Mai được trồng dày đặc
Tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nơi đây cây mai được trồng với mật độ dày đặc khi chính quyền địa phương đi kiểm kê đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hậu Giang.
Quan sát thực tế, mật độ trồng mai chi chít nhau dưới các cây mít, chuối, xoài,... Chỉ cách nhau từ 10-20cm có một cây, cao khoảng 40cm - 1m.
Gia đình trồng trên 7 nghìn cây mai, bà Lê Thị Xứng (ấp Tân Long, xã Đông Phước A) chia sẻ, bà trồng mai từ tháng 1.2022, đầu tư nhân công, cây giống hơn 40 triệu đồng (thời điểm bà Xứng mua với giá từ 7-9 nghìn đồng/cây) nay cao tốc đi qua bồi thường giá 3 nghìn đồng/cây là không đủ vốn. Tức chưa được 1/2 vốn nên bà chưa đồng ý với mức bồi thường trên.
“Nhà tôi trồng cây mai rồi mới biết có cao tốc chạy qua. Những cây như: Mít, bưởi, xoài, chuối,… tôi đã đồng ý giá đền bù. Với cây mai, giá bồi thường 3 nghìn đồng/cây, tôi xin hoãn vài tháng cứ để tôi bón phân, bao giờ bán hòa vốn thì thôi”, bà Xứng nói.
Thấy bất thường khi cây mai được trồng nhưng vẫn để bọc nilon màu đen, bà Xứng cho hay, bà không tính trồng cho lớn và chỉ để đấy.
“Đất trống, nhà tôi trồng mai chỉ để lấy tiền nuôi con ăn học chứ không biết trúng vào đường cao tốc. Với giá bồi thường của Nhà nước là 3 nghìn đồng/cây thì quá eo hẹp, tính ra chưa được nửa giá tiền đầu tư. Tôi mong giá tăng thêm chút để lấy lại vốn, khoảng 7 nghìn đồng/cây lấy lại vốn”, ông Nguyễn Văn Nguyên cũng trồng hơn 7 nghìn cây mai vào tháng 1.2022 kể.
Ông Tạ Trung Hiếu – Trưởng ấp Tân Long (xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho hay, ảnh hưởng bởi cao tốc có 42 hộ, trong đó 9 hộ trồng mai: 4 hộ đã nhận tiền, cao nhất 17 triệu đồng/hộ; 5 hộ còn lại xã đã vận động và cho thời gian suy nghĩ lại hứa sẽ nhận tiền và ban giao mặt bằng.
Khi được hỏi về việc mai được trồng trước hay cọc giải phóng mặt bằng được đóng xuống trước, ông Hiếu thông tin, người dân xuống mai trước khi có cọc.
Vẫn còn vướng mắc
Theo UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), dự án có liên quan đến 2 xã, 1 thị trấn (xã Đông Phước A, xã Đông Phú, thị trấn Ngã Sáu). Qua xác minh, có 118 hộ trồng mai trong khu vực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trong đó nhiều nhất là ở xã Đông Phước A với 100 hộ; 48 hộ đặt ống cống. UBND huyện Châu Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tất cả hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn một số nội dung chưa đưa vào phương án trình phê duyệt. Trong đó, về cây trồng gồm các loại cây: Mai vàng, thuốc cá, tiêu, tràm, cau và các công trình cống bọng vẫn còn vướng mắc…
Kết quả xác minh, UBND huyện Châu Thành đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thống nhất bồi thường 39/48 hộ bị ảnh hưởng cống bọng vì có mục đích sản xuất nông nghiệp; không bồi thường 2 hộ vì không vào mục đích sản xuất nông nghiệp và bồi thường một phần của 7 hộ.
Đối với 118 hộ trồng mai, những hộ trồng mai vàng, tràm trong vườn thực tế, chuyên canh mai, trồng xung quanh nhà, không theo quy cách vườn ươm thì được thống nhất bồi thường theo số lượng thực tế, đơn giá bồi thường áp dụng theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND (cây cao dưới 50cm có giá đền bù 20.000 đồng/cây; từ 50cm đến dưới 1m là 45.000 đồng/cây; trên 1m là 75.000 đồng/cây…).
Đối với những hộ trồng xen mai vàng nhỏ với các cây khác (trồng chủ yếu tập trung trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, với khoảng cách trồng khoảng 20-50cm, chiều cao cây từ dưới 50cm, hơn 50cm đến dưới 1m), được hỗ trợ dạng vườn ươm, tức bồi thường hỗ trợ công di dời được tính bằng 15% giá trị của cây. Theo đó, cây có chiều cao thấp hơn hoặc bằng 0,5m có giá theo quy định là 20.000đ/cây, được hỗ trợ 15%, tức 3.000đ/cây.