Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và chấm thi tốt nghiệp THPT, cô Trương Thị Liên - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) cho biết, đây là thời điểm để các sĩ tử hệ thống và ôn tập lại toàn bộ kiến thức sách giáo khoa. Theo đó, học sinh cần chú ý một số điểm dưới đây.
Nắm vững kiến thức trọng tâm của tác phẩm
“Không riêng gì môn Ngữ văn, tất cả các môn học khác, học sinh muốn làm bài tốt thì trước hết phải nắm chắc kiến thức cơ bản”- cô Liên khẳng định.
Với môn Ngữ văn, kiến thức chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12 bao gồm các thể loại như thơ, tùy bút, truyện ngắn... Thay vì ôm đồm quá nhiều kiến thức, học sinh cần nắm chắc các kiến thức khái quát về tác giả và nội dung của tác phẩm, phần còn lại nên để dành cho sự sáng tạo trong quá trình làm bài.
Tìm hiểu và nắm chắc cấu trúc của đề thi
Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bao gồm 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Việc nắm chắc cấu trúc đề thi sẽ giúp các em có phương pháp học tập và phân chia thời gian làm bài hợp lý.
Phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm trong bài thi, thí sinh có thể nắm chắc điểm nếu làm bài cẩn thận. Theo đó, các em cần đọc kỹ văn bản và yêu cầu của đề thi, chú ý những tiểu tiết để tránh mất điểm ở những câu như phong cách ngôn ngữ hay thao tác lập luận…
Phần Làm văn chiếm 7 điểm với 2 câu là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần nhớ kỹ công thức "giải thích, phân tích, chứng minh và bình luận".
Các thao tác này sẽ giúp bài làm của thí sinh logic hơn. Ngoài ra, ở dạng bài thi này, thí sinh không chỉ cần có kiến thức trong sách vở mà phải vận dụng những kiến thức trong cuộc sống để nêu được dẫn chứng hay vào bài làm của mình.
Với câu hỏi nghị luận văn học, học sinh nên hệ thống kiến thức của cả lớp 11 và 12, chia theo các dạng chủ điểm để có thể thuận tiện ôn tập.
Ôn luyện thường xuyên
Theo giáo viên môn Ngữ văn tại Thanh Hóa, để nắm chắc kiến thức và làm bài tốt, học sinh cần tích cực ôn tập, làm đi làm lại nhiều lần để nhuần nhuyễn các dạng bài.
Học sinh nên tìm các đề minh họa của những năm trước hoặc đề thi ở các trường, tỉnh thành trong những năm gần đây. Việc làm đề thường xuyên sẽ giúp học sinh thuần thục hơn trong cách triển khai bài, làm quen với dung lượng của bài, từ đó phân chia thời gian một cách hợp lý.
"Sau mỗi lần giải đề, thí sinh cần được chấm chữa đầy đủ để biết được lỗi sai. Mỗi tác phẩm có thể được phát triển thành nhiều đề khác nhau. Khi nắm chắc nội dung của tác phẩm, thí sinh sẽ vận dụng thành công vào các dạng đề và triển khai nội dung một cách chính xác nhất. Từ đó, thí sinh nâng cao kỹ năng và thuần thục bài làm đủ và sâu hơn, các em cũng tự tin khi bước vào phòng thi" - cô Liên chia sẻ.