Giữ rừng hay chuyển đổi để công trình đại thủy nông 3.000 tỉ đồng có vùng tưới

THANH TUẤN |

Công trình đại thủy nông Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư, hoàn thành từ 2017, tuy nhiên hiện nay chưa phát huy hết công năng sử dụng vì... thiếu vùng tưới. Gia Lai đang đề xuất và chờ chủ trương cho phép chuyển đổi 4.700 ha đất có rừng sang đất nông nghiệp, để xây dựng kênh dẫn nước, khai hoang, tạo vùng tưới, phát huy công trình đại thủy nông. Vấn đề giữ màu xanh của rừng đang nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Giữ rừng dưới chân kho nước khổng lồ

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng dưới chân hồ thủy lợi Ia Mơr, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông - không giấu được nỗi buồn lo khi tình trạng lâm tặc, người dân xâm chiếm, phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp.

Đại thủy nông có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ tưới tiêu cho 12.500ha đất nông nghiệp chủ yếu của tỉnh Gia Lai và một phần tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, hiện nay kho nước khổng lồ chỉ giải quyết tưới tiêu cho khoảng 800ha đất nông nghiệp của người dân.

“Ruộng đồng người dân sát dưới chân kho nước được tưới tắm, cây cối phát triển tươi tốt. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất ruộng lúa ở những nơi khác, nước không vận chuyển đến được do thiếu hệ thống kênh mương xương cá và vướng diện tích đất rừng.

Chủ đầu tư và đơn vị thi công không thể xây dựng kênh mương băng qua đất rừng tự nhiên, cây cối nguyên sinh khi chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Vấn đề cố hữu này dường như không có lối thoát để giải phóng kho chứa nước khổng lồ của Ia Mơr. Nên nhiều năm qua, dù con đập lừng lững biển nước nhưng nhiều diện tích ruộng đồng của người dân sát biên giới vẫn khát khô, mỏi mòn chờ nước về” - Phó Chủ tịch xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Xã Ia Mơr sát biên giới với Campuchia, nổi tiếng với những cánh rừng khộp tái sinh trải dài ngút ngàn tầm mắt. Bên trong rừng khộp là hệ sinh thái, môi trường sống của các loài như gà rừng, gà lôi, voi, hươu, trĩ, nhím, sóc… Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, kể từ khi có thông tin cơ quan chức năng sẽ cho chuyển đổi 4.700ha đất rừng sang đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất và có vùng tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr thì thực trạng người dân xân lấm đất, phá rừng càng nóng.

Xã Ia Mơr chịu trách nhiệm chính quản lý, bảo vệ gần 14.000ha rừng, trong khi đó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr với lực lượng chuyên trách bảo vệ cho 10.000ha rừng trên địa bàn. Từ năm 2021 -2022, có ít nhất 5 vụ chống đối người thi hành công vụ do xảy ra tranh chấp đất rừng, ngăn chặn lâm tặc đối với nhân viên bảo vệ rừng của xã.

Do thiếu lực lượng nên ban ngày cán bộ xã làm việc hành chính, ban đêm được huy động để cùng mắc võng giữa rừng khộp hỗ trợ với các chốt bảo vệ rừng. Vì có những thời điểm việc xâm lấn đất rừng diễn ra rất nóng, với diện tích lên đến hàng chục hécta rừng.

“Để bảo vệ màu xanh những cánh rừng biên giới, khôi phục từ rừng nghèo sang rừng giàu, mang lại lợi ích khi có thiên tai mưa lũ, cần thiết phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Chính quyền xã với nhân lực, vật lực hạn chế khó mà giữ rừng được” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Bế tắc việc nên giữ rừng hay chuyển đổi để phát triển

Hơn 3.000 tỉ đồng rót vốn đầu tư vào một đại thủy nông giữa chốn núi rừng là con số rất lớn. Số tiền lớn đồng nghĩa với việc phải phát huy hiệu quả của công trình nghìn tỉ này (tưới được 12.500ha), còn với mức tưới tiêu hiện tại chỉ 800ha đất nông nghiệp, dư luận không khỏi đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, mục tiêu thiết kế cũng như sự lãng phí tiền của đại công trình.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - cho biết: “Hiện nay Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến tổng hợp để trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm có vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơr. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội”.

Hiện tại trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới bao gồm: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn, khai hoang đồng ruộng, nơi cư trú cho người dân bản địa...

Như vậy, việc chuyển đổi 4.700ha đất rừng sang đất nông nghiệp cũng đang rơi vào tình huống bế tắc, nan giải. 4.700ha đất rừng với cảnh quan đa dạng, rừng tái sinh có thể phục hồi để thành “lá phổi” xanh cho Gia Lai, bảo vệ đa dạng sinh học của Tây Nguyên với sự phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá và bảo vệ rừng để giữ gìn cho thế hệ mai sau.

Giữ rừng vì môi trường sinh thái tự nhiên hay chuyển đổi để tiếp tục rót vốn thêm hàng nghìn tỉ đồng thiết kế vùng tưới, dự án di dân, thu hút đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao... Câu hỏi đó qua nhiều năm, Gia Lai vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

THANH TUẤN
TIN LIÊN QUAN

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la”

Lâm Điền |

“Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la” là chủ đề chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn do WWF - Việt Nam phát động.

Đắk Nông tạo sinh kế cho người dân vùng đệm tham gia giữ rừng

Phan Tuấn |

Nhận thức được tầm quan trọng của người dân trong việc giữ rừng nên Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng đệm.

Chủ rừng ở Đắk Nông còn thiếu công cụ để giữ rừng

Phan Tuấn |

Các công ty lâm nghiệp ở Đắk Nông được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ một diện tích rất lớn về rừng và đất rừng. Thế nhưng, những đơn vị này đang thiếu công cụ để giữ rừng, thậm chí tay không đối phó với sự liều lĩnh, manh động của lâm tặc.

Thượng úy cảnh sát kể khoảnh khắc lao ra dòng lũ cứu người ở Hà Giang

Tô Thế |

Kể về thời khắc lao ra dòng lũ cứu người dân, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Công an huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, bản thân cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cố gắng làm sao tiếp cận, đưa người dân về bờ an toàn.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Những chủ tịch UBND quận, huyện ở Hà Nội thuộc đối tượng kiểm tra trong năm 2024

KHÁNH AN |

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra về phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với ông Nguyễn Hồng Thanh

Ái Vân |

Ông Nguyễn Hồng Thanh được phê chuẩn kết quả bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6: Bóng chuyền Việt Nam không dự giải châu Á

HOÀNG HUÊ |

Bóng chuyền Việt Nam rút lui khỏi giải châu Á, Ngọc Thuân ghi dấu ấn... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6.