Thảm kịch mở lại cuộc tranh luận về vấn đề di cư
Con thuyền bị chìm gần Steccato di Cutro, bờ biển phía đông của Calabria, Italia ngày 26.2. Chiếc thuyền khởi hành từ cảng Izmir phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4 ngày trước đó và được máy bay do cơ quan biên giới của EU Frontex điều hành phát hiện cách bờ biển Italia khoảng 74km vào cuối ngày 25.2.
Theo Reuters, vụ việc khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề di cư ở Châu Âu và Italia. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho hay: “Chính phủ cam kết ngăn chặn các cuộc xuất phát đã dẫn tới những thảm kịch này. Chính phủ sẽ tiếp tục làm như vậy, trước hết bằng cách kêu gọi hợp tác tối đa từ các quốc gia xuất phát và xuất xứ”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ, những người di cư thiệt mạng là "thảm kịch" khiến bà "vô cùng đau buồn". “Chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực với Hiệp ước EU về Di cư và Tị nạn cũng như Kế hoạch Hành động ở Trung Địa Trung Hải" - bà nói.
Một bản tin khác của Reuters lưu ý, vụ việc đã thu hút sự chú ý đến hành trình đầy nguy hiểm của hàng nghìn người vượt Địa Trung Hải đến Italia.
Dữ liệu của Bộ Nội vụ Italia cho thấy, 13.067 người di cư bằng thuyền đã đến Italia trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 đến ngày 23.2.2023 so với 5.273 người trong khoảng thời gian tương ứng của năm 2022 và 4.156 của năm 2021.
Năm 2022, có 105.129 người di cư đến Italia, tăng từ 67.477 người vào năm 2021 và 34.154 người vào năm 2020. Số lượng người di cư đến Italia đạt kỷ lục trong 1 năm là 181.436 người vào năm 2016.
Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thông tin năm 2022, có 51% số người di cư vượt biển đến Italia khởi hành từ Libya, 31% từ Tunisia và 15% từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phần nhỏ còn lại từ Lebanon, Algeria và Syria.
Con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới
Dự án Người di cư mất tích của Liên Hợp Quốc ghi nhận hơn 17.000 trường hợp tử vong và mất tích ở trung tâm Địa Trung Hải kể từ năm 2014 - khiến nơi đây là con đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Hơn 220 người đã chết hoặc mất tích trong năm nay, theo ước tính của dự án này.
Năm 2017, chính phủ Italia khi đó đã ký thỏa thuận với chính quyền Libya nhằm chống lại nạn di cư bất hợp pháp, nạn buôn người và tăng cường an ninh biên giới. Do đó, số lượng người đến Italia đã giảm mạnh. Lượng người di cư đến Italia ở mức thấp trong những năm tiếp theo, một phần là do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, người di cư bắt đầu tăng trở lại và chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã tuyên bố sẽ giảm dòng người di cư một lần nữa. Một trong những hành động đầu tiên của chính phủ của bà Meloni là đề ra luật với các tàu cứu hộ từ thiện, trong đó quy định phương tiện này phục vụ như dịch vụ taxi trên thực tế cho người di cư và tìm cách hạn chế thời gian các tàu cứu hộ có thể duy trì trên biển. Chính phủ cũng buộc các tàu cứu hộ phải cập cảng tại các cảng xa xôi làm tăng thêm thời gian và chi phí cho nhiệm vụ của những tàu này.
Thủ tướng Italia Meloni cũng đã hối thúc EU ký thỏa thuận với Libya như thỏa thuận đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Theo đó, Brussels trả tiền để Ankara tiếp nhận những người tị nạn và ngăn họ đi tới Châu Âu. Thỏa thuận như vậy chưa đạt được. Trong khi chờ đợi, bà Meloni và các bộ trưởng trong nội các đã đến thăm Libya, Tunisia, Algeria và Ai Cập để tìm kiếm một loạt thỏa thuận trong đó có vấn đề di cư.