Ký ức của một dòng sông

Lê Thanh Phong |

Có quá nhiều lời ngợi ca sông Hương và sẽ còn nhiều nữa. Nhưng cùng với vẻ đẹp thơ mộng, sông Hương còn mang cái đẹp của hùng tâm và bi tráng.

Trường giang như kiếm lập thanh thiên

Đọc câu thơ này đã lâu lắm (dịch nghĩa: dòng sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh” trong bài “Hiểu quá Hương giang” (Buổi sáng qua sông Hương) của Cao Bá Quát, không hiểu sâu được ý. Sông Hương đẹp, thơ mộng như vậy, lại ví như lưỡi gươm dựng giữa trời.

Nhưng khi nghiên cứu ít ỏi về dòng sông này, mới cảm nhận được hào khí của hình tượng lưỡi gươm trong câu thơ Cao Bá Quát. Bởi vì, đây là dòng sông chứa đựng quá nhiều can qua, kéo dài mấy trăm năm. Đặc biệt là dòng sông này, tràn trề nguồn năng lượng dưỡng nuôi khát vọng mở cõi của một vương triều.

Tính từ khi Phú Xuân là thủ phủ xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, cho đến về sau là kinh thành Phú Xuân của triều đại Tây Sơn, rồi triều đình nhà Nguyễn, sông Hương gắn liền với kinh thành không chỉ vì đẹp, mà vì đặc điểm quân sự. Kinh thành có hộ thành hào, còn sông Hương là hộ thành hà, con sông hộ thành này là sự ban tặng của thiên nhiên.

Hương giang không chỉ là tuyến phòng thủ ngay mặt trước kinh thành, mà từ cửa biển đi vào. Ở vùng Thuận An và hai bên bờ sông Hương có tới 25 pháo đài để bảo vệ kinh đô. Có thể kể tên một số pháo đài như Trấn Hải, Hà Nhuận, Tân Mỹ, Hi Du 1, Hi Du 2, Thuận Hòa 1, Thuận Hòa 2, Triều Sơn, Thủy Tú…

Sông Hương còn là nơi tập trận, luyện thủy binh của Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đóng thuyền, luyện binh, thao diễn thủy quân trên dòng sông này. Cho nên mới có được những đội quân hùng mạnh từng đánh bại hải quân Hà Lan trong trận hải chiến cửa Eo giữa thế kỷ 17.

Ngày 7.7.1643, Thế tử Nguyễn Phúc Tần, không kịp được lệnh cha là chúa Nguyễn Phúc Lan, đã dẫn 50 thuyền ra cửa Eo, tấn công đội thuyền Đông Ấn Hà Lan do thuyền trưởng Pieter Baek chỉ huy. Một chiến hạm của địch bị hạ, thuyền trưởng địch tử trận, hai chiến hạm khác bỏ chạy. Đây là trận đánh đầu tiên thủy quân người Việt đánh thắng hạm đội châu Âu.

Dòng sông Hương cũng ghi lại những trận chiến mà thủy binh nhà Nguyễn thất trận. Có điều, cho dù chiến thắng hay bại trận, dòng máu chảy ra cũng là dòng máu anh hùng của người dân nước Việt. Trận chiến ngày 20. 8.1883, tàu chiến Pháp do Đô đốc Courbet chỉ huy tấn công hải đồn phòng thủ cửa biển Thuận An. Chỉ một ngày sau, Trấn Hải đài của quân triều đình Huế thất thủ, các quan trấn thành là Lê Sĩ, Lê Chuân, tử trận, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhẫn nhảy sông tự tử. Thất bại trận này đẩy nhà Nguyễn vào thế yếu, bắt buộc phải ký hòa ước Harmand, chấp thuận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ.

Tìm hiểu về những trận hải chiến năm xưa, không thể không liên tưởng đến bài thơ “Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục: “Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu. Tự tương ma tẩy nhận tiền triều” (Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết. Tự tay mình mài giũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại đã qua).

 
Hương Giang tràn trề nguồn năng lượng dưỡng nuôi khát vọng mở cõi của một vương triều. Ảnh: Phan Thiên Định
Hương giang nhất phiến nguyệt

Đại thi hào Nguyễn Du viết bài thơ “Thu chí” (Thu đến), có thi khúc “Hương giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu. Vảng sự bi thanh trủng” (Một mảnh trăng trên sông Hương, mà xưa tới nay đã gợi không biết bao nhiêu mối sầu. Chuyện cũ chạnh thương mồ cỏ xanh). Biết bao thăng trầm, tranh giành, được mất. Thế sự với những thân phận, bao vương triều, vua chúa có rồi không, tàn phai cùng với vinh quang và cay đắng.

Cuộc đời của Huyền Trân Công Chúa, bước chân ngàn dặm của nàng đến nay vẫn vạn chữ giải chưa hết nỗi niềm. Có những điều riêng không ai hiểu được, không ai có thể sẻ chia, lịch sử cũng chưa đủ để sáng tỏ những oan tình của hơn 700 năm trước. Chỉ biết rằng, cuộc hôn nhân của nàng là một cuộc chia ly, một sự hy sinh, để Đại Việt có được hai châu Ô, Lý. Không chỉ là đất đai thành trì, mà nàng ra đi để đem về niềm “hòa bình trong ái ân”, bao giáo gươm dẹp lại. Và còn nữa, cũng nhờ nàng mà có được dòng sông Hương. Hãy chờ đợi và hy vọng đến một ngày, ở dòng sông này, có một tượng đài Huyền Trân Công Chúa, đứng ngắm “đám mây thời Thuận Hóa, vẫn bay về phiêu phiêu” (Trần Mạnh Hảo).

Sông Hương phiêu lãng hồn thi nhân, say đắm lòng người, cảm khái chí bình thiên hạ. Sông Hương còn là nơi trên bến dưới thuyền, buôn bán làm ăn tấp nập. Cảng Thanh Hà ở hạ lưu, là nơi nhiều lái buôn Ấn Độ, châu Âu, châu Á tới làm ăn buôn bán, là một thương cảng sầm uất cùng với Hội An ở Đàng Trong.

Khi cảng Thanh Hà bị bồi lắng, một thương cảng khác cạnh bên ra đời là Bao Vinh. Nhưng rồi năm tháng qua đi, thời gian xóa nhòa phố thị một thời, tất cả đều trở thành ký ức. Những thương thuyền Trung Hoa, Ấn Độ khuất bóng. Năm tháng qua đi, dấu tích còn lại của thương cảng là những cổ vật, gốm sứ, đồng tiền Khang Hy, Ung Chính, Càn Long năm xưa chìm sâu dưới đáy sông.

 
Sông Hương phiêu lãng hồn thi nhân, say đắm lòng người, cảm khái chí bình thiên hạ. Ảnh: Phan Thiên Định
Đế vương hồi cựu chỉ

Để dựng nghiệp đế vương phải có tài trên trường văn cũng như trận võ. Cho nên, các chúa, hoàng đế, hoàng tử nhà Nguyễn làm thơ về sông Hương, luyện thủy binh trên sông Hương, đánh trận trên sông Hương. Năm 1808, Hoàng đế Gia Long xây dựng Văn Miếu bên bờ sông Hương để thờ các danh sĩ. Đến năm Minh Mạng thứ ba, 1822 về sau, mới có những tiến sĩ Triều Nguyễn với các đại danh Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…

Năm 1835, hoàng đế Minh Mạng cho xây Võ Miếu bên cạnh Văn Miếu, nhìn ra sông Hương, thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ. Dụ của Minh Mạng: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên… Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài”. Trong khoa thi năm 1865, Võ Văn Đức, người Quảng Nam, đỗ Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ thời Tự Đức, cũng là tiến sĩ võ đầu tiên.

Đặt kinh thành bên dòng sông Hương, các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, hoàng đế Gia Long đã nhìn thấy được thế đất, thế nước ở nơi này. Những bàn luận về thế núi làm bình phong, hai cồn làm “tả thanh long, hữu bạch hổ”, người tìm hiểu về Huế thuộc nằm lòng. Nhưng lập chí đế vương như “lưỡi gươm dựng giữa trời xanh” đầy hùng tâm tráng chí đó ẩn chứa rất nhiều niềm tin thần thánh liên quan đến sông Hương chưa nhiều người thấu đạt.

Trong Điện Thái Hòa của kinh thành Huế, có khắc nhiều bài thơ, trong đó có bài: “Xuân thủy nguyên lưu viễn. Xuân sơn khí tượng hùng. Đế vương hồi cựu chỉ. Nam Bắc nhập tân phong”. Nguyễn Phước Hải Trung dịch: “Dòng xuân man mác chốn xa. Non xuân hùng vĩ bao la khí trời. Đế vương dựng nghiệp rạng ngời. Nam Bắc hòa gió muôn nơi xuân về”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, tuy bài thơ không nêu tên sông Hương cụ thể, chỉ ẩn dụ qua hình tượng xuân thủy. Nhưng hào khí núi sông và chí lớn đế nghiệp trong câu thơ thật chất ngất.

 
Cùng với vẻ đẹp thơ mộng, sông Hương còn mang cái đẹp của hùng tâm và bi tráng. Ảnh: Phan Thiên Định
Trong bài “Hương giang hiểu phiếm” (Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương) của Hoàng đế Thiệu Trị có câu “Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành” (một dòng nước sâu cuộn chảy bảo vệ kinh thành). Xin lưu ý chữ “đế” trong câu thơ này. Đế chứ không phải “vương”, là kinh thành của hoàng đế một nước, không phải vương, không phải chư hầu của hoàng đế thiên triều phương nào cả. Tới đây lại nhớ Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi chấp bút cho Lê Lợi có câu: “Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương” (cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương).

***

Lịch sử Đại Việt, Việt Nam đầy tráng lệ, đó là vốn liếng muôn đời cho con cháu. Học cha ông chưa bao giờ là đủ, dù thành hay bại, được hay mất, bi hay tráng, nhưng trang sử nào cũng chất chứa hùng tâm.

Lê Thanh Phong
TIN LIÊN QUAN

Huế sẽ là trung tâm văn hóa đặc sắc của khu vực Đông Nam Á

Hoàng Văn Minh (thực hiện) |

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ bố trí nguồn lực để hoàn thành các dự án, đề án về văn hoá trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế, tạo điểm nhấn cho văn hóa Huế.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế vào ngày ông Công ông Táo

Phúc Đạt |

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tái hiện đầy đủ các nghi thức dựng nêu đúng theo nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn và thu hút đông đảo du khách tham quan.

Ngắm hàng trăm cây mai quý khắp cả nước tụ hội về Huế

QUẢNG AN - ĐÌNH HOÀNG |

THỪA THIÊN HUẾ - Nhiều tác phẩm Hoàng mai đẹp, quý khắp cả nước tụ hội về Huế trong khuôn khổ Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ I.

Trẻ dưới 18 tuổi đi làm thêm: Nên hay không?

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Với nhiều bạn trẻ đi làm thêm, tự kiếm tiền để tiêu cho các mục đích cá nhân là một nhu cầu khá phổ biến. Không đợi đến tuổi lao động, nhiều bạn trẻ dưới 18 tuổi đã dành một phần trong quỹ thời gian của mình để đi làm thêm kiếm tiền.

Lời khai của nghi phạm trộm 100 lượng vàng ở TPHCM

Anh Tú |

TPHCM  - Ngày 31.1, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, đang lấy lời khai đối tượng Phạm Văn Nu (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) để điều tra vụ trộm hơn 100 lượng vàng ở quận 12.

Hàng ghế đá dưới những gốc hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Trong đợt cải tạo, chỉnh trang hè phố Nguyễn Chí Thanh vừa qua, dưới các gốc cây hoa sữa đã được bố trí ghế đá, thảm hoa,... làm cho tuyến phố này quang đãng và sạch đẹp trở lại.

Chợ bán đồ cúng, vàng mã lớn nhất TPHCM đông nghịt khách ngày vía Thần Tài

Anh Tú - Khánh Linh |

TPHCM - Chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) là nơi chuyên bán đồ cúng từ vàng mã đến hoa, bánh kẹo, đặc biệt là các loại bánh chỉ có ngày vía Thần Tài mới có như bánh thuẫn, bánh bông lan cỡ đại, bánh đào tiên, bánh tổ... Ngày vía Thần Tài, khu bán vàng mã, đồ cúng ở thủ phủ chợ Thiếc tấp nập người dân đến mua các lễ vật về cúng, cầu mong một năm tài lộc, thịnh vượng.

Công viên Cầu Giấy có diện mạo mới, người dân thích thú đi bộ thể dục

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - Nhiều người dân vui mừng khi hàng rào tại một số vị trí quanh Công viên Cầu Giấy được tháo dỡ để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận.

Huế sẽ là trung tâm văn hóa đặc sắc của khu vực Đông Nam Á

Hoàng Văn Minh (thực hiện) |

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ bố trí nguồn lực để hoàn thành các dự án, đề án về văn hoá trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế, tạo điểm nhấn cho văn hóa Huế.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế vào ngày ông Công ông Táo

Phúc Đạt |

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tái hiện đầy đủ các nghi thức dựng nêu đúng theo nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn và thu hút đông đảo du khách tham quan.

Ngắm hàng trăm cây mai quý khắp cả nước tụ hội về Huế

QUẢNG AN - ĐÌNH HOÀNG |

THỪA THIÊN HUẾ - Nhiều tác phẩm Hoàng mai đẹp, quý khắp cả nước tụ hội về Huế trong khuôn khổ Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ I.