NSND Khải Hưng: Tranh cãi xét tặng danh hiệu khiến NSND như tôi cảm thấy chạnh lòng

Hiền Hương (thực hiện) |

Trước những tranh cãi xung quanh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với NSND Khải Hưng. Ông từng có nhiều năm là ủy viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thành lập theo từng lĩnh vực) và Hội đồng cấp Nhà nước.

Mỗi mùa xét tặng danh hiệu NSND – NSƯT đều kéo theo muôn chiều tranh cãi xung quanh việc ai xứng đáng, ai không xứng đáng và những bất cập trong xét tặng. Từng là thành viên ở nhiều hội đồng tham gia xét tặng, cá nhân ông có khi nào cảm thấy áp lực vì tranh cãi?

- Tôi chưa bao giờ thấy áp lực. Mọi tiêu chí về xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ đều có quy định, đều có điều luật cụ thể rõ ràng. Có định tính, định lượng. Ai xứng đáng, ai đủ tiêu chuẩn theo quy định, chúng tôi sẽ bỏ phiếu để xét tặng danh hiệu cho họ. Cứ việc đúng mình làm, sẽ không phải chịu áp lực nào cả.

Gần nhất, việc nhiều nghệ sĩ trượt NSND đã gây ồn ào dư luận. Trong đó, có thông tin NSƯT Quang Tèo (Tiến Quang) trượt NSND vì thiếu 1 phiếu bầu. Thiếu 1 phiếu bầu ở Hội đồng cấp Nhà nước (gồm 15 ủy viên) có nghĩa, hồ sơ đã vượt hơn 93% nhưng vẫn bị đánh trượt, đây liệu có phải là trường hợp làm sai quy định không, theo ông?

- Tôi nghĩ đó là thông tin không chính xác. Các hội đồng đều bỏ phiếu kín, không ai biết được số phiếu “đồng ý” và “không đồng ý” là bao nhiêu. Nếu chỉ 1 phiếu không bầu, sẽ không bao giờ trượt.

Lần này, thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi, theo đó hồ sơ đạt 80% phiếu bầu đồng ý là đạt. Với Hội đồng cấp Nhà nước gồm 15 ủy viên, phải có 3 người không đồng ý, hồ sơ mới trượt.

Tôi đã có nhiều năm được “điều động” ngồi ở nhiều Hội đồng khác nhau trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, từ Hội đồng cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, đến Hội đồng Nhà nước.

Tôi đã nghe nhiều chiều tranh cãi, trong đó cũng có ý kiến đúng, có ý kiến chưa đúng, và có nhiều thông tin nhiễu loạn, bị dư luận làm cho sai lệch đi rất nhiều.

Trước đây, việc xét tặng dựa trên thành tích cá nhân, sự lan tỏa về danh tiếng của nghệ sĩ. Nhưng điều đó rất vô cùng, khó định lượng. Đến năm 2002, Vụ Thi đua Khen thưởng đã đưa ra những quy định, tiêu chuẩn, định tính, định lượng rất rõ ràng trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.

Quy định cũng được bổ sung, sửa đổi sau khi lắng nghe dư luận, tôi cho rằng, cơ chế rất cởi mở và rất tạo điều kiện cho nghệ sĩ.

NSND Khải Hưng. Ảnh: Facebook nhân vật
NSND Khải Hưng. Ảnh: Facebook nhân vật

Số đông nghệ sĩ lại cho rằng, họ cống hiến cả đời, tài năng thế nào, danh tiếng ra sao, ai cũng biết đến. Vậy tại sao còn yêu cầu nghệ sĩ phải làm hồ sơ “xin” danh hiệu. Góc nhìn của ông về việc này?

-Tôi nghĩ, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu chỉ giống như một thủ tục khai báo. Không ai có thể nắm rõ được tất cả sự cống hiến, sức lan tỏa, danh tiếng nghề nghiệp của nghệ sĩ, nhất là khi họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, kéo dài nhiều năm và ở các địa phương khác nhau.

Chẳng nên nghĩ quá cực đoan. Anh muốn được tôn vinh, ít nhất anh phải giới thiệu cho người khác biết mình là ai, mình có những gì, đã hoạt động làm nghề ra sao.

Giống như, muốn làm đám cưới, bạn cần đăng ký kết hôn. Khi mua nhà, mua xe, và ở nhiều hoạt động khác, chúng ta đều phải thực hiện những thủ tục giấy tờ cần thiết.

Đây cũng chỉ là một thủ tục.

Kéo theo thủ tục này là rất nhiều quy định được cho là cứng nhắc khác, ví dụ như số huy chương, thành tích cần có. Thực tế, có nhiều nghệ sĩ tài năng nổi bật, nhưng không đi thi các cuộc để giành huy chương. Nhưng, lại có những nghệ sĩ “không ai biết mặt đặt tên” lại “miệt mài” đi thi đủ các cuộc, sưu tập rất nhiều huy chương, bằng khen và được phong tặng danh hiệu rất nhanh. Đây có phải là bất cập không, theo ông?

-Đây có thể xem là điểm gây tranh cãi lớn nhất ở tất cả các lần xét tặng danh hiệu. Bản chất của việc này là sự chênh lệch về số lượng các cuộc thi ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Có những lĩnh vực, các cuộc thi, hội diễn gần như diễn ra liên tục, từ cấp tỉnh đến Trung ương. Trong khi, với những ngành khác, vài năm mới có một Liên hoan cấp quốc gia.

Từ đây dẫn đến nhiều hệ lụy, có những ngành sẽ “quy tụ” rất nhiều NSND, NSƯT vì đi thi quanh năm, hội diễn nào cũng “mưa huy chương”.

Có những cuộc thi còn được ví, ai đến thi cũng có giải mang về. Cũng từ đây, có những nghệ sĩ chẳng ai biết đến cũng được phong tặng NSND vì đủ thủ tục.

Tôi nghĩ, các quy định sẽ sớm phải có thêm sự điều chỉnh phù hợp, ví dụ phải có yêu cầu về quy mô, tần suất của các cuộc thi.

Hiện, mỗi giải bạc, giải vàng ở các hội diễn vẫn được quy đổi thành bao nhiêu phần trăm so với một giải thưởng cấp quốc gia.

Tôi rất tin tưởng vào cách làm việc của Vụ Thi đua Khen thưởng, họ tính toán rất chi tiết, cụ thể, kỹ lưỡng. Khi trình các hồ sơ, họ ghi rất rõ trường hợp A thiếu 1/4 huy chương, trường hợp B thiếu 1/8 huy chương... Họ đã làm rất chính xác.

Nhưng có lẽ, sẽ cần đến sự “thanh lọc” kỹ hơn về giá trị các giải thưởng.

Tranh cãi luôn diễn ra ở các mùa xét tặng danh hiệu NSND-NSƯT. Ảnh: VFC
Tranh cãi luôn diễn ra ở các mùa xét tặng danh hiệu NSND-NSƯT. Ảnh: VFC

Riêng về các giải thưởng để “làm đẹp” hồ sơ cũng nảy sinh rất nhiều hệ lụy, đó là cơ chế “xin - cho”, hay chuyện “mua giải”, nhờ vả các mối quan hệ, xét tặng danh hiệu cho nhau vì cảm tính, cả nể... Những hệ lụy này ảnh hưởng như thế nào đến chính giá trị của danh hiệu, thưa ông?

-Những việc xin-cho, mua giải, hay nhờ vả, tôi không biết, vì chẳng ai đến gặp tôi để làm những việc đó. Còn nếu nghệ sĩ phải đi mua danh như thế, thì thật đáng xấu hổ.

Ngay cả việc, mỗi lần tranh cãi như thế này, những NSND như tôi cảm thấy rất chạnh lòng.

Tôi cũng muốn đề nghị nên bỏ các danh hiệu này đi. Tuy việc xét tặng có những tính tích cực nhất định, nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng để làm gì.

Dù có làm trọn vẹn đến đâu đi chăng nữa, những cuộc phong tặng như thế này sẽ vẫn gây tranh cãi, không bao giờ hết được.

Những nghệ sĩ hoạt động tự do và nghệ sĩ thuộc quân số ở các cơ quan nhà nước đã mang những đặc thù khác nhau, thậm chí “xung đột” với nhau trong quan điểm và hành trình xét tặng danh hiệu. Liệu, có cách nào giảm thiểu được tranh cãi không, theo ông?

-Thanh Lam là một ca sĩ tự do và cô ấy vừa trở thành NSND. Chẳng có sự khác biệt nào cả. Cơ chế, quy định đều tạo điều kiện cho tất cả, không cấm cản ai, không ưu ái ai.

Tôi nghĩ, đây giống như một luật chơi, nếu đã chơi thì cần chấp nhận luật. Ai cũng muốn có ưu thế riêng cho mình, rất khó. Ai cũng đề cao cái tôi, càng khó.

Với các quy định, khi càng chi tiết, cụ thể, sẽ càng giá trị và giảm thiểu tranh cãi.

Cũng có nghệ sĩ từ chối làm hồ sơ xét tặng và khẳng định, tình yêu của khán giả mới là phần thưởng giá trị nhất, phục vụ khán giả mới là đích đến tối thượng của nghệ sĩ. Ông có nghĩ như vậy?

-Phục vụ khán giả đúng là mục đích tối thượng của nghệ sĩ.

Nhưng, ngộ nhận về tình cảm của khán giả dành cho, cũng là một căn bệnh của nghệ sĩ...

Vậy thôi!

Hiền Hương (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Phạm Phương Thảo kể về hành trình trở thành ca sĩ trẻ nhất được phong NSND

Huyền Chi (thực hiện) |

Phạm Phương Thảo có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 10 theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28.11. Chị là ca sĩ trẻ nhất được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân khi mới ở tuổi 41. Lao Động có cuộc trò chuyện với Phạm Phương Thảo để chia sẻ về sự nghiệp cũng như cuộc sống hiện tại của chị.

Sự nghiệp, hôn nhân Trịnh Kim Chi - Á hậu đầu tiên được phong NSND

ĐÔNG DU |

Trịnh Kim Chi là Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức năm 1994. Cô là người đẹp đầu tiên trong cuộc thi này vừa đạt danh hiệu NSND.

Dàn nghệ sĩ Táo Quân: Xuân Bắc chưa được xét tặng NSND, Vân Dung không danh hiệu

Bình An |

Trong dàn nghệ sĩ tham gia Táo Quân, NSƯT Chí Trung lận đận khi nhiều lần “trượt” NSND, NSƯT Xuân Bắc chưa có tên trong đợt xét tặng lần này, và còn có một nghệ sĩ chưa hề có danh hiệu.

Phong cách thanh lịch của Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc

Thanh Hà |

Ngày 12.12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13.12.

Vụ sập sàn nhà đang sửa, tìm thấy một người tử vong

NHÓM PV |

TPHCM - Đến 11h30 hôm nay (12.12), lực lượng chức năng đã đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát của căn nhà trong một hẻm trên đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM).

Vụ giả danh phóng viên cưỡng đoạt tài sản ở Thái Nguyên, không ai biết 5 đối tượng đi đâu, làm gì

Lam Thanh |

Các đối tượng làm giả bằng cấp rồi xin cộng tác viên cho một số tạp chí để cưỡng đoạt tiền doanh nghiệp, người dân.

Cô bé nhặt ve chai bom hàng: Con chưa bao giờ dám nghĩ đến ước mơ của mình

Hoài Luân |

Bình Định - Khi được hỏi về ước mơ sau này, "cô bé nhặt ve chai", nhân vật lấy đi nhiều nước mắt của cộng đồng mạng những ngày qua đã bật khóc trả lời rằng "con chưa dám nghĩ tới ước mơ của mình, con chỉ muốn được đi học".

Công an khuyến cáo sau vụ 26 bác sĩ dỏm lừa bán thuốc cho 8000 người

Vân Trường |

Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh đã có khuyến cáo đối với người dân để tránh "tiền mất, tật mang" khi tin vào các bác sĩ dỏm lừa bán thuốc trên mạng.

Phạm Phương Thảo kể về hành trình trở thành ca sĩ trẻ nhất được phong NSND

Huyền Chi (thực hiện) |

Phạm Phương Thảo có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 10 theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28.11. Chị là ca sĩ trẻ nhất được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân khi mới ở tuổi 41. Lao Động có cuộc trò chuyện với Phạm Phương Thảo để chia sẻ về sự nghiệp cũng như cuộc sống hiện tại của chị.

Sự nghiệp, hôn nhân Trịnh Kim Chi - Á hậu đầu tiên được phong NSND

ĐÔNG DU |

Trịnh Kim Chi là Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức năm 1994. Cô là người đẹp đầu tiên trong cuộc thi này vừa đạt danh hiệu NSND.

Dàn nghệ sĩ Táo Quân: Xuân Bắc chưa được xét tặng NSND, Vân Dung không danh hiệu

Bình An |

Trong dàn nghệ sĩ tham gia Táo Quân, NSƯT Chí Trung lận đận khi nhiều lần “trượt” NSND, NSƯT Xuân Bắc chưa có tên trong đợt xét tặng lần này, và còn có một nghệ sĩ chưa hề có danh hiệu.