Mở lối đi mới cho vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long

LỤC TÙNG |

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều loại cây ăn trái được xem như ngành hàng chiến lược quốc gia. Không chỉ vì ngon mà còn bởi có giá trị kinh tế cao, mỗi năm, mang về hàng tỉ USD. Thế nhưng, vài năm gần đây, nhà vườn nơi đây thường xuyên quay cuồng trong vòng xoáy ngày càng khắc nghiệt của điệp khúc trồng - chặt bởi nạn rớt giá, khó bán.

Ngang trái những mùa trái ngọt

Tôi nhìn nhà vườn khuân vác trái cây từng được người tiêu dùng thế giới đón nhận để đổ bỏ vì không có người mua mà nghĩ đến thân phận đầy ngang trái của trái cây vùng ĐBSCL: Giàu có về tiềm năng, danh tiếng, nhưng không chỉ khó vươn ra biển lớn mà còn dễ dàng thua ngay trên sân nhà.

Thu hoạch “trái rồng” cho bò, cá ăn

Trung tuần tháng 3, trở lại Tiền Giang, địa phương có diện tích trồng thanh long đứng hàng “á hậu” ĐBSCL. Dù đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần trước lúc lên đường để tiếp nhận những thông tin không vui về sự suy sụp của loài trái cây một thời được xem là rồng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ trước rừng khó khăn bủa vây lên nhà vườn.

Huyện Chợ Gao, “thủ phủ” cây thanh long của Tiền Giang vào thời điểm thu hoạch mùa thanh long trái vụ, nhưng không còn cảnh thương lái từ các nơi đổ về săn lùng. Trên  các ngả đường cũng vắng bặt tiếng í ới của đội khuân vác trái cây từ vườn ra những chuyến xe tấp nập ra vào, thay vào đó là cảnh nhà vườn đồng loạt chặt phá vườn thanh long để cắt giảm thua lỗ.

Đang cùng vợ thu dọn những thân thanh long vừa được phương tiện cơ giới bứng gốc, thấy có khách, ông Nguyễn Văn Tâm (xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo) lau vội mồ hôi chảy ướt cả mái tóc bạc trắng, tiếp chuyện. Và ông lão 71 tuổi đã khiến chúng tôi nhói lòng ngay từ câu nói đầu tiên: “Bán trái được 3 triệu đồng, nhưng tiền thuê xe cơ giới vào nhổ và công gom trụ đá hết 9 triệu đồng rồi”. Không đủ tiền thuê nữa, nên dù tuổi cao, nhưng vợ chồng ông Tâm đành tự tay thu dọn vườn để sớm xuống giống cây bắp với hy vọng sớm có thu nhập ổn định cuộc sống.

Quanh nhà ông Tâm, nhiều hộ cũng đang chặt phá vườn thanh long. Một số hộ chưa kịp thuê phương tiện chặt dọn thì tranh thủ tỉa bớt nhánh để giảm bớt chi phí chăm sóc. Với vẻ am tường của người chủ cơ sở cung ứng phân, thuốc cho người trồng thanh long và cũng là người có thâm niên trong nghề, ông Trần Văn Lập (xã Tân Thuận Bình), thở dài: “Hiện có khoảng 30% bà con chặt bỏ cây thanh long và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”. Một hình ảnh hoàn toàn khác biệt với thời hoàng kim cách đây không xa. “Giá thanh long lên đến 60-70.000 đồng/kg, người ta nâng niu trái như nâng trứng... Căn nhà 3 tầng đang ngồi đây cũng từ thanh long mà có - ông Lập chia sẻ - Tất cả do giá thanh long tuột dốc không phanh”.

Vừa thu hoạch xong vườn thanh long gần nhà với hơn 2.000 gốc, ông Lập cho biết lỗ trắng hơn 50 triệu đồng. Do "điều khiển" cây ra trái mùa nghịch nên ngoài chi phí phân bón cao hơn bình thường, còn phải mắc bóng điện “xông đèn” ban đêm để kích thích cây ra bông, đậu trái...nên giá thành trái thanh long lên đến 12.000đ/kg. Trong khi đó, giá thu mua của thương lái lại ở mức thấp nhất trong lịch sử gần 20 năm cây thanh long đứng chân trên đất Tiền Giang. “Thương lái lựa thanh long như chấm thi hoa hậu. Thanh long ruột đỏ, trái to, da láng, màu đẹp tương đương với chuẩn xuất khẩu, nhưng chỉ được mua với giá 2.000 - 3.000đ/kg. Loại đạt chuẩn kế tiếp với giá 1.000đ/kg. Phần còn lại, thương lái không mua - ông Lập bức xúc - Toàn bộ tiền bán trái cũng chỉ đủ thuê lao động hái trái còn lại trong vườn mang đi bỏ”.

Do "điều khiển" cho trái mùa nghịch nên đa số các vườn thanh long chỉ có khoảng 50% cho trái đẹp loại 1 và loại 2; 50% còn lại, nhà vườn phải bỏ tiền thuê nhân công thu hoạch rồi vác ra tận mé đường cho mọi người dễ dàng đến mang về cho bò, cho cá ăn. Bởi ở cái xứ ra ngõ là gặp thanh long, không thể bán cho người trong làng...

Ngẫu nhiên ghé vào đống thanh long đổ ven đường gần nhà ông Lập, chờ người chở về cho bò ăn, chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra chất lượng không hề thua loại bán lề đường với giá 3.000đ/kg. Đây cũng là tình cảnh chung của gần 65.000ha thanh long cả nước. Trước đó, vào cuối tháng 2, tại hội nghị về Tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ NNPTNT tổ chức tại Bình Thuận, cho thấy giá thu mua thanh long tại các vùng trọng điểm như: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đang giảm sâu: thanh long ruột trắng 2- 3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3- 5.000 đồng/kg.

Mặn chát mùa trái ngọt

Đi giữa vùng trái cây ĐBSCL mùa đơm trái bây giờ dễ dàng bắt gặp câu chào hỏi nhói lòng, thu hoạch chưa, lỗ bao nhiêu thay cho những lời ngọt ngào cách đó không lâu, vụ này lời mấy trăm? Mấy trăm ở đây là mấy trăm triệu đồng. Bởi không chỉ ám lên cây thanh long, nạn “giá thấp - khó bán” còn đeo bám lên nhiều loại cây ăn trái khác.

Theo lời chỉ dẫn của chuyên gia kinh tế ĐH Cần Thơ, cứ nhìn vào lề các tuyến đường chính là biết ngay loại trái cây nào đang tuột giá, tôi rảo vòng các tuyến nội ô đô thị và khu công nghiệp các địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... và dễ dàng nhận ra những chiếc xe đẩy, những đống trái cây đổ xá bên đường được bày bán với mức giá rất thấp. Trong đó có những loại trái từng được mệnh danh là hái ra tiền. Không chỉ có thanh long mà ngay cả dưa hấu, xoài Đài Loan... cũng chung mức giá bán lẻ là 5.000đ/kg. Giá nhiều loại ổi, mít, đu đủ... được bán lẻ tại nhiều nơi cũng ở mức khá thấp, chỉ từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lại. Tuy nhiên, đây là giá sau khi cộng thêm nhiều chi phí trung gian so với mua tại vườn.

Ông Nguyễn Văn Nhật, xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang), cho biết: “Hiện giá xoài Ðài Loan đang ở mức bán như cho”. Do đây là giống xoài chuyên ăn sống nên các chủ vườn không có nhiều cơ hội “cò kè bớt một thêm hai”, thậm chí bán nhanh bằng mọi giá vì nếu trái chín xem như bỏ. Vì thế, ngoại trừ số lượng nhỏ trái đạt chuẩn xuất khẩu, thương lái thu mua xô tại vườn dao động khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng nhà vườn không còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh “ra ngõ là gặp xoài”... Thậm chí có thời điểm, thương lái từ chối mua xoài Đài Loan.

Thật ra, đây không phải lần đầu trái xoài nói riêng, trái cây vùng ĐBSCL nói chung lâm cảnh “rớt giá khó bán”. Bởi trước đó vào năm 2020, Lao Động từng ghi nhận: “Xoài giá rẻ như cho, nhà vườn hái cho cá, ốc ăn” phản ánh giá xoài rớt đến... thủng cả chiếc đáy giá khi xoài cát Chu được thương lái mua 3.500đ/kg, xoài cát Hòa Lộc 15.000đ/kg, nhưng chỉ lựa xoài loại 1; xoài loại 2 không mua. Với mức giá này, mỗi công (1.000m2) nhà vườn thua lỗ 6 triệu đồng. Thậm chí, nhiều người khó bán được đã hái xoài cho cá, ốc ăn...

Không loại trừ ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng bên cạnh yếu tố “thiên tai”, còn có yếu tố do chính “nhân tai”. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều khả năng, trái cây chủ lực ĐBSCL sẽ còn tiếp tục gặp khó vượt khỏi chu kỳ rớt giá theo quy luật do nạn “dội chợ” ở thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc.

ThS Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp) - chia sẻ: “Bên cạnh việc tăng tốc trồng cây thanh long ngay tại chỗ, Trung Quốc đang thuê đất tại Lào để tiếp tục mở rộng thêm diện tích”. Cụ thể diện tích thanh long của Trung Quốc đạt khoảng 53.000ha, ước sản lượng ước đạt 1,6 triệu tấn. Ngoài ra, Trung Quốc đang dồn sức mở rộng diện tích cây sầu riêng. Hiện, bên cạnh diện tích 2.000ha ở đảo Hải Nam, Trung Quốc còn trực tiếp đầu tư 5.000ha sầu riêng tại Lào. Đặc biệt là trái xoài, bên cạnh khoảng 60.000ha tại đảo Hải Nam thu hoạch rộ vào tháng 3 đến tháng 5 hằng năm với ước sản lượng 800.000 tấn, Trung Quốc còn tăng cường hàng rào “bảo hộ” ngành hàng nội địa, để “hạn chế” trái cây của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thời điểm xoài chính vụ ở ĐBSCL vào mùa thu hoạch rộ. Điều này như gánh nặng oằn vai cho nhà vườn khi giá nhiều loại vật tư đầu vào như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu tăng với tốc độ “dựng đứng”.

Chở củi đốt rừng

Trái cây ĐBSCL cũng còn tự thua ngay trên sân nhà, bởi nguyên nhân: Giữa lúc các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội vào cuộc “giải cứu” nhiều loại trái cây trong nước, thì các nhà nhập khẩu lại ồ ạt nhập trái cây cùng loại ở nước ngoài vào thị trường nội địa. Theo ThS Nguyễn Phước Tuyên, số liệu từ ngành Hải quan cho thấy, trong lúc nhiều loại trái cây trong nước sụt giảm mạnh đến mức nhà vườn bán rẻ như cho vẫn không có người thu mua, thì các nhà nhập khẩu lại ùn ùn rước trái cây cùng loại của nhiều quốc gia như: Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc... vào.

Theo Hải quan Thái Lan, năm 2021, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu trên 9.000 tấn trái cây của quốc gia này với kim ngạch lên đến 15,04 triệu USD. Cụ thể, mỗi tháng nhập khẩu hơn 1.800 tấn sầu riêng, gần 3.500 tấn nhãn... Đặc biệt là mít Thái, gần 1.500 tấn trái/tháng và chiếm gần 50% tổng lượng mít xuất khẩu cả năm của Thái Lan.

“Thoạt nghe, điều này có vẻ bình thường của thời hội nhập toàn cầu... Nhưng nếu soi rọi trong bối cảnh hàng triệu nhà vườn đang rớt nước mắt vì giá  trái cây rớt thủng đáy thì điều này không chỉ “bít đường lui” của cây trái nội khi gặp khó trên đường vươn ra thị trường thế giới, mà còn được xem như hành động “chở củi đốt rừng”- lời của ThS Tuyên.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch

Minh Ánh |

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trong năm qua, kinh tế ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Mỹ tài trợ 2,9 triệu USD bảo tồn môi trường đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Vân |

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các đối tác khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống ven biển đồng bằng sông Cửu Long trị giá 2,9 triệu USD.

Thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long

Vũ Long |

Từ nay đến hết tháng 5.2021, nhiều khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch

Minh Ánh |

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trong năm qua, kinh tế ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Mỹ tài trợ 2,9 triệu USD bảo tồn môi trường đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Vân |

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các đối tác khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống ven biển đồng bằng sông Cửu Long trị giá 2,9 triệu USD.

Thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long

Vũ Long |

Từ nay đến hết tháng 5.2021, nhiều khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng.