TP.HCM hiện đang có 12 bảo tàng
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.HCM có 12 bảo tàng với các chức năng và nhóm ngành khác nhau bao gồm: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Y học cổ truyền, Bảo tàng lực lượng vũ trang vùng Đông Nam Bộ, Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng tranh 3D Artinus.
Trong 12 bảo tàng nêu trên, hiện chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tự chủ tài chính. Các bảo tàng còn lại hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách cấp là chính.
Đại diện Bảo tàng TPHCM cho biết, khó khăn chung của các bảo tàng hiện nay là ít khách tham quan, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để trùng tu.
Nên ưu tiên dành vốn cho những vấn đề cấp thiết
Từ năm 2015, TP.HCM có chủ trương nâng cấp 5 bảo tàng cấp thành phố, đó là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng TP.HCM.
Hiện chỉ có Bảo tàng TP.HCM được chuyển sang xây mới hoàn toàn tại quận 9, trong khi 4 bảo tàng còn lại vẫn đang triển khai công tác cải tạo, nâng cấp và mở rộng.
Thực tế, một số bảo tàng được xây dựng rồi để đó, mà không được quảng bá đến công chúng và du khách quốc tế. Vì vậy, có những bảo tàng khi nhắc đến tên nhiều người mới "ngỡ ngàng" vì chưa nghe đến bao giờ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Quốc tế Việt Nam Học cho rằng, với số lượng bảo tàng hiện nay tại TP.HCM đã đáp ứng đủ nhu cầu tham quan và nghiên cứu của người dân cũng như du khách.
Vì vậy, các cơ quan chức năng chưa vội xây thêm bảo tàng mới, mà nên cải tạo và nâng cấp phần "hồn" trong để hút khách đến tham quan; đồng thời cải thiện nguồn nhân lực bảo tàng để đáp ứng yêu cầu phát triển về chất lượng, nhất là những người có trình độ chuyên môn sâu.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Viên Nghiên cứu Đô thị và Phát triển cho rằng, TP.HCM cần cân nhắc giữa xây mới với việc nâng cấp. Những gì chưa cấp thiết thì chưa vội làm, để nguồn vốn đó cho những dự án thiết thực với người dân hơn.
"TPHCM cần giải quyết sớm những vấn đề mang tính cấp thiết đến đời sống người dân như kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường, giao thông công cộng,... Bảo tàng Thành phố hiện hữu có thể nâng cấp được thì ưu tiên làm trước, để tiết kiệm ngân sách" - bà Trân nói