Truyện ngắn dự thi: Nước mắt Mặc nưa (phần 1)

Tống Phước Bảo |

Thiệt hộc tốc chạy về khi vừa nghe dứt cú điện thoại của thằng Bình bát. Tháng sáu phủ nắng khắp miệt đồng bưng. Nắng nảy lên những tán lá xanh rì. Nắng trổ những trái non biêng biếc quanh mấy cành cụt. Nắng hong khô mấy cây hàng vừa da. Nắng nung người dân tay đen lấm tấm mồ hôi. Chỉ vậy thôi, nắng không thể bắt lửa để cháy vườn Mặc nưa. Thiệt tin con nắng xứ này cũng mang lòng phù sam, sao nỡ đốt thứ thảo thơm đã cho người lục tỉnh vang danh trăm năm qua. Thiệt cứ chạy. Chạy trối chết dọc trên bờ đê. Chạy băng qua mấy cánh ruộng. Chạy về phía lửa. Phía Mặc nưa đang mùa cho trái.

Ông bảo hay là thôi, bày vẽ ra thêm sẽ khiến mình mòn cả đời. Thiệt còn trẻ cứ theo tía má hay mấy anh chị tìm đường mà mưu sinh. Tỷ như tía má qua con phà Vàm Cống lên thị thành rồi gá luôn phận đời mình ở đó. Giàu sang không có nhưng cũng an ổn phần đời với đám con. Tỷ như xóm lãnh hồi đất xẻ châu thổ ra như người ta xẻ cá. Đất lên vùn vụt. Xứ chín nhánh tróc vảy từng mảng.

Thiên hạ chặt cây. Thiên hạ bỏ vườn. Đất gom lại thành khu công nghiệp. Công ty ào ạt dựng lên. Vô công ty làm thì đâu cần lo nắng lo mưa, lo lớn ròng con nước. Sáng đi, chiều về, tới tháng lãnh lương. Xóm lãnh cũng chặt Mặc nưa, dẹp khung, bỏ luôn đời tay đen mà tìm cái nghề cho nó xán lạn hơn. Chứ cái nghề này, nói thiệt, đã mai một theo biến thiên thời cuộc.

Lãnh theo thế thời cũng lụi tàn. Làm ra kỳ công, lại mắc tiền, đâu bằng mút-sơ-lin, hay thứ lụa pha nilon rẻ rề ngoài chợ. Thời công nghiệp hiện đại, mấy ai còn chuộng đồ thủ công làm lâu lắc. Giờ ra chợ mua xấp vải về may đồ, chứ lãnh thì đôi khi phải trông mưa trông nắng, trông mùa Mặc nưa, đợi giũ, đợi dập. Đời bây giờ đâu ai thèm đợi chờ một thứ mà tiền có thể mua ào ào.

Thiệt không nói gì, bỏ ra ngoài mé sàn lãng. Chiều dập dềnh mấy nhánh lục bình miên di phận đời lữ thứ. Lục bình rễ chùm. Lang thang tìm bến mà neo. Nhưng rễ có bám bến bén ngót chừng nào thì khi gặp sóng lớn đánh cũng rã nhánh mà trôi nổi theo luồng lạch sóng nước xứ này. Dẫu cũng ra bông nhưng luôn là phận đời long bong viễn xứ.

Chiều ai thả ngọn khói rơm rạ lên trời mà ngái nồng cả khúc sông.
***
Thiệt về sau mùa dịch khủng khiếp tràn qua thị thành. Đất phồn hoa xanh đỏ đèn màu thoáng chốc ngỡ như đi vào một cuộc chiến. Phố xá xám xịt. Tiếng còi hú inh ỏi. Nhà sát một điểm tập kết những người dính dịch, nên tim má thình thịch mỗi khi nghe xe cứu thương trung chuyển. Từ phía tầng lầu Thiệt nhìn xuống, lố nhố người trắng bệt gương mặt. Báo đài cập nhật con số nhảy múa như chưa bao giờ biết dừng. Hàng rào kẽm gai giăng đầy đường. Thị thành như bị xé toang loang lổ những vết thương, chằng chịt những nỗi đau.

Gia đình anh chị em tám phương tứ hướng thoảng khi mới nhắc nhau, đôi khi chỉ gặp nhau mấy bận về quê giỗ chạp Tết nhất nay tự nhiên biết thương nhau. Lập cái nhóm chat, gom hết nhau vào để hỏi thăm, để dạy nhau cách chống đỡ nếu lỡ nhà có ai bị dính. Cũng có khi là nhắc nhớ mấy cái ký ức xưa xa cũ càng rồi cười. Cũng có đêm bật khóc.

Đó là hôm dì khoe vẫn còn giữ cái bộ đồ bà ba may bằng lãnh Mỹ A. Dì mà có dính dịch chết, thì phải tẩn dì trong bộ bà ba này rồi hãy táng. Bộ bà ba ngoại cho làm của hồi môn khi dì theo chồng. Bộ này chắc tính ra cũng ba chục năm. Đâu hình như là bộ cuối cùng của cây hàng ngoại làm. Sau cây hàng đó, ngoại đã không còn sống với nghề tay đen.

Má coi đoạn chat tự dưng mắt đỏ hoe. Đêm má lên tầng lầu nhìn xuống trạm trung chuyển. Má rời thị thành là ba chục rồi sao? Cuộc đi ngày đó ngỡ chỉ là quá giang một đoạn đời ai ngờ gắn luôn phần số với thị thành này. Chưa bao giờ má thấy sợ như bây giờ. Chưa bao giờ đất này trống rỗng đến mênh mông. Má không sợ chết. Tầm tuổi này rồi thì sống chết cũng là một chuyến đi về. Cái má sợ là ngày về không được nằm trên đất quê. Không được chôn dưới chân ngoại.

Đêm Thiệt thấy má len lét thắp nhang lên bàn thờ gia tiên. Má mặc bộ đồ bà ba đen tuyền. Nhang trầm vương vào không gian trầm lặng. Ngoài kia tiếng xe cứu thương vẫn vọng vang. Con số đã lên mấy chục ngàn ca. Trong mấy chục ngàn ca đó, có vợ chồng bà bán bánh mì đầu hẻm. Hai vợ chồng phát bệnh, báo lên tổ trưởng khu phố. Và chờ! Chờ cả ngày vẫn chưa thấy xe tới rước.

Tin nhắn cuối cùng vào nhóm chat của khu phố là tin nhắn bà vợ báo hình như ông chồng ngưng thở. Mọi người thấp thỏm. Nhiều cú điện thoại gọi lên tổng đài. Các tổng đài đều quá tải. Xế trưa hôm sau xe đến. Hai cái băng ca quấn trắng toát được khiêng ra. Thiệt đứng trên lầu nhìn xuống. Mấy chục cái nhà là cả trăm cái ánh mắt ngó xuống. Ngó và sợ!

Nhưng sợ thì cũng chẳng thể làm gì khác cho đến một ngày dãy trọ cuối xóm gào lên. Mấy công nhân làm trong khu chế xuất Tân Thuận hết tiền, hết gạo, hết luôn cả mì gói, nhắn inh ỏi trong nhóm chat của xóm. Mọi người bàn nhau chia sẻ bớt. Thế là mỗi nhà một ít treo ngoài cửa. Mấy người công nhân qua cơn đói vài ngày.

Thoảng khi có xe hàng chạy vào xóm. Còn hai chục phần thôi bà con. Ai còn thì nhường người hết. Cuối xóm nhà bà Hương có tật cái chân một mình nuôi thằng con nhỏ, hai vợ chồng ông vé số, nhà đám sinh viên miền Trung, nhà mấy con nhỏ làm mát-xa. À nhớ chừa một ít cho đám công nhân. Mấy chục phần nhanh chóng hết cái vèo trong xóm nhỏ có trăm nóc nhà. Không ai được ra đường. Không chợ búa gì hết. Ở yên trong nhà và chờ.

Cánh đàn ông chờ trong bứt rứt bởi bây giờ bao cao su cũng là thứ xa xỉ. Cánh phụ nữ chờ trong ẩm ướt bởi bây giờ cái băng vệ sinh cũng không phải hàng thiết yếu. Tất cả phải chờ. Không chờ được thì gom nhóm và xông ra các chốt. Thông được chốt thì về cố hương. Đoàn người liều lĩnh trong đêm. Chốt chặn miền Tây bát nháo trăm ngàn người xe. Chốt chặn miền Đông phập phồng vỡ trận. Mười bốn triệu con người trong cái kén rỗng thoi thóp sống.
***
Thiệt phác thảo bản vẽ dựa trên một đề án từ phía Pháp gởi sang. Trằn trọc và suy nghĩ. Hai lần phác thảo bị từ chối. Đối tác yêu cầu cái gì đó thật lạ. Cái gì đó là của mày. Cái gì đó đặc trưng. Chứ tao không cần cái mà thế giới đã sẵn có. Thế giới có rồi, mày nhắm có vẽ ra thêm mà vượt hơn người ta thì vẽ. Không hơn thì thôi!

Quay về với quê hương của mày mà tìm. Những bức email trao đổi qua lại. Thời dịch ngưng trệ toàn cầu. Nhưng hãy nhớ rồi cơn dịch sẽ qua. Tất cả sẽ phải bắt đầu lại. Mày phải tận dụng. Thiệt leo lên tầng lầu ngồi ngó mông lung ra màn đêm đen kìn kịt. Đêm không trăng. Đêm không sao. Phố không đèn. Phố không người. Chỉ nhấp nháy chiếc xe dọc ngang có gắn đèn đỏ ưu tiên. Thành phố này vẫn thức. Không phải cái thức của ồn ào náo nhiệt của mưu sinh và ăn chơi. Mà thức vì sợ có khi mình ngủ một giấc là chẳng thể mở mắt ra nữa. Đêm vẫn quay cuồng trong đầu Thiệt với chênh chao.

Thiệt đi xuống nhà. Tiếng kinh đêm lầm rầm. Bài chú Đại bi má khấn mười phương chư phật gia hộ độ trì cho thành phố đi qua biến thiên thời cuộc này Thiệt thuộc nằm lòng. Bốn tháng nay, có không muốn nghe, có không để tâm thì Thiệt vẫn thuộc. Tám mươi bốn biến có là thần chú quảng đại viên mãn, cứu khổ cứu nạn, hay diệt vô lượng tội, được vô lượng phước và vãng sanh hương linh về cõi Tây Phương cực lạc. Thiệt không biết, nhưng, đêm nay, Thiệt quỳ cạnh má. Miệng vẫn khấn những câu quen thuộc. Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni.

Khói nhang mờ ảo cuộn tròn nhân ảnh. Khói tỏa những vòng xoắn lấy bộ bà ba đen bằng lãnh Mỹ A của má. Trong từng ngọn khói như từng con mắt mở ra. Mắt khói cay mắt người. Má vẫn rì rầm bài chú. Chỉ có mắt Thiệt rớt hột nước. Đêm mằn mẵn.
***
Chiếc xe dán cái băng rôn “Công đoàn khu chế xuất Tân Thuận” lù lù tiến vào đầu xóm nhỏ. Đám công nhân mừng tíu tít. Xe này cứu trợ công nhân, bà con xóm nếu đủ đồ ăn thì xin đừng lấy. Loa phát thanh ra rả. Có tiếng bà nhà giàu tru miệng từ cánh cửa sắt nhà mình vọng ra. Bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu trong lúc dịch này? Cha nội tổ trưởng chạy ngang qua nhìn căn nhà phán thẳng nhà giàu vậy mà la làng gì bà. Nhà giàu cũng có được ra đường đi chợ mua đồ ăn đâu. Nhà giàu cũng đói. Thấy đồ ăn là cũng phải xin.

Ông chủ tịch công đoàn ngó tới ngó lui. Giàu nghèo gì tầm này nữa mấy ông phát quà ơi! Xóm này đói rụng răng. Chết cũng chục mạng. Chết dịch chưa sợ bằng chết đói đâu mấy ông. Đói quắt quéo con người ra. Đói quá nên nhà giàu bỏ cái nhục mà đi xin ăn đây này. Ai đó trong đám công nhân đang xếp hàng bảo phát hết đi mấy chú. Đói cả xóm, chứ đâu chỉ có công nhân. Đói cả thành phố chứ có riêng gì người nghèo. Con vi-rút nó đâu có phân biệt giàu nghèo.

Ông chủ tịch công đoàn ngó lại cái xe quà, lí nhí gì đó với thằng lơ xe, xem chừng coi gói quà đủ phát hay không rồi ổng phủi tay ra hiệu: Phát! Mỗi phần quà là bao gạo, thùng mì, vỉ trứng, mớ rau mà quý còn hơn vàng. Lần đầu tiên sau 4 tháng dịch, Thiệt mới thò tay ra ngoài cửa nhà nhận một phần quà. Lần đầu tiên cả xóm nhỏ có quà. Cái xóm vỗ tay rần rần.

Ông chủ tịch công đoàn chấp tay xá lia lại. Ổng xá cái gì Thiệt không biết, nhưng sau lưng ổng, cha tổ trưởng khu phố mặt xám xịt. Nhà cha tổ trưởng khu phố ở con hẻm kế bên. Xe quà chưa kịp đi qua thì đã hết.

Tàn cuộc dịch, lệnh phong thành gỡ đi. Dân chúng túa ra đường kiếm ăn. Thành phố ngơ ngác kiếm tìm người quen. Người còn thì mừng. Người biệt dịch thì chẳng thể nhìn thành phố lúc này. Người vội vã trả phòng trọ gom hết đồ chạy về quê. Người lừng khừng cầm bộ hồ sơ đi xin việc. Bảng treo cho thuê mặt bằng giăng mắc từ đường nhỏ ra đường to, từ nhà trong hẻm ra đến khu trung tâm.

Thiệt chạy một vòng rồi thở dài. Ra phía quán cóc liêu xiêu bạt gió hay ngồi cùng đám bạn. Quán cóc vẫn chưa được mở hẳn. Bà chủ quán bán thập thò trong căn nhà nhỏ. Khách đến quăng cho cái ghế, kiếm góc cây khuất ngồi núp vào. Trong câu chuyện hỏi nhau qua lớp khẩu trang, bà bán nước cười buồn hiu. Ổng đi, người ta trả về là cái hủ cốt. Thằng con đầu cũng đoàn tụ theo cha. Hai cha con cách nhau đúng tuần lễ. Cái hẻm này nè, từ đầu đến cuối hẻm là gần năm chục mạng. Xê xích nhau vài ngày. Tới kỳ giỗ, chắc làm giỗ chung.

Giỗ chung.

Hai tiếng khiến Thiệt đau thắt ruột rà. Thể như máu ngưng tụ ứ dồn vào một chỗ đó. Bà bán nước pha ly cà phê như mọi ngày. Sao nay Thiệt chẳng thấy đắng mà vị cứ mặn chát môi.
Thiệt cầm bộ hồ sơ chạy đến công ty thứ ba thì rã rời và cảm thấy bế tắc. Thiệt ngó xuống đôi bàn tay trắng trơn của một thằng con trai gần ba chục tuổi đầu bươn chải với thị thành mà lòng tự biết thương chính mình. Giữa lúc lang thang tìm một cuộc mưu sinh mới thì Thiệt nhận được email. Bản thiết kế được thông qua. Số tiền làm dự án sẽ sớm được phía đối tác bên Pháp chuyển về. Họ hỏi tư cách pháp nhân của Thiệt là gì? Làm cá nhân hay là công ty? Họ cho Thiệt một tháng để hoàn thiện tư cách pháp nhân và nửa năm để Thiệt có thể biến các bản thiết kế thành sản phẩm.

Thiệt như điên dại la hét ngay góc phố mình đang qua...
(Còn tiếp)

Tống Phước Bảo
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Mai làm lại

Ny An |

“Tình tính tinh tinh...” - tiếng chuông kéo từng hồi vang lên khắp xưởng, mọi người tắt máy, dẹp hàng qua một bên, rục rịch nối chân nhau xuống căn tin. Nhà ăn của xưởng khá rộng, nhưng chưa đầy sáu mươi giây đã chật ních người.

Truyện ngắn dự thi: Khốn khó đã qua

TRẦN tâm |

- Còn hai hôm nữa đến ngày giỗ mẹ cháu! Chỗ hàng xóm thân cận, cháu mời bác! Chúng cháu cũng không bày vẽ nhiều đâu! Làm có dăm mâm thôi! Toàn thân cận cả! 17 giờ, bác nhớ sang nhé!

PODCAST - Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Nhóm Pv |

Truyện ngắn dự thi “Cây trái đơm hương” của Trương Thị Chung: Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.

Cựu Viện trưởng VKSND huyện Lục Ngạn lĩnh 8,5 năm tù vì nhận hối lộ để "chạy án"

Vân Trường |

Bắc Giang - Vi Đức Ninh - cựu Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn lĩnh án 8 năm 6 tháng tù do nhận hối lộ để "chạy án" ma tuý.

Khánh thành trụ sở Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ tại Quảng Bình

Thơ Tuấn |

Sáng 22.9, tại thành phố Đồng Hới, Báo Lao Động long trọng tổ chức lễ khánh thành trụ sở Văn phòng Đại diện khu vực Bắc Trung Bộ cơ sở 2 tại Quảng Bình.

Nguyên trưởng phòng giao dịch ngân hàng lái xe gây tai nạn chết người lĩnh án 2 năm tù

Hữu Long |

Khánh Hòa - Sau một ngày xét hỏi, tòa vừa tuyên án bị cáo Ngô Duy Bình - nguyên Trưởng phòng giao dịch  ngân hàng huyện Diên Khánh - lái xe ôtô gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn, 2 năm tù giam.

Cuối tuần sống chậm, tận hưởng mùa thu Sa Pa

Linh Boo |

Tháng 9, Sa Pa khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang vào độ thu hoạch, hài hòa với sắc xanh trong của bầu trời mùa thu.

Hà Nội nắng nóng giữa mùa thu, nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 43 độ C

MINH HÀ - HOÀNG XUYẾN |

Hôm nay là ngày thứ tư liên tiếp, người dân Thủ đô trải qua thời tiết nắng nóng, oi bức như đang trong mùa hè. Nhiệt độ ghi nhận ngoài trời lúc 13h30 ngày 22.9 vượt ngưỡng 43 độ C.

Truyện ngắn dự thi: Mai làm lại

Ny An |

“Tình tính tinh tinh...” - tiếng chuông kéo từng hồi vang lên khắp xưởng, mọi người tắt máy, dẹp hàng qua một bên, rục rịch nối chân nhau xuống căn tin. Nhà ăn của xưởng khá rộng, nhưng chưa đầy sáu mươi giây đã chật ních người.

Truyện ngắn dự thi: Khốn khó đã qua

TRẦN tâm |

- Còn hai hôm nữa đến ngày giỗ mẹ cháu! Chỗ hàng xóm thân cận, cháu mời bác! Chúng cháu cũng không bày vẽ nhiều đâu! Làm có dăm mâm thôi! Toàn thân cận cả! 17 giờ, bác nhớ sang nhé!

PODCAST - Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Nhóm Pv |

Truyện ngắn dự thi “Cây trái đơm hương” của Trương Thị Chung: Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.