"Trân quý sự xông pha của phóng viên"
"Trong những tháng ngày thành phố giãn cách, hình ảnh phóng viên của Báo Lao Động đi khắp xóm trọ để có thông tin phản ánh đời sống công nhân một cách chân thực nhất trên mặt báo khiến tôi rất ấn tượng" - chị Đoàn Thị Mười (Công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Mười nhớ lại, khoảng tháng 7 - tháng cuối tháng 9.2021 dịch COVID-19 hoành hành, người dân không được phép ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết. Khu công nghiệp Thăng Long là nơi tập trung đông công nhân, lại rất gần với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh) nên chẳng ai muốn đến gần. Nhưng phóng viên Báo Lao Động đã không màng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, thậm chí sự kỳ thị của người dân để đến gần hơn với công nhân.
Từ đó, những khó khăn, thiếu thốn, bất cập lúc dịch bệnh căng thẳng của bộ phận công nhân lao động đã được công chúng, Đảng và Nhà nước biết đến nhiều hơn. "Tôi thật sự trân quý sự xông pha đó" - nữ công nhân nói.
Mạnh dạn chỉ ra những vấn đề bất cập
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, hàng ngày, ông thường xuyên đọc Báo Lao Động cả báo giấy và báo điện tử, “trừ trường hợp đi công tác xa thì tôi không đọc được báo giấy” - ông Quyết nói. Theo vị cán bộ Công đoàn, Báo Lao Động có nhiều bài viết có tính định hướng dư luận rất cao; phản ánh được nhiều vụ việc vi phạm; mạnh dạn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong thực tế.
Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, số lượng báo giấy được phát tới các công đoàn cơ sở tương đối lớn. Trong khi đó, Báo Lao Động thường xuyên có nhiều bài viết về các cách làm hay, mô hình mới trong hoạt động công đoàn của các tỉnh, thành, công đoàn cơ sở. Vì vậy, nhiều công đoàn cơ sở đã học được những cách làm hay, nhân rộng trong các khu công nghiệp của tỉnh.
Ngoài ra, qua Báo Lao Động, các cán bộ công đoàn và người lao động còn thường xuyên cập nhật những thay đổi chính sách liên quan đến người lao động, ví dụ như chính sách về lương tối thiểu vùng, từ đó áp dụng để đảm bảo quyền lợi của người lao động tại đơn vị mình.
“So với mặt bằng chung, chất lượng của Báo Lao Động tương đối tốt. Tôi đánh giá cao chất lượng của các bài báo cũng như cách bố trí, sắp xếp trên báo giấy và báo điện tử. Tôi mong Báo Lao Động sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để phục vụ tốt hơn cho đối tượng độc giả là cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động” - ông Quyết bày tỏ.
Còn ông Ngô Quyết Thắng - Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Bắc Giang - chia sẻ, ông cũng thường xuyên đọc Báo Lao Động để nắm bắt các thông tin đa dạng, có chiều sâu, nhất là những thông tin về hoạt động công đoàn và quyền lợi người lao động.
Nhắc lại lần Báo Lao Động đã kịp thời vào cuộc, phản ánh vụ việc người lao động Công ty Cổ phần Thương mại, dịch vụ và đầu tư Trường Thành vật vã đòi lương, ông Thắng cho rằng: “Báo Lao Động là tiếng nói của người lao động, luôn bám sát các hoạt động của đoàn viên và người lao động; đặc biệt là phản ánh và bảo vệ quyền lợi của người lao động rất kịp thời; là chỗ dựa cho tổ chức Công đoàn và người lao động”.
Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Báo Lao Động sẽ tiếp tục quan tâm, phản ánh để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động tốt hơn nữa.
Bà Thái Thị Mai - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La ấn tượng với các hoạt động của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng. Theo bà Thái Thị Mai, Báo Lao Động đã kịp thời hỗ trợ, động viên những mảnh đời bất hạnh. Vào dịp đầu năm học mới, đoàn công tác của Quỹ đã không quản ngại vất vả, đường xá xa xôi, có những đoạn đường phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến được những nơi khó khăn nhất của tỉnh Sơn La để kịp thời tặng các em nhỏ vùng sông nước áo phao đến trường. Đoàn cũng tặng các em học sinh cặp sách, vở, áo ấm… những hoạt động đó của Quỹ đã giúp các em có cơ hội được cắp sách đến trường, bố mẹ yên tâm lao động, giảm tình trạng học sinh bỏ học.