PV: Trong điều kiện khó khăn vì đại dịch COVID-19 nhưng Thanh Hoá vẫn có những bước phát triển tốt, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là Thanh Hoá hiện nay có cơ sở, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội rất tốt. Nền tảng đó đã được tạo dựng qua nhiều thế hệ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Thứ hai là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, tất cả cùng lao vào công việc, đó là điều hết sức quan trọng. Tôi hết sức trân trọng sự nỗ lực cố gắng, kể cả doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua đã nỗ lực rất cao trong tổ chức sản xuất kinh doanh.
Thứ ba và là nguyên nhân quan trọng là sự quyết liệt sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, đưa ra những giải pháp sát đúng với bối cảnh thực tế, để tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, chỉ tiêu mà Tỉnh uỷ, HĐND đã quyết nghị.
Đó là 3 nguyên nhân rất quan trọng để Thanh Hoá có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 3,7%.
PV: Thanh Hoá đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 là 12,5%. Trước tình hình khó khăn hiện nay, mục tiêu đó có thay đổi?
- Mục tiêu tăng trưởng GRDP của Thanh Hoá năm 2020 tăng 12,5%, đến giờ phút này có thể khẳng định không thể thực hiện được vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là quá lớn, quá nặng nề.
Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đã bàn, có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hay không và quyết định không điều chỉnh mục tiêu này. Tuy nhiên, phải tập trung rất cao để chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện nhiệm vụ để làm sao đạt được mức cao nhất có thể. Nếu điều chỉnh mục tiêu sẽ nảy sinh rất nhiều hệ luỵ. Ví dụ hệ thống tính toán sẽ phải làm lại, các thủ tục hành chính phải thực hiện lại, phải đưa ra HĐND để quyết nghị lại vv...
Tôi nghĩ tất cả thời gian, công sức để làm việc đó thì tập trung cho các công việc để tạo ra tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên cần phải tính, phải có mức nào đó để phấn đấu chứ không phải không điều chỉnh mục tiêu thì thích làm thế nào thì làm, được đến đâu hay đến đấy, vẫn phải xác định ở một mức nào đó.
Chính vì vậy, chúng tôi đã xác định, phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm là phải 15,7% trở lên. Nếu được như vậy thì thay cho mục tiêu 12,5% sẽ đạt được mục tiêu 10,3%.
Nếu đạt được con số tăng trưởng 10,3% trong năm 2020 này thì tính chung cho cả nhiệm kỳ 5 năm Thanh Hoá đạt tốc độ tăng trưởng 12,1%, nghĩa là vượt Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII là 0,1%. Như thế cũng là tốt rồi.
PV: Để đạt được con số đó, 6 tháng cuối năm 2020, Thanh Hoá cần tập trung cụ thể những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 15,7%, chúng tôi xác định cần phải làm một số việc cụ thể sau.
Thứ nhất là phải giao rất cụ thể cho từng lĩnh vực trong tổng hệ thống tài khoản quốc gia mà kết cấu nên GRDP để tính toán cụ thể.
Thứ hai, rất quan trọng là phải tập trung cho đầu tư vì không có nguồn lực đầu tư thì chẳng có cách nào để tăng trưởng. Thanh Hoá có nguồn lực đầu tư được chuẩn bị tương đối tốt, nhất là việc xúc tiến đầu tư. Thanh Hoá vừa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút được 15 tỉ USD, đó là một con số rất ấn tượng.
Tuy nhiên, để biến kết quả thu hút đầu tư đó thành hiện thực thì cần phải nhiều bước. Trước hết phải phân loại ra, từng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì hiện trạng pháp lý của dự án thế nào, quyết tâm của nhà đầu tư đến đâu và trách nhiệm của chính quyền các cấp ra sao để các dự án nhanh chóng được triển khai ngay. Làm được điều này sẽ có ngay nguồn lực lớn góp vào tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Ngoài ra là các kênh đầu tư truyền thống, như đầu tư công, đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hút đầu tư FDI, trong nước... tất cả phải làm đồng bộ, quyết liệt.
Với tất cả những nguồn như vậy, quyết tâm để 6 tháng cuối năm huy động vốn cho đầu tư phát triển phải từ 94.200 tỉ đồng trở lên thì Thanh Hoá mới đạt chỉ tiêu huy động vốn cho đầu tư phát triển năm 2020 là 157.000 tỉ đồng. Có như vậy thì mục tiêu 10,3% mới đạt được.
Trận trọng cảm ơn ông!