Ký & Phóng sự: Ngày vui ở Xín Mần

GHI CHÉP CỦA VĨNH NGUYÊN |

Nằm trong cung đường du lịch quen thuộc vài năm nay là Sa Pa - Bắc Hà - Xín Mần - Hoàng Su Phì, Xín Mần là chặng đẹp tuyệt vời với khung cảnh thiên nhiên vời vợi và sắc màu văn hóa phong phú. Chỉ những cái tên như Cốc Pài, Nàn Ma, Nấm Dẩn, Cốc Soọc… đã thấy heo hút và bí ẩn. Xín Mần thực sự là nàng công chúa ngủ trong rừng chờ hoàng tử đến đánh thức.

Đặc sản cua và xóc

Đường từ Bắc Hà lên thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang chưa đầy 30km mà xe ôtô chạy mất hơn một tiếng. Vượt qua những khúc cua quanh co ngoằn ngoèo, những cung đường xóc nảy người, bù lại là khung cảnh núi rừng hùng vĩ trong những mảng màu nâu lẫn xanh lẫn vàng tuyệt đẹp của ruộng bậc thang và núi và mây. Rải rác ven đường là những ngôi nhà tường đá hoặc tường trình đắp đất dày cộp, bọn trẻ con chơi đùa hồn nhiên dưới những gốc đào nở sớm, thấy xe ôtô lóc cóc đi qua là lại đồng loạt dừng lại vẫy tay ríu rít. Một vài người phụ nữ địu con kiên nhẫn đi trên đường. Đó đây một bé gái tần ngần bên hàng rào phơi đầy váy Mông sặc sỡ. Cảnh đẹp. Nhưng buồn. Dù sao cũng đủ để cho những du khách thành phố vô tâm quên hết cả say xe. Trước khi đến Xín Mần, ở xã Nàn Ma, cả một đồi tam giác mạch mênh mông trập trùng như mây. Gặp nhau ở Cốc Pài, huyện trung tâm của Xín Mần, Xuân Phương, cán bộ trẻ phụ trách mảng văn xã của UBND Huyện, chơi chữ: "Đặc sản của Xín Mần là cua và xóc". Nhưng đường như vậy là dễ đi lắm rồi so với chừng vài năm trước, dân phượt mất 3 - 4 tiếng cho đoạn đường hơn 3 chục cây số đó là thường.

Xín Mần ở phía tây của tỉnh Hà Giang, là huyện giáp giới với Trung Quốc. Dân số trên 65.000 người, Xín Mần có tới 16 dân tộc, đông nhất là người Nùng, Dao, Mông, Tày, La Chí, Giáy... đủ sắc màu văn hóa. Nhưng Xín Mần lại nằm trong danh sách huyện nghèo nhất cả nước. Ở đây người dân hầu như chỉ làm nông nghiệp, trồng lúa, ngô, đậu tương, thảo quả, một số cây đặc sản như mận, lê, hồng, chăn nuôi trâu bò, gia cầm... Giao thông đi lại khó khăn. Kinh tế du lịch Xín Mần khó mà bật lên nếu không gỡ được nút thắt đó.

Cây cầu và tiếng đàn organ

Cây cầu Cốc Pài vừa khánh thành tháng 11.2016 sau 2 năm xây dựng có thể là chìa khóa mở ra một cánh cửa phát triển cho Xín Mần. Cầu được xây dựng bằng vốn tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, thuộc dự án Tín dụng ngành giao thông giai đoạn 2 để xây dựng 76 cầu trên quốc lộ trên toàn quốc, với số vốn vay của JICA là 24.771 triệu yen Nhật, tương đương khoảng 4.700 tỉ đồng Việt Nam. Dự án đầu tiên với mục tiêu tương tự đã hoàn thành xây dựng tổng cộng 144 cầu quốc lộ trên toàn quốc. Trước đây ở Cốc Pài, để kết nối với thành phố Hà Giang hoặc Lào Cai, các khu vực của Xín Mần phải vượt qua chiếc cầu treo cũ bằng sắt bắc qua sông Chảy. Cầu cũ, yếu, tải trọng nhỏ, mỗi lần xe chở hàng đi qua đều phải bốc dỡ bớt hàng. Trẻ con đi học đúng lúc đó hoặc gặp lúc gió lớn, cây cầu cũ lại bồng bềnh đung đưa.

Cầu Cốc Pài mới được xây kiên cố bằng bê tông cách cầu cũ chừng 60m. Không kể đường dẫn, cầu dài khoảng 300m, trụ cầu cao tới 65m, cao thứ hai ở Việt Nam. Cầu không lớn nhưng ý nghĩa lớn. Những ngày xây dựng vất vả, núi cao vực sâu, địa hình hiểm trở tất cả đã qua, cây cầu mới thực sự là niềm vui của bà con các dân tộc ở Xín Mần.

Dắt ngựa qua cầu mới.

Anh Ly Văn Hào, người dân tộc Mông ở thôn Chúng Trải, thị trấn Cốc Pài, kể: "Cây cầu cũ hay hỏng, mỗi lần sửa lại gây ách tắc giao thông, có lúc sửa hết cả tháng trời, chúng tôi phải đi vòng xã khác xa hơn 1 cây số. Có cầu mới tiện lắm, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn". Lúc chúng tôi vào nhà anh Hào đã cuối giờ chiều, mọi người đã đi làm về, những người phụ nữ hàng xóm thấy có khách, địu con tụ sang cả sân nhà anh. Nhiều người trong số họ không nói được tiếng Kinh, còn chúng tôi lại chẳng ai hiểu được tiếng dân tộc, nhưng ai cũng vui với mấy đứa bé xinh xắn hồng hào nằm trong địu. Anh Vương Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch thị trấn Cốc Pài, cho biết: “Khi xây cầu, chúng tôi đã hỏi ý kiến bà con. Thấy thông thương, kinh tế phát triển, bà con đều phấn khởi, nên việc hiến đất, giải phóng mặt bằng rất thuận lợi”. Trò chuyện một hồi thấy vang lên tiếng đàn organ rộn rã. Tò mò, vào xem, trong căn nhà gỗ cạnh đó được chiếu sáng bởi mỗi một ngọn đèn neon yếu, là một chiếc đàn organ xám bạc mới coong đặt trên nền đất. Anh Lầu Sài Lìm, chủ nhà, đang chỉnh âm thanh. "Tôi mới mua cái đàn vài ngày nay thôi, hết 400 nghìn, cho trẻ con chúng nó thích". Căn nhà ánh sáng nhàn nhạt, trong lúc bóng tối sập xuống rất nhanh, hầu như tương phản với tiếng nhạc vui nhộn. Nó đem lại một sự lạc quan ấm cúng ở thôn nghèo này. Tất nhiên anh Lầu Sài Lìm hay những đứa con anh càng có lý do để vui khi ngay gần nhà họ đã có cây cầu mới.

“Xín Mần vốn là huyện cụt của Hà Giang” - ông Hoàng Nhị Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần giải thích. “Có cầu Cốc Pài, Xín Mần sẽ được kết nối với huyện Bắc Hà và Si Ma Cai của Lào Cai, đi qua huyện Bảo Thắng sang đến đường cao tốc kết nối về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Cầu cũng sẽ kết nối Xín Mần với cửa khẩu Đô Long của Trung Quốc. Cuối năm, cửa khẩu ở Xín Mần sẽ thành cửa khẩu quốc gia, tỉnh đang đầu tư đường lên. Có cầu, hàng hóa sẽ thông suốt lên cửa khẩu, giúp phát triển kinh tế, giao thông của tỉnh”. Ông Sơn cũng hy vọng có cầu mới, huyện đã có kế hoạch đầu tư hạ tầng cho một khu du lịch ở bên kia cầu, du khách đến Xín Mần sẽ có thêm một điểm dừng chân tiện nghi hơn, cộng thêm với các điểm du lịch cộng đồng của bà con đã làm sẵn.

Ước mơ trong nét vẽ

Ngày khánh thành cầu, bà con các dân tộc kéo về, phụ nữ Nùng mặc váy chàm sẫm, đeo những bộ vòng trang sức trên áo, trên tóc tuy không còn bằng bạc nhưng hoa văn của chúng cũng đủ làm mê hoặc; váy áo con gái Mông sặc sỡ, váy áo phụ nữ Tày gọn gàng, thanh mảnh… Cô giáo Vương Thanh Hiền, dạy trường trung học cơ sở Liên Việt trong thị trấn, bảo: “Trước, chúng em muốn vào các xã bên trong như Pà Vầy Sủ toàn phải đi đường vòng. Mùa lũ năm nào cũng có người bị cuốn đi. Có cầu mới sẽ đỡ nguy hiểm”.

Các em học sinh từ các trường trong thị trấn Cốc Pài được đưa ra tham quan cầu, rồi tham dự cuộc thi vẽ tranh có chủ đề “Đổi thay trên quê hương em”. Ông Fujita Yasuo, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, tiếc rẻ vì chỉ có thể tổ chức được cho 100 em, không thể cho tất cả học sinh ở Cốc Pài tham gia thi vẽ. Nói chuyện với các em học sinh, ông bảo: “Tôi thấy có sự tương đồng ở đây với ở Nhật Bản. Ruộng bậc thang ở đây gợi lại ký ức của tôi ngày nhỏ về bà tôi, người cũng là nông dân ở Nhật”. Em Mã Thị Thiện, dân tộc Tày, 9 tuổi, kể: "Trước đây lũ về chúng em rất lo khi qua sông qua suối. Giờ đây cầu mới làm chúng em yên tâm đi học chuyên cần. Bố mẹ em hồi trước phải mang rau quả ra chợ bằng cách cõng hàng hoặc ngựa thồ, thì giờ giao thông đi lại thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian đến chợ, rau quả vẫn tươi ngon, bán được giá hơn”. Chúc các em có một cuộc sống tốt hơn, một tương lai sáng hơn, ông Fujita Yasuo hẳn cũng không thể nghĩ rằng ước mơ của các em về điều đó lại hiện ra cụ thể và rõ nét đến thế. Em Thèn Thị Sắm, lớp 8A1 trường PTDT Nội trú huyện, thậm chí còn viết sau bức tranh của mình: "Nhờ có cầu, bố em đi chợ đã tiện hơn, các bác nông dân, các bạn đi học không còn phải lội suối đến trường nữa, thời gian đến trường rút ngắn lại”. Trong những bức tranh các em vẽ, giữa khung cảnh núi rừng vẫn còn nguyên vẹn biếc xanh, có cây cầu mới, những tòa nhà mới mọc lên, thậm chí có em còn hình dung nơi đây sẽ có cả một trường đại học Cốc Pài.

GHI CHÉP CỦA VĨNH NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng, tập trung phát triển đường bộ cao tốc

Đặng Tiến |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng năm 2023, tập trung phát triển đường bộ cao tốc và nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.