Ăn Tết kiểu Huế

Minh Tự |

Sau một tuần ăn Tết với cố đô, Steve Burrow - phóng viên của tạp chí Asian Geographic - đã thốt lên:“Người Huế cúng bái quá nhiều trong những ngày Tết, vậy thì họ còn thời gian đâu ăn Tết, chơi Tết?”.

Tết năm ấy, vợ chồng Steve đến Huế, cùng đón giao thừa và ăn Tết với gia đình tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn. Đó là cái Tết Nhâm Ngọ 2002, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 và lễ nghi ở “nước Huế” đã nhiều phần gia giảm. Vậy mà ông nhà báo người Canada gốc Anh ấy vẫn liên tục ngạc nhiên như vừa khám phá một “vương quốc thần bí”.

Cúng tháng Chạp đến tháng Giêng

Các sách sử của triều Nguyễn đều chép rằng Tết Huế xưa bắt đầu từ ngày đầu tháng Chạp. Đó là ngày triều đình cử hành lễ ban Sóc, tức lễ ban hành lịch năm mới. Trong cung đình, suốt cả tháng Chạp vua quan phải lo cho xong các lễ nghi chuẩn bị cho việc đón năm mới, thì ngoài kinh thành, thần dân cũng tất bật mọi lễ lượt để đón ông bà và cả Phật cùng thần linh về cùng ăn Tết. Khi triều Nguyễn chấm dứt, lễ nghi cung đình không còn nhưng nghi lễ dân gian thì vẫn tiếp tục được người dân các thế hệ trao truyền cho nhau đến tận hôm nay.

Đầu tháng Chạp, con cháu lục tục về làng chạp mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ để chuẩn bị đón xuân. Các phường thợ cũng rục rịch cúng tổ nghệ, sớm nhất là thợ may cúng tổ ngày 12 tháng Chạp, tiếp đó là thợ mộc: ngày 19, thợ nề ngày 24... Đầu đêm 23 cúng ông Táo để tiễn vị thần bếp lên ăn Tết ở thiên đình. Ngày xưa, lễ cúng tất niên chỉ diễn ra vào ngày 30 Tết sau khi cây Nêu dựng lên, để chính thức mời tổ tiên cha mẹ về ăn Tết với con cháu. Còn sau này, đưa ông táo về trời xong là lễ cúng tất niên của mọi xóm, mọi làng, mọi nhà, mọi nghề và mọi cơ nghiệp.

Đón giao thừa bằng lễ cúng giao thừa, cúng trên bàn thờ và cúng cả ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài đường. Sáng mùng một thì cúng ngày Sóc, người theo Phật thì cúng Phật. Cúng Phật ở nhà rồi nhưng cũng phải đến chùa để lễ Phật ngày đầu năm. Sau đó lên nghĩa trang thắp hương cho ông bà, cha mẹ, về nhà thờ dòng tộc thắp hương cúi lạy tổ tiên. Ghé thăm nhà nào cũng thắp xong nén hương cho người đã khuất rồi mới ngồi nói chuyện với người còn sống. Ngày mùng hai, mùng ba còn có Tết đất, Tết nhà. Kể từ khi đón ông bà về, cứ đến bữa thì cúng cơm cho ôn mệ (ông bà - theo từ địa phương Huế). Đến chiều mùng hai hoặc mùng ba thì cúng đưa ôn mệ về lại cõi trên. Tiếp đó là lễ cúng bổn mạng, cúng đầu năm, cúng dâng sao giải hạn, đến rằm tháng Giêng thì cúng Nguyên tiêu.

“Có bao nhiêu nghi lễ mà người Huế phải thực hành trong dịp năm mới?” - nhà báo Steve Burrow hỏi. Có lẽ tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cũng không thể đưa ra con số cụ thể được. Bởi vì, thực hành nghi lễ thì cũng tùy người, tùy nhà, tùy hoàn cảnh, tùy nhận thức, tùy thời và... tùy tâm. Mệt nhoài với cúng kiếng như thế, nhưng nếu bảo rằng bỏ bớt nghi lễ thì sẽ có nhiều người Huế lắc đầu ngay. Mệ Bửu Ý, một dịch giả kiêm nhà nghiên cứu uy tín ở Huế, thì: “Mới nghe đã thấy tiếc!”.

Vì sao người Huế cúng nhiều?

Một trăm năm trước, có một người Pháp đã bỏ công khám phá điều này và công bố bài khảo cứu công phu “Đất thần kinh” trên tạp chí “Những người bạn Huế xưa” (B.A.V.H) năm 1916. Ông là linh mục Léopold Cadière, chủ bút tạp chí B.A.V.H, một người tận tâm với cuộc khảo cứu văn hóa Việt và đã chọn “đất thần kinh” để làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Nhà Huế học người Pháp này đã lý giải vì sao vua Thiệu Trị gọi Huế là “đất thần kinh”. Đó là “kinh đô của thần thánh” khởi phát từ giấc mộng có bà lão nhà trời khuyên chúa Nguyễn Hoàng lập chùa Thiên Mụ, là cuộc đất hội tụ các yếu tố phong thủy đế vương với rồng chầu hổ phục, có sông Hương làm minh đường, núi Ngự làm tiền án, như thể đất trời “tạo nên cho kinh đô một vị trí quy tụ được các sức mạnh thiên nhiên cũng như thế giới vô hình”.

Vì vậy, theo Cadière, từ đức vua tế trời trên đàn Nam Giao cho đến người phu kéo xe thường cắm bông hoa vạn thọ trên chiếc xe của mình vào ngày lễ, đều là để thành kính tạ ơn đất trời và thần linh đã phù trợ, chở che. Việc thờ cúng của những người lính gác thành, gác cầu và cả lính gác ngục mà Cadière bắt gặp thường xuyên trong kinh thành cũng là cầu mong “gặp điều lành, tránh điều dữ”. Kinh thành với “những bức tường vàng và những hào nước xao xuyến” cùng với niềm tin thành kính của con người xứ sở, đã làm nên một vẻ đẹp mà Cadiere gọi là “quyến rũ nhất trong những cái quyến rũ của kinh đô”. Nó quyến rũ và “ràng buộc lâu bền” cả những khách du tưởng chừng chỉ đi ngang qua và nhìn vào kinh đô với con mắt của người ngoài cuộc.

Trong vô vàn vị khách đi ngang đó có nhà báo Steve Burrow. Sau những ngày cùng “cúng kỵ tết nhất” với Huế, Steve đã hiểu được câu trả lời của TS Trần Đức Anh Sơn: Người Huế xem nghi thức cúng kỵ là điều thiêng liêng, cần phải duy trì và trao truyền cho hậu thế. Vì vậy, dẫu việc cúng kỵ đã lấy đi khá nhiều thời gian của họ, nhưng nếu thiếu vắng những nghi lễ ấy thì không thành Tết Huế! 


Minh Tự
TIN LIÊN QUAN

Tết cổ truyền và văn hóa tiêu dùng của người Việt

QUANG ĐẠI |

Tết cổ truyền, bên cạnh ý nghĩa, giá trị văn hóa, nhìn từ góc độ thị trường, là ngày hội của văn hóa tiêu dùng, tạo động lực lưu chuyển dòng tiền, kích thích sự phát triển của nền kinh tế.

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Cận Tết, người tiêu dùng "méo mặt" vì phí ship tăng cao

Nhóm PV |

Bận rộn với công việc, bạn Nguyễn Hồng Phúc tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa lên mạng đặt ship quà Tết về biếu bố mẹ. Ấy thế nhưng ngay khi vừa nghe bên cửa hàng báo phí ship, Phúc giật mình ngã ngửa bởi phí ship quá cao.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Sau 772 ngày, Messi và Ronaldo sẽ gặp nhau?

Văn An |

Trong chương cuối sự nghiệp, Messi và Ronaldo sẽ có cơ hội gặp nhau… 

Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu Tết nội, ngoại

Phương Trang |

Biếu quà Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ, biếu quà làm sao để không làm mất lòng ai,... luôn là nỗi niềm đau đáu của các gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Tết cổ truyền và văn hóa tiêu dùng của người Việt

QUANG ĐẠI |

Tết cổ truyền, bên cạnh ý nghĩa, giá trị văn hóa, nhìn từ góc độ thị trường, là ngày hội của văn hóa tiêu dùng, tạo động lực lưu chuyển dòng tiền, kích thích sự phát triển của nền kinh tế.