Viết để thấu hiểu và sẻ chia với công nhân, người lao động

Phương Hà (thực hiện) |

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phối hợp với Hội Nhà văn, Báo Lao Động là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện, thu hút nhiều cây viết tham gia. Mới đi được nửa chặng đường, cuộc thi đã cho thấy sức hút của mảng đề tài vốn được cho là khá khó này. Đầu Xuân Quý Mão 2023,  Lao Động có cuộc trao đổi với một số tác giả tham dự cuộc thi.

Đầu tiên, chúng ta nói về chữ “duyên”. Ở đây mỗi người có một công việc khác nhau, tuổi đời cũng khác nhau. Vậy duyên nào đã khiến anh chị đến với văn học?

- Tác giả TRẦN MỸ THƯƠNG: Tôi là người dân tộc Cao Lan, đang công tác tại Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần - Cai nghiện ma túy tỉnh Hà Giang. Nhiệm vụ chính của tôi là tuyên truyền, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho các đối tượng cai nghiện ma túy.

Văn chương với tôi là một cơ duyên, một thiện nghiệp. Tôi bắt đầu viết từ thời còn là sinh viên. Khi đó, đơn thuần chỉ là trải lòng, hoặc vẽ nên những cảm xúc, trải nghiệm của mình về thiên nhiên, con người, cuộc sống. Dần dần, khi đã va vấp nhiều hơn, gặp hoặc chứng kiến nhiều mảnh đời hơn thì ý thức về nghiệp viết - tôi xem như một trách nhiệm. Tôi cần phải viết và thể hiện tinh thần, mong muốn tốt đẹp của mình đối với các mảnh đời tôi cho rằng cần phải viết.

Những tác phẩm dù cái kết đóng hay mở, đẹp đẽ hay xót xa -  trên hết vẫn là gửi gắm mong mỏi những giá trị nhân văn của tôi vào cuộc đời họ. Lẽ tất nhiên, quá trình làm việc với những người nghiện, người tâm thần, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục viết nhiều hơn về họ. Đó là mảnh đất của tôi, là vùng trời tôi đang sống dung hòa trong đó.

- Tác giả NGUYỄN CẨM HƯƠNG: Có lẽ tôi là người cao tuổi nhất khi tham dự cuộc thi, hiện tôi đã nghỉ hưu, sống tại Thanh Hoá. Trước khi nghỉ hưu tôi là biên tập viên của một nhà xuất bản. Sau khi biết có cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân và Công đoàn do Báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam phát động, tôi nung nấu ý định tham gia, bởi lẽ tôi cũng muốn thử sức vào mảng đề tài này, hơn nữa tôi vốn hay viết về những người nghèo khổ những người không may mắn hay có hoàn cảnh éo le. Họ là những người đang trực tiếp làm ra của cải cho xã hội nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

Tác giả Nguyễn Cẩm Hương.
Tác giả Nguyễn Cẩm Hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi muốn viết về điều đó, tôi muốn để mọi người hiểu rằng những người công nhân dù họ làm bất cứ việc gì, xuất thân ra sao,  họ cũng luôn là những người đáng trân trọng, bởi vì họ rất đẹp cả về tâm hồn lẫn công việc.

- Tác giả NGÔ NỮ THUỲ LINH: Hiện tại, là một người đang sinh sống, làm việc tại Đồng Nai, tôi có cơ hội  gặp gỡ, giao tiếp, trò chuyện với rất nhiều công nhân đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp ở đây. Hầu hết công nhân đều là người xa quê, tìm đến Đồng Nai để có một công việc duy trì cuộc sống, cũng như phụ giúp gia đình ở quê nhà. Đi, gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí có những ngày sống cùng phòng trọ với chị, em công nhân, nên tôi nhìn thấy thực tế đang diễn ra xung quanh, cuộc sống của người công nhân. Và đó chính là tư liệu tôi đưa vào truyện tham gia dự thi.

Có thể một truyện ngắn, không bao quát hết được những vất vả, cực nhọc hay những mảnh đời bất hạnh của mỗi công nhân, nhưng truyện của tôi, ít nhiều đó là thực tế tôi chứng kiến; tôi muốn gửi đến bạn đọc cả nước một góc nhỏ cuộc đời người công nhân.

Tác giả Ngô Nữ Thuỳ Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả Ngô Nữ Thuỳ Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây là mảng đề tài không dễ viết cho dù trước đây đã từng có nhiều tác phẩm hay về công nhân, Công đoàn. Trong quá trình sáng tác, các anh, chị gặp những khó khăn gì?

- Tác giả VŨ HUYỀN TRANG: Tôi đang là Hội viên Hội văn nghệ Phú Thọ, các tác phẩm của tôi đề cập đến nhiều mảng của cuộc sống. Lực lượng công nhân đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thực trạng đời sống văn học còn quá ít tác phẩm viết về đề tài công nhân - Công đoàn. Nhìn ngay vào lực lượng sáng tác trẻ cũng thấy, dường như họ bị thu hút bởi nhiều đề tài khác.

Người công nhân nếu có xuất hiện trong tác phẩm của họ cũng được khai thác theo khía cạnh hôn nhân gia đình, tình yêu đôi lứa… chứ ít tác phẩm khai thác trực diện vào ngành nghề, tâm tư, ước mơ, khát vọng của công nhân lao động. Càng ít đề tài viết về những đóng góp của cán bộ Công đoàn.

Với cuộc thi này, tôi hy vọng, phần lớn những cây bút không chuyên chính là những người công nhân. Họ sẽ viết về công việc, về cuộc đời, ước mơ của chính họ. Tiếng nói vang lên từ trong chính những lồng ngực ấy hẳn sẽ rất chân thực, thiết tha. Họ biết họ cần phải viết gì. Sự thôi thúc ấy sẽ giúp họ kể được câu chuyện của chính mình một cách trọn vẹn nhất.

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả Vũ Thị Huyền Trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với những cây bút không chuyên khác họ sẽ vẫn có cách tiếp cận đề tài công nhân - Công đoàn theo cách riêng của mình. Như tôi, tuy không phải là công nhân, cũng chưa từng làm việc trong bất cứ nhà máy, công xưởng nào nhưng tôi từng sống trong những xóm trọ công nhân. Công nhân là ai? Là anh chị, cô chú mình, những người hàng xóm cận kề mình. Chỉ cần chịu khó quan sát, lắng nghe thôi - mình sẽ hiểu được phần nào đời sống, tâm tư của họ.

- Tác giả NGUYỄN CẨM HƯƠNG: Mảng đề tài về công nhân và Công đoàn Việt Nam, lâu nay có nhiều nhà văn tên tuổi từng viết và gặt hái được những thành công, song dường như bị chìm đi một thời gian, có lẽ vì mảng đề tài này ít được độc giả quan tâm, và cũng vì các nhà văn ít được cọ sát đi thực tế về mảng này nên không có nhiều tư liệu để viết những tác phẩm dài hơi.

Theo tôi, mảng đề tài về công nhân và Công đoàn không khó, thậm chí còn rất phong phú, nhưng các nhà văn thường ngại viết vì cho rằng nó khô khan. Nhân đây tôi cũng muốn đề nghị với Hội Nhà văn Việt Nam nên kết hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên tổ chức cho các nhà văn có những chuyến đi thực tế dài hơi về các nhà máy, công trường xí nghiệp, tiếp xúc trực tiếp với người công nhân nhiều hơn để họ có những tư liệu và những cảm xúc nóng hổi đối với người công nhân đang vất vả miệt mài sản sinh ra sản phẩm cho xã hội.

- Tác giả TRẦN MỸ THƯƠNG: Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn là một chương trình vô cùng ý nghĩa, mang giá trị tinh thần to lớn đối với không chỉ đối tượng được hướng đến là những người công nhân lao động và tổ chức Công đoàn. Đây còn là cơ hội, nguồn động lực thúc đẩy người viết chuyên cũng như không chuyên sử dụng ngòi bút, sự hiểu biết của mình để trải nghiệm, tìm tòi, qua đó yêu mến, trân trọng hơn những đóng góp to lớn của tầng lớp công nhân lao động bấy lâu chưa thực sự được đánh giá đầy đủ.

- Tác giả KIỀU XUÂN QUỲNH: Bố mẹ tôi là công nhân từng nay đây mai đó với những công trường xây dựng trên khắp đất nước nên từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với môi trường sống của người lao động. Tôi được chứng kiến sự khổ đau của những mảnh đời nên có nhiều tư liệu và cảm xúc để viết.

Những truyện ngắn đầu tiên tôi viết cũng lấy nhân vật, hình ảnh là người công nhân trên công trường. Nhưng thật ra tôi cũng chưa bao giờ nghĩ hay tự trả lời câu hỏi rằng “viết về công nhân, Công đoàn khó hay không?”, tôi viết để trải lòng với niềm đam mê văn chương và lưu giữ lại một phần ký ức miền công trường đã gắn bó với gia đình tuổi thơ của tôi.

- Tác giả NGÔ NỮ THUỲ LINH: Đối với đề tài công nhân, Công đoàn - thực tế không quá khó để viết. Nhưng muốn viết được hay -  đòi hỏi người viết phải là người trải nghiệm thực tế. Trò chuyện, sống những tháng ngày với công nhân,  nghe những lời tâm sự từ tận đáy lòng. Khi đó, bạn mới có chất liệu tốt để đưa vào truyện của mình. Tôi cho rằng, truyện về đề tài công nhân khó ở chỗ nhân vật, sự kiện, sự việc diễn ra luôn phải thật; người viết phải nắm được, xâu chuỗi sự việc lại, nhào nặn để tạo nên một tác phẩm thu hút bạn đọc.

Báo Lao Động đã đăng một số truyện ngắn, chúng ta hãy nói về các tác phẩm này, điều tâm đắc của các anh, chị qua các tác phẩm là gì?

- Tác giả TRẦN MỸ THƯƠNG: Truyện ngắn “Cái chổi” được chọn đăng trên Lao Động cuối tuần xuất phát từ một ý tưởng vụt lóe lên khi tôi đọc thể lệ cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn. Tuy nhiên, xuyên suốt câu chuyện, nhân vật chính có thể coi là một nguyên mẫu đã hằn sâu vào ký ức tôi khi có một quãng dài sống sát vách với nhà của chị. Và qua truyện ngắn “Cái chổi”, tôi muốn nói: Dù ở tầng lớp lao động nào, hoàn cảnh sống khó khăn, bế tắc đến đâu, những con người lao động chân chính vẫn giữ nguyên vẹn bản chất tốt đẹp của những con người lương thiện. Đó là điều tuyệt vời cần được tôn vinh trong cuộc sống.

- Tác giả TRẦN ĐÌNH HIẾU: Hiện tôi đang công tác tại Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Với đặc thù công tác, trải qua các chức trách được phân công phụ trách tại Phòng Chính trị đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc sáng tác các tác phẩm báo chí, văn thơ. Về truyện ngắn “Nơi tình người ở lại”, đó là sự tương đồng về nhiệm vụ và sự đồng cảm trong công tác, bởi bản thân tôi từng có một thời gian dài đảm nhiệm chức danh Trợ lý Thanh niên (Phụ trách công tác Đoàn của Bộ CHQS tỉnh).

Tác giả Trần Đình Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả Trần Đình Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, trong quá trình phối hợp công tác, tôi thường được LĐLĐ tỉnh mời trao đổi một số chuyên đề cho cán bộ Công đoàn cơ sở, qua tiếp xúc với cán bộ Công đoàn cơ sở, tôi đã hiểu thêm những tâm tư nguyện vọng, những việc làm ý nghĩa của họ.

Chính những việc làm, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, của cán bộ Công đoàn cơ sở mà cụ thể là sự tận tâm, tận tụy vì công nhân, người lao động đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi cũng thường xuyên góp ý, hỗ trợ, giúp đỡ cho một nữ cán bộ công đoàn chuyên trách của một Công ty thuộc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú trong công tác;  sự cầu tiến, ham học hỏi, sẵn sàng hỗ trợ người lao động của người cán bộ Công đoàn chuyên trách này đã để lại trong tôi ấn tượng rất mạnh mẽ để tôi có thể lấy đó làm hình mẫu đưa vào sáng tác của mình.

- Tác giả KIỀU XUÂN QUỲNH: Truyện ngắn “Vết thương công nghiệp” của tôi là câu chuyện bóc tách những mảnh đời làm công nhân trong một xưởng may. Cuộc đời của Lụa là những chuỗi khổ đau, bất hạnh từ cuộc sống gia đình. Những bi kịch chồng chéo khiến Lụa bị lôi vào những điều mê tín, suýt chút trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người. Đến khi tìm được một công việc Lụa lại trở thành nạn nhân của sự ganh ghét đố kỵ.

Người thân, bạn bè của tôi có nhiều người làm việc ở công ty may, một người thân yêu nhất của tôi hiện tại cũng làm ở nhà máy may, nên tôi có dịp  đến đó. Ở đó, tôi chứng kiến sự cần mẫn, chăm chỉ của những người công nhân may. Giờ nghỉ giải lao, tôi  nghe họ nói chuyện về sự âu lo trong công việc, gánh nặng gia đình, nỗi khổ của phận làm dâu… Truyện ngắn “Vết thương công nghiệp” là sự chắp ghép những tình huống nhân vật có thật, của hoàn cảnh, môi trường công nghiệp nơi tôi sống và làm việc để hoàn thành câu chuyện.

- Tác giả NGÔ NỮ THUỲ LINH: Với truyện ngắn “Xóm công nhân bao cấp”, tôi là một trong số những đứa trẻ lớn lên ở xóm công nhân ấy. Bởi vậy, tôi chính là người được trải nghiệm thực tế rõ ràng, chi tiết. Trải qua thời gian bao cấp, những khó khăn cũng dần được cải thiện, nhưng chính những khó khăn ấy là bước đệm để mỗi người con trong xóm công nhân bao cấp đứng dậy, vươn lên, khẳng định chỗ đứng trong xã hội. Công nhân là tầng lớp đóng góp không nhỏ cho kinh tế cho đất nước. Vậy, không có lý do gì để họ, hay những người con của họ không thể không tự hào về những người công nhân.

Nhân dịp Xuân Quý Mão, anh chị có nhắn gửi gì tới bạn đọc Báo Lao Động?

- Tác giả NGUYỄN CẨM HƯƠNG: Chúc cuộc thi tiếp tục nhận được những tác phẩm chất lượng. Chúc bạn đọc Báo Lao Động một năm mới nhiều niềm vui.

- Tác giả TRẦN MỸ THƯƠNG: Tôi chúc cuộc thi này sẽ mở ra một phong trào, một đợt sáng tác về đề tài người lao động với những tác phẩm hay, qua đó người đọc sẽ hiểu rõ hơn chân chung và sức lao động và giá trị họ mang lại cho cuộc sống.

Tác giả Kiều Xuân Quỳnh (giữa) cùng các tác giả tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tác giả Kiều Xuân Quỳnh (giữa) cùng các tác giả tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Tác giả VŨ HUYỀN TRANG: Tôi chúc cuộc thi thành công hơn nữa, đặc biệt  thêm nhiều đóng góp của những tác giả là người lao động trực tiếp.

- Tác giả NGÔ NỮ THUỲ LINH: Tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, niềm vui, một năm mới tràn đầy hạnh phúc, đến bạn đọc Báo Lao Động. Hy vọng cuộc thi đề tài công nhân sẽ lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc cả nước, giúp các bạn phần nào hiểu được đời sống công nhân, cũng như những đóng góp to lớn tầng lớp công nhân đã, đang từng ngày cống hiến cho đất nước mình.

- Tác giả KIỀU XUÂN QUỲNH: Xin kính chúc Báo Lao Động, toàn thể độc giả trên cả nước lời chúc năm mới sung túc kinh tế, viên mãn sức khỏe, đủ đầy niềm vui, trọn vẹn hạnh phúc.

- Tác giả TRẦN ĐÌNH HIẾU: Cuộc thi đã tạo được 1 sân chơi cho những người yêu thích sáng tác, thông qua đó tạo cảm hứng, truyền năng lượng cho đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động qua đó phần nào đã góp phần tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng của những cán bộ đoàn viên Công đoàn tâm huyết, những câu chuyện chân thực, những tấm lòng biết ơn của đoàn viên, CNLĐ khi được chia sẻ, giúp đỡ, động viên những lúc khó khăn trong cuộc sống. Tôi tin cuộc thi sẽ thành công tốt đẹp.

 
Phương Hà (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Khai thác sức mạnh từ dòng văn học cho người lao động

Mỹ Linh |

Vừa qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật thời kỳ mới”. 

Khắc hoạ sâu đậm đời sống người lao động

Linh Anh |

Phát động từ tháng 11.2021, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đến thời điểm này đã đi được nửa chặng đường và ghi nhận những thành công ban đầu.

Văn học về đề tài công nhân - công đoàn: Hứa hẹn một mùa bội thu

Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG |

Nếu nhà văn có hơn một lần thâm nhập các khu công nghiệp/ các nhà máy/ công trình lớn của đất nước sẽ có cơ hội đứng trước một đối tượng thay đổi mạnh mẽ - những người công nhân được tri thức hóa - chắc chắn cảm xúc và sự viết sẽ thay đổi...

Việt Nam - thành viên chủ động, tích cực của APEC

Song Minh |

Trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu 25 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC.

Mắt xích nào bị điều tra trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ của ông trùm Nguyễn Minh Thành?

Việt Dũng |

Ngoài làm rõ hành vi của ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỉ Nguyễn Minh Thành cùng đồng phạm và 42 người khác, một số đối tượng liên quan đã được tách rút, xử lý sau.

Nhiều cán bộ chủ chốt của Đà Nẵng được điều động, bổ nhiệm

THÙY TRANG |

Ngày 16.11, tại hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ, TP Đà Nẵng đã điều động, bổ nhiệm nhiều giám đốc sở, ban quản lý dự án cũng như lãnh đạo quận huyện.

Mua bảo hiểm xe máy để khi va chạm với xe Camry, Porsche còn có bảo hiểm đền

Hiếu Anh - Hải Đăng |

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, đa số người mua bảo hiểm xe máy là người nghèo, chạy xe ôm, grab. Do đó, khi chẳng may xe máy tông phải xe đắt tiền như Camry, Porsche thì còn có bảo hiểm đền.

Xuồng cao tốc giống siêu xe trên vịnh Hạ Long do doanh nghiệp ở Quảng Ninh sản xuất

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Thời gian gần đây xuất hiện 2 chiếc xuồng được thiết kế như những siêu xe lướt trên vịnh Hạ Long khiến dư luận thích thú, tò mò, nhưng sau đó đã bị các cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động vì chưa đủ điều kiện.

Khai thác sức mạnh từ dòng văn học cho người lao động

Mỹ Linh |

Vừa qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật thời kỳ mới”. 

Khắc hoạ sâu đậm đời sống người lao động

Linh Anh |

Phát động từ tháng 11.2021, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đến thời điểm này đã đi được nửa chặng đường và ghi nhận những thành công ban đầu.

Văn học về đề tài công nhân - công đoàn: Hứa hẹn một mùa bội thu

Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG |

Nếu nhà văn có hơn một lần thâm nhập các khu công nghiệp/ các nhà máy/ công trình lớn của đất nước sẽ có cơ hội đứng trước một đối tượng thay đổi mạnh mẽ - những người công nhân được tri thức hóa - chắc chắn cảm xúc và sự viết sẽ thay đổi...