm về, anh Khanh mới chạy đi mua chiếc bàn xếp với giá 350.000 đồng, chiếc bàn trở thành tài sản quý giá thứ hai trong nhà.

“Vợ em mất rồi, người mất không thể nào trở lại được nữa. Bây giờ em tập trung lo cho hai đứa bé. Mấy đứa nó còn quá nhỏ. Đến giờ, mỗi khi nhìn bàn thờ mẹ, đứa nhỏ vẫn nhìn bàn thờ má hỏi “Ủa sao người trong hình giống má quá vậy ba”.

Nghe con hỏi, em không biết phải trả lời sao. Phần mình, từ lúc vợ mất đến giờ, em không thể nào ngủ được. Cứ chợp mắt là em lại thấy vợ em nằm bên cạnh, chân gác lên người em, tay kéo áo em lại gần” - anh Khanh nhìn hai đứa con, mắt ươn ướt. Người đàn ông lâu nay đi làm từ 5 sáng hôm trước, quần quật đến 2 giờ sáng hôm sau, đôi mắt vốn đã thâm quầng, da đen sạm, nay lại thêm những đêm mất ngủ, nom càng thêm tội nghiệp, khắc khổ.

Tính kế mưu sinh cho cha con vào những ngày sắp tới, anh tần ngần. Từ lúc vợ mất tới giờ, tính dồn lại anh chưa thắp nhang cho vợ được 5 ngày. Mọi việc giao cho con gái lớn Kiều Duyên. Con bé được má dạy làm việc nhà từ nhỏ từ rửa chén, trông em, dỗ em ăn cơm.

“Lúc vợ em còn sống, 4 giờ sáng là vợ chồng em dậy. Vợ em kho nồi cá hay nấu bát canh để sẵn. Trưa vợ chồng em đi làm không về nên hai chị em ăn cơm với nhau. Bé lớn 11 tuổi nhưng biết nhường nhịn, chăm em từ 5 - 6 tuổi. Nhà cửa, chén bát dọn sạch sẽ. Mấy hôm nay, con gái lớn nhận thêm việc thắp nhang, nấu cơm cúng má. Chắc đợt này em về quê ở hẳn rồi kiếm việc làm đặng còn hương khói cho vợ và cho hai đứa nhỏ đi học” - anh Khanh nói.

Để dự định “về quê, kiếm việc, cho con đi học” của anh Khanh trở thành hiện thực, đang cần sự góp sức của rất nhiều người. Hiện tại, anh Khanh đang hoàn chỉnh hồ sơ để xin mổ tim miễn phí cho Kiều Dáng, việc mà vợ anh khi còn sống luôn đau đáu lo. Con gái lớn Kiều Duyên đã bắt đầu đi học ở dưới quê sau gần một năm gián đoạn.

Qua thông tin trên báo Lao Động, một luật sư ở TPHCM đã nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho vụ việc của chị Diễm. Anh bộc bạch: “Em chữ nghĩa không có, mọi chuyện trông chờ vào luật sư cả. Cuộc đời của vợ chồng em đã không ra sao, giờ chỉ mong hai đứa con được khỏe mạnh, học hành đàng hoàng để đừng khổ như ba má nó”.

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.