Có vị trí và kiến trúc đẹp nhất TP.HCM
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ Dinh Gia Long) vừa là bảo tàng vừa là địa chỉ tham quan có vị trí và kiến trúc đẹp nhất trong số các bảo tàng đang có tại Thành phố.
Bảo tàng này tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, thuộc trung tâm quận 1, trên một khu đất rộng gần 2 ha với 4 mặt tiền đường: Lý Tự Trọng - Pasteur - Lê Thánh Tôn - Nam Kì Khởi Nghĩa.
Được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp, với mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ.
Tháng 8.1978, UBND TP.HCM quyết định chuyển tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM, đến cuối tháng 12.1999 thì đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM như hiện nay.
Bảo tàng có tổng diện tích xây dựng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng của tòa nhà chính và tòa nhà ngang thiết kế theo kiến trúc phong cách cổ điển - Phục hưng và kết hợp Âu - Á. Mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang nét Á Đông.
Nhiều họa tiết khác đắp nổi trên mái là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ, thú vật vùng nhiệt đới.
Không có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng
Phóng viên Báo Lao Động cùng với một vị kiến trúc sư có tiếng trong làng kiến trúc đã vào "tham quan" bảo tàng vào một ngày cuối tháng 9 để ghi nhận sự "xuống cấp, hư hỏng và chật chội" của Bảo tàng thế nào.
Sau nhiều vòng tham quan và tìm hiểu khắp bảo tàng, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy là bảo tàng xuống cấp và hư hỏng. Ngược lại, theo vị kiến trúc sư đi cùng, thì kiến trúc tòa Bảo tàng còn kiên cố, khang trang và vững chắc dù công trình đã tồn tại hàng trăm năm.
Nhìn tổng thể, cơ sở vật chất của Bảo tàng đang rất tốt và hoàn toàn có thể sử dụng trong nhiều năm nữa. Điều này, ai cũng có thể kiểm chứng khi đến tham quan Bảo tàng. Bảo tàng vẫn còn những diện tích đất chưa khai thác hết, trong đó có khu đất cho doanh nghiệp thuê để kinh doanh.
Lãnh đạo Bảo tàng từ chối cung cấp thông tin
Phóng viên báo Lao Động liên hệ gặp lãnh đạo Bảo tàng TP.HCM, để tìm hiểu thông tin về tình hình hoạt động, cũng như những khó khăn về cơ sở vật chất và sự xuống cấp của Bảo tàng.
Phóng viên đề nghị được cung cấp thông tin liên quan đến tình hình hoạt động hiện tại, những thuận lợi và khó khăn về cơ sở vật chất, lượng khách đến tham quan cũng như chi phí vận hành,... Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo tàng đề nghị xin không được cung cấp những thông tin này.
Lý do được lãnh đạo Bảo tàng đưa ra là chỉ có thể cung cấp về vấn đề chuyên môn còn những vấn đề khác thì xin phép không thông tin được.
Tuy nhiên, phóng viên không đồng ý với đề nghị này, bởi những thông tin đề nghị cung cấp không nằm trong danh mục bí mật của Nhà nước và thuộc thẩm quyền phát ngôn của lãnh đạo Bảo tàng.
Khi phóng viên đề nghị Bảo tàng cung cấp thông tin theo đúng quy định của luật báo chí, thì được lãnh đạo Bảo tàng phân cho một vị Trưởng phòng đại diện Bảo tàng trả lời phỏng vấn, nhưng với điều kiện chỉ nói đến công tác chuyên môn.
Thế nhưng, sau đó vị Trưởng phòng được phân và cả vị đại diện Bảo tàng tiếp phóng viên đều im lặng, phóng viên nhiều lần liên hệ nhưng không nhận được hồi âm.
Được biết, từ năm 2004 Thành phố có đã chủ trương thực hiện dự án “Trùng tu tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên sân vườn và đầu tư nâng cấp, mở rộng Bảo tàng TPHCM”. Sau nhiều lần điều chỉnh, hoàn tất các thủ tục hồ sơ và được thường trực Thành ủy, UBND TPHCM đồng ý vào năm 2015.
Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM lại chuyển sang xây mới hoàn toàn tại quận 9, thay vì nâng cấp cải tạo như chỉ đạo ban đầu.