Để Hà Nội phát triển xứng tầm hơn: Quy hoạch phải đi trước một bước

Minh Bằng |

“Hà Nội phải dẫn đầu cả nước trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về kinh tế và đặc biệt, đây là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, nghìn năm văn hóa, hào hoa và thanh lịch, văn hiến, anh hùng”. Đây là lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội hồi đầu năm 2022. Những nhiệm vụ này không dễ dàng nhưng phải làm, phải làm nhanh hơn, nhất là trong vấn đề quy hoạch để Hà Nội phát triển xứng tầm hơn.

Từ câu chuyện của “vua chăn bò” đến một thực trạng của Hà Nội hôm nay

Ngay đầu tháng 10.2022, câu chuyện về một ông “vua chăn bò” tại Hà Nội được báo chí nhắc đến nhiều. Đó là người nông dân Trần Văn Thắng (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), hằng năm vẫn nuôi, bán ra thị trường khoảng 1.000 con bò thương phẩm, thu về 65 tỉ đồng nhờ... những dự án bỏ hoang.

“Xung quanh huyện Đan Phượng có rất nhiều dự án bỏ hoang, tôi đã đi một vòng và nhận thấy đây là nguồn thức ăn cho bò miễn phí”- anh Thắng nói.

Người nông dân nhận thấy nguồn lợi từ những dự án bỏ hoang, cỏ cây mọc đầy. Nhưng câu chuyện này cho thấy thực trạng báo động về nguồn lực đất đai của Hà Nội đang bị bỏ phí. Không khó để đếm ra, một huyện như Hoài Đức, ngay sát Đan Phượng có tới 10 khu đô thị bị  bỏ hoang với hàng ngàn căn biệt thự cho cỏ mọc và bò ở.

Cả Hà Nội có bao nhiêu dự án như vậy? Trước khi nói chuyện phát triển đô thị thì đầu tiên phải xử lý những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết những nguồn lực bị lãng phí, mà ở đây chính là nguồn lực đất đai và tài sản trên đất.

Quy hoạch Hà Nội - một câu chuyện dài

Trong khi Hà Nội vẫn lãng phí hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hécta đất bị bỏ hoang thì hồi tháng 7.2022, kết luận của Thanh tra xây dựng lại chỉ ra nghịch lý về quy hoạch, đặc biệt trục Lê Văn Lương - Tố Hữu với hàng loạt sai phạm, đặc biệt là mật độ chung cư quá dày đặc tác động tiêu cực hằng ngày lên hạ tầng đô thị.

“Hà Nội tắc đường”, “Hà Nội ô nhiễm”, “Hà Nội cứ mưa là lụt”… đó là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến và nó cho thấy những vấn đề không mới, từng tồn tại hàng chục năm nhưng chưa giải quyết được triệt để.

Và để xử lý những vấn đề trên trong bối cảnh nội đô Hà Nội đang quá tải, câu chuyện về đô thị vệ tinh của Hà Nội lại được đặt ra.

Cần nhớ rằng năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) với quy mô diện tích 3.344km2 để Hà Nội trở thành đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, dân số lúc đó 6.232.940 người. Sau khi hợp nhất, một “Hà Nội mới” đã được quy hoạch và được Chính phủ thông qua. Đó là Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Quy hoạch này được đưa ra với kỳ vọng là các đô thị vệ tinh khi hình thành sẽ kéo các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp di dời, giảm tải được dân số trong nội đô.

Tuy nhiên trên thực tế hơn 10 năm qua, các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện được "sứ mệnh" của mình. Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chậm trễ chi tiết hoá các phân khu, nguồn vốn, hạ tầng kết nối…

Đi tìm hình hài Hà Nội trong tương lai

Tháng 1.2012, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 11 NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, vào tháng 4.2022, Bộ Chính trị ghi nhận và đánh giá cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết nhưng chưa hoàn thành. GRDP bình quân đầu người thấp hơn so với một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Vai trò hạt nhân và trung tâm kinh tế của vùng chưa thật sự rõ nét.

Hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước chưa hiệu quả. An ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Nhằm phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tháng 5.2022, Nghị quyết 15 NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã ra đời.

Nghị quyết 15 đưa ra quan điểm chỉ đạo về Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là công tác quy hoạch. Nghị quyết 15 yêu cầu Hà Nội cần: “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hoà, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh”. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển Thủ đô xứng tầm, rất cần quy hoạch đi trước một bước.

TS-Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị.

Còn Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cũng cho rằng, khi lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài xem xét các yếu tố phát sinh, những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch, thì cần nghiên cứu quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung, xác định các khu vực phát triển mới và các khu vực cần cải tạo tái thiết đô thị, đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị trong giai đoạn tới, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành Trung ương và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, triển khai lập quy hoạch vùng huyện, đồng thời đề xuất các nội dung tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một số chỉ tiêu của Hà Nội theo Nghị quyết 15 NQ/TW

* Mục tiêu đến năm 2030

- Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

* Tầm nhìn đến năm 2045

Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Minh Bằng
TIN LIÊN QUAN

Khu đất nghĩa trang ở Thủ đô được quy hoạch làm trường học, khu cây xanh

HỮU CHÁNH |

Nhiều khu đất có vị trí đẹp ở Hà Nội để trống, làm bãi đỗ xe hoặc dành cho những dự án chung cư, biệt thự. Còn các trường học, khu cây xanh thì lại được quy hoạch xây dựng trên các nghĩa trang.

Bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, cử tri nêu kiến nghị hóa giải

CAO NGUYÊN |

Cử tri TP Hà Nội đã có kiến nghị, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị Bộ Xây nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.

Hà Nội: Hơn 600 hộ dân gần 20 năm sống khổ vì quy hoạch treo

LAN NHI |

Gần 20 năm nay ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội), hàng trăm hộ dân đang phải sống trong cảnh nhà cửa dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí họ phải đi thuê nhà trọ ở tạm vì dự án công viên hồ điều hoà Hạ Đình đến nay vẫn nằm bất động trên giấy.

Cần quy hoạch hạ tầng giao thông đến phương tiện công cộng

Thuỳ Trang - Mỹ Linh |

Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trên cả nước dự kiến sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy và có lộ trình cấm xe máy trên một số khu vực trung tâm sau năm 2030. Tuy nhiên, với thực tế xe buýt công cộng còn bất cập, người dân không sử dụng như hiện nay, các chuyên gia góp ý, Đà Nẵng cần quy hoạch cả hạ tầng giao thông cho đến đô thị, dân cư, phương tiện công cộng...

Quy hoạch đường vành đai: “Cuộc cách mạng” đô thị tại Vùng Thủ đô

Phương Linh |

Bộ đôi “siêu vành đai” 4 và 3,5 được ví như “cuộc cách mạng” đô thị giúp mở rộng không gian phát triển của Vùng Thủ đô. “Bệ phóng” này cũng giúp thị trường bất động sản tăng trưởng đột phá, đặc biệt là tại những nơi đã có sẵn hạ tầng, tiện ích đồng bộ và hiện đại như khu bờ Đông sông Hồng.

Sạt lở nghiêm trọng gây nguy cơ vỡ đê biển Đông, Bạc Liêu khẩn cấp ứng phó

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu- Tuyến đê biển Đông đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở kéo dài hơn 30m, ăn sâu vào chân đê, gây ra nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.

Huấn luyện viên Troussier ra mắt vào ngày 27.2

AN NGUYÊN |

Lễ ra mắt tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam - ông  Philippe Troussier sẽ diễn ra vào ngày 27.2 tới đây.

Bóng đá nam SEA Games 32: Cơ hội và thách thức cho U22 Việt Nam

AN NGUYÊN |

Quy định không sử dụng cầu thủ quá tuổi ở môn bóng đá nam tại SEA Games 32 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho U22 Việt Nam.

Khu đất nghĩa trang ở Thủ đô được quy hoạch làm trường học, khu cây xanh

HỮU CHÁNH |

Nhiều khu đất có vị trí đẹp ở Hà Nội để trống, làm bãi đỗ xe hoặc dành cho những dự án chung cư, biệt thự. Còn các trường học, khu cây xanh thì lại được quy hoạch xây dựng trên các nghĩa trang.

Bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, cử tri nêu kiến nghị hóa giải

CAO NGUYÊN |

Cử tri TP Hà Nội đã có kiến nghị, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị Bộ Xây nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.

Hà Nội: Hơn 600 hộ dân gần 20 năm sống khổ vì quy hoạch treo

LAN NHI |

Gần 20 năm nay ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội), hàng trăm hộ dân đang phải sống trong cảnh nhà cửa dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí họ phải đi thuê nhà trọ ở tạm vì dự án công viên hồ điều hoà Hạ Đình đến nay vẫn nằm bất động trên giấy.

Cần quy hoạch hạ tầng giao thông đến phương tiện công cộng

Thuỳ Trang - Mỹ Linh |

Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trên cả nước dự kiến sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy và có lộ trình cấm xe máy trên một số khu vực trung tâm sau năm 2030. Tuy nhiên, với thực tế xe buýt công cộng còn bất cập, người dân không sử dụng như hiện nay, các chuyên gia góp ý, Đà Nẵng cần quy hoạch cả hạ tầng giao thông cho đến đô thị, dân cư, phương tiện công cộng...

Quy hoạch đường vành đai: “Cuộc cách mạng” đô thị tại Vùng Thủ đô

Phương Linh |

Bộ đôi “siêu vành đai” 4 và 3,5 được ví như “cuộc cách mạng” đô thị giúp mở rộng không gian phát triển của Vùng Thủ đô. “Bệ phóng” này cũng giúp thị trường bất động sản tăng trưởng đột phá, đặc biệt là tại những nơi đã có sẵn hạ tầng, tiện ích đồng bộ và hiện đại như khu bờ Đông sông Hồng.