Nghệ sĩ Thanh Bùi: "Tôi muốn xây dựng nền tảng đích thực cho giáo dục"

NHẬT LỆ THỰC HIỆN |

Là nghệ sĩ đứng trên sân khấu truyền cảm hứng cho nhiều ngôi sao và bạn trẻ, là chủ nhân của nhiều bản hit “hàng hiệu”, hiệu trưởng một học viện âm nhạc đào tạo tài năng trẻ và nhà sản xuất chương trình truyền hình, chỉ trong 7-8 năm về Việt Nam, Thanh Bùi đã làm được rất nhiều điều mà không ai nghĩ tới. 

Nhưng có lẽ, thú vị hơn cả, là câu chuyện của người “vượt biển trở về” tìm lại nguồn cội của mình và lan tỏa sức ảnh hưởng cho cộng đồng.

Trong khi nhiều người tìm cách ra nước ngoài để có hướng phát triển, thì vì sao anh lại chọn cách trở về, bỏ hết phía sau mọi thành công ở Úc?

- Tôi nghĩ nước Úc không cần tôi bằng Việt Nam cần tôi! Thế hệ bây giờ muốn phát triển thì phải hiểu được “mình là ai” - một câu hỏi rất quan trọng, rất lớn, cần nhiều người trong xã hội định hướng, bắt đầu từ truyền thông, giáo dục để thay đổi suy nghĩ của cộng đồng. Tôi tin mình có trách nhiệm để làm điều đó.

Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Dường như thay vì là một nghệ sĩ, anh đang mang một trọng trách khác, một hoài bão khác?

- Tôi muốn con cái mình sống ở Việt Nam. Chính vì thế, tôi muốn cùng một nhóm người xây dựng ngay từ bây giờ những nền tảng giáo dục dựa trên giá trị thực. Và trong quá trình đó, cần chắt lọc những giá trị của phương Tây, sao cho phù hợp với người Việt. Tôi hy vọng sẽ có nhiều Việt kiều như Luke Nguyễn, Betty Trần…, những người có sự ảnh hưởng ở nước ngoài về nước để có nhiều đóng góp thêm cho xã hội.

Theo anh, làm sao để ngày càng có nhiều Việt kiều trở về đóng góp cho đất nước chứ không “vội vã trở về, vội vã ra đi”?

- Tôi nghĩ, làm gì cũng phải gắn với 4 chữ T: Tâm, tầm, tiền, tài. Nhiều người về với quê hương, nhưng suy nghĩ chưa đúng. Không ít người nói tôi về Việt Nam là dại, nhưng tôi nghĩ ngược lại: Về Việt Nam, tôi học được nhiều thứ, chứ không phải đi dạy người khác. Là bởi không ít người cho rằng mình học ở nước ngoài là mình cao hơn người trong nước về mặt trí tuệ, nhưng khổ nỗi, mỗi xã hội đều có những khác biệt. Tôi nhìn đúng bản chất của xã hội, để khi bước vào thế giới đó, tôi biết mình phải làm gì. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng tôi thích sống như vậy vì có cảm giác mình được thử thách.

Từng truyền cảm hứng cho rất nhiều học trò, ươm mầm cho các tài năng, song có lúc anh vẫn hoang mang tự hỏi “mình là ai”. Cho đến bây giờ, anh đã tìm được câu trả lời?

- Bây giờ tôi cũng có nhiều cảm hứng như vậy, nhưng tất cả mọi thứ đã rõ ràng hơn. Tôi đã hiểu được chính mình. Khi tôi mới về đây, ai cũng hỏi tôi là nhạc sĩ hay ca sĩ. Tôi tự hỏi tại sao mình lại chỉ đóng khung là nhạc sĩ hay ca sĩ thôi vậy. Giờ đây tôi đã kiêm nhiệm nhiều vai trò trong xã hội, mà cũng vẫn chỉ là Thanh Bùi. Tôi hiểu mình đang làm những điều có ích, xây dựng từ gốc rễ của vấn đề, đang đi trên con đường khó và dài, nhưng tôi tin xã hội đang cần những gì mình đang làm.

Vậy ai đã truyền cảm hứng cho anh?

- Những gì tôi làm đều xuất phát từ những gì người khác đã từng làm cho tôi. Ngày trước, khi tôi chưa là gì cả, có những người đã nhận ra một điều gì đó ở cậu bé Thanh Bùi và mang đến cho tôi cơ hội. Và điều tôi nhớ mãi, khi tôi hỏi tôi phải làm gì để đền đáp tình thương, hoặc niềm tin của họ, thì họ chỉ nói một câu “bạn có thể đáp lại tình thương và niềm tin của những người khác bằng cách chia sẻ những gì đã nhận được cho những người quanh mình”. Và tôi đã sống cuộc đời như vậy. Tôi nghĩ mình là người may mắn và tôi muốn chia sẻ sự may mắn đó đến với thế hệ tiếp theo. May mắn là một chuyện, nhưng quá trình phấn đấu, lao động tích cực và biết nắm lấy cơ hội sẽ tạo nên thành quả.

Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Với những tài năng trẻ, vì sao anh còn giữ các em trong vòng tay của mình?

- Tất cả còn cần thêm thời gian. Tôi không thể cho các em bước vào thị trường ngay lúc này, mà muốn khi các em đã đủ lông đủ cánh thì cũng phải kịp xây cho các em một môi trường lành mạnh. Hiện nay chưa có thị trường âm nhạc mà chỉ là các nhóm người đang làm việc, không có sự bảo vệ tối thiểu về bản quyền, về sự minh bạch trong mặt bằng chung. Chính vì thế mà đa số phụ huynh không muốn con em mình trở thành nghệ sĩ. Nghề ca sĩ so với mặt bằng chung kiếm được nhiều tiền, nhưng rõ ràng không phải cứ có tiền là mua được sự tôn trọng của người khác.

Có vẻ như anh đang ấp ủ nhiều dự án lớn khác?

- Vấn đề lớn nhất bây giờ mà tôi quan tâm, ở chính Học viện Soul, là dùng âm nhạc, nghệ thuật để giáo dục con người. Câu chuyện tôi muốn về Việt Nam làm giáo dục là chuyện rất lạ lùng trong mắt không ít người. Nhưng một người sinh ở Úc như tôi thật may mắn khi quay trở về đã hiểu được nguồn cội của mình, hiểu được những giá trị của bản thân, của gia đình và tổ tiên rất đáng để tôn trọng. Sự kém may mắn nhất của thế hệ trẻ hiện nay là không biết được cảm giác thiếu thốn, vất vả để trưởng thành. Chính vì thế, mới bị vấp ngã là đã mất tinh thần, không đứng dậy được.

Thế hệ những người 8x giỏi nhất đang trở về xây dựng Việt Nam lại là những người từng nếm trải mùi nghèo, mùi khổ, nên họ biết quý trọng những gì mình đang có và biết cho đi. Còn bây giờ, nhiều người trẻ cho rằng họ được nhận mọi thứ là đương nhiên.

Ngày đó, cha mẹ tôi cũng từng vượt biển sang Úc và xoay xở làm lại từ đầu ở một nông trại. Nhưng có lẽ, nhờ sống ở trang trại từ nhỏ mà tôi thích thú khi ngửi được mùi sương sớm, mùi bình minh. Họ đã làm tất cả những việc nặng nhọc nhất để nuôi tôi trưởng thành, thực hiện được ước mơ của mình. Và họ sốc khi tôi muốn về Việt Nam. Thế nhưng, cho đến lúc này, tôi đã hiểu rằng mình đã đúng khi mang những gì được hấp thụ về đây và dần tìm ra hướng đi khác biệt.

Khi rút khỏi âm nhạc, anh để lại như một khoảng trống lớn, nơi chính anh từng thổi luồng sinh khí mới, và nơi đó nạn đạo nhạc lại hoành hành…

- Tôi không đứng hát ở sân khấu, mà làm những việc mình cho là có nghĩa hơn. Nhưng không có nghĩa là không quay lại. Tôi nghĩ phải bắt đầu gây dựng với những nền tảng mới, có sự kết hợp với thế giới và kết nối thế giới với Việt Nam. Khi tại Việt Nam đã có những tổ chức như Spotify, Billboard…, chúng ta sẽ dần quan tâm hơn đến vấn đề bản quyền. Soul hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, những khoản thu sẽ được tiếp tục đầu tư vào các tài năng trẻ. Như bé Trọng Nhân với năng khiếu như vậy mà không được hỗ trợ thì thật quá uổng. Không phải người giàu mới có đủ tiền đóng góp, mà mỗi người vẫn có thể đóng góp theo sức của họ, quan trọng là họ có được cảm giác đang làm gì đó cho tương lai của thế hệ sau. Và cứ như thế, tôi muốn xây dựng một cộng đồng có niềm tin và dành sự quan tâm cho việc phát triển giáo dục.

Xin cảm ơn anh!

NHẬT LỆ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.