Huấn luyện viên Philippe Troussier đã đồng ý với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) về bản hợp đồng mà ông không chỉ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Troussier sẽ còn phải lèo lái đội U23, với nhiệm vụ đặt ra trước mắt là bảo vệ tấm Huy chương vàng SEA Games.
2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần nhất, lứa trẻ của Việt Nam đều giành chức vô địch.
SEA Games 32 tại Campuchia sẽ khai mạc vào đầu tháng 5 tới, trong đó, môn bóng đá có thể khởi tranh sớm hơn (cuối tháng 4). Nghĩa là huấn luyện viên người Pháp có khoảng 2 tháng để chuẩn bị.
Những ngày gần đây, đã có những diễn biến mới về quy định đăng ký cầu thủ. Theo đó, hôm 3.2, điều lệ môn bóng đá nam được Ban tổ chức nước chủ nhà quy định chỉ có 2 cầu thủ hơn 22 tuổi được đăng ký.
Đến ngày 17.2, quy định lại thay đổi, khi sẽ chỉ có lứa cầu thủ U22 thi đấu tại kỳ SEA Games năm nay. Cụ thể là chỉ các cầu thủ sinh từ 1.1.2001 trở về sau mới đủ điều kiện tham dự.

Ở thời điểm tiếp nhận thông tin, không ít phản ứng chê trách, chỉ trích nước chủ nhà vì sự thay đổi này. Tuy nhiên, cần làm rõ rằng, phía Campuchia muốn duy trì quy định cũ nhưng họ nhận được khuyến nghị từ Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC), về việc điều chỉnh.
Lý do là để phù hợp với Vòng chung kết U23 Châu Á – giải đấu diễn ra 2 năm một lần vào năm chẵn và gần nhất là năm 2024.
Cũng sau thông thi điều chỉnh, truyền thông cũng nhanh chóng đặt ra câu hỏi về chuyện liệu đội U22 Việt Nam có gặp bất lợi hay thiệt thòi không. Nhìn theo hướng tiêu cực thì sẽ thiệt, nhưng có lẽ nên đặt vào góc đánh giá tích cực hơn.
Mặc dù các đội U22 và U23 Việt Nam giành huy chương vàng 2 kỳ SEA Games gần nhất nhưng người hâm mộ đều biết vai trò và tầm ảnh hưởng của các cầu thủ quá tuổi lớn đến thế nào. Đó là Hùng Dũng và Trọng Hoàng ở Philippines năm 2019, tiếp tục là Hùng Dũng cùng Tiến Linh, Hoàng Đức năm 2022.
Riêng giải đấu trên sân nhà vào năm ngoái, 3 cầu thủ quá tuổi đã đóng góp tới 6 trong tổng số 8 bàn thắng của cả đội.
Đương nhiên, điểm “thiệt thòi” được chỉ ra là U22 Việt Nam sẽ vắng rất nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu của các đàn anh. Đó là hậu quả - nhấn mạnh là “hậu quả”, của tư duy thành tích của nước chủ nhà.

Năm 2019, chủ nhà Philippines cho phép đăng ký 2. Năm 2022, chủ nhà Việt Nam thậm chí còn cho phép đăng ký 3. Nhưng trong khi chủ nhà và một số nước tận dụng quy định này, vẫn có những đội vẫn chỉ cử toàn bộ là các cầu thủ trẻ, thậm chí còn có nhân tố mới 17-18 tuổi.
Có thể thấy, trừ Thái Lan đủ mạnh để dùng đội trẻ, các quốc gia như Timor-Leste, Lào, Campuchia cũng rất chú trọng tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ khi họ đang có sự phát triển tốt những năm gần đây.
Với bóng đá trẻ Việt Nam, cơ hội đá ở V.League không dành cho tất cả, lên đội U22, U23 thì dựa vào các đàn anh, dẫn đến sự bị động nhất định. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người sớm đặt câu hỏi về sự thiệt thòi của U22 Việt Nam.
Nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, bóng đá trẻ Việt Nam đang có những cầu thủ tốt, được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Và việc được đưa vào tay huấn luyện viên Troussier sẽ phần nào đó mang đến sự khác biệt.
Họ có thể còn thiếu kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất là, ngay cả khi có vấp ngã, đánh giá và sự tiếp nhận, sự nhìn nhận không chỉ đơn thuần là màu của tấm huy chương.
Hãy cứ để lớp trẻ tự giải quyết vấn đề của mình, hiệu quả sẽ nằm ở phía xa của con đường…