Bức tượng được trả lại chùa sau gần nửa thế kỷ lưu lạc trời Tây

HOÀNG CÔNG DANH |

Quảng Trị - Nằm bên một nhánh sông Vĩnh Định, chùa làng Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thật yên bình khiến bất cứ ai khi đến đây đều có cảm giác thanh tịnh nhưng thật thiêng thiêng. Cái hồn thiêng ấy trước hết bởi đây là một ngôi cổ tự, và hơn thế, còn bởi những câu chuyện huyền nhiệm.

Đất chùa không dễ lấy đi

Từ Quốc lộ 49C, ngay ở trung tâm thị tứ Bồ Bản khá sum tụ, chỉ cần rẽ một trăm mét là đến ngôi chùa Bồ Bản. Một không gian thoáng đãng "tam cấp": Phía trước là dòng sông, tiếp đến một khoảng ruộng xanh, và ngôi chùa. Chỉ thế thôi đủ thấy địa thế chùa là một thứ ân sủng của tạo hóa.

Khi xưa nhánh sông này nằm trong hệ thống sông đào Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Dòng chảy lớn, nước trong, vua quan trong triều đình Huế thường dong thuyền ra ngự lãm. Một lần đi qua đây, từ trên thuyền đưa mắt nhìn thấy một đám đất thế long chầu hình rồng thật đẹp. Khi về cung vua có ý sung miếng đất ấy vào đất triều đình để sau này làm chỗ chôn cất hoàng thân. Bấy giờ ở trong triều đình có một người làng Bồ Bản làm nghề may y phục cho vua quan. Người nọ nghe thế thì biết làng mình có cơ địa tốt, lại sợ bị mất đất nên tức tốc về làng tiết lộ với các bô lão.

Các cụ bàn thảo, suy đi tính lại nếu vua đã có ý vậy thì dù có làm gì cũng khó ngăn vua, chỉ còn cách dựng lên một ngôi chùa, may ra. Thế là dân làng Bồ Bản góp tranh tre nứa lá dựng lên một cái thảo am thờ Phật.

Mấy năm sau vua lại ra Quảng Trị, khi đi qua đoạn sông nhìn thấy miếng đất năm nào nay đã mọc lên một ngôi chùa thì bỏ ý lấy đất. Lại cảm kích tấm lòng mộ đạo của dân làng, vua sắc phong cho ngôi chùa tên "Trường Khánh Tự", tức là ngôi chùa với niềm vui ngân dài.

Đất chùa đúng là không dễ lấy đi. Chuyện tưởng như truyền thuyết, nhưng là có thật, được ghi vào trong gia phả các dòng họ trong làng Bồ Bản, được khắc lên quả chuông đồng lớn (đại hồng chung) nặng gần một tạ. Và thật lạ, số phận quả chuông này cũng "long đong".

Số là thời chiến tranh, quả chuông không hiểu vì sao lại bị di tản lên tận chiến khu Ba Lòng, suýt bị cho vào nồi đồng nung để đúc vũ khí (?). May lúc ấy có người đọc được chữ Hán và biết chuông chùa làng Bồ Bản nên đưa về lại.

Quang cảnh chùa Bồ Bản tại Triệu Phong - Quảng Trị. Anh: HCD
Quang cảnh chùa Bồ Bản tại Triệu Phong - Quảng Trị. Anh: HCD

Quả chuông đồng màu đen, cao tầm bảy mươi phân, họa tiết hoa văn... được đúc khắc tinh xảo. Đặc biệt trên bia có khắc bài văn chữ Hán, trong đó ghi lại lục tích ngôi chùa và cả diện tích.

Khi về trụ trì chùa, đại đức Mãn Toàn dịch bài văn, lại ra Hà Nội xác minh dịch thuật để làm văn bản chuẩn về địa bạ chùa. Nhờ đó, cùng với sự hoan hỷ hợp tác của chính quyền xã nên đất chùa được mở rộng thêm, đảm bảo diện tích như khi xưa.

Pháp bảo không dễ lấy đi

Quả chuông là một pháp bảo của nhà chùa được trả lại. Ngoài ra, chùa Trường Khánh - Bồ Bản còn những pháp bảo khác tồn tại cùng thời gian, hoặc đi một hành trình rồi được hoàn về.

Bước vào chánh điện chùa, dễ thấy ngay kiến trúc thờ tự truyền thống của chùa làng Việt Nam với tượng Phật Tam thế, tam gian. Hơn nữa, những bức tượng đặt thờ ở đây đều là pho tượng cổ. Đó là tượng đức Bổn sư bằng gỗ mít đẽo xưa, thợ chạm ngày xưa làm công phu. Qua thời gian, nhưng chất gỗ mít vẫn vàng ươm.

Châu về Hợp Phố

Năm 2018, một bức tượng Quán Thế Âm sau nửa thế kỷ, đi nửa vòng trái đất, lại được trả về cho chùa Bồ Bản. Câu chuyện ly kỳ này như một sự tích nhân quả, như một sự nhiệm mầu của đức tin, và được nhìn nhận dưới góc độ nhân văn về chiến tranh, về hòa giải hòa hợp.

Câu chuyện khá dài dòng như sau.

Tháng 4 năm 1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách. Một trong ba nhiệm vụ đó là tiến hành các cuộc hành quân càn quét để giải tỏa các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn quân giải phóng tiến công. Lúc này trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh chiến sự đang căng thẳng và ác liệt, còn ở phía đông Quảng Trị Mỹ tăng cường càn quét. Muller là người chỉ huy một đại đội Mỹ thực hiện càn quét.

Một lần, Muller dẫn đại đội qua làng Bồ Bản, ông thấy cảnh vật hoang vu. Trước đó người dân đã được sơ tán, di cư lánh nạn. Muller đi vào một ngôi chùa đầu làng có tên hiệu Trường Khánh. Chùa tiêu điều bởi đạn bom, chỉ còn bốn cột gỗ, dưới đất có nhiều tượng Phật bị đánh rơi ngổn ngang. Nổi bật trong số đó có một tượng phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy bức tượng cho vào túi mang đi.

Những cuộc hành quân sau đã lấy mất của ông Muller một chân. Khi về Mỹ, ông luôn ám ảnh cảnh bom đạn tang thương ở Việt Nam. Nhiều đêm Muller nằm mơ thấy mình đi qua những đổ nát hoang tàn khói lửa, và hiện lên một ngôi chùa làng, ông thấy chính mình trong giấc mơ đã lấy bức tượng phật. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, phải trở về Quảng Trị, phải trở về ngôi chùa Trường Khánh để trả lại bức tượng. Muller không theo tôn giáo và không biết tên cũng như ý nghĩa bức tượng, song qua những giấc mơ, ông nghĩ hẳn đây là vật linh thiêng nên ông đặt trên một giá sách.

Không may, những ám ảnh chiến tranh giày vò đã khiến ông đột quỵ, không thể đi lại được dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Ước nguyện trở lại Việt Nam càng xa vời đối với ông. Năm 2006, Muller mất. Trong giấy tờ để lại, Muller có bản di nguyện gửi gắm những người đồng đội nếu có dịp quay về Việt Nam hãy giúp ông trả bức tượng cho chùa Trường Khánh.

Giới thiệu cho người dân về bức tượng. Ảnh: YMS.
Giới thiệu cho người dân về bức tượng. Ảnh: YMS.

Ông Anderson, một người dưới quyền chỉ huy của Muller, sau này về Mỹ cũng là người bạn thân của Muller. Những ám ảnh Muller trải qua, cũng chính là những ám ảnh chung về chiến tranh Việt Nam của bao nhiêu binh lính Mỹ được gọi chung là "Hội chứng Việt Nam" (Vietnam Syndrome). Khi Muller mất, Anderson nghĩ phải tiếp quản di nguyện của bạn, để bạn và mình cùng được thanh thản.

Năm 2008, Anderson có chuyến trở lại Việt Nam nhưng không tìm được thông tin gì về ngôi chùa để trả bức tượng. Các ngôi chùa làng ở Việt Nam hầu hết đều có tên hiệu Hán Việt nhưng ít được dùng, thay vào đó người dân lấy tên làng để gọi tên chùa. Chùa Trường Khánh dân gọi là chùa Bồ Bản, vì nằm ở làng Bồ Bản. Chính điều này mà Anderson hỏi thăm chùa Trường Khánh thì không nhận được câu trả lời xác đáng.

Quay về Mỹ, Anderson tìm đến Viện Bảo tàng quân đội Mỹ mượn tấm bản đồ chiến tranh tại Quảng Trị. Trên bản đồ chi chít những chấm đen là căn cứ quân sự Mỹ, các mũi tấn công càn quét và thời gian càn quét được ghi chú rõ ràng. Dò tìm mãi cuối cùng Anderson cũng tìm ra tên địa danh Bồ Bản (trong bản đồ ghi Bo Bang), ghi chú thời gian càn quét qua đây là ngày 7.4.1968. Đặc biệt, trên bản đồ có một đường khoanh đậm bao quanh ngôi chùa thành một cụm cứ điểm Mỹ dày đặc. Sự trùng hợp trong bản di nguyện Muller và tấm bản đồ đó đã giúp cho Anderson định vị được chính xác địa chỉ ngôi chùa Trường Khánh.

Lại thêm nhân duyên khác, một lần tình cờ Anderson đi thăm một ngôi chùa Việt Nam ở bang Texas thì gặp sư cô Thích Nữ Minh Hòa. Sư cô Minh Hòa quê ở làng Vĩnh Lại (xã Triệu Phước, bên cạnh làng Bồ Bản) sang đây định cư tu hành rồi xây chùa, trụ trì. Sư cô Minh Hòa đã khẳng định với Anderson về ngôi chùa Trường Khánh chính là chùa Bồ Bản và kết nối, chỉ đường để Anderson về Quảng Trị một lần nữa.

Bức tượng "lưu lạc" đúng 50 năm. Trong khoảng thời gian đó có gần bốn mươi năm là dằng dặc ám ảnh chiến tranh của người cựu binh Mỹ Muller và hơn mười năm ông Anderson day dứt thực hiện nguyện vọng sau cùng của bạn. Nên ngay cả vào giờ chỉ tịnh chốn thiền môn, một buổi trưa nắng nóng Quảng Trị, Anderson vẫn phải làm phiền nhà chùa để được vào trả lại bức tượng, bởi người bạn quá cố Muller và cả ông đã chờ đợi giây phút này quá lâu rồi.

Cả người lấy bức tượng lẫn người mang trả tượng đều không theo tôn giáo. Nên khi đặt bức tượng xuống bàn, Anderson hỏi đại đức Thích Mãn Toàn tượng có tên gì, ý nghĩa thế nào. Vị sư trụ trì trả lời đấy là tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát, mang hình ảnh của người mẹ hiền lắng nghe những khổ đau và cứu độ chúng sanh.

Đại đức Mãn Toàn có hỏi Anderson về động cơ của Muller khi lấy bức tượng. Nhưng ông Anderson bảo không biết, chỉ khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là hành động cố ý đánh cắp. Có thể vì thấy bức tượng nằm nghiêng ngả dưới đất mà Muller cảm thương rồi mang đi thôi. Và cũng không thể không phán đoán về một lý do mang tính tâm linh, như ý nghĩa của bức tượng. Nhờ đó mà ông Muller được sống sót để trở về Mỹ, và đại đội do ông chỉ huy trong đó có Anderson cũng qua được nguy nạn chiến tranh chăng?

Không thể biết chính xác mục đích của người lấy tượng để làm gì. Nhưng việc mong muốn trả lại tượng của Muller, và hành trình lần tìm về của Anderson cho thấy những người lính dù bên kia chiến tuyến vẫn đầy trách nhiệm. Một bức tượng bằng đá trọng lượng chừng năm cân, không phải là nhẹ so với hành trang của người lính, nhưng Muller đã mang đi theo suốt những năm chiến tranh ở Việt Nam cho tới khi sang Mỹ. Kể cả khi một chân đã gửi lại trên chiến địa, thì ông vẫn mang theo một khối đá như giữ đức tin nào đó, hoặc để nuôi dưỡng một sự ăn năn. Ông Anderson cũng đã hai lần đưa đi mang về bức tượng vượt nửa vòng trái đất, hẳn cũng là một việc làm không dễ dàng khi quá cảnh các sân bay.

HOÀNG CÔNG DANH
TIN LIÊN QUAN

Ngôi chùa ở Đắk Lắk góp sức hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Suốt gần 9 tháng qua, Đại đức Thích Minh Đăng cùng tăng ni, phật tử chùa Hoa Nghiêm đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Cư M'Gar.

Sư trụ trì và 12 con được đặt trước cổng chùa

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Hơn 12 năm qua, ngôi chùa Giữa Đồng, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh luôn rộn ràng tiếng trẻ thơ. Những đứa trẻ - lớn nhất năm nay 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới gần 3 tuổi – tất cả đều đều từng bị bỏ rơi ngay cổng chùa chỉ vài ngày sau khi ra đời.

Tấm lòng của phật tử và chùa Giác Ngộ trong những ngày đỉnh dịch ở TPHCM

Nguyên Chân/Ảnh: Chùa Giác Ngộ - ĐPNN |

TPHCM - Trong 5 tháng (1.6-30.10), đã có hàng nghìn suất cơm, bình oxi, túi thuốc điều trị COVID-19,... lần lượt được chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật ngày nay (TPHCM) chuyển đến các tập thể, cá nhân gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại TPHCM.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Ngôi chùa ở Đắk Lắk góp sức hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Suốt gần 9 tháng qua, Đại đức Thích Minh Đăng cùng tăng ni, phật tử chùa Hoa Nghiêm đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Cư M'Gar.

Sư trụ trì và 12 con được đặt trước cổng chùa

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Hơn 12 năm qua, ngôi chùa Giữa Đồng, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh luôn rộn ràng tiếng trẻ thơ. Những đứa trẻ - lớn nhất năm nay 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới gần 3 tuổi – tất cả đều đều từng bị bỏ rơi ngay cổng chùa chỉ vài ngày sau khi ra đời.

Tấm lòng của phật tử và chùa Giác Ngộ trong những ngày đỉnh dịch ở TPHCM

Nguyên Chân/Ảnh: Chùa Giác Ngộ - ĐPNN |

TPHCM - Trong 5 tháng (1.6-30.10), đã có hàng nghìn suất cơm, bình oxi, túi thuốc điều trị COVID-19,... lần lượt được chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật ngày nay (TPHCM) chuyển đến các tập thể, cá nhân gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại TPHCM.