Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ của 13 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp ngày 26.5, AFP đưa tin.
Trung Quốc và Nga bày tỏ sự ủng hộ một tuyên bố không ràng buộc hơn là một gói trừng phạt mới với Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho rằng, giải pháp chính trị nên được thúc đẩy trong vấn đề Triều Tiên. Ông cảnh báo, các lệnh trừng phạt sẽ có hậu quả nhân đạo với Triều Tiên - đất nước gần đây bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Các biện pháp trừng phạt bổ sung “sẽ không chỉ không giúp giải quyết vấn đề mà còn dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn và leo thang đối đầu”, nhà ngoại giao Trung Quốc nói.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia lưu ý, cần quan tâm tới những lời kêu gọi của Triều Tiên về việc ngừng “hoạt động thù địch” và tham gia đối thoại. Ông cho rằng, Mỹ và phương Tây “dường như không có phản ứng nào với các tình huống khủng hoảng ngoài việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới".
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo sẽ giảm lượng dầu mà Triều Tiên có thể nhập khẩu hợp pháp hàng năm cho các mục đích dân sự từ 4 triệu xuống 3 triệu thùng (từ 525.000 xuống 393.750 tấn).
Gói trừng phạt Triều Tiên mới nhất mà Mỹ đề xuất cũng sẽ cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ tinh chế từ 500.000 xuống còn 375.000 thùng.