CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH:

Những phận người từ bóng tối vươn ra

LÊ VĂN VỴ |

Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” cho thấy, người mù là những thân phận vô cùng thiệt thòi, vất vả. Nhưng với nghị lực và ý chí mãnh liệt, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức hội, hàng nghìn người mù Hà Tĩnh đã không cam chịu số phận, cần cù lao động mò mẫm trong bóng tối để vươn tới ánh sáng tương lai.

Khiếm thị vẫn học lên cử nhân Luật

Thoái hóa đốt sống lưng, cổ, những lúc thay đổi thời tiết, nhức nhối đau, tôi lại tìm đến cơ sở tẩm quất của Nguyễn Đình Tiến hay Lê Hữu Tuệ (TP Hà Tĩnh) xoa bóp, bấm huyệt. Khi đã nhẹ người, tôi đùa với Tiến: “Cảm ơn em. Đúng là người mù giúp người sáng”.

Tôi quen Tiến đã 10 năm có lẻ. Sinh năm 1982, trong gia đình nông dân nghèo ở Cẩm Xuyên, 14 tuổi đang học lớp 7, bị chấn thương, Tiến mù mắt. Tham gia Hội người mù từ năm 1996, tám năm sau, Tiến được Tỉnh hội cử ra Trung ương hội học lớp kỹ thuật viên tẩm quất tại Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng người mù.

Người khiếm thị làm dịch vụ tẩm quất, mát xa tại cơ sở của Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Người khiếm thị làm dịch vụ tẩm quất, mát-xa tại cơ sở của Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Mãn khóa, Tiến ở lại hành nghề tại trung tâm, sau đó, vừa hành nghề vừa hoàn thành chương trình THPT, tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân Luật kinh tế tại Viện Đại học Mở Hà Nội.

Trở về quê, công tác ở Hội người mù Cẩm Xuyên, bén duyên với chị Trần Thị Phượng (quê xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà), có với nhau 3 mặt con. Bạn bè mừng cho Tiến nên duyên với người vợ vừa duyên, vừa xinh, vừa hiền. Năm 2017, hai vợ chồng mở cơ sở tẩm quất tại phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, trước để lo cuộc sống, sau nữa có chỗ mưu sinh cho bạn bè cùng cảnh ngộ.

Đang yên, đang lành, vợ bị bệnh, hết viêm khớp, rối loạn tiền đình lại u gan. Có hôm, Tiến gọi tôi báo tin không lành: “Tối nay, em phải gửi ba cháu cho bà ngoại, đưa vợ đi Hà Nội khám và điều trị bác ơi”. Tôi đọc được trong giọng nói, trong âm sắc sự lo lắng, bất an và cầu mong bình an đến với vợ chồng Tiến.

Trở về từ bệnh viện, Phượng sức khỏe suy kiệt, chỉ tập trung chữa bệnh. Tiền ăn, học, tiền sữa của 3 con, tiền thuốc thang chữa bệnh cho vợ, tiền điện, nước... tất tần tật trông chờ ở bàn tay tẩm quất của Tiến. Thương chồng, thương con, vợ Tiến phàn nàn: “Anh Tiến tưởng lấy được vợ sáng có nhờ, ai ngờ trái khoáy, vợ sáng cậy chồng mù”.

Nói vậy nhưng Tiến và Phượng còn tổ chức được đời sống gia đình, ngày ba bữa bếp nổi lửa, vẫn có những khoảnh khắc “Râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Còn Bùi Thị Hòa (sinh 1989, Hương Khê) muốn nấu cho chồng Trần Văn Hương (sinh 1987, Kỳ Anh) bữa cơm cũng không có điều kiện.

Sinh ra trong gia đình đông con, năm 2017, Hương bị mù mắt trái, một năm sau, mắt phải cũng mù hẳn. Càng lớn, Hương càng khỏe mạnh, đẹp trai. Thương con, bố mẹ Hương căn dặn: “Con đã không may bị khiếm thị, nếu nên duyên, phải lứa thì kiếm người sáng mắt mà cậy nhờ lâu dài”.

Ba năm sau, ước nguyện của bố mẹ thành sự thật. Một thiếu nữ cùng làng sáng mắt, phải lòng Hương và nên duyên chồng vợ, sinh cho ông bà hai cháu nội một trai, một gái kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc không bền. Hết duyên, người vợ bỏ Hương đi lao động xứ người.

Trong lúc đau khổ, Hương cậy nhờ ông bà nội nuôi hai cháu để anh ra Tỉnh hội học nghề tẩm quất. Mãn khóa, Hương ở lại Tỉnh hội hành nghề, đúng vào dịp COVID-19 hoành hành.

Hương gặp Bùi Thị Hòa đến từ Hương Khê, cùng tẩm quất ở Tỉnh hội. Hai người bén duyên nhau và cuối năm 2021, bé trai ra đời. Hai vợ chồng thuê nhà trọ sinh sống. Dịch bệnh, không có khách tẩm quất, tiền thuê nhà, điện nước quá tải, vợ chồng Hương gửi con cho bố mẹ ở quê, xin cơ quan vào nội trú.

Phòng nội trú rộng 25 mét vuông, kê 6 giường tầng làm chỗ nghỉ cho kỹ thuật viên, do vậy không có phòng, bếp dành cho gia đình, cá nhân tổ chức bữa ăn.

Rất may là cơ quan có bác Minh bảo vệ nấu cơm cho hội viên nội trú. Ngày 2 lần, mỗi lần 15 nghìn đồng. Hai vợ chồng Hương chi 60 nghìn tiền ăn/ngày, còn tích cóp được đồng nào, dành dụm gửi về cho ông bà nội để nuôi ba con ăn học.

Gian nan tìm ánh sáng hạnh phúc

Vợ chồng Hương còn có “hậu phương” để nhờ, còn vợ chồng Nguyễn Quang Tứ (sinh 1971, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) tự thân, tự lập. Còn nhớ, cách đây 15 năm, tôi tìm đến Tứ để viết về tấm gương người mù dạy chữ Brai...

Câu chuyện cuộc đời Tứ sang trang kể từ khi kết thúc lớp dạy chữ Brai cho người mù Cẩm Xuyên. Cô Cẩm, hàng ngày chở chị đến lớp học rồi phải lòng thầy Nguyễn Quang Tứ và trở thành vợ chồng. Kể từ đó, những lúc Tứ vào Tỉnh hội hay đến các huyện hội khác dạy chữ Brai, Cẩm chở Tứ lên bến xe rồi trở về xoay tròn với công việc gia đình.

Cảm thông với hoàn cảnh của Tứ, Công ty Gạch tuy nen Sơn Bình nhận Cẩm vào làm việc, từ đó vợ chồng có cuộc sống ổn định. Nhưng thời gian không lâu, công ty gạch giải thể, Cẩm thất nghiệp, Tứ phải xoay sang nghề tẩm quất mưu sinh để nuôi vợ và ba con ăn học.

Để hành nghề, Tứ táo bạo ra thành phố Vinh, tìm đến ga Vinh - nơi một thời vang bóng với nghề tẩm quất dạo. Quăng quật mưu sinh, nhưng đầu tắt, mặt tối không đủ chi tiêu, Tứ lại chuyển cơ sở xuống Bến Thủy (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Cuộc sống vất vả nhưng đang dần ổn định, thì tai họa bất ngờ ập xuống. Cẩm - người vợ hiền lành sát cánh cùng chồng - bị ung thư. Đưa vợ lên tàu ra Hà Nội khám và chữa bệnh, đã vài chục lần xạ trị, Tứ tiều tụy, sạm đen. Vợ chồng đang lăn lóc chống chọi với lưỡi hái thần chết ở bệnh viện, thì ở nhà con bị bỏng nặng. Tứ lại phải ôm con đi viện. Tiền làm nghề tẩm quất tích lũy chẳng được bao nhiêu, thế là phải vay nợ.

Nhưng, Tứ còn có vợ và ba con để mà hy vọng, còn hai anh em ruột Võ Văn Hạnh (sinh năm 1988), Võ Thị Phương (sinh năm 1996) bị mù bẩm sinh trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Cẩm Xuyên.

Cả hai anh em ra tỉnh hội học nghề tẩm quất mang hy vọng đổi đời, nhưng bệnh suy thận đã khiến Phương phải dừng công việc. Mỗi tuần, Hạnh chở em gái ra bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh chạy thận 3 lần. “May mà còn có nghề tẩm quất để nuôi em chạy thận” - Hạnh nghẹn ngào nói trong hơi thở nặng nhọc.

Chị Nguyễn Thị Phương đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Chị Nguyễn Thị Phương đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Nghề tẩm quất, bấm huyệt đối với người mù đã làm đổi đời nhiều thân phận. Đôi bàn tay vàng đã giúp Công (huyện Can Lộc) xây dựng được thương hiệu tẩm quất tại gia. Khách hàng hài lòng, sẵn sàng mở hầu bao nên Công đã xây được nhà, nuôi được vợ con.

Trong số hàng chục hội viên thành đạt, tiêu biểu có vợ chồng Nguyễn Đình Thân và Bùi Thị Thùy Dung (Thị trấn Đức Thọ) đi lên từ nghề tẩm quất, mở được cơ sở, không chỉ ổn định cuộc sống gia đình mình mà còn giúp bạn bè cũng khiếm thị như mình mưu sinh từ hai bàn tay.

Gia đình anh chị Nguyễn Đình Thân và Bùi Thị Thùy Dung (Thị trấn Đức Thọ). Ảnh: Lê Văn Vỵ
Gia đình anh chị Nguyễn Đình Thân và Bùi Thị Thùy Dung (Thị trấn Đức Thọ). Ảnh: Lê Văn Vỵ

Được hỏi về mơ ước, Thân nhỏ nhẹ: “Em và bạn bè hoàn cảnh như em mong muốn Tỉnh hội tổ chức được lớp tập huấn nâng cao tay nghề để phục vụ khách hàng tốt hơn. Có việc làm, chúng em tự kiếm sống, không phải lệ thuộc, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Em mong ước khách hàng lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chúng em để mỗi ngày, trung bình mỗi người có thu nhập ổn định 100 nghìn đồng, mà sao khó quá”.

Còn Thùy Dung mơ ước: “Em mong tất cả người mù mắt sáng ra để không chỉ tổ chức cuộc sống chính mình mà còn đóng góp cho cộng đồng, xã hội”.

Nói xong, vợ chồng Thùy Dung bế con bằng lòng cho tôi chụp bức ảnh về hạnh phúc gia đình họ.

LÊ VĂN VỴ
TIN LIÊN QUAN

Ánh sáng, niềm tin yêu nơi cuối con đường

An Ngọc |

Những nốt thăng trầm của cuộc đời và những khoảnh khắc muốn buông bỏ là lúc những người lao động chất phác, hồn hậu đi đến tận cùng của mệt mỏi, bi quan. “Tiếp tục hay buông bỏ?” là cuộc đấu tranh thầm lặng nhưng đầy day dứt… Nhưng cuối cùng, vượt lên tất cả, chính tình người, sự ấm áp của tổ chức công đoàn đã thắp lên niềm tin, nghị lực sống.

Bộ đội biên phòng cùng Đoàn thanh niên mang ánh sáng về xóm làng không điện

Tân Văn |

Cao Bằng - Đồn biên phòng Xuân Trường vừa phối hợp Đoàn thanh niên xã Khánh Xuân dựng 65 cột đèn tại xóm Mác Nẻng - một trong những xóm “trắng” điện lưới quốc gia.

Đã đến lúc Cole Palmer bước ra ánh sáng

An An |

Với phong độ bùng nổ trong màu áo Chelsea mùa này, Cole Palmer xứng đáng được Gareth Southgate tin tưởng tại EURO 2024.

Thiên Khôi Group: Quy mô 28.000 nhân sự nhưng chỉ đăng ký thuế 5 lao động

NHÓM PV |

Theo giới thiệu, Thiên Khôi Group có 300 khối/phòng kinh doanh; 1.900 lãnh đạo và quản lý các cấp; 28.000 nhân sự… Tuy nhiên, thông tin đăng ký thuế cho thấy, tổng số lao động của công ty chỉ vỏn vẹn 5 người.

Làm rõ trách nhiệm vụ loạt trường học ở Ninh Thuận chi vượt ngân sách

Hữu Long |

Ninh Thuận - Ngành giáo dục đang làm rõ trách nhiệm lãnh đạo các trường sử dụng nguồn kinh phí được giao chưa đúng quy định, trong đó có tình trạng chi vượt dự toán ngân sách năm 2023 nhiều tỉ đồng.

Nga xây nhà máy hạt nhân đầu tiên ở Trung Á

Khánh Minh |

Nga sẽ xây dựng một nhà máy hạt nhân ở Uzbekistan, dự án đầu tiên ở Trung Á thời hậu Xô Viết.

Bên trong những phòng "karaoke mini" 3m2 ở Hà Nội

Trần Tuấn - Đền Phú |

Mô hình kinh doanh "karaoke mini" đang nở rộ ở Hà Nội trong bối cảnh nhiều quán karaoke không đảm bảo yêu cầu PCCC theo quy định đã phải đóng cửa.

Michelin gợi ý quán ăn ngon từ bình dân đến sang trọng ở Hà Nội

Thanh Hải |

Michelin Guide gợi ý loạt điểm ăn uống mang hương vị châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng cho du khách nước ngoài đến du lịch tại Hà Nội.

Ánh sáng, niềm tin yêu nơi cuối con đường

An Ngọc |

Những nốt thăng trầm của cuộc đời và những khoảnh khắc muốn buông bỏ là lúc những người lao động chất phác, hồn hậu đi đến tận cùng của mệt mỏi, bi quan. “Tiếp tục hay buông bỏ?” là cuộc đấu tranh thầm lặng nhưng đầy day dứt… Nhưng cuối cùng, vượt lên tất cả, chính tình người, sự ấm áp của tổ chức công đoàn đã thắp lên niềm tin, nghị lực sống.

Bộ đội biên phòng cùng Đoàn thanh niên mang ánh sáng về xóm làng không điện

Tân Văn |

Cao Bằng - Đồn biên phòng Xuân Trường vừa phối hợp Đoàn thanh niên xã Khánh Xuân dựng 65 cột đèn tại xóm Mác Nẻng - một trong những xóm “trắng” điện lưới quốc gia.

Đã đến lúc Cole Palmer bước ra ánh sáng

An An |

Với phong độ bùng nổ trong màu áo Chelsea mùa này, Cole Palmer xứng đáng được Gareth Southgate tin tưởng tại EURO 2024.