Môn Lịch sử
Dành lời khuyên cho học sinh, cô Nguyễn Thị Mai Loan - giáo viên Lịch sử Trường THPT Chuyên Bắc Ninh cho rằng, để đạt điểm cao là cả một quá trình dày công học tập, ôn luyện của cả cô và trò.
Để ôn thi hiệu quả, trước tiên học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Các em có thể học dưới dạng sơ đồ tư duy, học theo chủ đề để dễ học, dễ nhớ hơn.
Sau khi học hết từng đơn vị kiến thức sẽ có bài tập để vận dụng - toàn bộ câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến chủ đề đó. Khi đã học hết nội dung cơ bản sẽ chuyển sang ôn luyện, làm đề tổng hợp. Đề sẽ chia thành các cấp độ, ban đầu sẽ làm những đề nhẹ nhàng mang tính chất nhận biết, thông hiểu, sau đó làm các cấp độ tăng dần.
“Trong quá trình luyện đề giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh biết xác định từ khoá của câu hỏi, từ đó phân tích và tìm ra phương án chính xác. Một nội dung giáo viên sẽ đưa ra nhiều cách hỏi trắc nghiệm khác nhau giúp học sinh luyện đề kỹ hơn. Bên cạnh đó, học sinh cần rèn cách phân bố thời gian hợp lý cho từng dạng câu hỏi” – cô Loan chia sẻ.
Môn Địa lý
Đối với môn Địa lý, cô Lê Thị Uyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên) đưa ra lời khuyên, học sinh cần chăm chỉ luyện đề vừa giúp nâng cao kiến thức vừa nhanh nhạy khi gặp các câu hỏi và dạng đề tương tự.
Vị giáo viên đưa ra những phương pháp hệ thống kiến thức cơ bản như làm sơ đồ tư duy, học theo chủ đề, tìm kiếm từ khoá…
Để đạt điểm 6, 7 môn Địa lý không khó, học sinh nắm chắc phần Atlat Địa lí Việt Nam, phần thực hành nhận dạng từng loại biểu đồ, một số câu nhận biết thông hiểu đơn giản. Cô Loan nhấn mạnh - những câu hỏi liên quan đến Atlat rất dễ lấy điểm, vì vậy học sinh cần biết cách khai thác triệt để để không bị mất điểm oan.
"Với học sinh muốn đạt điểm cao phải tư duy thực tế và suy luận tốt. Ví dụ những câu hỏi mang tính vận dụng, vận dụng cao cần tư duy để lấy 10 điểm.
Đối với những câu hỏi “nguyên nhân”, “giải pháp”, “biện pháp” học sinh sẽ phân tích từng vế của đáp án, sau đó sử dụng phương pháp loại trừ để xác định phương án chính xác” – vị giáo viên nói.
Môn Giáo dục công dân
Cô Lê Thị Liên - giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho biết - để đạt kết quả tốt nhất, giai đoạn này học sinh cần tập trung, tận dụng tối đa thời gian trên lớp để học kiến thức. Các em cần tích cực tham gia các bài học thực hành trên lớp như đóng kịch, giải quyết tình huống… vận dụng kiến thức vào thực tế, nhớ nhanh và nhớ lâu hơn.
Sau khi đã hoàn thành và tổng ôn tập toàn bộ chương trình học sẽ đến giai đoạn luyện đề. Lúc này, giáo viên bám sát vào cấu trúc đề minh họa để chuẩn bị giáo án và tài liệu một cách chính xác nhất, tránh trường hợp khiến học sinh học tủ học lệch.
Theo cô Liên, việc dạy và học môn Giáo dục công dân không chỉ đơn thuần là học thuộc sách giáo khoa mà cần trau dồi những kiến thức ngoài xã hội. Học sinh cần tích cực tìm tòi những dẫn chứng cụ thể trong thực tế để đưa vào bài học, giúp bản thân vừa ghi nhớ sâu kiến thức, biết vận dụng trong thực tế cuộc sống và có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi.