LDS15030

LDS15030: Thương người mẹ già một mình chăm hai con gái bại não

Thùy Liên |

Sống cách Hà Nội chỉ 25km nhưng gia đình ấy khiến người ta phải nghẹn lòng, chua xót khi tự hỏi rằng, tại sao lại có những con người phải đối mặt với kiếp đời nghiệt ngã đến vậy nhưng nụ cười vẫn hé nở trên khuôn mặt cháy nắng, chi chít vết chân chim.

Đó là gia đình bà Trần Thị Xuân (SN 1961) và ông Trần Văn Đông (SN 1961) ở xóm Đạc 9, cụm 5 (Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội), gia đình có hai cô con gái bị bại não bẩm sinh, nay đến tuổi trưởng thành vẫn phải phó mặc mọi sự cho người mẹ già từ di chuyển, ăn uống đến tắm rửa, vệ sinh hàng ngày.

Nỗi đau chất chồng

Con đường dẫn vào nhà bà Xuân rất rộng, thẳng tắp, nó không tréo ngoe như con đường cuộc đời mà bà đã đi suốt mấy chục năm qua. Những ngôi nhà kế bên khang trang, sạch đẹp, duy chỉ có nhà bà là nhuốm đẫm một màu ảm đạm, hiu hắt. Cây khế rợp mát đầu cổng, tán lá sum suê vẫn không đủ để che đi cảnh nhà hiu quạnh. Tiếng chó sủa, bậc thềm ximăng phủ rêu và đống ngô mới thu hoạch ngổn ngang nằm giữa sân…, tất cả càng khiến người ta thêm não nề, chua xót.

Hai cô con gái bà Xuân là Trần Thị Son (SN 1990) và Trần Thị Thành (SN 1993) đang nhìn chúng tôi bằng đôi mắt trắng đục, ngây dại trong lúc chờ mẹ bón cho ăn. Thi thoảng lại bập bẹ vài câu mà chúng tôi nghe không rõ, phải nhờ bà Xuân và cụ Lê Thị Ty (SN 1927, mẹ chồng bà Xuân) nhắc lại mới hiểu.

Lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, bà Xuân buồn buồn kể cho chúng tôi nghe về quãng đường đời gập ghềnh, gian nan mà bà đã đi suốt những năm qua. Năm 1984, bà và ông Đông nên duyên vợ chồng. Đến 1985, tình yêu mang đến cho họ đứa con trai đầu tiên khỏe mạnh và bụ bẫm là Trần Đình Hưng. Hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên Hưng chỉ học đến hết lớp 9 rồi bỏ học lên thành phố đi làm thuê. Cũng vì kinh tế khó khăn nên mãi tới 5 năm sau, hai vợ chồng mới quyết định sinh thêm đứa thứ hai là Son. Lúc mới sinh ra, Son cũng như bao đứa trẻ khác, khỏe mạnh và xinh xắn. Thế nhưng không hiểu sao lúc 7 tháng đặt Son ngồi lại liên tục bị ngã dúi dụi, rồi “càng nuôi càng nhỏ”, cơ thể Son ngày một quắt queo.

Thương con, vợ chồng bà Xuân cho con đi học, nhưng Son không theo được mà bố mẹ, bà nội Son cũng không có thời gian và sức khỏe để theo Son. Những tưởng mọi bất hạnh đã dừng lại ở đó, nhưng năm 1993 vợ chồng bà Xuân động viên nhau sinh thêm đứa thứ 3 thì một lần nữa nỗi đau lặp lại khi Thành sinh ra cũng giống chị, chỉ khỏe hơn một chút là em có thể ngồi nếu được dựa vào ghế. Đến tuổi đi học, Thành phải ngồi xe lăn để mẹ đẩy đến trường. Sáng đưa Thành đi học, chiều đón về rồi lại bế bồng Son đi “dong” khắp xóm, bà Xuân không còn thời gian nào rảnh để giúp chồng đi làm kiếm thêm thu nhập. Ông Đông - chồng bà Xuân - vốn cũng là người không mấy tỉnh táo, đến bệnh viện thăm anh trai cũng bị lạc, nên bà Xuân phải ở nhà chăm lo hai chị em, coi như mất đi một nguồn kinh tế chính trong gia đình.

Bà Xuân rơm rớm nước mắt: “Từ lúc hai đứa phát bệnh, không biết đã bao nhiêu lần tôi đưa nó đi bệnh viện và đi bao nhiêu bệnh viện. Chỉ biết ở những bệnh viện đó, từ bác sĩ, y tá đến bảo vệ đều quen mặt, nhớ tên, ai nhìn cũng lắc đầu ngao ngán. Mỗi lần đi viện, ít thì 5, 6 trăm, nhiều thì 5, 7 triệu đồng. Ngân hàng, hàng xóm, chính quyền đã vay hết rồi, nhưng con thì vẫn héo hon, gầy mòn theo năm tháng. Bác sĩ bảo con tôi bị bại liệt, bại não, nhão cơ, không có thuốc nào điều trị được. Nhìn con lên cơn đau đầu, ho, sốt bất kể đêm ngày, đau xót lắm mà không thể đau thay được cho con”.

Hàng ngày, Son và Thành chỉ biết làm bạn với chiếc giường cũ từ ăn, ngủ thậm chí đi vệ sinh. Chiếc tivi như món đồ chơi không thể thiếu khi mẹ đi làm bởi ngoài nó ra hai chị em không biết lấy gì để bầu bạn. Để có tiền lo cho các con, ngoài công việc đồng áng, vợ chồng bà Xuân phải làm quần quật từ sáng tới tối mịt mới kiếm được 100.000 đồng. Có khi đang làm, nghe con gọi đòi đi vệ sinh, bà Xuân lại phải bỏ dở công việc rồi tất tưởi chạy về.

Thương con, sợ con ở nhà buồn, bà Xuân lặn lội tìm đến Trung tâm bảo trợ trẻ em ở Xuân Mai (Hà Nội) để xin cho Thành và Xuân vào đấy rèn luyện, hòa nhập với bạn bè. Nhưng khi nhìn thấy chị em Son, họ lắc đầu do ở đấy một nhân viên phải chăm sóc cho 15 người, nếu nhận Thành và Son thì đã chiếm mất hai nhân viên vì chị em Son không thể làm được những việc nhỏ nhất trong khi trung tâm còn rất nhiều trường hợp khác cần sự quan tâm, chăm sóc. Thế là, bà lủi thủi đi về, nửa buổi đi kiếm tiền, nửa buổi ở nhà với con.

Ngoài căn bệnh bại não bẩm sinh, Son còn bị chứng động kinh kèm u vú, viêm phổi, Thành thì bị hẹp thượng vị, xuất huyết dạ dày và thường xuyên nôn ra máu nên cả hai thường xuyên nhập viện. Có những khi, hai chị em nằm hai phòng bệnh khác nhau trong cùng một bệnh viện, bà Xuân cứ như con thoi chạy đi chạy lại để chăm sóc.

Căn nhà của gia đình bà Xuân. 

Ước mơ…

Bữa cơm trưa muộn giữa những ngày nắng nóng được dọn lên. Ba món ăn nhưng đều chung một màu trắng ảm đạm: Mấy miệng đậu phụ nguội ngắt, đậu phụ non giã làm canh ăn kèm với muối và mấy cọng dưa xanh ngắt.

Bà Xuân hết bón cho đứa này lại quay sang bón cho đứa kia. Bà nội lủi thủi ăn, cảm giác đưa cơm lên mà nghẹn ngào nuốt không nổi. Mấy năm trước, mẹ chồng bà Xuân còn có thể giúp bà chăm sóc cho hai chị em nhưng bây giờ tuổi già sức yếu, có khi bà bón cơm không chạm tới miệng cháu, cháu thì cố rướn người để ăn thế là cơm canh đổ, mấy bà cháu cứ thế ngồi khóc.

Một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên, đó là dù rơi nước mắt khi trò chuyện với chúng tôi song khi bón cho con ăn, bà Xuân vẫn tươi cười trêu đùa và động viên chị em Son ăn thật nhiều. Một nụ cười rất hiền, lạc quan, nụ cười của sự cam chịu.

Một vài nhà hảo tâm nghe đến hoàn cảnh của gia đình bà Xuân có ghé thăm để trao quà, tặng giấy và bút màu để hai chị em tập vẽ. Thành vẽ rất đẹp, còn Son thì tô màu rất khéo. Trong những bức tranh ấy, có một chàng hoàng tử và một nàng công chúa, có chị em Thúy Kiều - Thúy Vân và bà tiên, đó là những nhân vật thường xuất hiện trong những bức tranh của Thành. Phải chăng em đang ước sẽ có một phép màu nào đó, phải chăng cũng là “chị em gái - trái cau non” mà số phận nghiệt ngã bắt hai chị em phải gánh trên vai những bất hạnh và nếu như được là cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp, hai chị em có thể mơ tới một hạnh phúc lứa đôi?

Mọi sự hỗ trợ cho bà Trần Thị Xuân - mã số: LDS-15030 - xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 04.39232748/0983.971.279. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc ủng hộ từ thiện miễn phí tại Vietcombank. STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội; Hoặc liên hệ với bà Trần Thị Xuân ở xóm Đạc 9, cụm 5 (Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội).

Thùy Liên
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Cận Tết, người tiêu dùng "méo mặt" vì phí ship tăng cao

Nhóm PV |

Bận rộn với công việc, bạn Nguyễn Hồng Phúc tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa lên mạng đặt ship quà Tết về biếu bố mẹ. Ấy thế nhưng ngay khi vừa nghe bên cửa hàng báo phí ship, Phúc giật mình ngã ngửa bởi phí ship quá cao.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Sập cửa hàng tiện lợi ở TPHCM, nghi có người mắc kẹt bên trong

Chân Phúc |

TPHCM - Cửa hàng tiện lợi nằm trên đường Vĩnh Hội (quận 4) bất ngờ bị sập, hiện lực lượng chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp cứu nạn cứu hộ.

Sau 772 ngày, Messi và Ronaldo sẽ gặp nhau?

Văn An |

Trong chương cuối sự nghiệp, Messi và Ronaldo sẽ có cơ hội gặp nhau… 

Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu Tết nội, ngoại

Phương Trang |

Biếu quà Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ, biếu quà làm sao để không làm mất lòng ai,... luôn là nỗi niềm đau đáu của các gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.