Hành trình chia sẻ kế sinh nhai của người đàn ông tật nguyền

Phố Nhơn |

Mỗi khi nghĩ về một giai đoạn cuộc đời đầy chông gai đã đi qua, anh Nguyễn Trần Khiêm (SN 1966, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) lại muốn cảm ơn cuộc sống đã trui rèn cho anh một ý chí sắt đá, tinh thần không khuất phục số phận. Anh là người đã chia sẻ kế sinh nhai cho hàng trăm người khuyết tật ở huyện nghèo Vân Canh.

Gian nan học và tìm việc

Anh Nguyễn Trần Khiêm bị liệt từ nhỏ, cứ lê lết chứ không đi lại được, lên 7 tuổi thì cha mất. Lúc nhỏ, Khiêm cũng đòi mẹ cho đi học. Không hy vọng nhiều nhưng muốn con mình hòa nhập với bạn bè, hằng ngày trước khi ra đồng, người mẹ phải làm đôi chân cõng con đến lớp. Không ngờ Khiêm lại rất sáng dạ. Thấy con học được, người mẹ nghèo cũng quyết chí chăm cho con học đến cùng. Lên được vài lớp, Khiêm tự đi được với đôi nạng bé xíu. Giải thoát đôi lưng gầy gò của người mẹ là niềm vui của Khiêm. Đi nạng mỏi, Khiêm lết. Cứ thế 12 năm học phổ thông nhọc nhằn trôi qua, Khiêm thường xuyên đạt học sinh giỏi và thủ khoa môn Văn (9 điểm) khi thi tốt nghiệp THPT.

Tốt nghiệp THPT, anh Khiêm mất gần 7 năm để viết và gửi hồ sơ dự thi đại học đến nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước với niềm khao khát cháy bỏng nhưng đều không được chấp nhận. Tinh thần hiếu học và sự kiên nhẫn của anh cuối cùng đã được đền đáp, anh được chấp nhận thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khi đã quá 30 tuổi.

Đang học năm cuối thì mẹ bị bệnh mất, anh sinh viên nghèo mồ côi vẫn không gục ngã. Anh làm gia sư, đánh máy vi tính tự nuôi sống mình. Có chú sửa đồng hồ gần nhà trọ thấy thương quá nên gọi cậu sinh viên nghèo đến truyền nghề. Từ đó, anh có nghề mới mưu sinh để tiếp tục học. Năm 1997, anh Khiêm tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử - tin học, rồi lại phải mất thêm 5 năm cho hành trình xin việc. Đôi chân teo tóp vì sốt bại liệt của anh đã đến gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, công ty từ Bắc vào Nam, lên tận Tây Nguyên.

Sau những mỏi mệt, gian nan của chặng đường đi học và tìm việc, anh Khiêm trở về địa phương. Cùng với kiến thức những năm học đại học ngành điện tử - tin học và sự sáng dạ về công nghệ - kỹ thuật, anh nhận sửa chữa máy móc, đồ điện. “Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để kiếm sống, không thể để kiến thức học được phung phí vì đó là mồ hôi và nước mắt của mẹ, của chính mình”, anh Khiêm tâm sự.

Chia sẻ kế sinh nhai cho người khuyết tật

Dành dụm được bao nhiêu tiền, anh Khiêm mua dần khi thanh ram, lúc con chuột, rồi bàn phím... Gom góp dần đến năm 2005, anh ráp được chiếc máy tính đầu tiên. Chiếc máy tính có ổ cứng chỉ 2,5GB, thanh ram 128MB, bật lên khi chạy, khi treo nhưng nó đánh dấu mốc cho cuộc đời anh. “Lúc đó nhiều người thấy tôi có máy vi tính kéo đến xem. Ban đầu chỉ vài người đến học đánh chữ, sau nhu cầu lớn dần nên tìm cách sắm thêm để dạy cho họ”, anh Khiêm kể.

Sáng kiến của anh là đi mua lại máy tính ở vựa đồng nát về tận dụng, lắp ghép, sửa chữa. Lịch sử của nhiều máy tính ra đời trong hoàn cảnh như thế, nhưng giờ đã là một cơ sở đào tạo tin học liên kết với Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định. Học trò của người thầy tật nguyền này đủ đối tượng, từ học sinh đến cán bộ, con em đồng bào Ba Na, H’Re, cả nông dân cũng đến học để ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Nhưng đối tượng đặc biệt mà anh chuyên tâm đó là những người khuyết tật. Có người không tự đi được phải cõng, thậm chí mù, câm điếc, không biết chữ... anh đều nhận. Họ đến với anh để tìm chỗ dựa tinh thần, tìm cơ hội hòa nhập cộng đồng. Năm 2007, anh vận động và tìm đến Hội Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi tỉnh Bình Định xin thành lập Chi hội Người khuyết tật Niềm tin để có cơ sở pháp lý tìm nguồn tài trợ, tìm việc làm cho hội viên.

Có Chi hội, anh Khiêm trở thành người chi hội trưởng xông xáo, nhiệt tình. Không chỉ đại diện cho tiếng nói của người khuyết tật trong Chi hội tại các diễn đàn, hội nghị, anh còn lăn lộn khắp nơi để tìm nguồn tài trợ, xây dựng các nhóm tự lực để người khuyết tật được làm việc nuôi sống bản thân.

Kỹ năng dạy người câm điếc, người mù còn thiếu, anh đến các trung tâm bảo trợ xin tài liệu, xin tham gia các lớp tập huấn để đào tạo nghề cho họ. “Dạy cho người mù, câm điếc rất khó, nhiều người không biết chữ, lại không nhìn thấy, không nghe được. Một số em, gia đình đưa đến gửi nhưng còn tự ti hoặc bướng bỉnh, quậy phá chứ ít muốn học hay làm việc. Tuy nhiên, tôi có lợi thế là người khuyết tật, người đồng cảnh ngộ nên dễ nói với nhau hơn”, anh Khiêm chia sẻ.

Giai đoạn đầu Chi hội Người khuyết tật Niềm tin mới ra đời, để có kinh phí mua sắm dụng cụ làm việc cho các nhóm tự lực, có thời điểm anh phải mang nợ cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn “thế chấp” uy tín bản thân để vận động người thân người khuyết tật ủng hộ vốn… “Điên đầu” là cách nói vắn tắt khi anh Khiêm nhắc đến giai đoạn đầu hoạt động của các nhóm tự lực. 6 tháng trời, nhóm sửa chữa đồ điện tử của Chi hội không có lấy một người khách, nhiều người rất nản, bao nhiệt huyết, kỳ vọng trước đó như bị đông lại trước sự ế ẩm và thái độ nghi ngại của khách hàng khi còn chưa bước chân vào tiệm.

Song bằng sự trải nghiệm của đời mình, anh Khiêm đã tiên liệu được khó khăn này, anh vận động anh em đi tới tận nhà dân, hỏi có đồ điện hỏng hóc gì để xin sửa. Chất lượng bảo đảm, giá cả lại thấp hơn thị trường, đặc biệt thái độ làm việc vui vẻ của những anh thợ đặc biệt đã thuyết phục khách hàng để họ quay lại lần 2, lần 3… “Tôi luôn nhắc nhở anh em phải giữ lời hứa, mình là người thợ, đừng lấy sự khuyết tật để vòi vĩnh, để khách hàng phải du di về chất lượng sản phẩm. Tôi tin, trên hành trình tự lực mà tự thân mỗi người khuyết tật khao khát nhất, khi đã khắc phục được sự tự ti, người khuyết tật trở nên rất tự trọng”, anh Khiêm chia sẻ.

Hiện nay, Chi hội Người khuyết tật Niềm tin đã có hơn 150 thành viên, với 7 nhóm tự lực gồm: điện tử - tin học, chổi đót, đan lát sợi nhựa giả mây, may gia công, mộc dân dụng, điêu khắc gỗ mỹ nghệ, ươm cây keo giống. Thu nhập bình quân của mỗi người tham gia các nhóm tự lực hơn 1 triệu đồng/tháng.

Ông Phan Thanh Dũng - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bình Định, cho biết: “Chi hội Người khuyết tật Niềm tin ở huyện Vân Canh mà anh Nguyễn Trần Khiêm làm chi hội trưởng là chi hội mạnh nhất trong 8 chi hội của tỉnh. Chi hội này thành lập được nhiều nhóm tự lực, tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật có công ăn việc làm, hòa nhập với cộng đồng. Bản thân anh Khiêm rất nhiệt tình, có nhiều sáng kiến, làm việc công bằng, công minh nên có uy tín, được xã hội tin tưởng”.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Du khách hào hứng khám phá quy trình làm hồng treo gió Đà Lạt

Hữu Long |

Để cho ra những trái hồng treo gió thơm ngon, chủ vườn ở Đà Lạt phải tuyển chọn nguyên liệu kỹ càng. Những trái hồng khi được trao đến du khách không chỉ đại diện cho tinh hoa đất trời mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Đà Lạt.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.