Đôi nét chấm phá về tiền trong chính trường Hoa Kỳ

Huy Minh (Lược trích từ cuốn “Chính trị đảng phái tại Hoa Kỳ” của GS Marjorie Randon Hershey, do NXB Thế giới và Alpha Books - Omega Plus phát hành). |

Năm 2012, trung bình mỗi thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chi khoảng 10 triệu USD cho chiến dịch để tái đắc cử. Nếu phải huy động khoản tiền nhiều như vậy, trung bình bạn cần kiếm được hơn 4.700 USD/ngày trong nhiệm kỳ nghị viện dài 6 năm của mình. Số tiền này tương đương gần 33.000 USD/tuần - có thể nhiều hơn số tiền bạn cần huy động để chi tiêu cho một năm đại học.

Đương nhiên, đó là chưa kể tới thời gian bạn cần để giao tiếp với cử tri, nghiên cứu luật được đệ trình, làm việc với các thượng nghị sĩ khác, và bỏ phiếu cho các dự luật. Có vẻ như vậy là quá nhiều công sức bỏ ra để giành được công việc với mức lương 174.000 USD/năm. Nhưng tiền là chìa khóa để vận động các nguồn lực khác cần thiết cho một chiến dịch khả thi, và chi phí cho các nguồn lực đó - kho dữ liệu khổng lồ, quảng cáo truyền hình, thù lao cho tư vấn viên chuyên nghiệp, trưng cầu dân ý - đang tăng lên chóng mặt. Không ứng viên nào muốn sử dụng công nghệ trong cuộc bầu cử trước áp dụng vào chiến dịch của năm nay. Do đó, ứng viên, đặc biệt cho các vị trí cấp bang và liên bang, sẽ không được xem xét một cách nghiêm túc trừ khi họ khởi động chiến dịch với ngân sách lớn hoặc tài năng huy động vốn đã được chứng minh.

Trong hầu hết chiều dài lịch sử Hoa Kỳ, phần lớn tiền sử dụng trong chiến dịch được huy động và chi tiêu trong bí mật. Ứng viên không được yêu cầu phải tiết lộ cách thức huy động tiền, và những người ủng hộ thường không muốn công khai tên tuổi. Công dân không có cách nào chắc chắn ai là người chi trả cho chiến dịch của ứng viên hoặc người ủng hộ đổi lại sẽ nhận được gì.

Bao nhiêu tiền được chi cho chiến dịch?

Các chiến dịch cho mọi cấp vị trí ở Hoa Kỳ tiêu tốn tổng cộng hơn 7 tỉ USD vào năm 2012 - một mức tăng khổng lồ so với số tiền sử dụng mới hai thập kỷ trước và vẫn ấn tượng dù xét bất kỳ theo tiêu chuẩn nào.

Cuộc đua vào ghế tổng thống năm 2012 là cuộc đua đắt đỏ nhất trong lịch sử, dù Đảng Dân chủ không có cạnh tranh đề cử. Tuy nhiên, kỷ lục này chỉ giữ tới năm 2016. Chi tiêu cho chiến dịch tăng vọt vì nhiều lý do. Người Mỹ đang trở lại những ngày mà đóng góp bí mật từ các nhà tài trợ lớn đe dọa tính liêm chính của quá trình bầu cử và tính hiệu quả của các đảng chính trị.

Đảng có thể chi tiền cho các cuộc đua tổng thống theo bốn cách khác nhau. Họ có thể sử dụng chi phối hợp: Tổ chức đảng chi tiền nhằm phối hợp với chiến dịch của ứng viên để mua các dịch vụ như quảng cáo truyền thông hay trưng cầu dân ý cho chiến dịch. Các đảng, cũng như cá nhân và nhóm chính trị khác, có thể chi bao nhiêu tùy ý nhằm thể hiện họ ủng hộ hay phản đối một ứng viên, miễn là họ làm vậy mà không tham vấn ứng viên của mình. Gần như toàn bộ 44 triệu USD chi độc lập của đảng năm 2012 là từ Đảng Cộng hòa. Nhưng ngược lại so với năm 2008, khi chiến dịch của Obama thực sự khiến đồng minh giảm nhuệ khí chi độc lập, thì chiến dịch năm 2012 của ông đã nhận ra không thể giữ tính cạnh tranh mà thiếu vắng trợ giúp từ các bên như vậy.

Các đảng cũng được chia chi phí với chiến dịch của ứng viên trong quảng cáo hỗn hợp, là quảng cáo nhắc tới cả ứng viên và thông điệp chung của đảng, đồng thời vận động cử tri thông qua các nỗ lực nhắm tới quần chúng. Các kiểu chi này của đảng là thiết yếu với ứng viên. Nhưng vai trò của đảng phái Hoa Kỳ trong tài trợ chiến dịch bị hạn chế hơn nhiều so với các nền dân chủ khác, nơi tổ chức đảng đảm trách hầu hết chi tiêu chiến dịch, chứ không phải ứng viên.

Chi độc lập của các đảng chỉ là một phần nhỏ trong số chi độc lập vào quảng cáo trong bầu cử tổng thống. Tỉ trọng cao nhất trong chi độc lập đến từ các nhóm phi đảng, gọi là siêu PAC. Do ngân sách từ các nhóm bên ngoài này tăng cao, khiến phần đóng góp của đảng trong tổng chi chiến dịch năm 2012 nhỏ hơn các cuộc bầu cử khác gần đây. Thêm vào đó, công đoàn, tập đoàn và hiệp hội thành viên chi hàng triệu USD cho vận động cử tri “phi đảng phái”, nhằm đăng ký cử tri và vận động họ đi bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử.

Tiền thuế góp một phần vào ngân sách cho các cuộc đua tổng thống. Người đóng thuế góp phần vào một số khoản đóng góp trao cho các ứng viên đáp ứng tiêu chí nhận ngân sách công trong các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín. Họ cũng đóng góp một phần chi phí cho đại hội toàn quốc của hai đảng, dù đóng góp từ các tập đoàn và nhóm lợi ích khác đã đủ cho phần lớn chi phí đó. Nhưng phần ngân sách công này của năm 2012 thấp hơn nhiều so với các năm trước đó, do cả ông Obama và Romney đều không nhận tài chính từ tiền thuế mà họ đủ điều kiện lấy cho các chiến dịch tổng tuyển cử của mình.

Các chiến dịch tranh cử vào Quốc hội

Bầu cử vào Quốc hội năm 2012 cũng lập các kỷ lục mới về chi chiến dịch, với tổng 748 triệu USD chi cho các cuộc đua vào Thượng viện và 1,1 tỉ USD cho bầu cử vào Hạ viện. Trong ba cuộc đua vào Thượng viện (ở Massachusetts, Connecticut và Pennsylvania), mỗi cuộc đua tiêu tốn của người chiến thắng và (những) người thua cuộc tổng số hơn 50 triệu USD. Trong cuộc đua vào Hạ viện, dân biểu Michele Bachmann (Đảng Cộng hòa, bang Minnesota) chi 140 USD cho mỗi lá phiếu hợp lệ để được tái đắc cử. Thậm chí, dân biểu Allen West (Đảng Cộng hòa, bang Florida) còn mất hơn 108 USD cho mỗi cử tri để rồi mất ghế.

Các chiến dịch cấp bang và địa phương

Thực tế chi tiêu của hàng nghìn chiến dịch cho các vị trí cấp bang và địa phương lại rất ít được biết đến, chủ yếu do không có cơ quan báo cáo trung ương như Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Phạm vi chi phí cho các cuộc đua này rất rộng. Nhiều ứng viên địa phương giành chiến thắng sau khi chi chỉ vài trăm USD. Mặt khác, Michael Bloomberg chi hơn 100 triệu USD từ quỹ cá nhân để giành được nhiệm kỳ thị trưởng thứ ba của New York vào năm 2009. Các chiến dịch tranh cử thống đốc ở các bang lớn thường tiêu tốn ít nhất tương đương các cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ. Thậm chí, bầu cử vào Tòa án Tối cao tiểu bang đã trở thành cuộc đua đòi hỏi chi tiêu lớn. Các nhóm lợi ích chi 3,6 triệu USD chỉ riêng trong cuộc bầu cử vào Tòa án Tối cao bang Wisconsin năm 2011. Trong các cuộc đua vào tòa án như vậy, hầu hết tiền đến từ những nhóm lợi ích kinh doanh và luật sư tranh tụng có lợi ích lớn từ các quyết định của thẩm phán.

Cần nhận thức đúng về các con số này. Dù lớn như vậy, tổng chi phí cho tất cả chiến dịch bầu cử của Hoa Kỳ chỉ bằng một phần mười tổng số tiền người dân mua vé xổ số mỗi năm. Xét tới việc chiến dịch cho chúng ta cơ hội để hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của những người có thể sẽ lãnh đạo nước Mỹ, số tiền chi cho quảng cáo chiến dịch có thể được xem là món hời.

Ảnh hưởng của chi chiến dịch

Tiền không phải lúc nào cũng mua được chiến thắng, nhưng hiếm khi nó gây tổn hại. Trong tổng tuyển cử bầu tổng thống, cả hai phía thường đủ tiền để đưa thông điệp của mình tới cử tri, vì thế ứng viên với ngân quỹ chiến dịch lớn nhất cũng không giành được ưu thế vượt trội. Tiền đóng vai trò quan trọng hơn trong những tháng đầu của cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống, đặc biệt để chi tiêu nhằm sớm có hình ảnh, vì thế mang tính thiết yếu với các ứng viên yếu thế. Trong bầu cử sơ bộ và họp kín sau đó, khi ứng viên đã nổi tiếng hơn, lợi thế về tiền không nhất thiết dẫn tới chiến thắng.

Trong bầu cử vào Quốc hội, hầu hết nghiên cứu viên nhận thấy tiền thực sự tạo nên khác biệt - đối với các đối thủ không đương nhiệm. Đối thủ càng có khả năng chi nhiều tiền khi chạy đua với ứng viên đương nhiệm thì càng có cơ hội chiến thắng. Điều tương tự không xảy ra với ứng viên đương nhiệm. Ứng viên đương nhiệm chi càng nhiều tiền, họ càng gặp kết quả tệ hơn trong cuộc đua. Không phải tiền của ứng viên khiến cử tri không hài lòng, mà thường là ứng viên đương nhiệm chi nhiều tiền khi họ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Khi đó, ngân sách lớn cho ứng viên đương nhiệm thường có nghĩa rằng người đó có (hoặc lo lắng về) một đối thủ mạnh bất thường.

Các nhà nghiên cứu khác không đồng tình và đánh giá rằng khi ứng viên đương nhiệm chi nhiều hơn, họ thực sự thu được kết quả xét trên phương diện số phiếu. Cuộc tranh cãi làm phát sinh các câu hỏi hóc búa về phương pháp phù hợp hơn nhằm dự đoán tác động của chi chiến dịch, nhưng có đồng thuận chung về ba điểm. Thứ nhất, ứng viên đương nhiệm Hạ viện thường không phải đối mặt với các thách thức lớn để được tái đắc cử. Thứ hai, đối thủ cần rất nhiều tiền để có cơ hội đánh bật ứng viên đương nhiệm. Thứ ba, ứng viên đương nhiệm có thể không thắng được đối thủ mạnh bằng cách đổ nhiều tiền hơn vào chiến dịch. Đối với các nhà khoa học chính trị, đo lường hiệu quả của chi tiêu chiến dịch là một nhiệm vụ khó khăn. Với ứng viên, câu trả lời đơn giản là: Càng nhiều càng tốt.

Tiền chảy vào chiến dịch

Tiền được chi cho chiến dịch theo hai cách thức khác nhau. Thứ nhất, cá nhân và tổ chức có thể trao tiền cho chiến dịch của ứng viên. Sau đó chiến dịch quyết định chi tiêu khoản tiền nhận được như thế nào. Thứ hai, các tổ chức và cá nhân (hơn là ứng viên) có thể sử dụng tiền cho các hoạt động và truyền thông chiến dịch, thường là độc lập với chiến dịch. Trong trường hợp này, chính các cá nhân hay tổ chức, chứ không phải chiến dịch, sẽ chọn cách thức chi tiền. Cá nhân, tổ chức đảng, và các PAC (hơn là siêu PAC) có thể áp dụng cả hai phương pháp để đưa tiền vào chiến dịch. Các nhóm phi đảng khác - siêu PAC - chỉ có thể chi tiền của mình cho hoạt động truyền thông chiến dịch; họ không được đưa tiền trực tiếp cho ứng viên.

Con đường đầu tiên: Trao tiền cho các chiến dịch của ứng viên. Ứng viên có thể huy động các khoản đóng góp cho chiến dịch từ năm nguồn: Cá nhân, ủy ban hành động chính trị (PAC), đảng chính trị (bao gồm đảng trong chính quyền), nguồn lực của chính ứng viên và ngân sách công (tiền của người nộp thuế).

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết tiền đóng góp trực tiếp cho ứng viên đến từ các cá nhân, không phải đảng hay PAC. Trong mùa bầu cử năm 2012, các cá nhân chiếm 56% đóng góp cho ứng viên Hạ viện và 63% cho ứng viên Thượng viện. Tuy nhiên, bản chất của các nhà tài trợ cá nhân đã thay đổi. Trước cải cách tài chính chiến dịch thập niên 1970, ứng viên Quốc hội và tổng thống được nhận số tiền không giới hạn từ các cá nhân. Ví dụ, trùm bảo hiểm W. Clement Stone và tỉ phú Richard Scaife đã tài trợ tổng 3 triệu USD cho chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Nixon vào năm 1972. Lo ngại chính đáng rằng “các tài phiệt” này sẽ nhận được gì đó cho số tiền đã bỏ ra - đối xử ưu tiên từ giảm thuế tới vị trí đại sứ - khiến Quốc hội thông qua các sửa đổi Luật Chiến dịch Bầu cử Liên bang (FECA) năm 1974, theo đó giới hạn khoản đóng góp cá nhân cho bất cứ ứng viên liên bang nào ở mức 1.000 USD.

Trong hai thập niên tiếp theo, các giới hạn này dường như phát huy tác dụng. Do cải cách nên tài chính cho các chiến dịch không đến từ một số nhà tài trợ lớn mà là từ nhiều người đóng góp các khoản khá nhỏ (dưới 1.000 USD). Điều này cũng xảy ra với giai đoạn đề cử của chiến dịch tổng thống. Nhóm nhà tài trợ nhỏ dù tăng lên vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong dân số. Người ủng hộ thường nhiều tuổi hơn, giàu có hơn, bảo thủ hơn và nghiêng về phía Cộng hòa hơn cử tri Mỹ trung bình và thường là nam giới hơn nữ giới. Nhưng so với những người như Stone hay Scaife thì họ đại diện cho người Mỹ điển hình hơn. Giới hạn 1.000 USD có nghĩa chiến dịch phải lôi kéo thêm nhiều nhà tài trợ nhỏ tham gia đóng góp. Khi “các nhà tài phiệt” giàu có là nguồn ngân quỹ ưu tiên, họ được dụ dỗ bằng những bữa tối toàn ngôi sao góp mặt, các chuyến thăm cá nhân và điện đàm với ứng viên. Những người ủng hộ nhỏ thường được thuyết phục bằng thư và thư điện tử. Cả hai đảng nỗ lực rất lớn để thu hút thêm nhiều nhà tài trợ nhỏ. Vào năm 2011-2012, chiến dịch của Obama đã huy động được tài trợ từ các nhà ủng hộ nhỏ với tỉ trọng ngân sách cao hơn so với Romney.

Các đảng

Khi các cải cách những năm 1970 được thông qua, tổ chức đảng không còn đủ tiền để chơi lớn trong các cuộc đua vào Quốc hội và giành ghế tổng thống. Nhưng từ đó các đảng cũng đã trở thành những nhà gây quỹ tài ba hơn. Thậm chí, sau khi Quốc hội ngăn các ủy ban đảng huy động “tiền mềm” không giới hạn, hai đảng đã huy động được hơn 1 tỉ USD cho mỗi cuộc bầu cử. Vai trò của đảng trong chiến dịch cũng tăng lên tương ứng, đặc biệt với các cuộc đua khốc liệt.

Các đảng được đóng góp trực tiếp những khoản nhỏ cho các chiến dịch Hạ viện (tới 5.000 USD) và Thượng viện (45.500 USD). Đáng kể hơn là chi phối hợp của hai đảng - là ngân sách đảng chi dưới danh nghĩa ứng viên và phối hợp với chiến dịch của ứng viên, đặc biệt cho các dịch vụ như quảng cáo truyền hình và phát thanh cũng như trưng cầu dân ý. Chi phối hợp hữu ích với đảng do giúp các ủy ban đảng tăng khả năng kiểm soát cách thức chi so với khi đóng góp trực tiếp cho ứng viên. Kể từ năm 2013, mỗi đảng được chi 46.600 USD cho mỗi cuộc đua vào Hạ viện, ngoại trừ ở các bang chỉ có một hạt bầu cử Hạ viện, với giới hạn khi đó là 93.100 USD. Đảng cấp bang có thể chi cùng số tiền như vậy hoặc ủy quyền cho ủy ban đảng khác thực hiện. Trong các chiến dịch vào Thượng viện, giới hạn thay đổi tùy thuộc quy mô dân số trong độ tuổi bỏ phiếu của bang: Từ 93.100 USD ở Delaware tới 2,7 triệu USD ở California. Trên phạm vi toàn quốc, hai đảng đã bỏ ra 76 triệu USD cho chi phối hợp năm 2012. Nhưng trong hầu hết cuộc đua, khoản tiền đảng này vẫn chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng chi tiêu của ứng viên.

Bản thân ứng viên

Ứng viên, như vẫn luôn như vậy, có thể sử dụng tài sản cá nhân của mình để tranh cử. Vào năm 2012, khoảng 17% ngân sách chiến dịch của ứng viên tham gia tổng tuyển cử vào Hạ viện là từ tiền túi của họ dưới hình thức các khoản đóng góp và khoản vay. Ứng viên Thượng viện đóng góp và vay cho mình ở mức cao bất thường là 36% tổng ngân quỹ chiến dịch. Tuy nhiên, những người tự chi cao nhất lại thường thua cuộc.

Tiền "mềm"

Nhằm tăng cường sức mạnh của các tổ chức đảng cấp bang và địa phương, Quốc hội sửa đổi luật năm 1979 để các tổ chức này được huy động và chi tiêu không giới hạn cho hoạt động xây dựng đảng và vận động cử tri. Quỹ huy động không giới hạn này được gọi là tiền mềm, và được hiểu là cũng có thể mở rộng phạm vi tới các ủy ban đảng quốc gia. Do đó, công dân có thể đóng góp tiền không giới hạn cho tổ chức đảng, dù chính những các khoản đóng góp tương tự của các công dân hay PAC đó cho ứng viên liên bang lại bị hạn chế nghiêm ngặt. Các đảng không thể trực tiếp trao tiền mềm này cho chiến dịch liên bang, nhưng lại có thể chi trả cho bất cứ phần công việc phi liên bang nào trong chiến dịch, và có xu hướng nhập vào bất cứ nơi nào cần đến tiền.

Do đó, trên thực tế, tiền mềm trở thành một phương thức giúp các cá nhân và nhóm hợp rửa các khoản đóng góp lớn cho chiến dịch thông qua một tổ chức đảng. Các đảng nỗ lực rất lớn để có được loại tiền mềm này. Lấy ví dụ, trong lá thư đã trở nên nổi tiếng vì xuất hiện trong một sự vụ tại Tòa án Tối cao, Jim Nicholson - Chủ tịch Đảng Cộng hòa Quốc gia - khi đó, gửi bản thảo đề xuất chăm sóc y tế của đảng tới Công ty dược phẩm Bristol-Myers Squibb và đề nghị đưa ra các ý kiến sửa đổi - và một khoản đóng góp tiền mềm 250.000 USD cho RNC.

Những lượng tiền khổng lồ đã chảy qua kênh tiền mềm từ đầu thập niên 1990 cho tới năm 2002, khi nó bị cấm ở cấp liên bang. Tiền mềm đã trở thành nguồn quỹ quá hấp dẫn, đặc biệt cho các ứng viên Dân chủ là những người không có nhiều nhà tài trợ tiền cứng, đến mức vào năm 2002, tiền mềm đóng góp hơn một nửa tổng thu của Đảng Dân chủ và hơn một phần ba của Đảng Cộng hòa.

Tiền trong chính trường Hoa Kỳ

Tiền luôn đóng vai trò quan trọng trong bầu cử tại Hoa Kỳ hơn hầu hết nền dân chủ khác. Nhiều hạt bầu cử tại Hoa Kỳ có phạm vi rộng khiến ứng viên phải mua thời lượng truyền thông đại chúng với chi phí đắt đỏ. Số lượng lớn các vị trí được bầu cùng với bầu cử sơ bộ thường xuyên và tổng tuyển cử tạo nên ngành công nghiệp bầu cử hoạt động quanh năm. Gây quỹ chiếm phần lớn thời gian của ứng viên kể cả khi họ đã được bầu, khiến công chức bị sao nhãng khỏi những xem xét thấu đáo về nhu cầu của người dân và có thể trao cho các nhà tài trợ lớn khả năng tác động trái pháp luật tới chính sách công. Thậm chí, nếu công chức được bầu nắm giữ vị trí tương đối an toàn, người ta vẫn kỳ vọng họ sẽ huy động thêm nhiều tiền để giúp các đồng sự yếu trong đảng có thể tái đắc cử. Và do nhiều nhà tài trợ có quan điểm mạnh mẽ với các vấn đề, nên càng làm gia tăng phân cực đảng.

Nhóm bảo thủ American Crossroads, là một siêu PAC, mang tên American Crossroads GPS. Cặp đôi này tuyên bố đã chi tổng 200 triệu USD cho các cuộc bầu cử năm 2012, hầu hết nguồn tiền đến từ một số nhà tài trợ lớn. Một phóng viên gợi ý: “Trong chiến dịch này, mỗi ứng viên cần tới các tỉ phú của riêng mình”.

Huy Minh (Lược trích từ cuốn “Chính trị đảng phái tại Hoa Kỳ” của GS Marjorie Randon Hershey, do NXB Thế giới và Alpha Books - Omega Plus phát hành).
TIN LIÊN QUAN

Ông Trump sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử Mỹ trong 6 tháng

Thanh Hà |

Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản ông tin tưởng đã thắng ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Kết quả bầu cử Mỹ: Ohio chứng nhận ông Trump thắng 18 phiếu đại cử tri

Thanh Hà |

Ohio chứng nhận kết quả bầu cử Mỹ 2020, trong đó ông Donald Trump thắng.

Ông Trump thắng đậm ông Biden trong cá cược bầu cử Mỹ 2024

Song Minh |

Nhiều nhà cái đã đặt cược cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, với tỉ lệ 4-1 so với ông Joe Biden.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Ông Trump sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử Mỹ trong 6 tháng

Thanh Hà |

Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản ông tin tưởng đã thắng ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Kết quả bầu cử Mỹ: Ohio chứng nhận ông Trump thắng 18 phiếu đại cử tri

Thanh Hà |

Ohio chứng nhận kết quả bầu cử Mỹ 2020, trong đó ông Donald Trump thắng.

Ông Trump thắng đậm ông Biden trong cá cược bầu cử Mỹ 2024

Song Minh |

Nhiều nhà cái đã đặt cược cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, với tỉ lệ 4-1 so với ông Joe Biden.