Một phụ huynh ở Cầu Giấy (Hà Nội) vừa bị lừa 260 triệu đồng vì tin vào cuộc gọi "con bị tai nạn đang cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để phẫu thuật".
Phụ huynh này nhận được cuộc gọi từ đối tượng tự xưng là cô giáo của con với nội dung: "Cháu bị tai nạn, đang cấp cứu ở viện Thu Cúc, cháu bị chảy máu tai, hôn mê, mất rất nhiều máu, hiện giờ phải truyền máu gấp mà cô giáo đưa đi cấp cứu gấp nên không mang theo tiền".
Cả quá trình lừa đảo diễn ra nhanh chóng, kịch bản tinh vi khiến phụ huynh bị cuốn theo và chuyển tiền đến 4 lần với tổng số tiền là 260 triệu đồng.
Qua những sự việc tương tự, theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, lo lắng là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh nên khi nghe tin con mình gặp nguy hiểm thì đa phần phụ huynh đều sẽ phản ứng theo cách ngay lập tức phải làm sao để cho con mình được an toàn.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần hiểu và nắm rõ những vấn đề sau đây để không bị các đối tượng lừa đảo:
Thứ nhất, nếu chẳng may con phải nhập viện cấp cứu thì bác sĩ sẽ kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bệnh trước, chi phí để thực hiện cho một ca mổ hay thủ thuật nào đó sẽ tính sau. Bác sĩ sẽ không bao giờ bỏ bệnh nhân.
Thứ hai, trước bất cứ một ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa (thường là vợ, chồng, bố mẹ, con cái... của người bệnh) cũng phải ký vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lý trong hồ sơ bệnh án.
Thứ ba, nếu phụ huynh nắm rõ các chỉ số y khoa của con mình thì sẽ khó để bị lừa.
Ngoài ra, phụ huynh có thể gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm hoặc cho số hotline của trường để yêu cầu xác minh tình trạng này.
Phụ huynh cần yên tâm một điều là trường học thường có phòng y tế, ở đó nhân viên y tế của nhà trường sẽ xử lý sơ cấp cứu nếu con có chuyện gì xảy ra và sẽ gọi điện cho phụ huynh.
Về việc kiểm soát học sinh ở trường, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho biết, khi các con học sinh đã ở trong trường thì phụ huynh yên tâm đến 90%. Bởi vào mỗi tiết học, giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày.
Đồng thời thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế cảm xúc để nhận biết và tìm cách ứng phó.
Về tình trạng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh học sinh để lừa đảo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn dùng tin nhắn, báo đột xuất cho phụ huynh việc có con đã vào viện, cần ứng tiền để nộp viện phí.
"Đã có một số trường hợp chuyển tiền. Chúng tôi đã điều tra, phát hiện và làm tốt công tác phòng ngừa" - Thứ trưởng Bộ Công an nói thêm.
Công an quận Nam Từ Liêm cảnh báo, khi nhận những cuộc gọi như trên, người dân cần bình tĩnh xác minh sự việc với nhà trường.
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không liên hệ được với trường học, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại trực ban của công an phường sở tại, công an địa phương gần nhất hoặc bệnh viện.
Cảnh sát cảnh báo người dân tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền hoặc đăng nhập vào đường link lạ được cung cấp và không cấp mã OTP để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.