Từ “trồng gì, bán nấy” sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Nhóm PV |

Thanh long, dưa hấu, mít... chất đống bên vệ đường, nông dân “bán đổ, bán tháo” với mong muốn lấy lại một phần chi phí. Điệp khúc “giải cứu ùn ứ” nông sản năm nào cũng lặp lại, thành câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Thực tế ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất manh mún, tự phát, “trồng gì, bán nấy”, nên việc tái cơ cấu là yêu cầu cấp thiết.

Từ số báo này, Báo Lao Động đăng tải chuyên đề “Từ “trồng gì, bán nấy” sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, kiến nghị những giải pháp để hiện thực hóa “mệnh lệnh phát triển” là “Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật” mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra với ngành Nông nghiệp, nông thôn.

Kỳ 1: “Ùn ứ nông sản” và nước mắt nông dân

Mới nhích nhẹ sau những ngày Tết, nhiều mặt hàng nông sản đã vội quay đầu giảm giá và rơi vào tình trạng “bấp bênh”... Hàng nghìn xe tải nông sản lại ùn ứ ở cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đã đến lúc người nông dân và doanh nghiệp ngừng "đổ lỗi" và cần xem lại chính mình.

Giá chưa lên cao đã quay đầu... 

“Chưa kịp vui vì giá nhích lên, nông dân tụi tui đã rơi xuống đáy buồn” - ông Nguyễn Văn Kha - chủ vườn mít ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) chia sẻ về giá mua mít đang sụt giảm với tốc độ “không phanh”. Theo ông Kha, sau thời gian ngắn nhích lên, giá thu mua mít đã đột ngột rớt mạnh, hiện đang ở mức dưới 5.000 đồng/kg, riêng mít loại 3 chỉ 1.000 đồng/kg.

Mức giá này không chỉ dồn đẩy người nông dân đến chân tường của thua lỗ, mà còn như gáo nước lạnh dập tắt những hy vọng vừa nhen nhóm trong nông dân. Bởi đây là lần thứ 2 liên tiếp trong thời gian ngắn, nhà vườn hứng chịu giá mít rớt thê thảm. Trước Tết, giá mít từng sụt giảm ở mức 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí là không bán được.

Sau mít là đến thanh long. Năm nay, nhiều hộ nông dân huyện Châu Thành (nơi trồng thanh long nhiều nhất tỉnh Long An) không có cảnh “vui như Tết”, mà thay vào đó là “buồn như Tết” khi trái thanh long thu hoạch không bán được hoặc bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tài ở xã Hiệp Thạnh cho biết, gia đình ông trồng được 3.000m2 thanh long, khi đến kỳ thu hoạch thì các doanh nghiệp đồng loạt ngưng nhận hàng. Ngoài một số được địa phương kết nối bán giúp theo chương trình “giải cứu”, còn lại cả nhà ông phải chia nhau chở thanh long đi bán với giá thấp. Và hộ ông Tài không phải là trường hợp duy nhất, những năm qua rất nhiều nông dân cũng chung cảnh "bán đổ bán tháo", nuốt nước mắt nhìn những cánh đồng hoa hay nông sản chín nẫu mà không được đưa đi tiêu thụ kịp thời.

Dù cây thanh long đã mang lại giá trị kinh tế cao nhưng thời gian qua, nhất là những thời điểm gần đây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Loại trái cây “rồng xanh” từng mang sung túc đến cho nhiều người bỗng trở thành thứ “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (tỉnh Long An), ông Nguyễn Văn Khải cho biết, ở huyện có hơn 9.000ha thanh long, mỗi năm cho sản lượng trái 294.000 tấn. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch nên sức tiêu thụ giảm, do đó việc tìm kiếm được đơn vị thu mua số lượng lớn rất khó. Nổi cộm như trong tháng 8.2021, ở huyện có khoảng 15.000 tấn thanh long thu hoạch phải vất vả lắm mới tiêu thụ hết. May có nhiều tổ chức, cá nhân  trong và ngoài tỉnh đặt mua để làm từ thiện, cấp phát cho người dân trong khu cách ly, vùng phong tỏa.

“Khi  vừa giải cứu xong thì đến dịp Tết nguyên đán vừa rồi, ở huyện tiếp tục có 26.000 tấn thanh long thu hoạch. Do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nên việc tiêu thụ rất gian nan bởi phải loay hoay tìm cách tiêu thụ, giải cứu thanh long ở thị trường trong nước” - ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An thông tin.

Giá trái cây đang sụt giảm mạnh, là bức tranh ảm đảm về giá nông sản vùng ĐBSCL hiện tại. Bởi cũng như mít, thanh long, giá nhiều loại trái cây cũng trên đà lao dốc. Điển hình là xoài. Nhất là với xoài Đài Loan, từng một thời được mệnh danh là cây “làm giàu” dù nguồn cung rất dồi dào, nhưng giá lại rơi chạm đáy. Hiện giá bán tại vườn chỉ 1.000 đồng/kg, nhưng gần như không bán được vì các điểm thu mua đã tạm ngưng mua vào. Không chỉ có các điểm thu mua tư nhân mà ngay các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng “đóng cửa”.

Ông Trần Văn Trạng, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Tịnh Thới  (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) chia sẻ: Không có doanh nghiệp thu mua nên chúng tôi buộc phải tạm ngưng thua mua... Và đằng sau đó là nước mắt người nông dân khi trồng ra nhưng không thể bán được.

Lỗi từ cả người trồng   

Theo các chuyên gia, chính “sự cố” cửa khẩu gây ùn tắc hàng nghìn xe tải chở hàng xuất khẩu là nguyên nhân khiến giá trái cây ĐBSCL rớt mạnh như hiện nay. Như hiệu ứng đôminô, sự cố  bị nghẽn đầu ra ở cửa khẩu phía Bắc đã kéo theo các DN dừng thu mua nguyên liệu, qua đó dẫn đến giá bán tại nhà vườn ở mức thấp và khó tiêu thụ. Theo dự báo, tình hình sắp tới sẽ còn khó hơn.

Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, mặc dù Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cũng như chính quyền các địa phương có các cặp cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã cảnh báo nhiều, nhưng hầu như các nhà vườn, DN vẫn chưa chú trọng về khâu an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn đang kiên quyết với chiến lược “Zero COVID”, siết chặt các khâu kiểm dịch, kiểm tra, xét nghiệm để phát hiện virus SARS-CoV-2.

Vì vậy, năng lực thông quan rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 70-90 xe hàng. Năng lực thông quan chậm, nhưng các xe hàng vẫn ùn ùn chở lên biên giới, vẫn còn virus SARS-CoV-2 bị phát hiện trên bao bì sản phẩm… nên phía Trung Quốc càng lặp lại quy trình kiểm soát gắt gao hơn, khiến tình trạng ùn ứ nông sản càng nghiêm trọng hơn…

“Không phủ nhận dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trái cây của nhiều quốc gia Đông Nam Á, nhưng trái cây Việt Nam còn có thêm bất lợi về độ an toàn hàng hóa” - ThS Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) thông tin.

Cụ thể theo ông Tuyên, mới đây phía Trung Quốc tiến hành xét nghiệm và xác định trái thanh long Việt Nam và bao bì của nó dương tính với axit nucleic. Điều này khiến quốc gia nhập khẩu lo sợ đến khả năng lây lan dịch bệnh từ nguồn trái cây Việt Nam.

“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 1,9 tỉ USD, chiếm 53,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”, ông Tuyên cảnh báo - “Khi phát hiện trên thanh long, họ sẽ kiểm soát chặt, gắt gao hơn trên các loại trái cây khác”. Điều này cũng đồng nghĩa, trái cây Việt Nam sẽ gánh thêm khó khăn hơn trong hoàn cảnh khó khăn, đòi hỏi các cấp, ngành cần phải có chiến lược tổng thể, dài hơi, để phát triển nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định: Đã đến lúc ngành nông nghiệp cơ cấu lại toàn diện, trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Không chỉ các bộ, ngành, mà chính nông dân phải nâng cao năng lực, là "nông dân thông minh", "mỗi nông dân phải là một doanh nhân" để đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Chiến lược của Chính phủ nhiều điểm mới mang tính đột phá 

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho biết, Quyết định số 150 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có rất nhiều điểm mới mang tính đột phá.

Ngoài các mục tiêu tăng trưởng, phát triển đến năm 2030, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Chiến lược định hướng rõ cần phải chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang hướng tới nền NN chất lượng, hiệu quả, NN xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi tư duy sản xuất từ “cái chúng ta có” sang tư duy sản xuất “theo nhu cầu thị trường”, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền… L.V

* Nông dân Nguyễn Văn Hoàng (59 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành): Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc thu hoạch, tiêu thụ thanh long ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra, tiêu thụ. Nhà có 1,5ha thanh long thu hoạch đúng vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp nên giá bán rất thấp, ruột trắng từ 1-1,5 nghìn đồng/kg, ruột đỏ dao động 3 nghìn/kg. Giá thấp nên không có lời.

* Nông dân Nguyễn Văn Hoan, ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội: Có những năm cây thanh long mang lại giá trị rất cao. Có năm lợi nhuận 200 đến 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, những đợt thu hoạch gần đây nông dân không có lãi, thậm chí bị thua lỗ vì giá quá thấp, đầu ra tiêu thụ rất khó khăn. Văn Đức

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Còn 2.272 xe hàng hóa, nông sản tồn ứ tại 3 cửa khẩu biên giới

Vũ Long |

Đến  8h ngày 16.2.2022, còn 2.272 xe (tăng 340 xe so với ngày hôm trước liền kề) hàng hóa, nông sản bị tồn đọng ở cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Để người Việt tự hào, chứ không phải “ưu tiên” dùng nông sản Việt Nam

Vũ Long |

Nhiều kiều bào, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến cho tiêu thụ nông sản tại Diễn đàn Kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tối 14.2.

Kết nối phân phối, tiêu thụ nông sản "tinh hoa hàng Việt"

Vũ Long |

Dưới sự hỗ trợ của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hội nghị kết nối phân phối nông sản của tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức vào ngày 18.2.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Còn 2.272 xe hàng hóa, nông sản tồn ứ tại 3 cửa khẩu biên giới

Vũ Long |

Đến  8h ngày 16.2.2022, còn 2.272 xe (tăng 340 xe so với ngày hôm trước liền kề) hàng hóa, nông sản bị tồn đọng ở cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Để người Việt tự hào, chứ không phải “ưu tiên” dùng nông sản Việt Nam

Vũ Long |

Nhiều kiều bào, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến cho tiêu thụ nông sản tại Diễn đàn Kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tối 14.2.

Kết nối phân phối, tiêu thụ nông sản "tinh hoa hàng Việt"

Vũ Long |

Dưới sự hỗ trợ của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hội nghị kết nối phân phối nông sản của tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức vào ngày 18.2.