Theo Daily Mail, Amenhotep I là vị pharaoh thứ hai của Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Ông được cho là đã qua đời vào khoảng năm 1506-1504 trước Công nguyên và được bảo quản cẩn thận tại thời điểm đó.
Không giống tất cả các xác ướp hoàng gia khác được khai quật trong thế kỷ 19 và 20, xác ướp của Amenhotep I chưa bao giờ được các nhà Ai Cập học hiện đại tháo bọc. Không phải vì họ sợ lời nguyền, mà vì mẫu vật được bảo quản quá đẹp.
Một nhóm chuyên gia đã chụp CT để tạo ra các bản tái tạo 3D của người đàn ông bên dưới lớp băng. Họ phát hiện vị pharaoh khoảng 35 tuổi khi qua đời, cao xấp xỉ 169cm, đã cắt bao quy đầu và có hàm răng đều tăm tắp.
Tuy nhiên, xác ướp của Amenhotep I không phải là chưa từng được tháo băng. Các linh mục Vương triều thứ 21 vào thế kỷ 11 trước Công nguyên từng mở xác ướp của ông ra để phục hồi và cải táng. Họ đã cải táng ông tại Deir el-Bahari ở miền Nam Ai Cập - nơi ông được phát hiện cùng với một số xác ướp hoàng gia khác vào năm 1881.
Tác giả nghiên cứu Sahar Saleem từ Đại học Cairo và Dự án Xác ướp Ai Cập cho hay, thực tế là việc xác ướp của Amenhotep I chưa từng bị tháo bọc trong thời hiện đại đã trao cho chúng tôi cơ hội duy nhất, để nghiên cứu không chỉ cách thức ông ấy được ướp xác và chôn cất ban đầu, mà còn cách ông đã được các thầy tế lễ tối cao đối xử và cải táng lần hai nhiều thế kỷ sau khi qua đời.
Giáo sư Sleem tiết lộ, Amenhotep I đeo 30 chiếc bùa hộ mệnh và một chiếc đai độc đáo đính các hạt vàng. Với cằm hẹp, mũi nhỏ gọn, tóc xoăn và hàm răng trên hô nhẹ, vị pharaoh có ngoại hình khá giống bố. Những người ướp xác lần đầu đã loại bỏ ruột của ông, trừ não và tim.
"Chúng tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ vết thương hoặc biến dạng nào do bệnh tật để tìm ra nguyên nhân cái chết, ngoại trừ những vết cắt do những kẻ trộm mộ ở lần chôn cất đầu tiên để lại", Sleem nói.
Các ghi chép dưới dạng chữ viết tượng hình chỉ ra rằng, trong Vương triều thứ 21, các linh mục thường khôi phục và cải táng các xác ướp từ các triều đại trước đó để sửa chữa những thiệt hại mà những kẻ trộm mộ gây ra cho họ.
Theo các nhà nghiên cứu, hình ảnh CT có thể được sử dụng trong các nghiên cứu nhân chủng học và khảo cổ học về xác ướp, bao gồm cả những xác ướp từ các nền văn minh khác, ví dụ như Peru.
Các phát hiện đầy đủ của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Medicine.