QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI):

Còn băn khoăn về tăng tuổi nghỉ hưu

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Ngày 29.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự luật nhận được sự quan tâm của đại biểu và dư luận là đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm. Hiện còn rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

ĐBQH, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường: Nếu tăng giờ làm thêm, phải tăng lương lũy tiến

 
Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 29.5. Ảnh: C.N

Phát biểu thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 29.5, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, xu hướng của thế giới là giảm giờ làm, tăng dần giờ nghỉ. Thực tế doanh nghiệp có mong muốn tăng giờ làm vì đơn hàng thời vụ cần nhiều nguồn lực phải làm thêm. Theo Chủ tịch Bùi Văn Cường, một bộ phận người lao động nhất là ở quê, xã có nguyện vọng làm thêm để họ tăng thu nhập. Từ đó, chúng ta cần phải dung hòa. Về nguyên tắc là không khuyến khích vì nó sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như tai nạn lao động, sức khỏe, gia đình...

“Chúng ta không mong muốn nhưng có thực tế như vậy nên cần cân nhắc tính toán. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là đồng ý tăng giờ làm thêm nhưng lương phải tăng luỹ tiến để doanh nghiệp rất cân nhắc có tăng hay không” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói và cho biết thêm ở trong luật, Chính phủ khuyến khích tuần làm việc 40 giờ. Chúng tôi đề nghị làm việc 44 giờ/tuần, còn đối với cơ quan hành chính là 40 giờ/tuần. Vậy nên, cần nghiên cứu kỹ thêm về vấn đề này.

Còn về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo Chủ tịch Bùi Văn Cường thì phía Tổng LĐLĐVN cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên, một số bộ phận người lao động trực tiếp có nguyện vọng không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Cũng từ nhiều ý kiến khác nhau như vậy nên chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TPHCM): Cần đứng về phần đông người lao động (NLĐ)

 

Tôi không đồng ý đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Những giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH - cơ quan soạn thảo) rằng tăng tuổi nghỉ hưu để chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số, chuẩn bị lực lượng lao động, yêu cầu cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH)… là chưa thuyết phục. Một số chứng minh mà Bộ LĐTBXH đưa ra về một số quốc gia có tình trạng dân số tương tự, lực lượng lao động như Việt Nam... cũng chưa đủ thuyết phục.

Hiện nay, lực lượng lao động của Việt Nam, như ở TPHCM, nhóm lao động kỹ thuật thấp với hầu hết là công nhân trực tiếp tham gia giai đoạn gia công các sản phẩm, bán thành phẩm, lao động chân tay rất nhiều - chiếm tỉ lệ 70%. Đó là chưa tính các lực lượng lao động khác hiện chưa tham gia BHXH và không nằm trong tác động của luật. NLĐ sẵn sàng nghỉ để bảo đảm sức khỏe chứ không thể đeo đuổi đến tận 60 tuổi để nghỉ hưu theo luật được. Chắc chắn là như vậy, nếu suy nghĩ theo góc độ của NLĐ thì không tăng tuổi nghỉ hưu.

Liên đoàn Lao động TPHCM thường xuyên gặp gỡ NLĐ nhận thấy bệnh nghề nghiệp mà NLĐ đang gặp phải là một vấn đề lớn mà Luật Lao động phải nhìn thấy để có tính toán. Đó là chưa kể các doanh nghiệp thường có xu hướng sa thải NLĐ tầm 40-45 tuổi để chọn lao động trẻ hơn thay thế. Nếu bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu lên, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ không thể nào giữ được việc.

Nếu Quốc hội biểu quyết tăng tuổi hưu thì phải chia nhóm ra. Nhưng liệu BHXH có chia nhóm ra để thanh toán lương hưu cho NLĐ hay không? Tôi thấy cần phải làm rõ việc này.

Còn về quy định tăng giờ làm thêm, theo tôi nếu tăng giờ làm thêm thì phải giảm giờ làm chính thức để NLĐ có cơ hội để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Hoặc làm thêm thì chủ sử dụng phải trả tiền cao hơn, tăng theo lũy tiến.

Hiện nay, Nghị định của Chính phủ đã có quy định dành cho các chuyên gia hết tuổi làm quản lý có thể tiếp tục công tác ở các vị trí giảng dạy, hoặc nghiên cứu và phục vụ cho lĩnh vực họ thực hiện. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần đứng về phần đông NLĐ để tính toán.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần bổ sung danh mục các công việc, ngành nghề được nghỉ hưu sớm

 

Trong dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến băn khoăn nhất.

Với phương án đưa ra của dự Luật là tuổi hưu tăng lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất này của Chính phủ chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới. Trong khi đó, khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe, mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội cùng các yếu tố ảnh hưởng khác.

Chính phủ cũng cần đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan. Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu.

Một vấn đề nữa cũng cần được làm rõ, là Chính phủ cần rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu; bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Tăng giờ làm thêm có đi ngược cách mạng 4.0?

 

Về quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động về mở rộng giờ làm thêm, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn 2 vấn đề.

Đầu tiên, việc này có dẫn đến lạm dụng thời giờ làm việc ở khu vực lao động phổ thông, lao động chân tay không? Vì thời gian làm thêm tăng từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, tức là tăng 1,5 lần. Nếu không có quy định chặt chẽ sẽ xảy ra việc lạm dụng giờ làm việc, nhất là ở khu vực tư.

Trên thực tế, với phần đông NLĐ, thu nhập duy nhất của họ là tiền lương. Lợi dụng tâm lý đó, chủ doanh nghiệp đã tạo ra những cơ hội, nhưng thực chất là cưỡng bức lao động, buộc NLĐ phải làm thêm mới đủ sống.

Nếu chúng ta quy định, việc tăng giờ làm thêm dựa trên thỏa thuận giữa NLĐ và chủ sử dụng, nhưng phải đặt ra khả năng: Sự thỏa thuận này dựa trên sự cưỡng bức. Tôi lấy ví dụ, công nhân ở khu công nghiệp không còn cách nào khác, chỉ có thể làm tăng ca mới có thêm khoản thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu hằng ngày vì lương họ được trả quá thấp.

Thứ hai, chúng ta cần cân nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như chúng ta tăng thời gian làm việc lên là đi ngược xu thế cơ động hóa, công nghiệp hóa. Khi áp dụng tiến bộ của cuộc cách mạng lần thứ 4 là giảm giờ làm xuống, giảm áp lực lao động đi, giải phóng sức lao động sản xuất.

Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo Bộ luật phải lý giải tường minh về việc này. Nếu tăng giờ làm để tận dụng giá trị gia tăng của khu vực trí thức thì có thể khuyến khích, còn tăng giờ làm để gia tăng bóc lột sức lao động, theo tôi là điều cấm kỵ.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng cần có quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu, có lộ trình để tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Ngoài ra, cần phân biệt bình đẳng giữa nam và nữ không có nghĩa là tuổi nghỉ hưu phải ngang bằng nhau.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang): Cần tiếp cận ở góc độ cơ hội và quyền lợi của NLĐ

 

Theo tôi, tuổi hưu cần được tiếp cận dưới 2 góc độ: Cơ hội được tiếp tục cống hiến và quyền được nghỉ hưu sớm. Ai muốn lao động ở độ tuổi cao hơn và có điều kiện cống hiến lao động thì phải trao cơ hội và ngược lại.

Một thực tế là nếu không có cơ hội cho NLĐ trình độ cao đáp ứng được mong muốn, nhu cầu được lao động sẽ kéo theo nhiều câu chuyện. Đơn cử chuyện vì quy định trần tuổi nghỉ hưu hiện nay nên đa phần phụ nữ ở các tỉnh/thành khi 45 tuổi đều phải ra khỏi quy hoạch. Bởi theo quy định, cán bộ ít nhất phải tham gia được 2 nhiệm kỳ mới được đưa vào quy hoạch, mà nếu 2 nhiệm kỳ thì 45 tuổi đã hết tuổi quy hoạch.

Ngoài ra, người lao động có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều là nhóm lao động thấp hơn. Chúng tôi đi thực tế ở 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực đồng bằng thấy rằng, lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non,… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm. Nhóm lao động cao thì hãy tạo cho họ cơ hội tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn.

ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (đoàn TPHCM): Cần cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

 

Tôi nhớ đã tham khảo nhiều bài báo, bài viết của các nhà nghiên cứu cho thấy, trong các cuộc khảo sát với NLĐ, hầu như NLĐ đều mong muốn giữ tuổi lao động như hiện tại. Một số người trong cấp quản lý có thể có ý kiến khác nhưng tỉ lệ không cao.

Ngoài ra hiện nay, mỗi năm lực lượng sinh viên tốt nghiệp rất lớn, lao động còn dư thừa nhiều. Khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động về vấn đề này chưa? Liệu có làm lực lượng thất nghiệp tăng lên không? Nếu đã đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo phải công bố điều này, nếu không cần cân nhắc vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận): Nên giữ nguyên làm thêm giờ như luật hiện nay

 

Những ý kiến nói doanh nghiệp muốn tận dụng tay nghề của người lao động đang làm việc cho họ bằng việc làm thêm giờ chỉ là một xu hướng. Còn một xu hướng khác là chủ sử dụng lao động tận dụng bằng được thời gian làm chính thức theo quy định để giảm làm thêm đi, vì nếu làm thêm doanh nghiệp phải trả cho NLĐ rất nhiều tiền. Từ xu hướng này, tôi cho rằng cần phải xem xét đầy đủ hơn về tăng giờ làm thêm.

Về tuổi nghỉ hưu, tôi ủng hộ quan điểm cần xem xét lại việc tăng tuổi hưu. Nhiều đối tượng lao động trực tiếp, kể cả lực lượng lao động trong ngành y tế, giáo dục rất phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Mặc dù có nhiều giải thích như tuổi thọ tăng lên, nhưng theo tôi, tuổi thọ tăng không có nghĩa sức khoẻ cũng tăng. Ở nước ngoài, người 70 tuổi vẫn lái xe, nhưng ở Việt Nam thì bệnh tật nhiều, tuổi thọ tăng không đồng nghĩa với sức khoẻ tăng theo.

Hay đối với đối tượng giáo viên mầm non ở nông thôn, nhiều cô giáo nói “trẻ con giờ chỉ thích các cô giáo trẻ vừa xinh, hát hay, múa giỏi, mấy bà giáo già không làm gì được”. Hơn nữa, ở nông thôn, ngoài giờ dạy, có người vẫn còn phải làm công việc đồng áng của gia đình, rất vất vả, nên họ chỉ chờ được nghỉ hưu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi: Cần có danh mục ngành, nghề được làm thêm giờ

 

Về mở khung giờ làm thêm cho NLĐ, bản chất luật trước đây cũng đã từng quy định thời gian làm thêm tối đa đến 400 giờ, sau đó quá trình đấu tranh giai cấp công nhân tăng lương giảm giờ làm. Nên chúng ta đưa từ 400 xuống còn 300 giờ. Vậy, tại sao lần này chúng ta phải nâng trở lại thêm 100 giờ? Có hai lý do: Thứ nhất, do sự thoả thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Cả hai bên đều muốn làm thêm để giải quyết một số công việc có tính chất thời vụ.

Thêm nữa, NLĐ cũng muốn lao động để tăng thêm thu nhập, vì bản chất tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ.

Thứ hai, qua tổng kết Bộ luật Lao động, thực tế không quy định làm việc tối đa trên 300 giờ nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã “phá rào” và làm việc đến 400 giờ, thậm chí còn hơn. Điều này đều được thoả thuận từ NLĐ.

Như vậy, từ hai lý do này Chính phủ cũng muốn luật hoá để đảm bảo cho NLĐ và chủ sử dụng lao động tham gia sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý đã làm thêm giờ thì cần đánh giá tác động vấn đề năng suất, vấn đề giải quyết thời vụ cho doanh nghiệp, nhưng cần đánh giá NLĐ sức khoẻ có đảm bảo không?

Tôi đề nghị Chính phủ phải có danh mục của các ngành nghề để lấy thêm ý kiến. Để khẳng định chỉ có ngành nghề đó mới được làm thêm, sau này tính tuân thủ pháp luật quản lý chặt chẽ hơn.

Về một số đề xuất trả tiền làm thêm giờ tăng theo lũy tiến, tôi đề nghị Chính phủ lưu ý: Cần có thêm một câu “Việc tăng tiền luỹ tiến làm thêm giờ thứ 301 trở lên thì do thương lượng tập thể của xí nghiệp, doanh nghiệp đó quyết định”.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Người lao động sẽ được quyền nghỉ hưu sớm

 

Có thể nói mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được xu hướng già hoá dân số vào năm 2035.

Độ tuổi lao động nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay là 60 đối với nam, nữ là 55. Quy định này tồn tại từ những năm 1961 - tức là hơn 60 năm giữ độ tuổi trên. Nhưng ở thời điểm đưa ra quy định này, bình quân tuổi thọ của người VN mới được trên 45 tuổi, mà tới nay tuổi thọ bình quân của người VN đang là 76,6 tuổi. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm này là phù hợp.

Tôi muốn nhấn mạnh, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là theo lộ trình. Theo phương án 1, đến năm 2028, lao động nam mới nghỉ hưu ở tuổi 62, năm 2035 nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng đây là với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường…

Còn với trường hợp suy giảm sức khỏe, lao động trong điều kiện đặc biệt, nặng nhọc, độc hại sẽ có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Đi liền với đó, chúng tôi đang thiết kế những chính sách để NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, được hưởng chính sách theo quy định hiện hành, chứ không bắt cứng NLĐ cứ phải đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm mới được nghỉ hưu.

Ngoài ra, cũng phải làm rõ tăng tuổi nghỉ hưu không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu, nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau.

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Trăn trở tăng tuổi nghỉ hưu khi có hàng triệu lao động đang thất nghiệp

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết, Công đoàn đồng tình chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, song cần tính toán rất kỹ trong bối cảnh Việt Nam đang có hàng triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân.

Tranh luận đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Vì sao nam thêm 2, nữ thêm 5?

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Chiều 29.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những vấn đề được đại biểu tranh luận là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 - thêm 5 tuổi so với hiện nay; còn nam lên 62 - chỉ thêm 2 tuổi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người lao động sẽ được chọn quyền nghỉ hưu sớm

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung |

Bên hành lang Quốc hội sáng 29.5, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao đổi với báo chí quanh những điểm mới và nội dung còn nhiều tranh cãi về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Trăn trở tăng tuổi nghỉ hưu khi có hàng triệu lao động đang thất nghiệp

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết, Công đoàn đồng tình chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, song cần tính toán rất kỹ trong bối cảnh Việt Nam đang có hàng triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân.

Tranh luận đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Vì sao nam thêm 2, nữ thêm 5?

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung |

Chiều 29.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những vấn đề được đại biểu tranh luận là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 - thêm 5 tuổi so với hiện nay; còn nam lên 62 - chỉ thêm 2 tuổi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người lao động sẽ được chọn quyền nghỉ hưu sớm

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung |

Bên hành lang Quốc hội sáng 29.5, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao đổi với báo chí quanh những điểm mới và nội dung còn nhiều tranh cãi về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).