Bạch - người đàn bà vẽ trên lụa bạch

AN LÊ |

Trên khung lụa, những vóc dáng đàn bà mềm mại nằm, ngồi, đứng lẩn khuất trong mây vờn, nước chảy, điểm xuyết hình rồng cuộn hoặc mô típ hoa văn Việt Nam. Những dung nhan không rõ mặt nhưng bật lên sức mạnh nội giới. Phan Minh Bạch vừa thảng thốt vừa thăng hoa trong không gian sáng tạo của cõi mình.

ĐÀN BÀ, NỘI GIỚI & QUYỀN LỰC MỀM

Xem tranh của Bạch có một cảm giác rất “trong veo”, không một chút gợn tâm, như thể uống một dòng nước trong vắt, như thể hít một hơi thở trong lành. Một luồng sáng từ chiếc đèn chói hắt vào, chạm mặt lụa, rồi xuyên qua nhẹ nhàng, để lại những đường nét óng ánh của màu vẽ hay vàng quỳ ngời trên da thịt những thân hình phụ nữ nuột óng xuân thì.

Chỉ có nữ giới mới được quyền toạ lạc trên khung lụa của Bạch, nếu không thì là những hình tượng mềm mại nữ tính của vân nước, vân mây. Không còn gì khác, như thể những gì mạnh mẽ quá sẽ làm rách vỡ cấu trúc mong manh của tấm lụa bạch vậy.

Hỏi Bạch tại sao chỉ là đàn bà và thế giới nội tâm của đàn bà, cô mỉm cười thổ lộ theo kiểu rất đàn bà rằng Bạch chỉ vẽ những gì mà cô yêu thích, bởi như thế mới tạo được cảm xúc tốt hơn. Một cách rất ý nhị, Bạch chỉ yêu quý và có cảm hứng với hình thể của phụ nữ.

Ở tuổi 44, nữ họa sĩ Phan Minh Bạch đã giã từ sự nghiệp họa sĩ thiết kế của một tờ báo để đi theo niềm đam mê đích thực của đời mình: vẽ tranh trên những chất liệu Việt Nam, để ai xem tranh cũng nhận ra rằng đấy là tranh Việt Nam.

Cô đã bắt đầu bằng giấy dó - thứ giấy của người Việt, cũng mềm như vải, cũng có tính chất thấu quang, cũng bền bỉ trăm năm - và giờ là lụa. Hóa ra, rồi cô cũng tìm thấy lụa là chất liệu sáng tác chân ái của mình nhờ những tính năng ưu việt hơn giấy dó ở điểm phục vụ mục đích xem tranh 2 chiều.

Để rồi lụa trắng như mây trắng vờn bay quanh trí tưởng tượng, con mắt mỹ thuật và ngọn bút của Bạch. Từ “Mây ngỏ”, đến “Mây trắng nghìn năm”, rồi “Tam thái vân gian - Mây ba mùa” và “Vân mộng - Mộng mây” với hàng chục bức tranh lụa khổ lớn cứ thế bay đến trần gian.

Phụ nữ và hình ảnh bóng là mây là một câu chuyện liền lạc xuyên suốt các series tranh của Bạch. Câu chuyện đó có thể chính là của cuộc đời cô hoặc những người phụ nữ cô đã gặp trong mộng tưởng tiền kiếp của quá khứ hay giữa đời sống hiện sinh này.

Mây vốn vô hình, vô ảnh không có hình tướng, tụ tán tuỳ nghi như thuyết Vô vi của Lão Tử. Mây trông mênh mông nhưng nhẹ như bông, nhìn dày đặc mà trống rỗng, thế nhưng có thể che lấp thái dương, phủ kín trời xanh. Mây chính là một sức mạnh mềm, chi phối tất cả mọi thứ đồng hiện bằng tính ôn nhu.

Chính vì thế, những người phụ nữ trong tranh của Bạch cũng chẳng có dung nhan rõ ràng, cũng chẳng thể hiện hành vi cụ thể. Chỉ là đường nét, da thịt chạy mềm mại trên lụa thế nhưng lại bộc lộ một sức mạnh mãnh liệt của nội giới có thể làm khuynh quốc khuynh thành, ngả nghiêng triều đại.

Việc không có dung nhan hay hành vi của tạo hình càng khiến người xem thấy rõ được thế giới nội tâm mãnh liệt của phụ nữ. Bạch không nói rõ về thân phận của nhân vật, mà chỉ đào sâu vào nội giới của họ để đưa ra một thông điệp: Dáng nằm tha thướt có thể giữ chặt được một con rồng cương mãnh, sự vô ngôn có thể che giấu một khối thuốc nổ có sức công phá vô cùng.

Và ở thời kỳ nào, cho dù “ngủ trên quá khứ” hay “bước ra từ quá khứ”, phụ nữ luôn sở hữu một thứ quyền lực mềm tối thượng để nắm lấy số phận của chính mình, tự định đoạt tương lai của chính mình, chứ không chỉ là bậc “vân tưởng y thường, hoa tưởng dung” nhan sắc thường lệ.

Một số tác phẩm của họa sĩ Phan Minh Bạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một số tác phẩm của họa sĩ Phan Minh Bạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

LỤA VIỆT VẼ TRANH VIỆT

Lụa là chỉ là một vật liệu để vẽ tranh và còn tạo ra một dòng tranh. Trong nền hội họa phương Đông và phương Tây, người ta đều gọi là tranh lụa cho dù nó được vẽ bằng màu nước, màu acrylic hay bất cứ thứ gì, chứ không phải gọi theo tên vật liệu vẽ như tranh sơn dầu, tranh phấn màu, tranh thủy mạc...

Tranh lụa có tính xuyên thấu hoặc thấu quang (để ánh sáng đi qua) nên tạo ra một hiệu ứng thị giác đặc biệt và xem tranh ở cả hai mặt. Tuy nhiên, vẽ tranh lụa khó hơn trên giấy hay toan vải bởi khó kiểm soát được tính loang màu (nếu dùng màu nước) hay màu sẽ khô cứng trên lụa làm giảm hoặc loại bỏ tính xuyên thấu (nếu dùng màu acrylic thường).

Bạch có một lợi thế khi đến với tranh lụa là cô sử dụng thành thạo bút lông tròn của hội hoạ phương Đông để vẽ tranh và viết thư pháp, thay vì bút bẹt của hội hoạ phương Tây. Nhờ vậy, cô thuần thục bút pháp khởi bút, hành bút và thu bút (đặt bút, đi nét bút và nhấc bút), cùng kỹ thuật “vẽ nhiễm mặc”, tức là chủ động độ loang, nhòe, độ no, độ kiệm của màu và mực, để màu ngấm vào từng sợi lụa rất êm, rất thấm.

Cô không chọn phương pháp vẽ lụa khô (lên màu, đợi khô rồi đem rửa, chỉ giữ màu đã thấm vào sợi lụa, rồi mới vẽ tiếp) mà là vẽ lụa ướt. Lụa được ngâm nước cho mềm rồi mới vào màu, như thế màu vẽ thấm vào sợi rất kỹ, trong khi phần màu loang có thể khống chế được theo ý muốn.

Mỗi đường nét được Bạch vẽ rất tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn, với các quy trình vào màu, rửa màu bằng bút lông, lại vào màu, lại rửa. Bạch lại thường áp dụng rất nhiều kỹ thuật vẽ trong một bức tranh lụa, sử dụng cả màu xuyên sáng lẫn không xuyên sáng, hay quỳ vàng vào lụa.

Khi tác phẩm hoàn thành, Bạch không bồi tranh bởi cô muốn ánh sáng tương tác với tranh, khiến bức tranh trong suốt, tạo hiệu ứng 3D, giúp người xem thưởng lãm 2 - 3 bức tranh trong cùng một bức mà chỉ cần thay đổi góc nhìn hay chiều xem tranh.

Các bộ tranh của Bạch đều có một ý tưởng dẫn dắt xuyên suốt chứ không rời rạc đơn lẻ. Bạch chủ tâm khai thác tâm trạng của người phụ nữ hơn là biểu hiện bên ngoài, và lụa đã giúp cô kể câu chuyện rất trọn vẹn, đồng thời làm nổi bật những vóc dáng mảnh mai của phụ nữ Việt Nam.

Ở bộ ba tranh “Tam thái vân gian”, Bạch đã lợi dụng đặc tính xuyên thấu của lụa để tạo hiệu ứng mờ ảo, đầy huyễn hoặc, từ đó đưa người xem vào cảm giác chập chờn. Bên kia là hình ảnh phụ nữ thì bên này lại thấy cảnh mây bay, vô cùng huyền ảo.

Gây được tiếng vang với tranh lụa và bút pháp vẽ độc nhất vô nhị, Bạch vẫn tiếp tục đam mê với việc vẽ cảm xúc lên trên lụa. Hiện nay, cô vẫn đã và đang suy nghĩ những diễn biến khác trong nội giới và ngoại giới của thân phận người nữ để xây dựng 2 serie tiêu đề Chơi vơi và Ngỏ.

Trong nỗi nhớ về người cha

Mê đắm với vẻ đẹp của tính nữ và nội giới trên lụa, nhưng tình yêu lớn lao ngoài đời của Bạch lại là người cha yêu quý mới mất cuối năm 2023 - cố họa sĩ Phan Bảo. Đó là người đã dạy Bạch cách dùng bút tròn của thư pháp để rồi hàng chục năm sau, Bạch áp dụng sang vẽ lụa. Đó cũng là người đã khuyên con gái dùng vật liệu Việt Nam để vẽ tranh, để rồi từ đó, Bạch đã vẽ trên lụa bạch.

Xem tranh của Bạch, nghe Bạch kể chuyện về người cha “Thanh Hóa học” có kiến thức uyên thâm về lịch sử, về địa lý, về hội họa, về kỹ thuật vẽ tranh, về vật liệu in ấn, có thể thấy dấu vết của sở học của người cha đã thấm đẫm trong tranh của con gái.

Thế nên, Bạch có một nền tảng vuông vức, nghiêm chỉnh để kéo căng cuộc đời cô một cách vững chãi. Bạch là vuông lụa, còn người cha là khung, và những sắc màu cùng những luồng ánh sáng trong veo nhất tề đồng hiện. Bởi vậy, khi cái khung đó long lở rồi mất đi, Bạch thấy chống chếnh lắm!

AN LÊ
TIN LIÊN QUAN

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Ngắm nhìn triển lãm tranh của họa sĩ hai nước Việt - Hàn trong Đại nội Huế

NGUYỄN LUÂN - PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Đông đảo du khách đến tham quan Triển lãm Song hành - Giao lưu tranh Việt Nam và Hàn Quốc bên trong Đại nội Huế. Trong đó có nhiều bức tranh mang tính trừu tượng cao, tạo cảm giác hứng thú cho người xem.

140 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Linh qua “Hà Nội tôi yêu”

Thảo Quyên |

Ngày 5.10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã diễn ra Lễ ra mắt bộ sách hội họa của họa sĩ Ngọc Linh, “Hà Nội tôi yêu”. Đây là cuốn tuyển tập gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố xá Hà Nội được nghệ sĩ Ngọc Linh vẽ vào năm 1991.

Chiếc vali lạ khiến 1 đoạn đường tại Đà Nẵng bị phong tỏa chỉ chứa rác thải

Văn Trực |

Đà Nẵng - Sau nhiều tiếng đồng hồ kiểm tra, chiếc vali lạ bị bỏ lại trên vỉa hè đường Việt Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được xác định chỉ chứa rác thải.

Ông Putin chiến thắng áp đảo trong bầu cử tổng thống Nga

Ngọc Vân |

Tổng thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay với gần 90% phiếu bầu.

Căn hộ chung cư sốt nóng, đất nền dưới 2 tỉ đồng được nhà đầu tư săn lùng

ANH HUY |

Khi giá căn hộ chung cư đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tìm mua những mảnh đất nền có giá từ 1-2 tỉ đồng.

Dự báo số lượng siêu bão trong mùa bão đặc biệt dữ dội

Khánh Minh |

Dự báo bão của ECMWF cho thấy mùa bão năm 2024 được coi là đặc biệt dữ dội với nhiều siêu bão.

Giám đốc đi xin vai và chuyện ít biết phía sau những vai diễn trên phim giờ vàng

Bình An |

Nhiều diễn viên từng chia sẻ họ đã đi xin vai diễn vì nhiều lý do, có thể quá ưng nhân vật, có thể cuộc sống khởi nghiệp khó khăn, không có việc làm.

Họa sĩ Linh Chi sống trong nghệ thuật

Thanh Hương |

Triển lãm tranh và sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô từ ngày 20 - 29.12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội).

Ngắm nhìn triển lãm tranh của họa sĩ hai nước Việt - Hàn trong Đại nội Huế

NGUYỄN LUÂN - PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Đông đảo du khách đến tham quan Triển lãm Song hành - Giao lưu tranh Việt Nam và Hàn Quốc bên trong Đại nội Huế. Trong đó có nhiều bức tranh mang tính trừu tượng cao, tạo cảm giác hứng thú cho người xem.

140 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Linh qua “Hà Nội tôi yêu”

Thảo Quyên |

Ngày 5.10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã diễn ra Lễ ra mắt bộ sách hội họa của họa sĩ Ngọc Linh, “Hà Nội tôi yêu”. Đây là cuốn tuyển tập gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố xá Hà Nội được nghệ sĩ Ngọc Linh vẽ vào năm 1991.