Đền Hát Môn, minh chứng cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam

Nguyễn Hữu Mạnh |

Đối với người Việt, có những ngôi đền không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đã dẫn dắt cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Hán, mở ra một trang sử mới cho dân tộc với lòng yêu nước và khí phách anh hùng. Đối với người Việt, có những ngôi đền không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) hay còn được biết đến với tên gọi đền Hai Bà Trưng, đền Quốc tế (nhà vua phải cử khâm sai thay mặt đến tế lễ) là một trong số đó. Đây không chỉ là một trong những ngôi đền lớn và lâu đời nhất mang nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng về Hai Bà Trưng, mà còn là minh chứng cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam qua các thời đại.

Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc lãnh đạo nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm; là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn vào loại sớm nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hai Bà Trưng, biểu tượng của lòng dũng cảm

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, du khách chỉ cần di chuyển khoảng 35km theo trục đường quốc lộ 32, qua thị trấn Phùng và rẽ phải lên đường đê sông Đáy, sẽ tới được đền Hát Môn. Ngôi đền không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

Hai Bà Trưng là tên gọi chung của Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai chị em là con gái lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương. Sách "Đại việt sử ký toàn thư" cho biết: “Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên... Đóng đô ở Mê Linh”. Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, chồng bà là Thi Sách con trai lạc tướng huyện Chu Diên. Chính sách tàn bạo của nhà Đông Hán đang cai trị nước ta lúc đó khiến cho Trưng Trắc và Thi Sách dự trù khởi nghĩa, lấy huyện Mê Linh và Chu Diên là trung tâm. Chẳng may kế hoạch bị bại lộ, Thi Sách bị Thái thú nhà Đông Hán ở Giao Chỉ lúc đó là Tô Định đàn áp và giết chết.

Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị là người can đảm, mưu trí, dũng cảm, vì lòng căm thù giặc, bà cùng em gái dựng cờ khởi nghĩa tại cửa đền Hát Môn. Ngày nay, phía trước đền vẫn còn dấu tích của bãi cát trắng và cồn đất cao hình con rùa, dân gian quen gọi là đồng Mu rùa, xưa cây cối mọc um tùm. Thần tích đền gọi đây là Trường Sa Châu (Bãi cát dài), tương truyền là nơi Hai Bà lập đền tế cao thiên địa bách thần, đại hội quân sĩ. Sách "Thiên Nam Ngữ Lục" đã chép lại lời thề của Trưng Trắc trước các quân sĩ:

“Hát môn có thể dụng binh
Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà”
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được nhân dân ủng hộ, lật đổ được chính quyền đô hộ, lập ra một quốc gia với kinh đô đóng tại Mê Linh. Sách "Đại việt sử ký toàn thư" chép: “Năm Canh Tý, năm thứ nhất [40], mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng”.

Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, mất ngày 6 tháng 2 Âm lịch, năm Quý Mão (43). Có truyền thuyết rằng, nơi Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự vẫn là một đoạn của sông Hát, xã Hát Môn, là nơi Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa và chứng kiến cuộc xuất quân lần cuối của Hai Bà.

Sách “Lĩnh Nam chích quái” cho rằng, sau khi Hai Bà tử trận: “Người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát Giang để phụng thờ”, đây là ngôi đền thiêng, “phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm”. Sách “Nam Hải dị nhân liệt truyện” của Phan Kế Bính xuất bản năm 1930 còn cho biết thêm: “Từ lúc Hai Bà nhảy xuống sông, rồi hóa ra hai người bằng đá, nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi... Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng làm vậy, cũng lập đền thờ vọng ở bên sông”.

Hai Bà Trưng không chỉ được thờ trong đền Hát Môn mà tác giả Phạm Lan Oanh thống kê, có một “vùng văn hóa tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở châu thổ sông Hồng” với số lượng hơn 400 làng, xã có di tích thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa năm xưa.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà không chỉ là cuộc đấu tranh cho độc lập tự do mà còn là biểu tượng của nữ quyền, khi hai người phụ nữ lên ngôi vua, cai quản quốc gia. Sử gia thời Trần Lê Văn Hưu - tác giả của bộ "Đại Việt sử ký" đã đánh giá rất cao vai trò của Hai Bà: “Là phụ nữ, hô một tiếng mà các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.

Lễ hội đền Hát Môn. Ảnh: Huy Nam - Phương Thảo
Lễ hội đền Hát Môn. Ảnh: Huy Nam - Phương Thảo

Đền Hát Môn, vùng đất linh thiêng
Những ghi chép về đền Hát Môn xuất hiện sớm trong các thư tịch cổ của Việt Nam như" "Việt điện u linh", "Lĩnh Nam chích quái", "Đại Việt sử lược", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Việt sử thông giám cương mục", "Đại Nam nhất thống chí"... và trong cả sử liệu của Trung Quốc như Hậu Hán thư, Thủy kinh chú...

Sách "Lĩnh Nam chích quái" được viết từ thế kỷ XV cho rằng, sau khi Hai Bà tử trận “người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát giang để thờ phụng”. Đây là ngôi đền thiêng, “phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm”. Việc thờ phụng Hai Bà Trưng từ hàng nghìn năm qua không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh đối với cộng đồng địa phương mà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc duy trì và nâng cao tâm thức của người Việt về cội nguồn, về lịch sử chung của quốc gia - dân tộc.

Lúc đầu đền có quy mô nhỏ bé, lụp xụp với mái lá. Thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII), đền được Quận công Nguyễn Ngọc Trì (hiệu Phúc Hải), là người làng bỏ tiền ra hưng công, xây dựng thêm Hậu cung, Thiêu hương, Nghi môn. Rồi nhân dân địa phương đóng góp, tu sửa, xây dựng thêm. Những lần tu sửa này được phản ánh trong một số văn bia như: Văn bia Cung tiến bản từ nhị vị Đại vương giám sát huệ điền bi ký dựng năm Vĩnh Tộ thứ ba (1622); Miếu hướng bi ký do Tú tài Hồ Danh Bật soạn năm Tự Đức thứ 35 (1822)... Bia ký cho biết: Đền Hát Môn là đền Quốc tế nhưng bị hư hỏng nhiều nên nhân dân đóng góp tiền, công sức tu sửa và chuyển hướng đền. Đền được đại tu tổng thể kiến trúc và xây dựng mở rộng vào năm Ất Sửu (1865), tu sửa nhà tiền tế năm Đinh Mão (1867). Năm Kỷ Mão (1879) lại bị mối xông, dân làng đã bàn bạc xây dựng lại. Hướng đền là điều rất quan trọng, nếu có tôn tạo phải chiếu theo như cũ tọa Mão hướng Dậu mà làm, để cho dân được yên ổn.

Ngày nay, quần thể đền Hát Môn gồm nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo nằm trên một khu đất cao có thế “Long chầu, Hổ phục” trên triền đê sông Hát như Quán Tiên, Miếu Tạm Ngự, Cổng Tam Quan, Nhà Bia, Nhà Đại Bái... với mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc.

Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật như: Sắc phong, hệ thống tượng thờ, kiệu thờ và hoành phi, câu đối có giá trị về văn hóa, lịch sử, có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, tất cả các đồ thờ trong đền đều không được sơn màu đỏ mà chỉ có màu đen, thể hiện sự tôn kính và uy nghiêm. Sách "Đại Nam nhất thống chí" giải thích về việc này rằng: “... trong đền thờ Bà Trưng, phàm kỷ án và các đồ tự khí, hết thảy đều sơn đen, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ. Dân địa phương không dám mặc sắc đỏ. Những người đến lễ hoặc xem, ai mặc sắc đỏ đều phải cởi ra. Tương truyền thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ giống máu”.

Lễ hội đền Hát Môn, Di sản phi vật thể quốc gia
Hàng năm, đền Hát Môn tổ chức ba lễ hội chính tính theo Âm lịch gắn với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Hai Bà Trưng để tưởng nhớ và vinh danh Hai Bà, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội ngày 6 tháng 3 kỷ niệm ngày giỗ của Hai Bà. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, vào ngày này, dân làng tổ chức tế lễ long trọng và dài ngày nhất trong năm từ ngày 4.3 đến 9.3 Âm lịch. Trong ngày lễ hội này dân làng làm lễ tế, dâng hương đặc biệt có món bánh trôi, còn gọi là bánh “tù tì”, làm từ bột gạo, hình dáng được tạo thành hình tròn, bên trong có các loại nhân. Theo TS. Trần Thị Lan, đây là loại bánh Hai Bà đã ăn trước khi gieo mình xuống dòng sông Hát tuẫn tiết vào ngày 6.3 Âm lịch. Để ghi nhận tấm lòng của bà cụ bán bánh trôi, người dâng cúng loại bánh này cho Hai Bà, dân làng cũng xây một miếu nhỏ bên gốc đa trước cửa đền Hát, và hằng năm mọi người vẫn hương khói thờ cúng. Sự tích bánh trôi của làng Hát Môn của Việt Nam hoàn toàn khác của Trung Quốc để kỷ niệm Giới Tử Thôi trong ngày Hàn thực (ngày 3.3 Âm lịch)

Lễ hội ngày 4 tháng 9 kỷ niệm ngày lập đàn thề, tế cờ khao quân khởi nghĩa. Hai Bà rút quân từ Tây Hồ về tập kết cùng bảy vạn tân binh do bà Man Thiện (Thân mẫu của Hai Bà) tuyển lựa từ các nơi trong vùng. Trước đây lễ phẩm dâng cúng gồm có: Một con trâu, một con lợn, một con dê gọi là lễ tam sinh. Đặc biệt, “con trâu được chọn không chỉ béo tốt mà theo tục lệ của làng còn phải có quý tướng, nghĩa là theo kinh nghiệm phải lưng cầu, đầu quạ, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi. Chọn được lễ vật tố hảo, dân làng sẽ làm ăn phát đạt”. Ngày nay mở hội, tại đền có kéo cờ đại uy nghi, khắp đường làng đều cắm cờ ngũ hành rực rỡ, chiêng trống nổi lên vang lừng báo hội. Dân chúng tổ chức các trò vui chơi kéo dài cả ngày.

Lễ hội ngày 24 tháng 12 là một ngày lễ hội lớn, được tổ chức long trọng trong năm để kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà. Các chàng trai và các cô gái mặc quân phục và giáo gươm phù giá, theo hầu kiệu Hai Bà. Nửa đêm ngày 24 lễ rước kiệu được thắp đuốc sáng rực, đã tái hiện lại vẻ huy hoàng lễ mừng chiến thắng vinh quang của dân tộc, Tượng Thánh được rước ra sông làm lễ “mộc dục” (rước bài vị của Hai Bà đến nhà ngự dội, cách đền khoảng 1km để tắm gội) và dịch phục (thay áo mũ tại vị).

Đền Hát Môn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1964 và được vinh danh, xếp hạng thành Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Năm 2016, lễ hội đền Hát Môn được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của đền mà còn là sự ghi nhận của Nhà nước và nhân dân đối với công lao to lớn của Hai Bà Trưng đối với lịch sử dân tộc. Điều này càng làm tăng thêm sự tự hào của người dân địa phương và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau này trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Hình tượng Hai Bà Trưng là biểu tượng về sức mạnh cố kết toàn dân tộc, khẳng định tinh thần, triết lý của cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam - không bao giờ chịu cảnh thống trị của kẻ xâm lăng.

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Long An kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Kỳ Quan |

Ngày 6.3, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3; 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3.

Người dân đợi cả tiếng, chen chân vào Đền Hai Bà Trưng trẩy hội dịp đầu năm

Phương Thảo |

Như thường lệ, lễ hội Đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng, thu hút đông đảo người dân tới trẩy hội, cầu một năm nhiều sức khoẻ, bình an.

Hình ảnh Hai Bà Trưng xuất hiện trên đồng hồ Thụy Sĩ

Chí Long |

Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi xuất hiện trong bộ sưu tập mới nhất có tên Legend của hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm và làm việc tại Uruguay

Ban Đối ngoại |

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại một số quốc gia Nam Mỹ, ngày 8 - 9.3, Đoàn đại biểu cấp cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến chào đồng chí Juan Castillo, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay; hội đàm với Ông Mensaje Marcelo Abdala, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Uruguay (PIT-CNT) và làm việc với ông Mario Arizti, Thứ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Uruguay.

Cục Đường bộ lên tiếng vụ xe bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động

Nhóm phóng viên |

Báo Lao Động vừa có bài viết phản ánh nhiều xe bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động, trong đó có nhà xe Phiệt Học. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, xe này được cấp 2 phù hiệu. Đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết, trên hệ thống không thể nào có 2 đơn vị cấp phù hiệu cùng một lúc được.

Kinh doanh theo trend, người lợi nhuận trăm triệu, người ngậm ngùi lỗ vốn

VÂN HI |

Từ gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, bánh đồng xu phô mai đã tạo nên cơn sốt sau khi trở thành trend (xu hướng), phủ sóng khắp nơi kéo các đơn hàng liên tục tăng cho nhà vườn, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, không lâu sau vì loại hình kinh doanh có vòng đời ngắn, cung vượt cầu dẫn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ thua lỗ, thậm chí dẹp tiệm.

Công an điều tra vụ khai thác vàng trái phép khiến 1 người chết ở Lai Châu

THANH BÌNH |

Một chủ bưởng vàng tại Lai Châu hứa trả 250 triệu đồng cho gia đình nạn nhân để dàn xếp vụ chết người do khai thác vàng trái phép vừa bị phát hiện.

Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc khiến 2 vợ chồng tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Ngày 11.3, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông tin ban đầu về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 2 vợ chồng tử vong.

Long An kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Kỳ Quan |

Ngày 6.3, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3; 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3.

Người dân đợi cả tiếng, chen chân vào Đền Hai Bà Trưng trẩy hội dịp đầu năm

Phương Thảo |

Như thường lệ, lễ hội Đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng, thu hút đông đảo người dân tới trẩy hội, cầu một năm nhiều sức khoẻ, bình an.

Hình ảnh Hai Bà Trưng xuất hiện trên đồng hồ Thụy Sĩ

Chí Long |

Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi xuất hiện trong bộ sưu tập mới nhất có tên Legend của hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret.