Nghe con bị ngã cấp cứu, ba mẹ bỏ việc đi tìm
Trong 2 ngày 14 và 15.3, hàng chục phụ huynh tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được cuộc gọi của số lạ báo con mình bị ngã, đang được cấp cứu ở các bệnh viện lớn. Không ít người trong số họ khi liên lạc cho giáo viên chủ nhật, nhà trường không được đã bỏ công việc để đến tìm từng bệnh viện.
Anh Đỗ Trung Thành (trú quận Ngũ Hành Sơn) kể, chiều 15.3 khi đang làm việc tại quận Liên Chiểu, anh nhận được cuộc gọi từ một số lạ báo con anh trong lúc nô đùa với bạn bị ngã đập đầu đang được đưa đi cấp cứu.
“Không ở gần nhà nên tôi gọi ngay cho vợ và bạn bè để nhờ ai rảnh thì chạy đến xem giúp con có làm sao không. Vợ tôi cũng vội vàng bỏ công việc để đón xe chạy đến Bệnh viện Đà Nẵng. Lúc đó thật sự lo cho con, tôi chẳng nghĩ nhiều. Đối tượng gọi điện cũng rất bình tĩnh hỏi han anh chị đi đến đâu rồi, họ đang đứng đợi ở khoa cấp cứu… Nhưng đến khi vợ tôi đến gọi lại thị họ không bắt máy” – anh Thành kể.
Lo lắng cho con, vợ anh Thành cùng nhiều bạn bè của gia đình đã đến nhiều bệnh viện khác nhau để tìm con. Trong lúc đó, anh Thành tìm cách liên lạc với cô giáo chủ nhiệm nhiều lần nhưng không được.

“Mãi sau tôi phải lên trang web của nhà trường tìm số văn phòng trường để liên hệ thì mới được xác nhận con vẫn đang ở lớp học bình thường. Nhà trường cũng cho biết trong cùng thời gian này đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi của phụ huynh tương tự gia đình tôi.
Tuy nhiên, điều bức xúc và lo lắng của phụ huynh là tại sao số điện thoại của mình và thông tin con học buổi nào, lớp nào, tên gì… lại bị lộ ra ngoài, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng. Trong khi đó, số điện thoại tôi nhận cuộc gọi là số tôi hạn chế cho người khác, chỉ có người thân, đồng nghiệp biết” - anh Thành cho hay.
Không chỉ anh Thành, bẫy lừa đảo “con bị tai nạn cấp cứu nguy kịch, cần phải chuyển tiền để mổ gấp...” đã xuất hiện ở nhiều trường như trường Tiểu học Núi Thành, Tiểu học Lê Lai, Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu); Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu)…
Bà Trần Thị Tường Vi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), lớp 4/2 đã có gần 20 cha mẹ học sinh nhận được cuộc gọi lừa đảo này. Cha mẹ học sinh bức xúc và bày tỏ thắc mắc là vì sao đối tượng lừa đảo lại có thông tin chính xác về tên tuổi học sinh, giáo viên chủ nhiệm và tên tuổi, số điện thoại của cha mẹ học sinh.
Nghi vấn lộ thông tin cá nhân từ app sức khỏe, nhóm Zalo
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đức Tú Anh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin và trao đổi ban đầu với các trường nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo, đơn vị đang đặt nghi vấn lộ thông tin từ app sức khỏe được cài đặt hồi dịch COVID-19.
Cụ thể, tại trường Tiểu học Lê Lai, phụ huynh từng cài app sức khỏe học đường để nhà trường cùng theo dõi sức khỏe các em. Phụ huynh dùng số điện thoại để đăng nhập và điền các thông tin của con vào app.
Ngoài ra, có trường hợp người lạ giới thiệu là nhân viên Trung tâm ngoại ngữ đứng trước cổng trường tìm cách hỏi thông tin các thành viên trong gia đình nhất là xin thông tin email, số điện thoại của cha mẹ học sinh.
"Những nhóm Zalo mà giáo viên chủ nhiệm dùng để thông báo cho phụ huynh học sinh hoặc nhóm do hội phụ huynh lập riêng cũng có thể là nguồn để lọt thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh ra ngoài" - ông Tú Anh nhận định.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP Đà Nẵng cho biết, đến hiện tại, địa phương chưa ghi nhận trường hợp bị sập bẫy, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Hiện đơn vị đang xác minh, điều tra đối tượng giả danh lừa nhiều phụ huynh nói trên. Theo đơn vị này, việc lộ lọt thông tin có thể từ các tài liệu được nhà trường thường cập nhật thông tin như họ và tên học sinh cùng số điện thoại phụ huynh phục vụ cho công tác tuyển sinh, tổng kết… Các đối tượng lừa đảo đã khai thác và lợi dụng từ nguồn này.