Sau dịch, kinh tế khó khăn khiến nhu cầu tham gia các hoạt động giải trí, nghệ thuật có trả phí của khán giả giảm sút. Điều này trực tiếp tạo nên sức ép cho việc kinh doanh của các nhà hát, sân khấu kịch, xiếc... cũng phần nào ảnh hưởng tới thu nhập của nghệ sĩ.
Những khó khăn chờ tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, NSƯT Sĩ Tiến cho biết: "Sau dịch COVID-19, các hoạt động đều gặp những khó khăn nhất định. Anh chị em nghệ sĩ cũng đối mặt với vấn đề tương tự.
Tuy nhiên, việc chi trả lương cho anh chị em nghệ sĩ đều nằm trong quy định của Nhà nước. Chúng tôi hy vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và có nhiều sản phẩm sân khấu hấp dẫn thu hút khán giả đến với nhà hát nhiều hơn qua từng đêm diễn".
Mặc dù vậy, mức lương và thù lao mà nghệ sĩ nhận được ở sân khấu kịch khá thấp. Cụ thể, theo nguồn tin của phóng viên, cát-xê sân khấu kịch là khoảng 200.000 đồng/đêm diễn cho vai chính, khoảng 80.000 - 100.000 đồng/đêm cho vai phụ. Hệ số lương không cao, thậm chí chỉ ký hợp đồng với cộng tác viên và trả thù lao theo đêm diễn.
NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ, vấn đề này đã được đề cập trong rất nhiều cuộc họp gần đây. Anh cho rằng cách cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ ở giai đoạn tiếp theo.
Mặc dù đời sống nghệ sĩ đang trong thời kỳ khó khăn, theo chia sẻ của NSƯT Sĩ Tiến, hầu hết anh chị em nghệ sĩ đều kiên trì bám trụ với nghề. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng thu hút nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật sân khấu đến thử sức, cống hiến.
Từ ngày 9.10.2022, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội lấy ý kiến về đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các NSND, NSƯT. Tuy nhiên, NSƯT Sĩ Tiến khẳng định đến nay, chưa có văn bản nào chính thức áp dụng tăng các mức bồi dưỡng.
Anh nói thêm: "Khó khăn chung là của nhiều ngành nghề, nghệ thuật biểu diễn cũng chỉ là một phần của những người làm chính sách quan tâm để có giải pháp từng bước nâng cao và cải thiện đời sống của nghệ sĩ".
Nghệ sĩ sân khấu vẫn "chảy máu" tài năng
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam từng bày tỏ quan điểm về việc sân khấu không còn sức sống khi thiếu vắng khán giả, mức lương của nghệ sĩ thấp.
Anh chia sẻ với phóng viên Lao Động: "Riêng với diễn viên, tôi thấu hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền của họ. Tiền cát-xê mỗi vai diễn ở sân khấu quá thấp. Nhiều năm ròng, nghệ sĩ rơi vào vòng luẩn quẩn..."
Rất đông nghệ sĩ đã phải đi tìm việc khác kiếm sống. Sân khấu chảy máu tài năng khi nghệ sĩ không đủ sống, mưu sinh từ nghề.
"Lẽ ra, sân khấu cần phải là thánh đường đúng nghĩa. Sân khấu phải là nơi khiến cả người diễn viên và khán giả đều tự hào khi bước vào. Những vở diễn đẳng cấp phải được diễn ở những sân khấu đẳng cấp. Nhưng chúng ta không có được điều đó" - NSƯT Xuân Bắc nói.
Mặc dù đối mặt với sân khấu mất dần khán giả, thù lao diễn thấp, NSƯT Xuân Bắc vẫn khẳng định, anh chưa bao giờ hết khát khao và ưu tiên cho sân khấu.
NSƯT Chí Trung là người từng gắn bó với sân khấu suốt nhiều năm, từ khi sân khấu huy hoàng đến khi ế ẩm, bao gồm cả giai đoạn khó khăn sau đại dịch.
Anh cho biết: "Mọi thứ đều có chu kỳ như đồ thị hình sin. Có lên sẽ có xuống. Ngay cả đại dịch xảy ra, cũng là điều tất yếu, sau những gì chúng ta đã làm, đã gây ra cho môi trường sống. Mọi lĩnh vực đều đang khó khăn, từ điện ảnh, âm nhạc... không chỉ sân khấu".
Trải qua hơn 40 năm lăn lộn với nghề, Chí Trung cho rằng mọi thứ sẽ theo quy luật. Lượng khán giả quan tâm đến sân khấu kịch có lúc lên cao, lúc xuống thấp là lẽ đương nhiên. Cứ nhẫn nại chờ, rồi mọi thứ sẽ qua.