Mất ngủ cùng người vô gia cư ở Sài Gòn

Đỗ Doãn Hoàng |

Ở đô thị đông dân, hoa lệ và là trung tâm kinh tế văn hóa lớn vào bậc nhất cả nước như TPHCM, việc hút người vô gia cư về là dĩ nhiên. Nhưng, sau những đêm thức trắng cùng bà con “không nhà”, chứng kiến họ ngủ vật vạ gầm cầu, bến xe, vỉa hè, ghế đá, gốc cây ngoài công viên, chúng tôi còn thấy một sự thật đắng lòng khác nữa là sự tủi hổ của cuộc mưu sinh lầm bụi, trong cơn lốc kim tiền.

Chân gãy thành ba khúc vì ngủ vỉa hè

Bà Lê Thị H., nhà ở huyện Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn gần 30km. Nghề của bà suốt hơn 60 năm qua là buôn bán. Khi con cháu đông, gánh nặng cơm áo làm bà từ chỗ buôn tàu bán bè thành buôn thúng bán bưng. Giờ nghèo hẳn, lại già yếu, nên trụ lại với nghề trồng rau muống, ngắt ngọn bán cho những hộ nuôi lợn ở Củ Chi. Phần cuộng, hằng ngày bà tỉ mẩn chẻ ra (bà gọi là “bào rau muống”, giữ nó giòn xanh đem bán cho các nhà hàng, quán bún, quán lẩu. Ở tuổi hơn 70, mỗi ngày bà lội ruộng lầy Củ Chi hái rau.

Chiều chiều là bắt đầu hành trình đi xe bus vào trung tâm thành phố. Tải rau nặng, con cái bận kiếm ăn trong nghèo khó chẳng ai giúp, bà cứ chống gậy ra đường, gặp ai nhờ người nấy. Vài chú xe ôm gần nhà thương thân già lặn lội mưu sinh, tình nguyện thay nhau chở miễn phí cả người và rau ra bến xe bus; rồi lại tìm cách vần tải rau lên xe bus cho. Vào đến trung tâm quận 1, xuống xe bus là cả phụ xe và những người đồng hành cùng chung tay giúp đỡ, đưa bà và rau vào chợ Bến Thành.

Từ chiều tới nửa đêm, bà miệt mài bào rau muống. Sau khi gom hàng của bà lại, quá nửa đêm, thương lái mới mang giao cho những quán lẩu, bún, hủ tiếu... Vì thế, cái nghề bào rau muống mấy chục năm của bà không thể làm sớm được, phải lọ mọ đêm hôm để rau được tươi ngon thì người ta mới mua.

Bà bảo mình cũng muốn làm sớm để được về sớm, nhưng vì rau muống bào của bà chỉ thả thẳng vào nước lã, không thêm bất cứ thứ gì vào ngâm; nên nếu làm sớm, giao sớm, rau sẽ bị đen, hỏng. Thành thử, ngày nào cũng thế, khoảng 23h thì bà mới xong việc. Thu ít đồng bạc lẻ, ăn tạm cái gì thật rẻ tiền, rồi mặc áo mưa chống gió lạnh, ngồi ngủ gật ở vỉa hè chờ trời sáng. Khi đó, bà sẽ là hành khách đầu tiên trên chuyến xe bus từ trung tâm quận 1 về Củ Chi.

Bà Lê Thị H thức trắng hằng đêm, đi lang thang ở Sài Gòn; trò chuyện với PV Lao Động trong đêm khuya, trên vỉa hè quận 1.
Bà Lê Thị H thức trắng hằng đêm, đi lang thang ở Sài Gòn; trò chuyện với PV Lao Động trong đêm khuya, trên vỉa hè quận 1.

Tôi gặp bà chống gậy ngủ ngồi ở vỉa hè Ngã sáu Phù Đổng, rất gần khu phố Tây Bùi Viện. Bà cụ bảo, chỉ ngồi vậy thôi chứ không ngủ, vì sợ trộm. Thêm nữa, nếu vật vạ mất mỹ quan trung tâm quận 1 là sẽ bị “thu gom” như người vô gia cư. Nhìn bà giống người vô gia cư hơn bất cứ người vô gia cư nào. Nhưng bà có nhà cửa con cháu, có nghề nghiệp đàng hoàng.

Mỗi ngày hái rau, chẻ rau, bán rau thu về 150 nghìn đồng, chỉ vì không kịp chuyến xe bus cuối cùng về lại Củ Chi, càng không thể có tiền đi xe ôm hay taxi về nhà, cũng không đủ tiền để thuê nhà nghỉ nhà trọ, nên bà ngồi ở vỉa hè chờ trời sáng.

“Thỉnh thoảng lắm tôi mới ngủ. Tôi vào khu này vì đèn sáng, nhiều gió, sẽ ít muỗi. Hai nữa xe chạy ào ào, giúp mình đỡ buồn ngủ. Ngồi gầm cầu bến xe, gió hiu hiu là ngủ ngay. Ngủ, thì trộm nó sẽ lấy. Có lần, nó lấy kéo cắt luôn cái túi áo đựng tiền của tôi. Tới khi tôi bo túi áo vô cạp quần thì trộm lấy dao lam rạch quần tôi toang hoang. Chúng nó rạch trúng cái túi, tôi thấy động, mở mắt ra thì thấy cái túi áo đã bị khoét, bị lấy đi trăm nghìn đồng bạc. Sáng ra, tôi phải xin dây chun buộc vào để về. Có lần, tôi đặt chân lên dép, trộm nhấc chân tôi ra, lấy trộm dép đi bán phế liệu”.

 
Người vô gia cư, lang thang và người tận khổ kiếm ăn ở vỉa hè TP HCM cần được cảm thông chia sẻ.
Người vô gia cư, lang thang và người tận khổ kiếm ăn ở vỉa hè TP HCM cần được cảm thông chia sẻ.
Người vô gia cư, lang thang và người tận khổ kiếm ăn ở vỉa hè TPHCM cần được cảm thông chia sẻ. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Lãng Quân.

Giữa xe cộ ầm ào như không có ranh giới thời gian, bà H. tay chống nạng, tay day day cái bàn chân sưng phồng, vẹo vọ. “Cái chân gãy làm ba khúc. Hôm đó tôi ngồi tuốt trong hẻm kế đây, chứ không có ngồi ven vỉa hè như thế này. Mà đám đua xe nó lao cả vào hẻm. Tôi chẳng nhớ gì nữa, chỉ biết bàn chân gãy, ống đồng gãy, đùi cũng gãy…” – bà cụ kể.

Những phận đời chẳng muốn va đập vào nhau

Đội ngũ người vô gia cư không phải bị hoàn cảnh tống ra thành không nhà không cửa, không mảnh đất cắm dùi, không có túp lều chui ra rúc vào; mà nhiều người, vì mưu sinh phải ra đường.

Có anh, đi bộ trắng đêm ở Phố Tây sôi động, lang thang gầm cầu bến xe, ngủ bất kỳ lúc nào thấy muốn ngủ, giống người vô gia cư hơn cả người vô gia cư. Hỏi ra, anh đi bán thẻ nạp tiền cho các số điện thoại di động, bán thẻ sim. Cứ hãng viễn thông nào khuyến mại thẻ nạp là anh làm một túi đầy thẻ cào, cái túi của anh, trông thì sờn rách, nhưng giá trị các thẻ cào có khi lên đến vài chục triệu đồng.

Bên cạnh, có bà cụ Tuyết V. tóc bạc da mồi, dáng vâm váp. Bà đem ra công viên 23/9 (quận 1) cả một cái vali to như đi nước ngoài. Bà nằm co quắp, chăn áo đầy đủ, đồ đạc trong vali rất chu đáo. Có vẻ, bà cụ vốn sạch sẽ, lại chải chuốt, kĩ tính. Nhưng cuộc sống, bằng cách nào đó đã đánh bật bà ra khỏi mái ấm. Và bà “làm ổ” trên lối đi bộ ở công viên. Gối đầu cẩn thận, chân tay gác lên vali. Dĩ nhiên, vali cũ rách, và trong đó toàn đồ cũ nên chẳng ai có ý định ăn trộm, ngay cả khi bà ngủ say li bì.

“Nhà tôi ở quận 4, chồng bỏ tôi ra nước ngoài sống. Con cái thì nhậu nhoẹt quậy phá, chả coi tôi ra cái gì. Uất đời tôi bỏ đi, sống một mình ngoài vỉa hè cho tự do, đã 5 năm rồi. Ai thuê gì thì tôi làm. Không ai thuê thì đi ăn xin. Ngày đi lang thang, vali để trong cái nhà tròn kia (của Công viên 23/9). Trời mưa thì vào đó ngủ. Nếu tôi chết, chắc là nhà nước chôn thôi”, bà cụ tâm sự.

Không ít vị khách ngoại quốc cũng lang thang, không có chỗ ở ổn định, lảm nhảm đêm ngày như người tâm thần thế này. Ảnh: Lãng Quân
Không ít vị khách ngoại quốc cũng lang thang, không có chỗ ở ổn định, lảm nhảm đêm ngày như người tâm thần thế này. Ảnh: Lãng Quân

Nằm bên cạnh là ông Nguyễn Văn H., mới ngoài 60 mà tóc râu đều bạc. Ông H. nằm trên ghế đá, cách chỗ bà Tuyết V. nằm chỉ dăm ba bước chân. Ông ngủ ghế đá công viên cũng đã lâu, nhưng chưa bao giờ bà V. và ông H. nói chuyện với nhau. Cả hai lặng lẽ như cái bóng, cùng phận “vô gia cư” nhưng chẳng ai đả động, đoái hoài, liên quan gì đến ai.

Ông H. đem theo cả giấy tờ bệnh viện, cả hồ sơ bệnh án. Nhà ông ở phường 13, quận 3. Vốn có nhà tổ tông để lại, nhưng bà chị gái nanh nọc thấy ông bụi đời nên hắt hủi. Ông bỏ đi lang thang, quan hệ với gái điếm và bị nhiễm HIV. Giờ thêm bệnh suy thận, bèn lang thang phố Tây Bùi Viện kiếm cơm qua ngày. Đi vệ sinh hay tắm rửa, đều ở nhà vệ sinh công cộng, thỉnh thoảng xin được tiền kha khá vào khu cho thuê tắm gội “tẩy trần” một lần.

“Tôi đang phải đi kéo lê chân, vì đi sang đường bị tai nạn. Tôi bị HIV giai đoạn nặng, nên phải uống thuốc ARV, cứ 6 tháng thì đi khám lại một lần ở bệnh viện dưới Củ Chi. Tôi ngủ ở ghế đá này đến nửa đêm thì vào phố Tây, cứ chỗ nào đông thì ngồi ăn xin. Màn trời chiếu đất sương gió quanh năm, nhưng chưa ốm vặt bao giờ”.

Đau nhất là một người phụ nữ sắc sảo quê ở Hưng Yên, tên là Trần Thị D. Tôi gặp bà đang ngủ ở ghế đá công viên của một quận trung tâm. Ba giờ sáng, có người hắng tiếng hỏi thăm, bà bật dậy sợ hãi. Tôi trấn an, hỏi chị có cần giúp gì không? Bà bảo, không, tôi là osin bị đuổi ra khỏi nhà, không ăn xin, không tội phạm. Có con gái lấy chồng ở khu Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Xây nhà to ở quê.

Sau vì đất ở Hưng Yên tăng giá, con cái muốn mẹ bán chia của. Quá giận cái thói kim tiền, bà muốn giữ đất hương hỏa nên đã mắng con, bỏ vào Sài Gòn làm osin. Vợ chồng thuê bà đều là cán bộ, nhưng nhẫn tâm lắm. Họ không cho ăn cùng mâm. Bà kể, khi bà ăn ở góc bếp, cô vợ cũng dùng bình xịt vệ sinh bàn ghế phun xịt tứ tung. Bắn cả vào chút thức ăn còn sót của bà. Tủi thân, bà trách cô ấy. Chồng về, vợ mách chồng, thế là cả hai vợ chồng vào hùa đuổi bà ra khỏi nhà, ngay lúc nửa đêm.

“Khi họ đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi đòi tiền công những ngày đã làm, họ bảo, họ sẽ làm việc với Trung tâm giới thiệu tôi đến. Còn đêm nay, tôi phải ra khỏi nhà họ bằng mọi giá…”, bà D. khóc kể.

Không tiền, không người quen, người đàn bà tuổi ngoại lục tuần bèn ôm túi quần áo ra công viên ngủ, đã là đêm thứ ba rồi. Bà liều mình chọn “canh bạc” khác, Tết Canh Tý ở lại Sài Gòn, vì ngày Tết, người ta trả công osin đến 500 nghìn đồng/ngày.

Người đàn bà sắc sảo ngồi khóc. Con cái tệ bạc, người đời cay độc, cụ bà tiếc hơn hai trăm nghìn đồng/ngày phòng trọ, và còn muôn vàn lý do khác nữa, họ đã có một hành vi bất đắc dĩ giống nhau: Sinh sống màn trời chiếu đất, lấy gầm cầu, bến xe, nhà ga, vỉa hè, công viên… để làm nhà. Họ thao thức, còn chúng tôi thì mất ngủ vì sự đời.

Người đàn bà đi làm osin bị nhà chủ đuổi ra đường “màn trời chiếu đất”
Cảnh "màn trời chiếu đất" của người đàn bà đi làm osin bị nhà chủ đuổi ra đường

Theo con số thông báo tạm tính của cơ quan chức năng đưa ra, thì ở TPHCM hiện nay có khoảng 6.200 người vô gia cư nằm trong danh sách quản lý. Lúc cao điểm, có tháng, Sở LĐTBXH TP.HCM đã tiếp nhận tới 200 người ăn xin vô gia cư và người không nhà đang tá túc lếch thếch lang thang tại các địa điểm công cộng.

Bài toán nhân văn, lo chỗ ở, lo hồi hương, lo công ăn việc làm, lo bảo vệ mỹ quan thành phố, lo an toàn cho họ và lo cho họ không tha hóa, vẫn đang chồng chất khó khăn. Mỗi người mỗi cảnh, có người nằm ngủ trên yên xe máy sau một ngày làm xe ôm đói rạc, có đứa trẻ lang thang bước chân vào thế giới tội phạm, hoặc ít ra là đi bán dâm cho cả nữ và nam giới.

Nếu để ý, các số phận lang thang không nhà trên còn mang “hơi thở” rất thời đại, nó là chuyện của thời mới, đầy bất ngờ và cảm thán.

Đỗ Doãn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Điếu thuốc lá, gói mì tôm… và ẩn họa rình rập trẻ lang thang, cơ nhỡ

Thế Lâm |

Liên tiếp hai vụ các bé gái lang thang, cơ nhỡ được thu nạp về những trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội tại TP.HCM và Bình Dương đã tố bị nhân viên, cán bộ trung tâm lạm dụng tình dục, hiếp dâm. Trung tâm đáng ra là nơi mở rộng vòng tay cưu mang các em, giờ lại ẩn chứa nhiều ẩn khuất và hiểm họa.

Biện pháp xử lý với người lang thang nghiện ma túy

Q.Hiệu |

Khi phát hiện người lang thang không có nơi cư trú ổn định nghi sử dụng chất ma túy thì phối hợp với công an cấp xã nơi thu gom đối tượng để xét nghiệm.

Gói 2.500 bánh chưng tặng người nghèo, người lang thang và cơ nhỡ

Huân Cao - Anh Tú |

Trong 2 ngày 1 và 2.1, tại Quan Âm Tu Viện, quận Phú Nhuận (TPHCM) tổ chức gói 2.500 bánh chưng để tặng cho người nghèo, người lang thang và cơ nhỡ trong đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Điếu thuốc lá, gói mì tôm… và ẩn họa rình rập trẻ lang thang, cơ nhỡ

Thế Lâm |

Liên tiếp hai vụ các bé gái lang thang, cơ nhỡ được thu nạp về những trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội tại TP.HCM và Bình Dương đã tố bị nhân viên, cán bộ trung tâm lạm dụng tình dục, hiếp dâm. Trung tâm đáng ra là nơi mở rộng vòng tay cưu mang các em, giờ lại ẩn chứa nhiều ẩn khuất và hiểm họa.

Biện pháp xử lý với người lang thang nghiện ma túy

Q.Hiệu |

Khi phát hiện người lang thang không có nơi cư trú ổn định nghi sử dụng chất ma túy thì phối hợp với công an cấp xã nơi thu gom đối tượng để xét nghiệm.

Gói 2.500 bánh chưng tặng người nghèo, người lang thang và cơ nhỡ

Huân Cao - Anh Tú |

Trong 2 ngày 1 và 2.1, tại Quan Âm Tu Viện, quận Phú Nhuận (TPHCM) tổ chức gói 2.500 bánh chưng để tặng cho người nghèo, người lang thang và cơ nhỡ trong đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019.