Nở rộ "karaoke mini"
Mỗi thứ 7, anh Phan Tuấn Phong (22 tuổi, quận Nam Từ Liêm) và bạn bè lại tụ tập sau một tuần làm việc. Sau khi đi ăn, cả nhóm thường ra khu vực công viên, nơi có các quán trà chanh có loa kéo để hát karaoke.
Nhưng thời gian gần đây, anh Tuấn Phong lựa chọn dịch vụ "karaoke mini" để cùng bạn bè thỏa mãn đam mê ca hát. Tại đây, khách hàng có thể riêng tư cùng bạn bè hát như quán karaoke truyền thống mà chi phí lại rẻ hơn.
Anh Tuấn Phong chia sẻ: "Tôi cùng bạn bè lựa chọn loại hình này tiện lợi và giá thành phù hợp với sinh viên và người mới đi làm".
Chị Nguyễn Thị Tuyết (20 tuổi, sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) là khách hàng quen tại các quán "karaoke mini" trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Chị Tuyết cho hay, dịch vụ "karaoke box" trước đây chủ yếu xuất hiện trong các trung tâm thương mại nhưng nay đã phát triển thành các quán "karaoke mini", xuất hiện tại nhiều quận nội thành Hà Nội.
“Giá thuê phòng hát dao động từ 60.000 đồng - 110.000 đồng/giờ. Tối đa 3 người sử dụng”, Tuyết cho biết.
Nữ sinh viên cũng cho biết thêm, đến phòng "karaoke mini" thoải mái nhất là không bị tiếp thị bia, rượu làm phiền hay bị ép mua các đĩa hoa quả đắt tiền như quán karaoke truyền thống.
Bên cạnh đó, 1 số phòng cũng trang bị thêm một số nhạc cụ như lắc tay tambourine, kèn để tự đệm hát.
Theo khảo sát của phóng viên Lao Động, số đơn vị kinh doanh "karaoke mini" có xu hướng tăng nhanh hơn một năm trở lại đây. Tập trung nhiều ở quận Cầu Giấy - nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, đông sinh viên; và một số quận trung tâm khác như Đống Đa, Ba Đình.
Các cơ sở này mở cửa từ 9h sáng đến nửa đêm, khách hàng đa phần là học sinh, sinh viên và người đi làm dưới 35 tuổi.
Mối lo phòng cháy chữa cháy
Theo ghi nhận tại một quán "karaoke mini" trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), lượng khách hàng đến đây khá đông. Giờ cao điểm từ 21 - 23h, đỉnh điểm có khoảng 50 khách xếp hàng chờ hát.
Tại cơ sở này, có khoảng 15 phòng để cho khách sử dụng. Mỗi phòng rộng khoảng 2 - 3m2.
Các phòng được trang bị đầy đủ thiết bị như một phòng karaoke bình thường gồm có dàn âm thanh, mic, màn hình cảm ứng kết nối mạng Internet, 2 chiếc ghế nhỏ và 1 chiếc ghế dài cho nhóm đông.
Bên cạnh đó, các phòng đều được lắp các thiết bị cách âm và điều hòa nhiệt độ riêng biệt. Ngoài ra còn có hệ thống đèn LED.
Tuy vậy, tại mỗi phòng hát của cơ sở này đều không được trang bị những thiết bị PCCC cơ bản như bình cứu hỏa, thiết bị báo cháy...
Tại 1 quán "karaoke mini" khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực hát được chia làm 2 tầng: tầng 1 gồm 8 phòng và tầng 2 có 3 phòng.
Khu vực tầng 2 của cơ sở kinh doanh này là phần tận dụng của một gác xép được chia làm các phòng nhỏ cho khách sử dụng. Lối lên tầng chỉ có một cầu thang rộng chưa tới 1m.
Giá cho một lần sử dụng dịch vụ ở đây vào khoảng 60.000 đồng/giờ. Vào khung giờ từ 18h - 23h các ngày cuối tuần, giá cho một giờ hát là 110.000 đồng.
Anh Ngô Quốc Huy (20 tuổi, Hưng Yên) nhân viên tại cơ sở "karaoke mini" nói: "Cuối tuần đông khách hơn ngày thường. Đối tượng khách hàng chủ yếu là sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy".
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội) - cho biết, dù tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ nhưng các quán "karaoke mini" này hiện đang không thuộc diện phải quản lý về PCCC khiến công tác kiểm tra, xử lý về PCCC của lực lượng chức năng đối với các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.