Thúc đẩy công nghiệp sáng tạo trên hạ tầng số: Đòi hỏi sự quyết liệt của cơ quan quản lý

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam |

Trong thời đại phát triển công nghệ như vũ bão và sự xóa nhòa các yếu tố ngăn cách địa lý, việc chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đang dần trở thành xu thế không thể xem nhẹ và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới. Nắm bắt được điều này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành kinh tế mới tại Việt Nam, giá trị tạo nên đã thể hiện sự góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Phát triển nền công nghiệp văn hóa tức là chú trọng các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, thông qua khai thác những giá trị văn hóa có ý nghĩa xã hội và dân tộc để thu về những nguồn lợi kinh tế. Internet chính là phương tiện hữu hiệu để thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trên Internet, không còn khoảng cách địa lý ngăn trở nào giữa các loại hình văn hóa nghệ thuật. Sự sáng tạo của mỗi tác giả đều có thể phục vụ cho bất kỳ khán thính giả nào ở mọi vùng miền trên địa cầu. Chỉ với một chiếc máy tính hay smartphone có kết nối internet, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng chủ động tiếp cận với thế giới giải trí đa dạng và phong phú. Các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Tiktok... đang ngày càng đóng vai trò thiết yếu, định hướng luồng dư luận cũng như tạo lập các tư tưởng văn hóa mới mà Nhà nước cần can thiệp, điều chỉnh vì mục tiêu chung.

Việc bảo vệ quyền lợi và sức sáng tạo của các chủ thể văn hóa, của các nhà sáng tạo Việt Nam trên môi trường internet là yêu cầu tiên quyết để phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Bất kỳ rào cản nào trên con đường hướng tới mục tiêu trên đều phải được tháo gỡ. Mọi hành vi xâm phạm, cưỡng đoạt quyền của các tác giả, chủ thể sáng tạo cũng đều phải được nghiêm trị. Cơ chế xử lý vi phạm cần được cải tiến, giảm thiểu để giúp các nhà sáng tạo Việt Nam bảo vệ quyền lợi một cách hữu hiệu.

Mỗi vụ việc xâm phạm quyền lợi vật chất hoặc tinh thần của các chủ thể sáng tạo trên hạ tầng số không những xâm phạm nguyên tắc pháp chế XHCN, mà còn làm thui chột cảm hứng sáng tạo của mỗi nhà sáng tạo Việt Nam. Sự bức xúc, phẫn nộ khi tích tụ đến một lúc nào đó thì tức là chúng ta sẽ mất đi một tâm hồn nghệ thuật.

Cùng với những lợi ích mà Internet mang lại, chính bản thân nó đã làm nảy sinh ra nhiều loại hình tội phạm mới, tinh vi hơn và khó xử lý hơn. Có thể việc xử lý không khó về nguyên tắc pháp lý, nhưng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng ở các quốc gia khác nhau với những thể chế chính trị và quan điểm pháp lý tương đối khác biệt. Ví dụ dễ thấy nhất là sự xuất hiện loại hình vi phạm mang tính chất chiếm đoạt quyền tác giả, lừa đảo trên không gian mạng. Hành vi có dấu hiệu tống tiền các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam đã gây ra sự bức xúc, phẫn nộ đáng kể cho các YouTuber Việt Nam. Đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan chức năng nào có thể xử lý triệt để được vụ việc.

Đầu tháng 3.2024, khá nhiều YouTube tại Việt Nam đã bị một chủ thể xưng tên là Công ty T.N ở hải ngoại “đánh gậy” bản quyền. Có thể kể tên ở đây như: Karaoke Nhật Nguyễn, Hiếu Organ, Ý Linh Official... Đây là các kênh YouTube của các nhà sáng tạo Việt Nam có số lượng từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt đăng ký. Các kênh YouTube này đã góp phần quảng bá văn hóa vùng miền, cảnh quan đất nước, con người, tinh thần dân tộc, cùng chung sức vì mục tiêu phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

“Gậy” bản quyền YouTube là hành động cảnh báo vi phạm bản quyền ở mức cao nhất của nền tảng mạng xã hội YouTube. Nếu một kênh bị một bên khác đánh 3 “gậy”, sẽ bị sập kênh, các video dính “gậy” sẽ bị gỡ xuống khỏi YouTube ngay lập tức. Lý do là video đó sử dụng nội dung được bảo vệ bản quyền YouTube cho người khác. Đi kèm với các “gậy”, mà chủ thể T.N ở hải ngoại còn gửi hồ sơ khởi kiện gồm Giấy báo nhận đơn, đơn khởi kiện, giấy tờ pháp nhân công ty T.N nộp cho YouTube nhằm khiến cho chủ kênh không thể khôi phục được video. Các tài liệu kèm theo này chứa đựng nhiều dấu hiệu giả mạo, không đúng sự thật. Vấn đề cần khẳng định rõ ràng là các video bị đánh “gậy” trên không hề thuộc sở hữu của chủ thể T.N ở hải ngoại. Các video này hoàn toàn thuộc sở hữu của các nhà sáng tạo tại Việt Nam. T.N đã cố tình “nhận vơ” video thuộc bản quyền của mình, đi kèm theo là các giấy tờ có dấu hiệu giả mạo để gây sức ép cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam.

Điều này đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng trong vận hành kênh và doanh thu tài chính cho các chủ sở hữu kênh. Để kháng được các “gậy” này đòi hỏi nhiều thao tác kỹ thuật - pháp lý cũng như cần nhiều thời gian xử lý kéo dài.

YouTube không phải là chủ thể có quyền ra phán quyết ai là chủ sở hữu tác phẩm, đặc biệt lại là tranh chấp ở nước khác như tại Việt Nam. Quyền phán xử này thuộc về tòa án các nước. Khi có phán quyết của tòa án thì YouTube mới cho khôi phục lại kênh cho chủ sở hữu được xác định. Tại Việt Nam, mọi người đều thấy được thực tế là các vụ kiện bản quyền này phức tạp, kéo dài với khoảng thời gian tính bằng năm. Đi kèm theo đó là phí tổn luật sư, tranh tụng, thu thập chứng cứ có thể đội lên tới hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, các nhà sáng tạo nội dung không có nhân lực, công sức cho điều đó. Đồng thời, các vụ án có yếu tố nước ngoài đòi hỏi thủ tục tống đạt, ủy thác điều tra nước ngoài có thể kéo dài lê thê, có thể khiến cho bất kỳ nguyên đơn nào cũng chán nản mà bỏ cuộc. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho các vấn đề này, chẳng hạn tính nghiêm khắc xử lý vi phạm bản quyền chưa cao, chưa thành lập tòa án chuyển trách bản quyền, ý thức pháp luật của người dân chưa tốt, chưa xây dựng được văn hóa tôn trọng bản quyền đầy đủ...

Sự phức tạp và mất thời gian, công sức của các vụ tranh chấp bản quyền theo đường chính thống đã khiến cho đa số các chủ sở hữu kênh phải chọn phương pháp chuyển tiền cho đối tượng đã “đánh gậy” nhằm được “gỡ gậy” nhanh hơn. Số tiền phải chi trả lên tới hàng trăm triệu. Trong vụ việc cụ thể này, các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam (gồm: Karaoke Nhật Nguyễn, Hiếu Organ, Ý Linh Official) đã buộc phải trả số tiền lên tới 650.000.000 đồng cho chủ thể T.N tại hải ngoại kia.

Về khía cạnh hình sự, vụ việc trên có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Sự đe dọa trong vụ việc trên chính là khả năng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn tiền do YouTube chi trả cho các chủ sở hữu kênh cũng như suy giảm uy tín của các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam. Vụ việc chứa đựng nhiều tình tiết tăng nặng định khung: có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, thực hiện nhiều lần, giá trị tài sản chiếm đoạt lớn. Nếu phân tích kỹ lưỡng thì hành vi này có dấu hiệu thuộc khoản 4 của Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với những hình phạt nghiêm khắc nhất.

Bên cạnh đó, các tài liệu mà chủ thể T.N tại hải ngoại cung cấp có dấu hiệu giả mạo tài liệu của Tòa án Việt Nam. Cụ thể, chủ thể này đã giả mạo Giấy báo nhận đơn ngày 10.3.2024 nhưng copy chữ ký của nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (đã nghỉ hưu từ 1.10.2022) và sao chép con dấu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, để gửi tới nền tảng YouTube. Tài liệu này cũng có dấu hiệu bất hợp lý khi phần tiêu ngữ ghi Tòa án nhân dân TP Hà Nội, nhưng phần cuối lại ghi nơi giải quyết là Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Ngoài ra, hồ sơ khởi kiện đi kèm của chủ thể hải ngoại cũng không được sao y chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự trong khi chủ thể T.N này có yếu tố nước ngoài. Các dấu hiệu giả mạo này có lẽ đã đủ căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bên cạnh sự thiệt hại vật chất to lớn gây ra cho các nhà sáng tạo Việt Nam, thì môi trường kinh doanh văn hóa trên hạ tầng số đã bị ảnh hưởng, sự nghiêm minh của pháp luật bị suy giảm. Nền pháp chế XHCN đã bị xâm phạm nghiêm trọng, khi mà các nhà sáng tạo nội dung bị buộc phải trả tiền cho sản phẩm văn hóa do chính mình tạo nên. Đến thời điểm này trong vụ việc trên, vẫn chưa có cơ quan quản lý nào vào cuộc mạnh mẽ và nghiêm khắc để bảo vệ môi trường truyền thông lành mạnh.

Liệu có ai đo đếm được sự sáng tạo và tâm huyết của các nhà sáng tạo Việt Nam sẽ bị thui chột như thế nào khi bị cưỡng đoạt trắng trợn công sức sáng tạo của mình. Nhìn sâu xa, hậu quả thiệt hại lớn nhất chính sự suy giảm của nền văn hóa sáng tạo tại Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa; xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thiết nghĩ đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ. Điều này sẽ bảo vệ cho những tác giả, những nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo phát huy tối đa trí lực và tâm huyết của từng con người Việt Nam. Việc giữ nghiêm kỷ cương pháp luật trên không gian mạng sẽ là tiền đề quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng ta.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
TIN LIÊN QUAN

Thừa Thiên Huế cần ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Ngày 6.4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Công nghiệp văn hóa, bắt đầu từ sáng tạo

Thanh Hải |

Biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo thì không chỉ có Hà Nội, Hội An, Đà Lạt tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, mà Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sáng tạo.

Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

Sẽ điều động chủ tịch phường làm chậm tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Tại cuộc họp về tiến độ triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 tại huyện Long Thành sáng 13.4, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã đề nghị thanh tra tham mưu việc điều động chủ tịch phường đi chỗ khác, bởi phối hợp không tốt, gây chậm tiến độ dự án.

Cú đúp của Bruno giúp Man United giữ lại 1 điểm trên sân Bournemouth

TAM NGUYÊN |

Bournemouth hòa 2-2 với Man United ở trận đấu muộn ngày thứ Bảy tại vòng 33 Premier League.

Cảnh sát cơ động chống khủng bố khổ luyện, sẵn sàng chiến đấu

Thế Kỷ |

Được thành lập từ tháng 2.2022, đến nay, Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đang trong quá trình trở thành một đơn vị vững mạnh, có kỷ luật, kỷ cương, có khả năng tổ chức đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng, chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm.

Triệt phá đường dây vận chuyển 184 bánh heroin ở TPHCM

Anh Tú |

Ngày 13.4, Công an TPHCM cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự 3 người (chưa thể cung cấp danh tính) để phục vụ công tác điều tra đường dây vận chuyển trái phép 184 bánh heroin từ TPHCM đi Đài Loan (Trung Quốc).

Nhiều ông lớn bất động sản tên tuổi như Sông Đà, Eurowindow nợ tiền bảo hiểm

CAO NGUYÊN |

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, tính đến tháng 3, nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản nợ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...). Trong số này có những đơn vị tên tuổi như Sông Đà, Vinaconex, Constrexim, Eurowindow, Tập đoàn FLC nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tỉ đồng.

Thừa Thiên Huế cần ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Ngày 6.4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Công nghiệp văn hóa, bắt đầu từ sáng tạo

Thanh Hải |

Biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo thì không chỉ có Hà Nội, Hội An, Đà Lạt tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, mà Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sáng tạo.

Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.