Sông Đak Rông mùa yêu

Lâm Hưng Thơ |

“Sao em không nói để anh phải đi tìm em/ Tìm hoài tìm mãi sao tất cả vẫn lặng im/ Ơi vầng trăng sáng, ơi con suối sâu/ Có biết em ở đâu, chỉ cho ta với...”. Bất ngờ vào một đêm trăng, bên dòng sông Đak Rông (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị), tiếng hát của một chàng trai Pa Cô cất lên, hòa quyện với núi rừng cùng tiếng đàn Ta Rưng mời gọi, réo rắt.

Đó là đoạn mở đầu của bài dân ca Pa Cô, mà trước kia nam nữ đồng bào Pa Cô ai đến tuổi trưởng thành cũng phải thuộc, để làm hành trang cho những mùa đi sim tìm bạn đời. Qua bao mùa trăng, lời hát trên tưởng chừng đã mai một và chẳng còn người trẻ nào hay biết và gìn giữ. May mắn là không phải, đi sim cũng như mạch nguồn của sông Đak Rông, dù có lúc vơi lúc đầy, nhưng dòng chảy vẫn miệt mài, chảy mãi.

Mở cửa xu liêu

Khiên cất lên 4 câu mở đầu của bài hát Tun Lâng (tiếng Pa Cô, có nghĩa là đi sim), cố ý hát thật to để Hậu - người có mặt trong chiếc chòi nhỏ giữa rẫy lúa nghe thấy. Tiếng đàn Ta Rưng theo bàn tay của Khiên cứ réo rắt mời gọi, và phải hát đến lần thứ 3 thì cánh cửa mới hé mở. Chiếc chòi này còn gọi là xu liêu, luật tục của người đồng bào Pa Cô là hễ gia đình nào có con gái đến tuổi trường thành, sẽ làm một chòi nhỏ ở giữa rẫy. Hằng ngày, cô gái sẽ đến ở lại để đuổi thú rừng phá rẫy, chàng trai nào có ý định đến tìm hiểu, giao duyên nếu được cô gái thuận lòng sẽ được phép bước vào chòi. Thấy cửa mở, Khiên nhẹ nhàng lại gần, bước lên các bậc thang tre và đi vào trong. Ở giữa chòi, bên bếp lửa than đỏ rực, xôi và món cá nướng được dọn ra. Hậu mời Khiên ngồi xuống ăn, ai cũng thẹn thùng cứ nhìn chăm chú bếp lửa, kiểu như bếp lửa hôm nay có gì lạ lắm...

Vào mùa đi sim, nam nữ đồng bào Pa Cô thường tìm đến bờ suối để đàn hát. Ảnh: Hưng Thơ.

Khiên 21 tuổi, lớn hơn Hậu 3 tuổi, cả hai cùng ở xã Tà Rụt của huyện Đak Rông. Hai người hay gặp nhau vào các hội diễn văn nghệ của xã, gặp cũng chỉ nhỏ nhẹ vài câu, chứ chưa ai bày tỏ nỗi niềm gì. Nhưng chỉ dăm câu hát và tiếng đàn, Khiên đã bước lên xu liêu và được mời ăn, điều đó khiến cậu vững tin hơn. Ăn "kiểu cách" vài miếng, Khiên ngỏ lời vào ngày mai sẽ đến tuốt lúa giúp Hậu nếu được cho phép, Hậu không nói, chỉ cười và cho thêm củi vào bếp lửa, ngọn lửa cháy rực, ấm áp hơn.

Đêm sau đó và những đêm trước nữa, ở xu liêu của Hậu cũng vang lên tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát của những chàng trai Pa Cô khác. Dù cánh cửa xu liêu vẫn được mở để bày tỏ phép lịch sự, nhưng tuyệt nhiên chẳng có món ăn nào được bày biện ra bên bếp lửa, biết ý của chủ nhân xu liêu, nên những chàng trai kia lặng lẽ rời đi. Lúc tiễn các chàng trai đi rồi, Hậu lại cất vang tiếng hát: “A Miêng ơi khi em lên rẫy em nhớ lửa nhà sàn/ A Miêng ơi! Khi em xuống suối lòng em nhớ ánh trăng/ Anh là lửa nhà sàn, anh là ánh trăng trên rẫy/ Dù cây lá rộn ràng sao mà quên anh được...”

Trăng sáng mùa yêu

Hết vụ mùa trên rẫy, Hậu không ở xu liêu nữa, mà về nhà với bố mẹ. Cũng như những cô gái khác, tối đến Hậu không ngủ ở nhà, mà tìm đến những gia đình có phụ nữ đơn thân, hoặc chưa chồng để ở lại. Đang mơ màng, Hậu tỉnh giấc vì nghe tiếng sáo, tiếng đàn, trong đó có tiếng đàn Ta Rưng với khúc ca quen thuộc. Hậu khẽ lay mọi người dậy, theo tiếng đàn tiến ra bờ suối. Trên bãi cát với những tảng đá vuông vức bên sông Đak Rông, tiếng hát đối đáp bắt đầu với những câu từ giản dị, gần gũi, nhưng ẩn sau đó là tình yêu nam nữ đang lớn dần lên.

Khiên ghé vào tai Hậu, rồi cả hai tách nhóm, cùng men theo bờ sông đi đến một trảng cát khác. Sau khi đốt hai đống lửa lớn, Khiên cất tiếng đàn và hát. Lời hát bây giờ không theo khuôn mẫu, không phải dân ca hay gì khác, mà là những lời chân thành: "Hoa xoan nở thì mình phải vui, mắc mớ gì mà em sợ". Hậu lại ngại ngùng, ánh mắt vẫn nhìn vào đống lửa, nhưng lại đáp lời: "Con ếch muốn bơi thì cứ bơi lội đi, không ai cản được. Con cóc muốn kêu thì kêu, không ai cản được". Mừng như mở cờ trong bụng, Khiên ngân nga: "Anh muốn bẻ nhành chanh, nhưng sợ nhành chông gai. Anh muốn yêu em mà sợ em có người khác rồi". "Chanh chua thì nhành chông gai, nhưng anh đừng sợ vì đã có em đây rồi" - ngần ngừ hát đáp lại, nhưng lần này Hậu không còn nhìn vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt, mà hướng ánh mắt về phía Khiên.

Hát đối đáp cho đến khi đống lửa tàn, Khiên dẫn Hậu đến một cái rẫy cũ, bẻ lá cây rừng lót xuống đất rồi nằm tâm sự. Khiên đem chiếc dây đeo tay nhỏ bằng bạc giấu sẵn trong người, đeo vào tay Hậu, cả hai lặng nhìn nhau hồi lâu, rồi bàn chuyện sẽ về xin phép cha mẹ hai gia đình để đến với nhau. Giữa núi rừng yên ắng, họ nằm cạnh nhau, trò chuyện và ước hẹn dưới ánh trăng sáng và chỉ dừng lại cho đến khi trời rạng sáng, lúc đó Hậu sẽ về nhà giã gạo, Khiên chuẩn bị để lên nương.

Mạch nguồn sông Đak Rông...

Cũng nhờ tiếng đàn, lời hát ở xu liêu và những đêm trăng bên dòng Đak Rông, nghệ nhân Mai Hoa Sen (hơn 70 tuổi, trú tại xã Tà Rụt) mới... lấy được vợ. Đi bộ đội hết tuổi thanh xuân, lúc trở về đã 40 tuổi, nhưng ông Mai Hoa Sen vẫn để ý một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Nhiều chàng trai đã đến tìm hiểu, đàn có, hát có, kể chuyện có, nhưng chẳng ai lay chuyển được cô. Vốn có "máu" nghệ sĩ, lại thông thạo làm các loại nhạc cụ như đàn Ta Rưng, đàn môi nên dần dà ông Mai Hoa Sen cũng tiếp cận được. Từ đàn, hát, rồi tặng đàn, tặng áo, cuối cùng nghệ nhân cũng làm xiêu lòng cô gái và lấy vợ. "Không chỉ vợ trẻ mà còn xinh đẹp hẳn hoi" - nghệ nhân Mai Hoa Sen, tự hào.

Nói về tục đi sim hiện tại, nghệ nhân Mai Hoa Sen tiếc rẻ, bởi tục đi sim từ thời ông và trước đó nữa rất trong sáng, thấy thích thì đến với nhau, không đặt nặng vấn đề này nọ và đặc biệt là có sự tôn trọng chứ không gượng ép. Nhưng nay thì đã khác, tục đi sim đã có biến tướng và nhiều người nhìn những nét văn hóa của đồng bào Pa Cô một cách méo mó, lệch lạc. Ví như việc người con gái đến tuổi trưởng thành thường đến nhà xu liêu hoặc phụ nữ đơn thân để ở, lý do là bởi người Pa Cô sống trong nhà sàn, không có các ô ngăn cách. Người lớn sợ việc sinh hoạt vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến con trẻ nên mới cho phép đi ngủ nơi khác. "Chứ không phải như suy nghĩ của nhiều người là con gái Pa Cô đến tuổi trưởng thành được rời gia đình đến ngủ nơi khác để thuận tiện làm những chuyện trái phong tục" - nghệ nhân Mai Hoa Sen, lắc đầu.

Và hàng trăm năm nay, luật tục của người Pa Cô nghiêm cấm và phạt nặng những trường hợp người con gái lỡ dại với người con trai trong quá trình đi sim. Nếu vi phạm thì cả hai sẽ bị phạt vạ con trâu, con bò và mang tiếng xấu suốt đời. Trân, bò vừa là tài sản lớn, vừa mang tính cộng đồng cao nên hiếm trường hợp người đồng bào Pa Cô vi phạm điều cấm kỵ trên. Nhưng nhìn nhận thực tế hiện nay, tục đi sim không còn được duy trì như ngày xưa nữa, mà theo dòng chảy của thời gian đã có nhiều "cách tân". Thay vì dùng tiếng đàn, tiếng hát để tiếp cận người bạn đời, nam nữ Pa Cô bây giờ có thể dùng điện thoại, intenet.

Thế nhưng không phải đã mất hết, nếu may mắn vào những đêm trăng, ngược xuôi theo dòng sông Đak Rông, ta vẫn có thể nghe được tiếng đàn của người con trai và tiếng hát đối đáp như của Khiên và Hậu. Bởi như lời của anh Hồ Văn Phương - Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Đak Rông, thì dù có mai một, có biến hóa đi nào chăng nữa, nét văn hóa này cũng đã ăn sâu từ gốc rễ đến thế hệ đồng bào Pa Cô. Đồng nghĩa với việc vào những đêm trăng sáng, những ngôi nhà xu liêu ở đây vẫn mở cửa, ở đó vẫn có tiếng đàn, có tiếng hát gọi mùa yêu. Có mai một đi chăng nữa, thì tục đi sim của người Pa Cô ở đây vẫn như mạch nguồn sông Đak Rông, lúc vơi lúc đầy nhưng vẫn miệt mài chảy mãi.

Lâm Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.